NFT được giao dịch lần đầu vào năm 2017. Thị trường này bắt đầu thu hút chú ý vào đầu năm 2021 trước sự bùng nổ vào khoảng tháng 8/2021. Mặc dù vào thời điểm đầu năm 2021, chưa thật sự nhiều người quan tâm NFT, nhưng đến thời điểm cuối năm 2021, cơn sốt NFT đã thu hút gần 41 tỷ USD. 


Nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, người có ảnh hưởng thu được hàng chục triệu USD từ việc bán các bộ sưu tập NFT. Nhà đồng sáng lập mạng xã hội Twitter Jack Dorsey đã bán dòng tweet đầu tiên của mình dưới dạng NFT với giá 2,9 triệu USD. Nghệ sĩ kỹ thuật số nổi tiếng Mike Winklemann, còn được biết đến với nghệ danh “Beeple”, đã tổng hợp 5.000 bức vẽ để tạo ra bức tranh NFT nổi tiếng được bán với giá kỷ lục 69,3 triệu USD.


NFT là một tài sản số được xây dựng trên chuỗi số Blockchain, điểm đặc biệt ở NFT là tính độc nhất do mỗi NFT được đánh dấu bằng một chuỗi mã riêng biệt. NFT thường được tạo ra sử dụng hợp đồng thông minh và có thể được trao đổi trên thị trường bằng tiền mã hoá.


Bên cạnh lĩnh vực nghệ thuật, NFT bắt đầu lấn sang Metaverse. Theo Reuters dẫn thông báo của nhà đầu tư tiền ảo Tokens.com và Decentraland, cuối tháng 11, một mảnh đất 565 mét vuông trên nền tảng này được mua với giá 2,4 triệu USD.


Vài ngày sau, Axie Infinity, một trong những game NFT đang nổi bật hiện nay, cũng thông báo bán được một mảnh đất Genesis với giá 550 ETH, tương đương 2,3 triệu USD khi đó. Giá các khu đất ảo này thậm chí còn đắt hơn một số vị trí trung tâm ở thực tế. Từ đó tạo nên cơn sốt thị trường NFT thu hút sự chú ý của kha khá nhà đầu tư.


Như vậy, lí do nào khiến cơn sốt NFT trở nên đắt giá như vậy?


Lý do đầu tiên là thông thường các NFT được mua bán thông qua các đồng tiền số được phát hành như ETH hay Mana. Giá hàng triệu USD này chính là giá quy đổi từ các đống tiền ảo. Ví dụ, lô đất ảo giá 2,4 triệu USD là giá quy đổi từ 618.000 Mana – đồng tiền số trên nền tảng Decentraland. Hoặc lô đất 2,3 triệu USD của Axie Infinity thực chất được mua bằng 550 Ethereum. 


Việc đắt hay rẻ tùy thuộc vào giá thị trường lúc quy đổi. Vì các đồng tiền số sẽ có những lúc đi xuống, mọi người có thể mua với giá rất rẻ, và ngược lại. Do đó, trong tương lai, giá trị các lô đất này có thể tăng hoặc giảm tùy theo giá trị các đồng tiền số.


Lý do thứ hai là NFT không chỉ nằm ở giá trị tác phẩm đó mà còn nằm ở tính độc nhất, sở hữu độc quyền của chủ sở hữu. Do tính chất của NFT là quý hiếm, mỗi một NFT là duy nhất, thông tin, dữ liệu mua bán, chủ sở hữu sẽ được lưu giữ trên hệ thống Blockchain. Cũng nhờ tính chất này, khi các nghệ sĩ phát hành các sản phẩm của họ dưới dạng NFT, những người hâm mộ sẽ chú ý và mong muốn được sở hữu. Từ đó giá trị của NFT sẽ được đẩy lên và cơn sốt NFT bắt đầu từ đây.


Cuối cùng, một lý do không thể loại trừ là tiềm năng của nó trong tương lai, đặc biệt với các mảnh đất số trên Metaverse. Nhiều người trông đợi và tin vào tiềm năng của các mảnh đất này trong tương lai, tương tự với bất động sản ngoài đời thực. 


Bên cạnh những lí do trên, liệu NFT có hạn chế hay nhược điểm nào không?


Điểm bất lợi đầu tiên của NFT chính là người dùng phải chịu khá nhiều phí gas khi sử dụng NFT. Vậy phí gas là gì? Phí gas (gas fee) là một khoản phí cần thiết khi bạn giao dịch trên nền tảng Blockchain. Gas được dùng để hoàn thành giao dịch, khởi chạy hợp đồng thông minh,… Mỗi một nền tảng Blockchain sẽ có phí gas khác nhau.


Điểm bất lợi tiếp theo là công nghệ của NFT vẫn còn gặp khó khăn khi tiếp cận với mọi người. Để bắt đầu giao dịch trên sàn, người dùng phải có một số kiến thức nhất định về Blockchain cũng như là các loại ví điện tử để tránh các rủi ro.


Cuối cùng, cơn sốt NFT được cảnh báo là bong bóng có thể vỡ bất cứ lúc nào. Do thị trường NFT đang phát triển khá nhanh, một số NFT bị thổi phồng quá so với giá trị thực. Từ đó, nhiều người dùng trẻ bị hấp dẫn và dễ gây ra hiện tượng bong bóng vỡ.


Kết luận


Dựa trên xu hướng và sự phát triển công nghệ hiện tại, thị trường và cơn sốt NFT sẽ tiếp tục mở rộng và phổ biến hơn trong nhiều năm tới. Theo DappRadar, có khoảng 2 triệu giao dịch trên OpenSea – sàn giao dịch NFT phổ biến nhất hiện tại. Bên cạnh đó, các thương hiệu lớn cũng dần tiến vào thị trường NFT.


Ở thời điểm hiện tại, giá trị của NFT khá cao, do đó vẫn còn gặp khó khăn khi tiếp cận với nhiều người dùng. Tuy nhiên, trong tương lai, cơn sốt NFT sẽ không chỉ dừng ở “cơn sốt” mà giá trị của NFT cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp hơn, cộng thêm sự phổ biến của Blockchain trong thời gian tới, NFT chắc chắn sẽ phát triển. Không những thế, với sự phát triển của NFT trong tương lai có thể là một trong những yếu tố để phát triển thương mại trong thế giới Metaverse.