Để trở nên khác biệt giữa vô vàn nội dung, bước đầu tiên người làm content marketing (tiếp thị nội dung) cần thực hiện là gì? Câu trả lời chính là: Hãy phân tích kỹ càng những content được sản xuất trên thị trường, chẳng hạn “nằm vùng” những gì “hàng xóm”, bạn bè và đối thủ cạnh tranh đang làm để đảm bảo các nội dung được tạo ra không chỉ đủ sức hấp dẫn mà còn độc nhất. Việc phân tích nội dung cạnh tranh là cách để marketer “đi trước một bước” trong chiến lược tiếp thị nội dung. Bên cạnh đó, người làm nội dung còn có thể tận dụng nỗ lực của đối thủ để biến nó thành lợi thế cho mình.


Nếu đã nắm trong tay một danh sách các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực tiếp thị nội dung, hãy đào sâu việc phân tích với ba bước sau đây:


Bước 1: Tổng hợp nội dung của đối thủ 


Marketer nên phân loại từng phương tiện nội dung (content medium) và từng trang web nội dung của đối thủ để nắm bắt mọi sản phẩm truyền thông mà họ đăng tải. Mỗi loại content sẽ thể hiện mức độ đầu tư sáng tạo cùng những hình thức mà khán giả của họ yêu thích, kèm theo phạm vi và tầm quan trọng của các chủ đề và từ khóa. Các loại nội dung có thể tham khảo từ đối thủ thường bao gồm:

  • Bài viết trên blog: cung cấp cái nhìn sâu sắc về phạm vi và độ hiệu quả của các chủ đề và từ khóa.
  • Podcast và các bản thu audio: giúp mang lại cái nhìn tổng quan đa dạng về việc vận hành của đối thủ và xác định các chủ đề cụ thể.
  • Webinars: nắm được chủ đề mà phần lớn khán giả yêu thích qua các buổi hội thảo trực tuyến do đối thủ tổ chức.
  • Sách điện tử và sách trắng: cho thấy các nội dung chủ lực của họ.
  • Video: giúp marketer có cái nhìn toàn diện hơn về thương hiệu và tông giọng thương hiệu của đối thủ nhờ sự trực quan.
  • Bản thuyết trình (Presentations): thể hiện được tư duy lãnh đạo (thought leadership) và cách đối thủ viết nội dung về sản phẩm của họ.
  • Bản tin điện tử (E-newsletters): thông qua email, marketer sẽ nắm được những nội dung giá trị mà công ty đối thủ gửi đến khách hàng và khách hàng tiềm năng.


Tổng hợp nội dung là bước đầu tiên để phân tích đối thủ


Bước 2: Đánh giá số lượng và chất lượng của nội dung


Sau khi tổng hợp nội dung của đối thủ, bước kế tiếp là đánh giá những thông tin đó. Việc biết được những nội dung mà đối thủ tập trung khai thác và cách khán giả tương tác là hết sức quan trọng. Hãy tìm hiểu các kênh, phương tiện truyền thông mà họ sử dụng và tần suất xuất bản nội dung trên các nền tảng đó. Một điều tuyệt vời của các kênh content marketing chính là mức độ phổ biến và mức độ tương tác của nội dung luôn được công khai để marketer tìm thấy những xu hướng truyền thông từ số lượt chia sẻ, bình luận,...


Đánh giá số lượng và chất lượng bài đăng đối thủ để tìm kiếm chủ đề phù hợp


Bằng cách “bỏ túi” những đánh giá về số lượng và chất lượng các bài đăng trên thị trường, marketer sẽ có được bức tranh tổng thể về chiến lược tiếp thị nội dung của đối thủ cạnh tranh.


Bước 3: Phân loại và phân tích chủ đề nội dung


Việc phân loại và phân tích chủ đề trong các bài đăng cụ thể sẽ giúp marketer dễ dàng nhận ra những khía cạnh nội dung chưa từng được khai thác. Đây sẽ là cơ hội để marketer trở thành người đi đầu và tạo ra xu hướng.


Khi xem xét một bài đăng, hãy ghi chú những tiêu đề và cách họ viết nội dung càng nhiều càng tốt. Nếu đối thủ cạnh tranh có quá nhiều thứ để tìm hiểu, marketer nên bắt đầu với các kênh phổ biến nhất hoặc những nội dung được tạo ra gần đây nhất. Sau đó, phân loại vào nhóm các nội dung tương tự.


Kết quả từ việc trên sẽ mang đến cho marketer bảng đánh giá tổng thể về các chiến lược tiếp thị nội dung của đối thủ cạnh tranh. Trong đó, bảng phân loại chủ đề theo số lượng và chất lượng sẽ tạo ra cách tiếp cận nội dung độc đáo, mang lại hiệu quả cao cho content marketing. 


Mẫu bảng phân loại và phân tích chủ đề nội dung

 

Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh luôn không ngừng cho ra nhiều nội dung hơn, rút kinh nghiệm từ quá trình sản xuất trước đây và tối ưu hóa các chiến lược của riêng họ. Vì thế, marketer cần chủ động cập nhật và học hỏi từ những chiến lược của các công ty khác về lĩnh vực này.


Trong thị trường luôn luôn tồn tại những thương hiệu có thể lôi kéo khách hàng mà không cần đến bất kì sản phẩm hay dịch vụ cạnh tranh. Đây cũng là những đối tượng quan trọng cần được xem xét để tạo ra một cơ hội mới: quan hệ tương hỗ về nội dung (complementary partnerships). Quan hệ này sẽ tận dụng thế mạnh của cả hai thương hiệu để cùng tiếp cận một tệp khách hàng mục tiêu.


Tide hợp tác với NASA để quảng bá sản phẩm bột giặt làm sạch và tiết kiệm nước


Theo Content Marketing Institute

Tường Minh | Advertising Vietnam