Giám đốc Điều hành T&A Ogilvy: "Nhân sự burn out là vì chưa tìm được cách chia sẻ vấn đề với sếp và đồng nghiệp"

Đối với bất kỳ công việc nào, tình trạng “burn out” đều có thể xảy ra. Có thể hiểu, burn out là trạng thái kiệt quệ về thể chất và tinh thần. Thức khuya quá nhiều, chế độ dinh dưỡng không ổn định, cảm giác bị kìm hãm trong công việc đều là những nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng này ở nhân sự. Đặc biệt trong môi trường ngành Quảng cáo - Truyền thông đòi hỏi sự sáng tạo liên tục với nhiều áp lực về thời gian và chất lượng dự án, dẫn đến tình trạng stress, lo lắng và mệt mỏi về tinh thần và thể chất của nhân sự.


Tại buổi talkshow diễn ra trên ứng dụng OnMic, chị Nguyễn Trà Linh - Giám đốc Điều hành T&A Ogilvy với 14 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau như thực thi dự án, quản trị khách hàng, quản lý và lãnh đạo agency,... đã chia sẻ về chủ đề “Burn out không có gì đáng tự hào!”. Buổi talkshow này nằm trong series “Debrief chính mình” về sức khỏe tâm lý của những nhân sự đang làm việc trong ngành Quảng cáo - Truyền thông.




Chia sẻ về trải nghiệm của bản thân, chị Trà Linh kể rằng thời điểm chị cảm thấy burn out nhất trong suốt hành trình làm Quảng cáo chính là khi chị quay trở lại làm việc sau khi sinh xong em bé thứ hai. Lúc đấy, chị không có quá nhiều vấn đề hay cảm giác gì căng thẳng trong công việc. Thế nhưng chị lại hoang mang không biết nên làm thế nào để cân bằng giữa chuyện đi làm ở công ty và chăm sóc gia đình. “Bản chất công việc tại agency là thời gian làm việc không ổn định, đôi khi yêu cầu nhân sự phải làm ngoài giờ (OT). Hơn nữa, nếu khách hàng có thắc mắc hay vấn đề gì trong quá trình quản trị dự án, mình phải trả lời ngay. Thời điểm đó, mình có một em bé 6 tháng tuổi và một em bé chỉ vừa 4 - 5 tuổi. Sau giờ làm việc, mình có vô số việc phải làm từ chơi với con, cho con ăn rồi lại dành thời gian cho gia đình. Lúc ấy, mình cạn kiệt năng lượng”, chị kể.


Chị cũng nói thêm rằng, với những người mẹ đi làm có con dưới 1 tuổi, công ty chị thường tạo điều kiện để nhân sự có thể rút ngắn 1 tiếng thời gian làm việc trong ngày. Thời điểm ấy, chị quyết định dành khoảng thời gian ngắn ngủi 1 tiếng đó để chạy từ quận 1 về nhà ở Tân Bình vào buổi trưa để tắm rửa, chăm sóc cho con. Đến hai giờ trưa, chị lại chạy đến công ty để tiếp tục làm việc. Chị Trà Linh chia sẻ, chị chưa bao giờ cảm thấy mệt như thế: “Đấy có lẽ là lần đầu tiên mình thật sự đặt câu hỏi là có nên tiếp tục làm trong ngành Truyền thông - Quảng cáo hay là tìm một công việc khác phù hợp với cuộc sống gia đình. Tình trạng này kéo dài đến 2 - 3 tháng và mình bị chìm trong trạng thái tâm lý lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi." Lúc ấy, một câu hỏi thường trực trong tâm trí chị là “Tại sao mình không bao giờ có ‘Me Time’ (thời gian dành cho việc chăm sóc bản thân cả về mặt thể chất lẫn tinh thần)?




Burn out vốn không phải là một hiện tượng hiếm gặp trong ngành Truyền thông - Quảng cáo. Tại công ty nơi chị Trà Linh làm việc, một số nhân sự cũng trải qua cảm giác này. Với góc độ của một nhà lãnh đạo, một số nguyên nhân khiến nhân sự rơi vào trạng thái kiệt sức mà người quản lý có thể dễ dàng nhận ra, bao gồm:

  • Mất động lực làm việc, cảm giác buông xuôi, không tập trung và không để tâm đến kết quả công việc.
  • Đối mặt với nhiều áp lực như dự án khó nhằn, khối lượng công việc đồ sộ, cảm thấy bản thân làm hoài, làm mãi mà vẫn chưa hết việc.
  • Có biểu hiện xuống dốc, gặp vấn đề về thể chất lẫn sức khoẻ tinh thần.



