This article is also available in English


Không lâu sau khi Microsoft tung ra chatbot Copilot, chatbot thử nghiệm của gã khổng lồ tìm kiếm Google đã xuất hiện. Cụ thể, Google đã cung cấp một phiên bản chatbot trí tuệ nhân tạo Bard vào ngày 21/03/2023 vừa qua. Đây được xem là câu trả lời về khả năng của gã khổng lồ công nghệ trong việc duy trì vị thế cạnh tranh về A.I trong bối cảnh một loạt các đối thủ đang thách thức từng ngày. 


Sau gần 4 tháng từ khi cuộc đua A.I chính thức bắt đầu với OpenAI và sau đó là Microsoft, Google đã tham gia cuộc chạy đua trí tuệ nhân tạo bằng việc phát hành một chatbot thử nghiệm của riêng mình: Bard - một A.I được đào tạo dựa trên lượng thông tin khổng lồ trên Internet và được cho là có thể trò chuyện như một người bạn. Trong một cuộc phỏng vấn, Giám đốc Điều hành của Google cho biết chatbot Bard hiện tại được cung cấp cho một số lượng hạn chế người dùng ở Hoa Kỳ và Anh. Dự kiến Google sẽ cung cấp thêm cho người dùng tại quốc gia và ngôn ngữ khác trong thời gian sớm nhất.


Việc triển khai Bard được xem nỗ lực công khai đầu tiên của Google nhằm “đón đầu” cơn sốt chatbot gần đây do OpenAI và Microsoft tạo ra, đồng thời chứng minh rằng Google có khả năng cung cấp công nghệ vượt trội tương tự. Giới phê bình cho rằng “gã khổng lồ công nghệ” này đang có một cách tiếp cận thận trọng hơn so với các đối thủ cạnh tranh khi công nghệ A.I đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.


Google thận trọng hay đang chậm chân trong cuộc đua A.I?


Bard là phiên bản chatbot được phát triển dựa trên công nghệ mà Google đã nghiên cứu trong 8 năm. Google đã bắt đầu ra mắt Bard trong một trang web của riêng mình mà không phải là một thành phần của công cụ tìm kiếm Google Search lâu nay. Đây được xem là bước đi bắt đầu trong việc áp dụng A.I. đồng thời cũng muốn bảo tồn hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cao nhất của Google.


Sissie Hsiao, Phó chủ tịch của Google và là một trong những Giám đốc điều hành của Bard cho biết: “Bard giúp mọi người tăng năng suất, tăng tốc ý tưởng và khơi dậy trí tò mò.Adrian Aoun, Cựu giám đốc các dự án đặc biệt của Google cho biết: “Điều quan trọng là Google bắt đầu vào cuộc đua này vì đây chính là hướng đi của tương lai.” Ông Aoun cho biết việc chuyển sang sử dụng chatbot có thể giúp nâng cao mô hình kinh doanh liên quan đến quảng cáo.


Google đang thực hiện một cách tiếp cận thận trọng hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong việc phát hành chatbot A.I


Trên thực tế, Google đã chậm hơn một số đối thủ trong việc giới thiệu phiên bản đầu tiên của chatbot dựa trên A.I. Ngay thời điểm mà Bard được phát hành, OpenAI đã cho ra đời công nghệ tiên tiến nhất của mình là GPT-4 vào ngày 14/3/2023. Trong khi đó, Microsoft đã thêm một chatbot tương tự vào công cụ tìm kiếm Bing của mình. Điều này cho thấy công nghệ A.I có thể phát triển thần tốc và thay đổi thị trường mà Google đã thống trị hơn 20 năm qua.


Dù trở thành một “cơn sốt” và mang lại nhiều lợi ích không thể phủ nhận, nhiều ý kiến chỉ trích rằng công nghệ A.I chưa sẵn sàng để sử dụng rộng rãi. Các chatbot A.I của OpenAI và Microsoft - vốn dựa trên cùng một công nghệ - từng mắc một số lỗi gây khó hiểu. Chẳng hạn như Bing của Microsoft tự nhận mình là “Sydney” và vướng vào những tranh luận thù địch với những người đặt câu hỏi. 


Tuy nhiên, việc Google ra mắt sản phẩm chậm hơn so với đối thủ đã gây ra sự thất vọng trong một số nhân viên - những người nói rằng công ty đã chưa quan tâm đúng mức công nghệ Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative A.I). Một số đổ lỗi cho sự khởi đầu chậm chạp của Google vì lo ngại rằng công nghệ này có thể làm tổn hại đến danh tiếng của công ty nếu được phát hành trong trạng thái chưa hoàn toàn sẵn sàng để sử dụng. Các nhà lãnh đạo A.I khác, như nhà khoa học trí tuệ nhân tạo chính của Meta, Yann LeCun, đã nói rằng các công cụ do các công ty công nghệ lớn phát hành thường gặp nhiều khó khăn để đảm bảo hoàn toàn việc ngăn chặn các kết quả gây khó chịu hoặc có hại.


