Định kiến giới đã là câu chuyện xưa như trái đất. Từ lúc chúng ta dần có cảm giác về thế giới xung quanh (à đôi khi trước cả khi chúng ta có cảm giác) những người lớn đã nhắc nhở và uốn nắn chúng ta đâu là sự khác biệt giữa nam và nữ. Sự khác biệt này từ một dạng thức của phân biệt giới tính sinh học - tức cái gì giữa hai chân, thành phân biệt dựa trên toàn bộ sự hiện diện của con người - tức toàn thể những gì cấu thành một con người hoàn chỉnh gắn với một giới tính nhất định.

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

“Một người không sinh ra là phụ nữ, họ được nuôi dạy để trở thành như thế" (One is not born, but rather becomes, a woman)
― Simone de Beauvoir, The Second Sex

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Lịch sử của những phong trào đấu tranh cho quyền của phụ nữ, cũng như tiến bộ về bình đẳng giới đã cố gắng chứng minh không có sự khác biệt về trí tuệ, thái độ, năng lực, khả năng… giữa hai giới tính này. Tuy nhiên, sự tranh đấu đã vấp phải một nghi ngờ lớn từ những người tin rằng sự khác biệt giữa hai giới tính luôn tồn tại, và ở đây, là sự khác biệt về thần kinh.

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Vậy liệu rằng, dưới sự tiếp cận của neurosexism (phân biệt giới tính dựa trên khoa học thần kinh), sự phân biệt giữa bộ não nam - bộ não nữ này đã được hiểu như thế nào? Từ sự hiểu này, chúng ta đứng trước một nguy cơ của phân biệt giới, định kiến giới đi xa hơn sự phân biệt dựa trên quy chất luận về sinh học như thế nào?

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Mô hình bánh gừng giới (The Genderbread Person)

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Trước nhất, chúng ta cần phân biệt được giữa giới (gender) và giới tính (sex). Khi giới tính chỉ sự khác biệt về thể chất giữa những người là nam, nữ hoặc liên giới tính (intersex). Một người thường được chỉ định giới tính khi sinh dựa trên các đặc điểm sinh lý, bao gồm cơ quan sinh dục và thành phần nhiễm sắc thể của họ. Giới tính được chỉ định này được gọi là “giới tính khi sinh” của một người. Trong khi đó giới (gender) lại là cách thức một cá nhân nhận thức về sự hiện hữu của bản thân và do đó có những thể hiện ra bên ngoài về giới tính họ đang có. Sự thể hiện giới này do đó không hề có quy chuẩn phải là A hay B, mà tuỳ vào mức độ cảm giác hay khái niệm của mỗi người về giới tính mà chúng ta có A', B' hay B'’.

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Điều này cũng chẳng khác lắm về định nghĩa của chúng ta về một bộ quần áo đẹp. Do đó, giới không được tạo thành từ các dạng nhị phân, là nam hoặc là nữ. Giới là một phổ rộng có thể dịch chuyển. Một người có thể xác định bất kỳ điểm nào trong phạm vi này hoặc hoàn toàn bên ngoài nó. Giới cũng tồn tại như những cấu trúc xã hội - như “vai trò” hoặc “chuẩn mực” của giới. Đây được định nghĩa là những vai trò, hành vi và thuộc tính được xã hội kiến tạo và xã hội hoá các cá nhân trong xã hội theo mô hình giới mà xã hội cho là phù hợp với nam hay nữ.

Có thể hiểu ngắn gọn về mô hình bánh gừng giới như sau:

  • Giới (gender) nằm giữa hai tai: là sự khác biệt về tư tưởng. Việc ta tư duy như nam hay nữ,... sẽ quyết định giới của chúng ta.
  • Giới tính (sex) nằm giữa hai chân: là sự khác biệt về mặt sinh học dựa trên những đặc điểm cơ thể (nam, nữ, liên giới tính). Nam hay nữ không phân biệt bằng vẻ bề ngoài mà được phân biệt vào các đặc điểm sinh học như nhiễm sắc thể, cơ quan sinh dục, hooc môn, v.v...
  • Xu hướng tính dục (Sexual orienta) nằm ở trong trái tim: là việc ta cảm thấy hấp dẫn tình dục với ai (nam yêu nam, nữ yêu nữ, song tính, vô tính,...).
  • Thể hiện giới (gender expression) là cách chúng ta thể hiện mình với xã hội: cách chúng ta giao tiếp, cư xử, ăn mặc. Tóc dài hay tóc ngắn, ăn mặc như thế nào, trang điểm ra sao,...