Trên thực tế, không chỉ nhân sự ngành Quảng cáo mà bất kỳ ngành nào cũng có thể trải qua cảm giác burn out. Cũng trong buổi talkshow, chị Trà Linh cùng host của chương trình đã cùng thảo luận về tình trạng burn out tại môi trường công sở được đúc kết từ số liệu thuộc một nghiên cứu của Gallup. Theo đó, nghiên cứu với sự tham gia của gần 7.500 nhân viên toàn thời gian cho thấy, 23% nhân viên thường xuyên hoặc luôn luôn cảm thấy kiệt sức tại nơi làm việc, trong khi 44% cho biết đôi khi họ cảm thấy burn out. Điều đó có nghĩa là khoảng hai phần ba số người làm việc toàn thời gian bị kiệt sức trong công việc.


Mặc dù tình trạng kiệt sức, quá tải được xem như “một phần của công việc” nhưng doanh nghiệp thường phải đối mặt với nhiều tổn thất như những nhân viên bị kiệt sức có khả năng nghỉ ốm cao hơn 63% và có khả năng tìm kiếm một công việc khác cao hơn 2,6 lần. Theo đó, Gallup đã liệt kê 5 yếu tố quan trọng gây nên tình trạng burn out nơi công sở:


1. Đối xử bất công trong môi trường làm việc


Khi nhân viên thường bị đối xử bất công tại nơi làm việc, họ có khả năng burn out cao gấp 2-3 lần so với những đồng nghiệp khác. Không được đối xử công bằng có thể bao gồm sự thiên vị của cấp trên và đồng nghiệp, những chính sách của công ty,... Khi nhân viên không tin tưởng người quản lý, đồng đội hoặc lãnh đạo điều hành của họ, họ sẽ mất đi cảm giác hứng thú và dần thấy mệt mỏi, bất lực trong công việc.


2. Khối lượng công việc quá nhiều


Trong tâm lý học thể thao, các huấn luyện viên sử dụng thuật ngữ "mental quicksand" - tạm dịch là “cát lún tinh thần" để mô tả những khoảnh khắc thể hiện kém có thể khiến các vận động viên cảm thấy choáng ngợp như thế nào. Điều này dẫn đến hiệu suất kém và ảnh hưởng đến sự tự tin của họ. Những nhân viên có hiệu suất cao có thể nhanh chóng chuyển từ trạng thái lạc quan sang vô vọng khi họ chìm trong khối lượng công việc.


3. Không rõ ràng về vai trò trong công việc


Khi khả năng của nhân sự và kỳ vọng từ các cấp quản lý không đồng nhất, nhân sự có thể cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức vì phải nỗ lực làm hài lòng người khác. 


4. Thiếu sự giao tiếp và hỗ trợ từ cấp quản lý


Việc thường xuyên giao tiếp và hỗ trợ của cấp quản lý sẽ giúp nhân sự cảm thấy an toàn về mặt tâm lý. Họ biết rằng nếu có chuyện gì không ổn xảy ra, người quản lý vẫn sẽ ở đó và hỗ trợ họ. Ngược lại, khi quản lý thiếu sự quan tâm và dẫn dắt cấp dưới, 70% nhân sự sẽ cảm thấy burn out.


5. Áp lực về mặt thời gian


Báo cáo của Gallup cho thấy, nếu có đủ thời gian để làm hết tất cả những công việc, 70% nhân sự sẽ không bị kiệt sức. Áp lực thời gian không hợp lý (unreasonable time pressure) có thể tạo ra hiệu ứng quả cầu tuyết (snowball effect) - một vấn đề không được giải quyết sẽ dần tích tụ khiến áp lực của nhân sự dần trở nên nghiêm trọng hơn. 


Từ báo cáo trên, có thể đúc kết được rằng những lý do burn out của nhân sự đến từ những vấn đề ở môi trường làm việc tập thể.



Chị Trà Linh cho biết, đa phần các nhân sự đảm nhận công việc quản trị dự án thường gặp phải tình trạng burn out khi họ không thể đáp ứng được hết sự kỳ vọng từ phía công ty và đối tác, cảm thấy mọi thứ quá sức chịu đựng bản thân và không thể chu toàn được hết công việc. Đặc biệt là trong những khoảng thời gian chuẩn bị cho những chiến dịch mùa hè hay là thời điểm tháng 9 - 10 phải gấp rút triển khai những chiến dịch mùa lễ hội, mùa Tết,... khối lượng công việc của các nhân sự agency vô cùng lớn. Bên cạnh đó, tính chất mỗi một dự án đều khác nhau nên nhân sự cần phải sắp xếp, chu toàn rất nhiều thứ, dẫn đến tình trạng burn out. 


Trong đó, lý do khiến hầu hết các nhân sự kiệt sức chính là chưa tìm được một cách hiệu quả để chia sẻ vấn đề với cấp quản lý và đồng nghiệp. “Chúng ta đang làm việc trong ngành Quảng cáo - Truyền thông. Nhìn chung, chúng ta là những người kể chuyện để giao tiếp với khách hàng, với công chúng. Thế nhưng nhân sự gần như lại không có ngồi xuống trò chuyện với đồng nghiệp tại công ty”, chị nói.