Google khẳng định rằng Bard vẫn đang là một “thử nghiệm”


Mặc dù Google và các công ty khác đã nghiên cứu và triển khai về công nghệ A.I trong nhiều năm và một số quan điểm khoa học máy tính đằng sau các sản phẩm mới nhất đã được lý thuyết hóa từ nhiều thập kỷ trước, các trợ lý chatbot luôn tạo ra sự bất ngờ cho những người sáng tạo ra nó về những gì công nghệ này có thể làm. Larry Birnbaum, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Northwestern, người nghiên cứu về A.I, cho biết: “Mọi thứ đang tiến triển khá nhanh. Ngay cả những người làm việc trên những chiếc máy này, nhiều người trong số họ cũng khá ngạc nhiên về khả năng của chúng.


Tuần trước, OpenAI đã phát hành phiên bản ChatGPT mới nhất (GPT4), có thể mô tả các cảnh và giải thích những gì đang diễn ra trong đó, thể hiện “khả năng suy luận nâng cao”. Một số người ủng hộ A.I nói rằng trí thông minh ở cấp độ con người sắp xuất hiện, trong khi những người chỉ trích nói rằng sự cường điệu đang che khuất những rủi ro của công nghệ mới này.


Tuy nhiên, việc phát hành Bard trong thời điểm này thể hiện rõ ràng rằng đây là một bước quan trọng để ngăn chặn mối đe dọa đối với hoạt động kinh doanh sinh lợi nhất của Google - Mảng công cụ tìm kiếm.


Google mong đợi gì từ Bard?


Dù bằng cách nào, mức độ hoạt động và sự quan tâm đến công nghệ A.I đang sôi sục hơn bao giờ hết và các nhà công nghệ tin rằng A.I sẽ dần thay thế con người, tạo ra những công việc mới và cách mạng hóa cách mọi người tương tác với công nghệ và internet. Các công ty công nghệ lớn như Google đang cố gắng vượt qua làn sóng cạnh tranh và đảm bảo sự thống trị của họ đối với internet và sự phát triển công nghệ.


Eli Collins, Phó chủ tịch Google và là một trong những Giám đốc điều hành đóng góp cho Bard, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng công ty đã nghiên cứu công nghệ A.I trong nhiều năm và các kế hoạch của họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự quan tâm mạnh mẽ gần đây của công chúng đối với lĩnh vực này.


Bard có giao diện tương đồng với các đối thủ của mình


Nhìn bề ngoài, Bard trông rất giống ChatGPT của OpenAI - Công nghệ đã được hàng triệu người dùng thử và đã được tích hợp vào công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft hay My AI của Snapchat. Người dùng nhập câu hỏi vào hộp văn bản và bot sẽ ngay lập tức phản hồi câu trả lời. Số lượng câu hỏi và câu trả lời được giới hạn để ngăn bot phát triển tính cách hiếu chiến như đã xảy ra với chatbot Bing của Microsoft sau khi người dùng có cuộc trò chuyện kéo dài nhiều giờ với nó. Một hạn chế chính so với ChatGPT là Bard hiện tại chưa thể viết code máy tính. Tuy nhiên, ChatGPT cũng tạo ý kiến trái chiều vì đôi khi đi chệch hướng với những phản hồi rùng rợn hoặc rất không phù hợp.


Dù Bard tham gia cuộc chơi chatbot hơi muộn nhưng vẫn rất quan trọng vì Google đã dành nhiều năm để phát triển công nghệ cơ bản có tên LaMDA, viết tắt của Mô hình ngôn ngữ cho các ứng dụng đối thoại. Đồng thời, “gã khổng lồ công nghệ” cũng khẳng định đây không phải là sự thay thế cho công cụ tìm kiếm số 1 thế giới lâu nay.


Google gọi Bard là “cộng tác viên sáng tạo” có thể giúp tăng năng suất và thúc đẩy các ý tưởng. Một điều khiến Bard khác biệt so với các chatbot khác là khả năng đưa ra nhiều phiên bản trả lời khác nhau. Từ đó, người dùng có thể chọn câu hỏi hay nhất và sau đó đặt câu hỏi tiếp theo.


Vẫn còn những câu hỏi lớn về việc Google sẽ cân bằng như thế nào giữa việc tận dụng và khiến Bard trở nên hữu ích trong khi vẫn phải hạn chế xu hướng bịa đặt sự thật, thể hiện sự thiên vị hoặc những ảnh hưởng không tích cực. Các nhà phê bình đang đặt câu hỏi tại sao những gã khổng lồ công nghệ dường như vội vàng đưa công nghệ A.I mà họ không biết cách kiểm soát vào các sản phẩm chatbot.


