Tại “đêm hội quảng cáo” Cannes Lions 2022, người trong giới đồng ý với nhau rằng tính bền vững của môi trường vẫn là một vấn đề nhức nhối trong quảng cáo. Cũng tại sự kiện, Gustav Martner, Cựu Giám đốc điều hành Crispin Porter & Bogusky Europe đã lao lên sân khấu khai mạc, tay cầm biểu ngữ “Không có giải thưởng nào trên hành tinh chết. Phản đối quảng cáo hóa thạch!”. Thế nhưng, có một điều đến cả Gustav Martner có lẽ cũng không ngờ được, rằng chính bản thân hoạt động quảng cáo cũng đã gây ô nhiễm môi trường chứ không cần đến sự có mặt của các thương hiệu liên quan đến nhiên liệu hóa thạch. 


Quảng cáo cũng đang tạo ra rác thải 


Theo kết quả nghiên cứu công bố tại Cop26 - Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, quảng cáo của chỉ riêng nước Anh đã tạo ra lượng khí thải tương đương với 47 nhà máy nhiệt điện than, mỗi năm đều thải 186 triệu tấn khí nhà kính ra ngoài môi trường. Lượng khí thải này đến từ các hoạt động vận hành website, lưu trữ dữ liệu, chạy chiến dịch, triển khai các hoạt động OOH,.... Thậm chí, sự xuất hiện của Web3 - một mô hình Internet tốn nhiều năng lượng điện hơn sẽ càng làm xấu đi mối quan hệ giữa quảng cáo với môi trường. 


Tờ The Guardian thì cho rằng, dù có thế nào bản chất của quảng cáo vẫn là khuyến khích khách hàng tiêu thụ nhiều hơn, một đặc điểm không mấy thân thiện với hệ sinh thái. “Đối mặt với tình trạng khẩn cấp của khí hậu và lượng tiêu thụ cần phải giảm đi ngay lập tức, thì mỗi người lại đang tiếp xúc với 4.000 đến 10.000 quảng cáo mỗi ngày, được rủ rỉ vào tai rằng ‘hãy mua thêm, mua nhiều hơn nữa”, tờ báo viết. 


Dù có thế nào, bản chất của quảng cáo vẫn là khuyến khích khách hàng tiêu thụ nhiều hơn.


Tất nhiên, câu chuyện sẽ tệ hơn nếu giới quảng cáo bắt tay với các thương hiệu gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, chẳng hạn như các doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu hóa thạch, hàng không, phương tiện giao thông và thuốc lá,... Hãy nhìn lại số liệu vào năm 2018, khi thị trường xe hơi đã chi hơn 35,5 tỷ USD cho quảng cáo, gần bằng thu nhập hàng năm của Bolivia - cả một quốc gia. Và cũng trong năm đó, lượng khí thải carbon của ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu tăng lên 9%. The Guardian cho rằng ngành công nghiệp quảng cáo không thể "phủi tay" cho rằng mình vô can trước vấn đề này. 


Nỗ lực của quảng cáo


Thực sự thì con người không thể ngừng tiêu thụ, và quảng cáo vẫn phải làm đúng nhiệm vụ của nó là khuyến khích người dùng mua hàng. Thế nhưng, theo Marketing Week, giới quảng cáo vẫn có thể giảm thiểu tác động của mình tới môi trường bằng một số giải pháp sau đây. 


Lo “chuyện trong nhà”


Để giảm gánh nặng lên môi trường, các cơ quan truyền thông và quảng cáo có thể bắt đầu bằng cách giảm lượng khí thải carbon ngay tại văn phòng. Bên cạnh các chính sách tiết kiệm điện, tạo không gian văn phòng xanh, sử dụng các đồ dùng tái chế, agency còn có thể điều chỉnh lại qui trình sản xuất của họ. 


Chẳng hạn, thương hiệu và agency có thể đo lường lượng carbon trước khi thực hiện một chiến dịch, bằng cách sử dụng các công cụ như Ad Green’s, Good Loop hay Green Ad Tag, cho phép marketer theo dõi lượng khí thải một chiến dịch có thể thải trong trong thời gian thực.  