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Tất cả những điều này đều có thể thay đổi. Thay đổi nhận thức của mình về xu hướng tính dục của mình theo thời gian khi có những tác động giúp "mở khóa" bộ não. Một người nữ dị tính có thể nhận ra mình song tính hoặc đồng tính sau này. Một người sẽ được gọi là

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Người chuyển giới (transgender)

khi họ xác nhận giới tính của họ khác giới tính sinh học. Khi họ can thiệp bằng phẫu thuật để thay đổi giới tính sinh học, họ được gọi là

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Người chuyển giới tính (transsexual)

Tuy nhiên, do tính chất nhạy cảm của cụm từ này nên hiện nay chúng ta sử dụng

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Người chuyển giới (transgender)

để nói về cả hai trường hợp.

Neurosexism: sự phân biệt giới tính dựa trên cấu trúc của bộ não

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Nghiên cứu của Ingalhalikar et al.

Năm 2014, một nghiên cứu tập trung tìm kiếm sự khác biệt giữa bộ não của nam và nữ đã công bố kết quả dựa với số mẫu dân số “rất lớn” gồm 949 thanh niên (8–22 tuổi, 428 nam và 521 nữ) bằng cách sử dụng kết nối cấu trúc dựa trên sự khuếch tán của não, xác định những khác biệt mới về giới tính. Một kỹ thuật quét não đặc biệt được gọi là hình ảnh căng thẳng khuếch tán, có thể đo dòng chảy của nước dọc theo đường thần kinh, thiết lập mức độ kết nối giữa gần 100 vùng của não, tạo ra một bản đồ thần kinh của não được gọi là “điểm kết nối” (connectome). Kết quả cho thấy, ở não bộ của nam, các điểm kết nối được liên kết theo chiều dọc từ đằng trước tới đằng sau não, nằm nội trong bán cầu não trái hoặc bán cầu não phải. Trong khi đó ở nữ giới, kết nối này lại liên kết giữa các bán cầu. Điều này dẫn tới kết luận rằng:

  • Nam giới có khả năng thực hiện các hoạt động có sự phối hợp tác vụ lớn, hoạt động tốt hơn về xử lý không gian (như đọc bản đồ), vận động và cảm giác tốc độ, vận tốc.
  • Nữ giới có khả năng chú ý, trí nhớ từ và khuôn mặt cũng như các bài kiểm tra nhận thức xã hội. (Trí thông minh xúc cảm)


⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Một loạt các bài báo từ các tờ báo lớn đã trích dẫn nghiên cứu này và đào sâu vào điểm khác biệt giữa não bộ của nam và nữ đã dẫn đến lý do, có những tác vụ chỉ phù hợp với nam hoặc với nữ.

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

“Bởi vì các mối liên hệ của phụ nữ liên kết bán cầu não trái, liên kết với tư duy logic, với bên phải, liên kết với trực giác, điều này có thể giúp giải thích tại sao phụ nữ có xu hướng làm tốt hơn nam giới trong các nhiệm vụ trực giác. Trực giác là suy nghĩ mà không cần suy nghĩ. Đó là thứ mà người ta gọi là giác quan thứ 6. Phụ nữ có xu hướng giỏi hơn nam giới ở những kỹ năng liên quan đến việc trở thành người mẹ tốt,...Phần duy nhất của não có khả năng kết nối phải-trái ở nam giới nhiều hơn so với nữ giới là ở tiểu não, một phần não cổ tiến hóa có liên quan đến khả năng kiểm soát vận động.” - (The hardwired difference between male and female brains could explain. (2013). Retrieved 15 September 2021, from https://www.independent.co.uk/life-style/the-hardwired-difference-between-male-and-female-brains-could-explain-why-men-are-better-at-map-reading-8978248.html)

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Nhưng có một điểm đã bị tất cả mọi người phớt lờ đi trong nghiên cứu này: sự khác biệt về não bộ giữa hai giới chỉ trở nên rõ ràng sau tuổi vị thành niên. Quan trọng nhất, bộ não có tính dẻo (neuroplasticity). Tính dẻo ám chỉ khả năng thay đổi và thích ứng của não, là kết quả của quá trình phát triển, thực hành lối sống và tư duy. Não bộ có thể thay đổi cả về kết nối (tần số giữa hai bộ não) và cấu trúc tùy theo thói quen, cách giao tiếp,... Chính sự tương tác và thực hành trong đời thực sẽ tạo ra những điểm kết nối giữa các phần của não bộ.

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Điều này cùng với thực tế, bộ não của nam giới và nữ giới khi vừa sinh ra hầu như không có sự khác biệt, và chỉ dần dần hình thành sự khác biệt giữa mô hình kết nối ở tuổi thành niên, đã chứng minh bộ não không đương nhiên khác nhau. Chúng ta không sinh ra với một “bộ não nam", hay “bộ não nữ" mà được rèn luyện để trở nên như thế. Chính sự quan niệm về khác biệt giới tồn tại trong xã hội đã cấu thành các môi trường giáo dục khiến trẻ em nam và trẻ em nữ dần xuất hiện các điểm kết nối dọc, hay liên bán cầu. Bộ não không hề có giới tính. Cách chúng ta sống và tư duy mới là yếu tố tác động trực tiếp tới tiềm năng của chúng ta.

