Với 2,34 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, Instagram là một trong những nền tảng chiến lược mà nhiều thương hiệu sử dụng để thu hút người dùng và quảng cáo sản phẩm. 


Thế nhưng giữa cơn sốt thương mại điện tử hiện nay, đâu là phương pháp tối ưu nhất để thương hiệu gia tăng doanh số trên Instagram? Cùng khám phá chi tiết trong bài viết sau!


1. Mở cửa hàng trên Instagram (Instagram Shop)


Nếu thương hiệu kinh doanh những mặt hàng Physical Product như quần áo, giày dép, TV,... việc thiết lập cửa hàng Instagram là bước đầu tiên để bán hàng trên nền tảng. 


Trước hết, thương hiệu cần đảm bảo tài khoản Instagram của họ đủ điều kiện sử dụng các công cụ Thương mại của Meta (Meta's Commerce Tools). Theo đó, thương hiệu phải đáp ứng những điều khoản dịch vụ, điều khoản thương mại, tiêu chuẩn cộng đồng,... của Facebook. Thương hiệu cũng cần phải hoạt động trong số các thị trường mà Instagram hỗ trợ tính năng mua sắm. Một số khu vực mà nền tảng hỗ trợ có thể kể đến như Bắc Mỹ (Canada, Mỹ), Mỹ Latinh (Argentina, Brazil, Colombia,...), Châu Âu - Trung Đông và châu Phi (Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Đan Mạch,...). Tại Châu Á, Instagram hỗ trợ một số quốc gia như Úc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan,...



Nếu đã đáp ứng được các quy định nêu trên, thương hiệu có thể đăng nhập vào Instagram và tiến hành thiết lập cửa hàng. Marketer sẽ truy cập vào phần Cài đặt, chọn “Doanh nghiệp hay Nhà sáng tạo" (Business or Creator), chạm vào phần “Thiết lập cửa hàng” rồi nhấn Bắt đầu. 


Tiếp theo, thương hiệu cần lựa chọn danh mục sản phẩm mà họ cung cấp trên cửa hàng. Các danh mục mà Instagram hỗ trợ trên nền tảng là Thương mại Điện tử, Du lịch, Bất động sản, Giải trí và Ô tô. 



Bên cạnh đó, marketer cũng có thể chọn lựa đối tác kinh doanh như Shopify, BigCommerce, Magento,... Như vậy, nền tảng sẽ tự động nhập các mặt hàng và số lượng tồn kho của thương hiệu. Nếu chọn tải sản phẩm lên theo cách thủ công thì đây là thông tin sản phẩm mà marketer cần đưa vào:

- (Các) hình ảnh có độ phân giải 500 x 500 pixel

- Mô tả Sản phẩm

- Một liên kết đến trang đích sản phẩm của bạn

- Giá cả


Trên màn hình hiển thị tiếp theo, hãy nhập URL nơi doanh nghiệp bán sản phẩm và xác minh quyền sở hữu trang web. Tiếp đó, thương hiệu có thể chọn phương thức thanh toán cho cửa hàng. Với Checkout in App, marketer sẽ cho phép khách hàng mua hàng trực tiếp trên Instagram. Ngoài ra, marketer cũng có thể hướng dẫn khách hàng thanh toán trên trang web Thương mại điện tử của mình.


Nền tảng cần tối thiểu 24 đến 48 tiếng xác minh tài khoản và phê duyệt yêu cầu của doanh nghiệp. Sau khi cửa hàng được phê duyệt, tài khoản của thương hiệu sẽ có mặt trên giao diện cửa hàng Instagram. Lúc này, marketer có thể đăng tải các mặt hàng cần bán. Thậm chí, thương hiệu còn có thể ra mắt các sản phẩm phiên bản giới hạn trên Instagram Shop. Bằng cách sử dụng tính năng Drops, những khách hàng theo dõi tài khoản của thương hiệu có thể nhìn thấy sản phẩm limited ở ngay đầu tab mua sắm.



2. Đăng tải bài đăng và Reels


Với nhiều định dạng nội dung khác nhau trên Instagram, marketer có đa dạng cách thức để quảng bá sản phẩm. Dù đã thiết lập cửa hàng hay chưa, marketer vẫn có thể tạo ra các bài đăng hoặc Reels để quảng cáo và giới thiệu những đặc điểm riêng biệt của sản phẩm đến đông đảo người dùng. 