Các agency có thể tạo ra những chiến dịch nâng cao nhận thức về môi trường. 


Ngoài ra, giới quảng cáo cũng cần cân nhắc sử dụng tệp SVG thay vì JPG hay PNG, vì SVG sẽ làm giảm kích thước tệp và giảm bớt lượng khí thải do không gian kỹ thuật số tạo ra. Hoặc những việc rất nhỏ như cắt bỏ một hoặc hai giây quảng cáo, hay tự hỏi bản thân rằng có cần tới tận 4 giây chuyển cảnh hay không. Những thay đổi nhỏ đó của giới quảng cáo sẽ tạo ra khác biệt lớn đối với môi trường. 


Hợp tác có chọn lọc


Trong kế hoạch giảm 30% khí thải quảng cáo (advertised emmission) trước năm 2030, Purpose Disruptors cho rằng các thương hiệu nên chọn lọc hơn trước khi bắt tay hợp tác với các thương hiệu. Theo đó, Purpose Disruptors gợi ý phân loại thương hiệu thành 3 nhóm: Nhóm thương hiệu xanh (có lượng khí thải carbon thấp hoặc bằng không), Nhóm thương hiệu cam (đang trong quá trình chuyển đổi theo hướng thân thiện hơn), và Nhóm thương hiệu đỏ (thải lượng lớn carbon ra môi trường). 


Ngành công nghiệp quảng cáo không thể “phủi tay” trước vấn đề rác thải hiện nay.


Trong đó, nhóm thương hiệu cam đang chiếm đa số và là tệp chi tiêu nhiều cho quảng cáo. Họ là những thương hiệu và ngành công nghiệp đã có tên tuổi có thể chuyển đổi sang các sản phẩm thay thế với mức carbon thấp hơn, chẳng hạn như các công ty ô tô chuyển sang sản xuất xe điện hoặc các chuỗi siêu thị quảng bá các sản phẩm làm từ thực vật. Đây là nhóm mà các agency nên tích cực hỗ trợ để tạo ra những chuyển đổi lớn. 


Zippo khuyến khích người dùng sử dụng bật lửa bằng kim loại có thể đổ thêm nhiên liệu khi cạn, giảm lượng rác thải nhựa ngoài môi trường. 


Nhóm thương hiệu đỏ là những nhãn hiệu thải lượng carbon lớn, các ngành có ít cơ hội chuyển đổi sang các sản phẩm thay thế khác. Chúng bao gồm các công ty nhiên liệu hóa thạch, các hãng hàng không,... Các nhà tiếp thị, cùng với các cơ quan quản lý và chính phủ, cần giảm chi tiêu, năng lượng và nỗ lực cho các nhãn hiệu màu đỏ.


Sẽ không tránh khỏi những hoài nghi như: Nếu quảng cáo ngừng khuyến khích người dùng tiêu thụ, liệu điều đó có giảm đi doanh thu của các doanh nghiệp? Thực ra, cắt giảm các quảng cáo gián tiếp gây hại đến môi trường sẽ làm giảm lượng tiêu thụ với các sản phẩm gây hại đến môi trường. Đây không phải là một kết quả gây nuối tiếc, vì suy cho cùng nó chính là mục tiêu của tất cả những nỗ lực trên. 


Marketing Week cho rằng các doanh nghiệp cần phải đối diện với thực tế là “Trái Đất sẽ thực sự trở thành hành tinh chết” nếu tốc độ tiêu thụ vẫn giữ nguyên như hiện nay. Giới quảng cáo buộc phải tham gia vào công cuộc làm chậm biến đổi khí hậu, vì những lợi ích nhỏ nhặt như giảm thuế carbon, giảm chi phí của nguồn nhiên liệu hóa thạch, và vì những lợi ích sống còn hơn, chẳng hạn như “loài người chẳng còn nơi để đặt chân chứ huống hồ gì việc ngước nhìn tấm biển OOH”.  



Hằng Trần