⠀⠀⠀⠀⠀

We were not born that way, we learn that way. "Neurons that fire together, wire together" - Donald Hebb

⠀⠀⠀⠀

Điều gì ẩn sau niềm tin về bộ não có giới tính?

Khi chúng ta luôn tin rằng, có sự khác biệt chắc chắn giữa hai giới một cách tự nhiên, đồng nghĩa chúng ta sẽ bác bỏ những thể hiện giới và hành động bị cho là “trái với tự nhiên". Sự khẳng định niềm tin có một dạng khác biệt không do tôi kì thị, mà do não của nam hay của nữ là như thế, không khác đi được mang lại những định kiến ngầm ẩn sâu khó phá vỡ.

⠀⠀⠀⠀⠀

Khi ta cho rằng bộ não có giới tính, hậu quả sẽ tác động mạnh mẽ tới cả hai giới. Định kiến này được thể hiện tương đối rõ nét trong các quảng cáo rập khuôn trên truyền hình Việt Nam hiện nay: người nữ ở nhà nấu ăn và chăm con, người nam đi làm và gây dựng sự nghiệp; phụ nữ thì sẽ khóc và đàn ông thì vô lo v.v… Hay công cụ tìm kiếm của Google cũng đang phản ánh suy nghĩ thật sự của chúng ta về thế giới. Trong hầu hết các trường hợp, Google thể hiện rõ định kiến trong xã hội: phụ nữ thì đẹp, đàn ông thì giỏi lãnh đạo, người già thì không đẹp.

⠀⠀⠀⠀⠀

Neurosexism coi nhẹ khả năng đổi thay và kiềm chế tiềm năng của cả nam và nữ. Có ý kiến cho rằng: "Phụ nữ có bộ óc khác nam giới, thế mạnh này khiến họ đảm đương tốt các vị trí về đàm phán, giao tiếp, quản lý và nhân sự,..." Trên thực tế, cả nam và nữ đều có khả năng đảm đương các vị trí về đàm phán, giao tiếp, quản lý và nhân sự và những cơ hội này hoàn toàn bình đẳng cho cả nam và nữ.

⠀⠀⠀⠀⠀

Một hậu quả khác thường gặp trong công việc là vấn đề nghỉ thai sản: ở rất nhiều nước, chính sách này chỉ áp dụng cho nữ giới. Người ta cho rằng, nữ giới mới là người có trách nhiệm chăm con, và có não bộ được thiết kế với đầy đủ tình thương và khả năng để chăm sóc một đứa trẻ và vì vậy mới cần được nghỉ việc trong thời gian đó. Trên thực tế, đứa con cần cả bố và mẹ. Hiện nay, đã có nhiều nước áp dụng chính sách này cho người bố, thậm chí có nước còn cho nghỉ tương đối dài.

Sự phân biệt giới tính dựa trên não bộ này cũng dẫn tới vấn đề về tính nam độc hại (toxic masculinity): những chuẩn mực về tính cách và thể hiện giới được gán cho nam giới, họ được kỳ vọng phải luôn mạnh mẽ, thích thể thao, quyết đoán, không tỉ mỉ. Điều này cũng dẫn tới việc nam giới có xu hướng bị đóng khung trong một chiếc lồng vô hình, với áp lực phải thể hiện đủ tính nam mà xã hội kì vọng, dẫn tới việc dễ bị tổn thương hơn khi không có cơ chế chia sẻ cảm xúc, thể hiện cảm xúc, khiến nguy cơ gặp bệnh tim cao hơn, và tỉ lệ tự sát cao.


Chúng ta cần làm gì?

Các tầng bậc định kiến của con người thường được thể hiện rất rõ ràng qua công cụ Google Search, bao gồm cả định kiến giới. Đôi khi, não bộ của chúng ta đã quá quen với một hình ảnh và từ chối tìm kiếm những hình ảnh khác có khả năng thể hiện cho ý niệm đó. Chính điều này cũng dần khắc sâu sự định kiến trong xã hội. Tuy nhiên, nếu ta chủ động hiểu những phẩm chất, khao khát, mong muốn, năng lực của chính bản thân mình, chúng ta có thể lựa chọn hình ảnh khác với những gì AI của Google gợi ý cho ta. Xa hơn nữa, chúng ta có thể đạt được những tình huống sống không bị ràng buộc bởi điều nằm giữa hai chân.

⠀⠀⠀⠀⠀

“The body is not a thing, it is a situation: it is our grasp on the world and our sketch of our project” ― Simone de Beauvoir, The Second Sex

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

⠀⠀⠀⠀⠀

⠀⠀⠀⠀⠀

Học viên Bùi Mình Hiếu - Trường học Phát triển Việt Nam