Đơn cử như với các bài đăng trên Instagram của Calvin Klein, thương hiệu đã đăng tải hình ảnh các sản phẩm và gắn thẻ chúng. Khi người dùng muốn tìm hiểu về sản phẩm, họ có thể nhấn vào phần “View Shop” để khám phá sản phẩm.



Bên cạnh đó, thương hiệu cũng có thể thúc đẩy doanh số bán hàng bằng cách chia sẻ các mã khuyến mãi để khách hàng sử dụng khi mua hàng trên trang web, tạo cảm giác cấp bách về các ưu đãi trong thời gian giới hạn hoặc số lượng có hạn thậm chí cung cấp quà tặng miễn phí để khuyến khích khách hàng mới thực hiện giao dịch mua hàng đầu tiên. 


Tuy nhiên, thương hiệu cần lưu ý rằng không nhất thiết bài viết nào đăng tải lên cũng phải chú trọng việc bán hàng. Trên thực tế, marketer nên lưu ý xen kẽ nội dung bán hàng với các bài đăng cung cấp thông tin hoặc giải trí cho người dùng. Điển hình như thay vì quảng cáo bán hàng, hãy tạo ra các nội dung giới thiệu tính năng và lợi ích của sản phẩm, các hướng dẫn nhỏ giúp sử dụng sản phẩm hiệu quả, hay đơn giản chỉ là chia sẻ lý do đội ngũ thương hiệu đam mê công việc này,... Thay vì đính kèm lời kêu gọi hành động (CTA) ở dưới cuối bài, thương hiệu cũng có thể nhắc nhở khách hàng tìm hiểu thêm thông tin sản phẩm, hoặc nhắn tin để được tư vấn về kích thước hoặc thông số kỹ thuật của sản phẩm. Ngoài ra, các marketer cũng có thể tạo lời nhắc trong ứng dụng về các sự kiện sắp tới để nhắc nhở người dùng tham dự. 



3. Tận dụng Instagram Stories


Bên cạnh bài đăng thông thường và Reels, marketer cũng có thể sử dụng Stories để quảng cáo sản phẩm, chọn nhãn dán tương tác với người dùng, thậm chí điều hướng họ đến mua sắm ra bên ngoài ứng dụng. Theo đó, thương hiệu có thể đăng tải một Stories và đính kèm đường liên kết. Tuỳ chỉnh văn bản có trên nhãn dán liên kết sẽ giúp marketer thúc đẩy người dùng nhấn vào, truy cập và mua sắm. Tuy nhiên cần lưu ý rằng marketer chỉ có thể thêm duy nhất một nhãn dán liên kết cho mỗi Stories. Nếu muốn quảng cáo nhiều sản phẩm, thương hiệu có thể xem xét đến việc đính kèm đường liên kết với một bộ sưu tập hoặc tạo nhiều Stories khác nhau có liên kết đến từng mặt hàng.



Hơn nữa, marketer cũng có thể thiết lập lời nhắc về các sự kiện sắp diễn ra bằng Stories. Từ mục sticker trên Instagram Stories, thương hiệu nhấn chọn sticker “Scheduled” để đính kèm khung lời nhắc lên Stories. 



Bên cạnh đó, thương hiệu cũng có thể tạo sự tò mò và thích thú cho khách hàng bằng cách thêm các ô đếm ngược thời gian vào Stories. Giống như lời nhắc Scheduled, đếm ngược cho phép người dùng nhận thông báo về sự kiện. Hơn nữa, người dùng cũng có thể chia sẻ ô đếm ngược này, từ đó góp phần lan tỏa sự kiện của thương hiệu rộng rãi hơn. 


Nếu đã thiết lập cửa hàng trên Instagram, thương hiệu cũng có thể gắn thẻ sản phẩm trong stories. Mỗi stories trên Instagram hỗ trợ tối đa năm thẻ sản phẩm, vì vậy thương hiệu có thể điều hướng người dùng đến cửa hàng Instagram.



4. Tận dụng mối quan hệ đối tác với các Influencer


Với đa dạng hình thức nội dung và công cụ trên Instagram, marketer có nhiều tùy chọn để quảng bá sản phẩm trên tài khoản thương hiệu. Tuy nhiên, để giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người dùng, đặc biệt là các tệp khách hàng mục tiêu, thương hiệu có thể hợp tác với các Influencer.


