“Gã khổng lồ” công nghệ lần đầu tiên công bố những nỗ lực bền vững của mình trong sự kiện Made by Google 2019 vừa qua. Google cho biết mình vừa đầu tư 150 triệu đô la vào để xây dựng các dự án năng lượng.


Xu hướng cam kết phát triển bền vững của các công ty công nghệ


Trong thời gian gần đây, hàng loạt các công ty công nghệ đã đưa ra các cam kết liên quan đến biến đổi khí hậu để củng cố niềm tin từ người dùng. Đầu tháng 9, “đại gia” thương mại điện tử Amazon đã công bố các mục tiêu phấn đấu trong tương lai của mình như đạt 80% năng lượng tái tạo vào năm 2024 và lập một trang web bền vững để theo dõi những nỗ lực của mình. Tiếp theo phải kể đến, Apple - nhân vật dẫn đầu với những dự án phát triển bền vững trong những năm gần đây, bao gồm việc bổ nhiệm Lisa Jackson, cựu quản trị viên của Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA) dưới thời Tổng thống Obama làm phó chủ tịch môi trường, chính sách và các sáng kiến ​​xã hội của hãng.


Với những hành động vì môi trường và khí hậu, Apple xuất sắc nhận được giải thưởng của Liên Hợp Quốc năm 2019. Trong đó, thành tựu đáng kể là việc Apple đã thực hiện chuyển đổi 100% năng lượng tái tạo cho điện được sử dụng tại các văn phòng, cửa hàng bán lẻ và trung tâm dữ liệu tại 43 quốc gia trên toàn thế giới.


Google - công ty sản xuất phần cứng non trẻ và những nỗ lực vì môi trường


Dù chỉ mới “lấn sân” sang lĩnh vực sản xuất phần cứng hai năm trở lại đây, Google tỏ ra không kém cạnh với các đối thủ khác khi nhanh chóng hưởng ứng xu hướng bền vững. Tháng 8 vừa qua đánh dấu cột mốc quan trọng của Google khi chính thức đưa ra những cam kết phát triển bền vững trong thời gian tới. Cụ thể vào năm 2020, Google sẽ sản xuất 100% sản phẩm trung tính với carbon và bắt đầu từ năm 2022, toàn bộ sản phẩm của hãng sẽ kết hợp các vật liệu tái chế.



Tính bền vững là nội dung chiếm phần lớn trong trọng tâm phát biểu của Google tại sự kiện ra mắt sản phẩm mới hàng năm - Made by Google 2019. Họ đã tiết lộ cách thức sử dụng vật liệu tái chế trong các sản phẩm của mình và cam kết chung tay giảm thiểu lượng khí thải carbon. Ngoài ra, công ty cũng tuyên bố đóng góp 150 triệu đô la vào quỹ đầu tư trị giá 1,5 tỷ đô la cho các dự án năng lượng tái tạo tại các thị trường mà Google sản xuất sản phẩm.



Là nhà sản xuất phần cứng còn non trẻ, chúng tôi đã có cơ hội tuyệt vời để suy nghĩ lại mọi thứ và bắt đầu từ ý nghĩ “Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta tích hợp thiết kế và tính bền vững?' - theo lời chia sẻ của Anna Meegan, người đứng đầu bộ phận phần cứng bền vững của Google.


Bà cũng cho biết, trong thời điểm hiện tại, tất cả các sản phẩm mới trình làng của thương hiệu Nest thuộc Google sẽ được sản xuất bằng nguyên liệu tái chế. Trong đó, loa thông minh Nest Mini có chứa 35% nhựa tái chế và tỷ lệ này là từ 40% - 45% đối với Nest Wifi. Ấn tượng hơn, cứ với một chai nhựa nửa lít, Google sẽ tái chế thành lớp vải phủ trên bề mặt ngoài cho 2 sản phẩm loa Nest Mini.



Những nỗ lực thân thiện với môi trường khác của công ty bao gồm thay đổi phương thức vận chuyển hàng hóa, chẳng hạn như chuyển từ hàng không sang tàu biển hoặc tàu hỏa. Tầm nhìn mà Google hướng đến đó là đảm bảo mỗi sản phẩm có thể dễ dàng tái chế vào cuối vòng đời của nó. Bên cạnh việc cam kết tạo ra sản phẩm thân thiện hơn với môi trường và phục vụ phát triển bền vững, Google vẫn tập trung cho ra đời những thiết kế hiện đại và thông minh cho người dùng.


Ngọc Anh / Advertising Vietnam

Theo Adweek