Trong một nghiên cứu về tâm lý học màu sắc đã chỉ ra rằng có đến 85% người tiêu dùng tin rằng màu sắc là động lực lớn nhất để lựa chọn một sản phẩm, trong khi có 92% người thừa nhận vẻ bề ngoài là yếu tố tiếp thị thuyết phục nhất. Điều này chứng minh việc chọn màu sắc thương hiệu có ý nghĩa lớn với mọi nhãn hàng. 


Trước khi tìm hiểu về cách chọn màu cho doanh nghiệp, hãy khám phá tầm quan trọng của màu sắc và những câu chuyện thú vị về màu sắc thương hiệu của 5 công ty lớn qua các thông tin dưới đây.


Tại sao màu sắc lại quan trọng trong việc nhận diện thương hiệu?


Các nhà khoa học thường dựa vào tâm lý học màu sắc để nghiên cứu cách màu sắc ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của con người. Có 62% đến 90% người dùng đánh giá sản phẩm chỉ dựa trên màu sắc. Do đó, việc hiểu và sử dụng màu sắc làm lợi thế cạnh tranh sẽ góp phần không nhỏ đến thành công của chiến lược marketing và xây dựng thương hiệu.


Tâm lý học màu sắc phân tích màu chủ đạo của một số thương hiệu nổi tiếng


Hiểu theo cách đơn giản hơn, màu sắc là ấn tượng đầu tiên của với khách hàng với thương hiệu. Màu sắc sẽ giúp gợi cảm xúc và cảm giác, đồng thời truyền tải một số thông tin nhất định. Điều này cho phép khách hàng hình thành cảm nhận về thương hiệu mà không cần biết sản phẩm là gì. Vì vậy, màu sắc thương hiệu có tác động mạnh mẽ trong việc giúp khách hàng quyết định có mua hàng hay không.


Một số ví dụ điển hình về màu sắc chủ đạo của các thương hiệu nổi tiếng


Hãy nghĩ về các nhãn hàng mà chúng ta gặp hằng ngày để thấy được màu sắc đóng vai trò như thế nào trong nhận diện thương hiệu. Ví dụ như Coca-Cola có màu đỏ, Cadbury có màu tím, Apple có màu trắng và Google thì sử dụng nhiều màu sắc khác nhau. Không phải tình cờ mà các nhãn hàng này lại có cách phối màu như vậy, tất cả đều có lý do ẩn chứa sau đó.


Coca-Cola


Màu đỏ đặc trưng của Coca-Cola


Màu đỏ dễ nhận biết của Coca-Cola xuất hiện vì lý do thực tế. Theo nhãn hiệu chia sẻ, từ giữa những năm 1990, họ bắt đầu sơn màu đỏ cho các thùng hàng để các nhân viên thuế có thể phân biệt sản phẩm với rượu trong quá trình vận chuyển. Vào thời điểm đó, rượu bị đánh thuế nhưng nước ngọt thì không.


Cadbury


Màu tím vương giả của Cadbury


Cadbury lần đầu tiên sử dụng bao bì màu tím đặc trưng vào năm 1914 để tôn vinh màu sắc yêu thích của Nữ hoàng Victoria. Sau cuộc chiến pháp lý kéo dài 4 năm với Nestle (công ty sử dụng màu bóng tương tự trong dòng kẹo Wonka của họ), Cadbury đã giành được quyền đăng ký nhãn hiệu Pantone 2685C vào năm 2012. Mặc dù chiến thắng sau cùng nghiêng về Nestle, Cadbury cũng đã nỗ lực chứng minh màu sắc mang tính biểu tượng của thương hiệu thực sự đáng để chiến đấu.


Apple


Màu trắng thuần khiết của Apple


Steve Jobs chọn màu trắng cho các quảng cáo máy tính của Apple vì hai lý do. Với đam mê thiết kế, ông biết màu trắng là màu của sự thuần khiết và điều đó phù hợp với tầm nhìn của ông về những sản phẩm có thiết kế đẹp mắt. Lý do thứ hai là vì sự cạnh tranh bởi vào thời điểm đó, màu chủ đạo được các nhà sản xuất máy tính sử dụng là màu xám.


Google


Cách phối màu “phá vỡ nguyên tắc” của Google


Google đã chọn màu đỏ, xanh lam và vàng vì đây là những màu cơ bản. Tuy nhiên, hãng đã thêm màu xanh lá cây để cho thấy không phải lúc nào mọi vật cũng tuân theo quy tắc chung. Bảng màu trẻ thơ này làm cho công nghệ có vẻ gần gũi hơn và thể hiện tinh thần “mọi thứ đều dễ sử dụng” của Google.


McDonald’s


Phối màu một cách khoa học như McDonald’s


Có một sự thật khoa học thú vị đằng sau màu sắc chủ đạo của McDonald’s. Hãng đã chọn màu đỏ và vàng vì màu đỏ có tính kích thích, làm tăng nhịp tim và giúp người dùng cảm thấy thèm ăn, còn màu vàng liên quan đến hạnh phúc và dễ phát hiện từ xa nhất.


Các ví dụ trên chứng minh rằng không có thương hiệu nào chọn màu một cách ngẫu nhiên. Họ đã cân nhắc rất nhiều yếu tố để giúp thương hiệu có thể được nhận biết nhờ màu sắc. 


Tạm kết


Có thể nói, màu sắc có ý nghĩa quan trọng đối với mọi thương hiệu. Vậy làm sao để tạo ra một bảng màu thương hiệu nổi bật, cạnh tranh và truyền tải thông điệp mà doanh nghiệp hướng đến? Cùng đón xem 4 bước chọn màu sắc thương hiệu trong phần tiếp theo vào ngày 26/07/2021 trên Advertising Vietnam.


Theo Canva

Linh Hà | Advertising Vietnam