Từ góc nhìn của chị Trà Linh, người trẻ hiện nay có ngưỡng chịu đựng tâm lý có phần “mong manh” hơn so với những thế hệ trước. Khi hàng tấn áp lực ập đến như khối lượng công việc quá nhiều, gặp phải dự án khó nhằn, làm việc không suôn sẻ với đồng nghiệp và khách hàng,... các nhân sự sẽ cảm thấy nhiều áp lực về mặt tinh thần. Với trường hợp này, chị Trà Linh mong muốn các nhân sự có thể chia sẻ vấn đề một cách cởi mở với đồng nghiệp và cấp quản lý để họ có thể nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Ở vai trò một người quản lý, đôi khi họ sẽ phải quản lý 5, 10, thậm chí 20 hay 30 người. Vì thế, họ khó có thể hiểu biết được hết cảm xúc, những vấn đề mà nhân sự đang đối mặt. Vì thế, ngay khi cảm thấy công việc quá sức với bản thân, nhân sự cần nói chuyện với đồng nghiệp và quản lý trực tiếp của mình. Chỉ có nói chuyện mới khiến cấp quản lý hiểu được tính chất công việc của nhân sự, từ đó giúp các bạn sắp xếp công việc hiệu quả hơn. “Nếu nhân sự không nêu lên vấn đề, cấp quản lý sẽ nghĩ rằng mọi thứ vẫn ổn và tiếp tục làm việc như thế”, chị Trà Linh nói.


Chị Trà Linh chia sẻ rằng, cấp trên không kỳ vọng những nhân sự trẻ phải làm được việc ngay. Thay vào đó, công ty sẽ đánh giá thái độ, khả năng quan sát, học hỏi và bắt kịp công việc. Khi vào công ty, các bạn phải hiểu rõ scope of work của bản thân, vị trí đó trong công ty sẽ phải đảm nhận những công việc gì,... Đơn cử như nhân sự hiện đang làm việc ở vị trí Account Executive và có mong muốn 1 - 2 năm nữa lên được Senior Account Executive. Lúc này, nhân sự cần hiểu rằng để lên được một vị trí mới, nhân sự cần đáp ứng những tiêu chí và yêu cầu nhất định chứ không phải được thăng tiến dựa vào thâm niên. Nếu nhân sự hy vọng sẽ được lên chức dựa vào số năm làm việc nhưng cuối cùng lại không được như ý muốn, các bạn sẽ rất dễ bị burn out về mặt tâm lý. Vì thế, nhân sự cần thường xuyên nói chuyện với người quản lý để cải thiện hiệu suất công việc, cũng như hướng dẫn lộ trình thăng tiến đáp ứng được kỳ vọng của bản thân.


Đối với các bạn trẻ, chị Trà Linh động viên rằng người trẻ không nên sợ sệt bất cứ điều gì. Nếu thích môi trường agency, nhân sự nên trải nghiệm để biết đây có phải là công việc phù hợp với bản thân hay không để từ đó đưa ra quyết định đúng đắn về hành trình sự nghiệp của mình. “Chị luôn khuyến khích các bạn là đi làm cảm thấy vui thì hãy làm. Mặc dù áp lực công việc cao nhưng mình vui là được. Còn nếu mình làm việc trong đau khổ, mệt mỏi thì dù công việc ít hay nhiều thì các bạn cũng sẽ burn out thôi”, chị nói.


Tạm kết


Thông qua bài viết được tổng hợp từ những chia sẻ của chị Trà Linh, hy vọng các marketer đã có thêm những thông tin hữu ích về vấn đề burn out trong ngành Quảng cáo - Truyền thông. Nhìn chung, bên cạnh vấn đề khối lượng công việc đồ sộ, nhân sự có thể bị burn out khi bị đối xử bất công, thiếu sự giao tiếp và hỗ trợ từ cấp quản lý trong quá trình làm việc, áp lực về mặt thời gian,... Qua đó, các nhân vật đã đề xuất những phương pháp giao tiếp hiệu quả nhằm giải toả căng thẳng cho nhân sự. 


Cùng đón xem thêm nhiều buổi chia sẻ thú vị về ngành Quảng cáo bằng cách bấm theo dõi Host Uy Lê trên ứng dụng OnMic để nhận được thông báo sớm nhất. 


Giám đốc Điều hành T&A Ogilvy: "Nhân sự burn out là vì chưa tìm được cách chia sẻ vấn đề với sếp và đồng nghiệp"

Kim Ngọc

Kim Ngọc

Content Writer | Advertising Vietnam

09 Thg 05 2023

Lưu

Cùng chuyên mục