Mới đây, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua hai đạo luật công nghệ mang tính bước ngoặt đối với thị trường quảng cáo. Theo đó, Đạo luật Thị trường kỹ thuật số và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số đã lần lượt được EP phê duyệt, đưa ra một loạt quy định chặt chẽ hơn đối với các tập đoàn công nghệ lớn. 


Theo The Drum, hai đạo luật trên sẽ hạn chế các Big Tech như Apple, Amazon, Alphabet và Meta trong cách họ xử lý dữ liệu và cạnh tranh trên thị trường. Mục tiêu của bộ đôi đạo luật chính là tạo ra một không gian kỹ thuật số an toàn và thiết lập một sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp tại thị trường Châu Âu. 


Đạo luật mới của EP sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các Big Tech như Apple, Amazon, Google và Meta.


Đạo luật DMA - Khi cá lớn không được nuốt cá bé


Vai trò chính của Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) là hạn chế sức mạnh của các ông lớn công nghệ để đảm bảo không gian cạnh tranh cho những doanh nghiệp nhỏ hơn. Trong bối cảnh các hãng công nghệ đều sở hữu nền tảng thương mại hoặc công cụ tìm kiếm riêng, DMA đã đưa ra bộ nguyên tắc 4 không, bao gồm:


  • Không được ưu tiên các dịch vụ/sản phẩm do hãng cung cấp trên chính nền tảng của mình.
  • Không được ngăn người dùng tiếp cận các doanh nghiệp khác.
  • Không được ngăn người dùng gỡ bất kỳ phần mềm hoặc ứng dụng nào nếu họ muốn làm như vậy.
  • Không được theo dõi người dùng cuối của các doanh nghiệp khác khi chưa được cho phép. 


Trọng tâm của đạo luật DMA là ngăn chặn các tập đoàn công nghệ lớn độc chiếm thị trường. 


Như vậy, DMA đã yêu cầu các nền tảng phải minh bạch thông tin hơn đối với các người dùng doanh nghiệp. Điều này có nghĩa Meta và Google phải trao quyền truy cập thông tin nhiều hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các số liệu về những chiến dịch quảng cáo chạy trên nền tảng. Thay vì kết quả cho ra là các báo cáo không rõ ràng, doanh nghiệp sẽ trực tiếp sử dụng các dữ liệu thô mang tính chuyên sâu hơn. 


Một quy định quan trọng khác là các tập đoàn công nghệ không được phép xếp hạng thiên vị cho các dịch vụ/sản phẩm của chính họ. Ví dụ, nếu người dùng tìm kiếm Trợ lý giọng nói, Google không được phép đẩy Google Assistant lên hàng đầu tiên trong 10 kết quả trả về. 


Với đạo luật này, EP mong muốn sẽ chấm dứt được tình trạng độc chiếm thị trường của các công ty công nghệ lớn. Việc đảm bảo cơ hội cạnh tranh cho mọi doanh nghiệp lớn nhỏ sẽ giúp thúc đẩy kinh tế EU và toàn cầu phát triển. 


Đạo luật DSA - Bộ kiểm duyệt nội dung trên không gian số 


Mục tiêu chính của Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) là tạo ra môi trường Internet lành mạnh bằng áp đặt hình phạt cho các công ty thiếu kiểm soát nội dung, đăng tải các nội dung cấm, thông tin sai lệch hoặc các hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em. 


Theo đó, DSA ra quy định cấm quảng cáo nhắm mục tiêu vào trẻ em hoặc dựa trên các dữ liệu liên quan đến chủng tộc, giới tính và tôn giáo của người dùng. Các hãng công nghệ cũng phải đóng phạt nếu đăng tải các nội dung nhạy cảm như kích động khủng bố, lạm dụng trẻ em, quan điểm chính trị lệch lạc và các nội dung cấm khác. Như vậy, kể cả các nền tảng thương mại điện tử như Amazon cũng phải gỡ bỏ tất cả các giao dịch mua bán bất hợp pháp theo quy định. 


EP hi vọng sẽ tạo ra môi trường Internet an toàn với người dùng 


DSA cũng yêu cầu các ông lớn công nghệ phải minh bạch hơn trong thuật toán đề xuất nội dung, đồng thời cần có giải pháp kiểm soát các luồng thông tin một khi có khủng hoảng nổ ra, như chiến tranh Nga và Ukraine vào đầu năm nay.


Trong trường hợp không tuân thủ quy tắc, các hãng công nghệ có thể bị phạt tới 6% doanh thu, tương đương 7 tỷ USD nếu dựa trên số liệu bán hàng của các tập đoàn lớn như Meta. Cả 2 đạo luật DSA và DMA còn cần được 27 quốc gia thành viên Liên minh châu (EU) thông qua, dự kiến sẽ có hiệu lực sớm nhất vào năm 2024. Nghị sĩ Đức Adreas Schwab cho biết ông rất ủng hộ các đạo luật trên. “Động thái này của EP sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho thế giới Internet lành mạnh", ông nói. 


Phản ứng từ các tập đoàn


Có ý kiến cho rằng hai đạo luật sẽ là “bộ công cụ thanh tẩy Internet”, đồng nghĩa sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của các tập đoàn bởi các quy định trong thuật toán và dữ liệu. 


Thế nhưng, ngược lại với dự đoán của người trong giới, các Big Tech lại có phản ứng khá tích cực với động thái này của EP. Đại diện Google nói với CNBC: “Chúng tôi hưởng ứng đạo luật nhằm làm cho Internet trở nên an toàn, minh bạch và có trách nhiệm hơn đối với người dùng. Đạo luật này sẽ đảm bảo người dùng, nhà sáng tạo và cả các doanh nghiệp châu Âu đều cùng hưởng lợi từ môi trường kỹ thuật số". Hãng cũng chủ động mong muốn được trao đổi rõ ràng hơn với EP để "nắm bắt được các chi tiết liên quan đến kỹ thuật nền tảng".  


Ngược lại với dự đoán của người trong giới, các Big Tech lại có phản ứng khá tích cực với động thái này của EP.


Trong khi đó, đại diện phát ngôn của Twitter cho biết hãng ủng hộ quy định vì “tính thông minh, cân bằng giữa doanh nghiệp và người dùng". “Ưu tiên hàng đầu của Twitter là giữ cho mọi người hoạt động trực tuyến an toàn, vì vậy chúng tôi hoan nghênh việc tăng cường bảo vệ không gian kỹ thuật số ở EU".


DSA và DMA là hai đạo luật tách biệt, nhưng hãng thông tấn Reuters cho rằng chúng đều là những chiến lược mũi nhọn trong nhằm chống độc quyền thị trường và loại bỏ các nội dung độc hại trên nền tảng. “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng môi trường trực tuyến vẫn là một không gian an toàn, bảo vệ quyền lợi người dùng và cả cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp kỹ thuật số" - Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, tuyên bố và gọi hai đạo luật này là hai quyết định "lịch sử" của EP.


Tổng hợp

Hằng Trần/Advertising Vietnam