Bard cung cấp nhiều phiên bản trả lời tiềm năng khác nhau cho câu hỏi của người dùng


Với Google, rõ ràng có một sự thận trọng nhất định khi nói rằng họ đang giới thiệu Bard theo cách “có trách nhiệm” và khẳng định rằng Bard vẫn đang là một “thử nghiệm”. Đó là lý do khiến Google chậm triển khai quyền truy cập rộng hơn cho những người đăng ký trên trang web. Hộp thư của Bard cũng nhắc rằng nó đang trong quá trình thử nghiệm và có thể đưa ra phản hồi không như mong đợi. Thay vì được kết hợp với công cụ tìm kiếm của Google, Bard là một trang web độc lập. Ở cuối câu trả lời có một nút “Google it” để đưa người dùng đến một tab mới với trang kết quả tìm kiếm thông thường của Google.


Hsiao cho biết: “Chúng tôi coi Bard là phần bổ sung cho Tìm kiếm của Google. Chúng tôi muốn táo bạo trong cách chúng tôi đổi mới với công nghệ một cách có trách nhiệm.” Các giám đốc điều hành tại Google cũng cho biết rằng công ty rất muốn xem mọi người sử dụng công nghệ như thế nào và sẽ tinh chỉnh dựa trên việc sử dụng và phản hồi. 


Google sẽ còn bận rộn khi cuộc đua A.I dự kiến còn nóng hơn


Google từ lâu đã là “vua” tìm kiếm và trí tuệ nhân tạo khi họ đã chi hàng tỷ USD để phát triển công nghệ tiên tiến. Hết đột phá này đến đột phá khác, gã khổng lồ công nghệ đã đưa những phát triển vào các sản phẩm hiện có của mình: từ công cụ tìm kiếm, bản đồ đến các công cụ dịch thuật. Google cũng đã xuất bản các bài báo học thuật về những tiến bộ khoa học được thực hiện bên trong công ty và cải thiện các sản phẩm hiện có bằng cách bổ sung công nghệ A.I.


Tuy nhiên, xuyên suốt quãng đường, phản ứng của Google đối với làn sóng A.I đôi khi thiếu sự chuẩn bị kỹ và có nhiều hành động được đánh giá là khá vội vàng. Ngay sau khi OpenAI phát hành ChatGPT vào cuối tháng 11/2022, Google đã tuyên bố “báo động đỏ” để biến A.I. trở thành ưu tiên trung tâm của công ty từ tháng 12/2022. 


Google không có đối thủ trong cuộc đua A.I vào năm 2017


Vào đầu tháng 2/2023, Microsoft đã tổ chức một sự kiện lớn ra mắt chatbot Bing, cho phép các nhà báo sử dụng và sau đó nhanh chóng cấp quyền truy cập cho những người thường xuyên sử dụng trình duyệt web và công cụ tìm kiếm của họ. Một ngày sau sự kiện của Microsoft, Google đã giới thiệu chatbot Bard. Thời điểm đó, công ty cho biết Bard sẽ chỉ khả dụng trong vài tuần tới. Hệ quả, cổ phiếu Google giảm 7%. Các nhà phân tích đặt câu hỏi liệu công ty có đang mất dần vị thế trước các đối thủ cạnh tranh hay không. Đặc biệt ngay sau đó, một bài đăng trên blog lần đầu tiên công bố Bard đã nhấn mạnh mối lo ngại rằng công nghệ của Google chưa sẵn sàng cho thời điểm quan trọng và quá trình triển khai Bard đã diễn ra quá gấp rút.


Với sự phát triển như hiện nay, Google sẽ còn phải chuẩn bị nhiều hơn để chứng minh sự vượt trội so các đối thủ. Khi Microsoft tiết lộ rằng chatbot của riêng họ được đặt tên là Bing theo tên công cụ tìm kiếm - và sẽ trở thành một phần quan trọng trong công cụ tìm kiếm của công ty, những lo ngại về Google đang tụt lại phía sau trong hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình bắt đầu gia tăng.


Nhưng đến thời điểm 9/2019, Google không còn giữ vị trí dẫn đầu


Trong nhiều năm, các kỹ sư trong công ty đã chỉ ra rằng các mô hình ngôn ngữ lớn (công nghệ đằng sau các chatbot như Bard và ChatGPT) có thể được sử dụng trong tìm kiếm để trả lời trực tiếp các câu hỏi thay vì cung cấp liên kết hoặc đoạn trích từ các trang web khác. Google kiếm được phần lớn doanh thu từ quảng cáo tìm kiếm và một số nhân viên đã lập luận rằng chatbot là bước phát triển tiếp theo của sản phẩm cốt lõi của Google.


Nhưng cho đến nay, chatbot từ các đối thủ cạnh tranh của Google đã được hàng triệu người sử dụng để soạn thảo các bài tiểu luận, báo cáo, và kể cả viết mã máy tính. Những sản phẩm được tạo bởi các công cụ A.I như DALL-E của OpenAI và Stable Diffusion của StabilityAI đã tràn ngập trên mạng xã hội trong nhiều tháng, gây ra sự ngạc nhiên và kinh ngạc, đồng thời gây ra các cuộc tranh luận đa chiều. Khi mà các nhà đầu tư mạo hiểm đang đổ hàng tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp A.I, cuộc đua A.I sẽ còn nhiều diễn biến không lường trước được.


Quan Dinh H.