Những người có ảnh hưởng sở hữu có một tệp người theo dõi nhất định. Nếu tạo dựng mối quan hệ hợp tác với họ, thương hiệu có thể tiếp cận tệp người dùng này. Các Influencer có thể quảng bá sản phẩm bằng cách gắn thẻ các sản phẩm, chia sẻ mã khuyến mại hoặc đường liên kết điều hướng đến cửa hàng trực tuyến của thương hiệu.



5. Tăng tương tác cho các bài viết bằng quảng cáo


Nếu các bài đăng hoặc Reels không mang đến doanh số bán hàng như mong muốn, thương hiệu nên chạy quảng cáo để lan tỏa bài viết tiếp cận nhiều đối tượng hơn và thúc đẩy doanh số. 


Theo đó, marketer có thể ấn vào nút “Boost” bên dưới bất kỳ bài đăng thương hiệu nào trên Instagram. Tiếp theo, nhấn chọn mục tiêu quảng cáo mong muốn:

- Nhiều lượt truy cập hồ sơ hơn: Khuyến khích người dùng truy cập vào tài khoản thương hiệu

- Nhiều lượt truy cập trang web hơn: Điều hướng người dùng đến trang web thương hiệu để tìm hiểu sản phẩm, từ đó góp phần doanh số

- Nhiều tin nhắn hơn: Thúc đẩy người dùng nhắn tin cho thương hiệu để có thêm thông tin về sản phẩm hoặc chương trình khuyến mại



Theo mặc định, quảng cáo Instagram cũng chạy trên Facebook. Tắt tùy chọn Allow Facebook Placement nếu marketer chỉ muốn tập trung quảng cáo ở Instagram. Sau đó, thương hiệu chỉ cần đặt ngân sách, chọn khung thời gian và bắt đầu chạy quảng cáo.


6. Thúc đẩy doanh số với quảng cáo Instagram


Nếu nội dung đã thu hút nhiều tương tác hoặc thúc đẩy lưu lượng truy cập vào trang web thành công, thì thương hiệu có thể tiếp cận lại những người dùng này bằng cách chạy quảng cáo. Đơn cử như với quảng cáo của Bear Mattress, thương hiệu đã nêu bật lên đợt giảm giá dịp Black Friday. Bên dưới hình ảnh là dòng CTA “Shop Now” điều hướng người dùng đến trang thương mại điện tử của thương hiệu. Từ đó, khách hàng có thể dễ dàng xem thông tin chi tiết và tiến hành đặt mua sản phẩm.



Trong trình quản lý Ads Manager, marketer có thể lựa chọn mục tiêu quảng cáo như mức độ nhận diện (Awareness), lượt truy cập web (Traffic), doanh số (Sales),... 



Theo K6 Agency, chi phí mỗi lần nhấp (Cost per click - CPC) trên Instagram trung bình trên 0,8 USD (tương đương 18.800 đồng). Tuy nhiên, chi phí quảng cáo sẽ phụ thuộc vào đối tượng mà thương hiệu muốn nhắm đến. Do đó, thương hiệu cần nắm rõ nhân khẩu học của những người thường truy cập tài khoản của mình để nhắm mục tiêu hiệu quả. 



Sơ đồ trên cho thấy, phụ nữ có xu hướng hoạt động tích cực hơn nam giới trên nền tảng Instagram. Người dùng Instagram đa phần ở độ tuổi trẻ và trung niên. Do đó, thương hiệu có thể nhắm mục tiêu dựa trên những dữ liệu này để gia tăng doanh số. 


7. Phát triển quảng cáo nội dung thương hiệu


Trong tiếp thị, nội dung có thương hiệu (Branded Content) là nội dung do nhà quảng cáo sản xuất hoặc nội dung được nhà quảng cáo tài trợ. Khi hợp tác với Influencer để quảng cáo sản phẩm, thương hiệu có thể sử dụng tính năng Branded Content trong trình quản lý quảng cáo để quảng cáo trực tiếp nội dung của họ. Tuy nhiên, điều này cần có sự đồng ý của Influencer. Thương hiệu cần có mã quảng cáo để tiến hành chạy quảng cáo cho bài đăng của người có ảnh hưởng. Khi xuất bản chiến dịch, Influencer sẽ nhận được thông báo phê duyệt quảng cáo của thương hiệu.



Theo Social Media Examiner

Kim Ngọc