Năm 2024 chứng kiến sự bùng nổ của "brain rot" - nội dung trực tuyến được xem là “thấp cấp” hoặc mang tính giải trí vô nghĩa. Trào lưu này lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội, thậm chí từ vựng “brain rot” đã được Nhà xuất bản Đại học Oxford chọn làm từ của năm, với định nghĩa chính thức: “Sự suy giảm trạng thái tinh thần hoặc trí tuệ của một người, đặc biệt do tiêu thụ quá mức nội dung (hiện nay chủ yếu là nội dung trực tuyến) được xem là tầm thường hoặc thiếu thách thức.”
Nội dung “brain rot” đang tạo sức hút mạnh mẽ như một phản ứng trước làn sóng nội dung kỹ thuật số ngày càng bóng bẩy và được trau chuốt quá mức. Giữa những video được dựng công phu và các câu chuyện kể cầu kỳ, người dùng dường như chỉ muốn tạm dừng, tìm kiếm sự nhẹ nhàng và đơn giản. Không điệu nhảy phức tạp, không thông điệp tầng tầng lớp lớp - chỉ là niềm vui thuần khiết và một chút kỳ quặc, mang lại cảm giác thư giãn không ngờ.
Xu hướng này minh họa sự thay đổi trong sở thích của người xem, ưu tiên những nội dung có khả năng xoa dịu tinh thần, giảm bớt sự căng thẳng do thông tin tràn ngập. Nếu như văn hóa meme trước đây gây ấn tượng nhờ sự mỉa mai và hài hước sâu sắc, thì nội dung "brain Rot" lại đi xa hơn khi loại bỏ hoàn toàn sự châm biếm, thay vào đó là niềm vui giản đơn, không cần suy nghĩ nhiều. Đây chính là sự "giải trí nguyên sơ" -thỏa mãn và dễ tiếp cận, mang lại sự cân bằng giữa một thế giới số vốn dĩ đầy phức tạp.
Cơn bão nội dung "brain rot" và làn sóng meme kỳ dị
Nội dung "brain rot" không chỉ giới hạn trong các meme phi lý mà còn gồm cả ngôn ngữ mới mẻ như "only in Ohio" hay "what the sigma?". Nhiều thương hiệu lớn nhanh chóng tận dụng xu hướng này để thu hút sự chú ý của thế hệ Z và Alpha. Chẳng hạn, Duolingo đã tạo tiếng vang với video meme trên TikTok, như linh vật Duo hát một bản chế của “Cotton Eye Joe” đạt hơn 68 triệu lượt xem. Hay video “queen never cry” thậm chí còn cán mốc hơn 70 triệu lượt xem trong vòng một tuần.
Ngoài mạng xã hội, "Skibidi Toilet" - một series web kỳ quặc, đã được sản xuất thành đồ chơi và bày bán tại các nhà bán lẻ lớn như Walmart hay Target, minh chứng cho việc xu hướng "brain rot" đã lan ra ngoài không gian kỹ thuật số.
Điều gì khiến “brain rot” trở thành chiến lược marketing hấp dẫn?
Theo Maggie Walsh, giám đốc chiến lược tại Glow, meme không chỉ còn là ngôn ngữ trên internet mà đã trở thành "đơn vị văn hóa" phổ biến. Do đó, các thương hiệu cần xem meme như một phần trong chiến lược giao tiếp chứ không chỉ là một dạng nội dung.
Tuy nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ "brain rot" phải được cân nhắc kỹ. Theo dữ liệu từ Oxford, lượt tìm kiếm cụm từ “brain rot meaning” đã tăng hơn 2,073% trong năm qua, cho thấy sự tò mò lớn của công chúng. Tuy nhiên, sử dụng ngôn ngữ thịnh hành một cách thiếu kiểm soát có thể khiến thương hiệu trở nên sáo rỗng, thậm chí ảnh hưởng xấu đến hình ảnh.
Cụ thể, Nutter Butter, một loại bánh quy ngon được người tiêu dùng yêu thích từ năm 1969, đã gây chú ý trên TikTok nhờ vào một chiến lược tiếp thị táo bạo khi sử dụng các video kỳ quặc và khó hiểu, đặc biệt nhắm vào Gen Z và Gen Alpha. Những video này không tuân theo logic thông thường mà thay vào đó, mang tính vô lý và phi lý, phù hợp với trào lưu hài hước đang chiếm ưu thế trên nền tảng này. Đây là một phần trong chiến lược của thương hiệu khi muốn tạo dựng sự kết nối mạnh mẽ với thế hệ trẻ, vốn đã quen với những xu hướng và nội dung "não rỗng" (brain rot).
Các video của Nutter Butter thường có những yếu tố kỳ quặc như hình ảnh phóng đại, kịch bản khó hiểu hoặc những tình huống hài hước mà không cần phải có một thông điệp rõ ràng. Điều này không chỉ thu hút sự chú ý mà còn tạo ra sự bùng nổ tương tác, với một số video đạt gần 150.000 lượt thích, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trẻ, những người đang tìm kiếm sự giải trí nhanh, vui vẻ mà không quá suy nghĩ, đồng thời cũng thể hiện một phong cách tiếp thị đầy táo bạo mà nhiều thương hiệu khác còn ngại ngần.
Thách thức và chiến lược cân bằng
Các nhà tiếp thị cần thận trọng khi sản xuất nội dung "brain rot". Nếu chỉ tập trung vào xu hướng này, thương hiệu dễ bị cuốn vào “vòng lặp cuộn vô tận” của mạng xã hội, trở nên nhạt nhòa giữa những nội dung do người dùng tạo ra.
Đối với những thương hiệu tập trung vào số lượng hơn chất lượng, nội dung "brain rot" có thể giúp tăng tương tác và chiều lòng thuật toán mạng xã hội. Ví dụ, đội bóng Buffalo Bills đã khéo léo kết hợp các meme với nội dung liên quan đến cầu thủ và hoạt động đội bóng, tạo điểm nhấn độc đáo trên TikTok. Tuy nhiên, chiến lược bền vững đòi hỏi sự cân bằng cũng như cần có nội dung vừa hòa nhập với xu hướng vừa thể hiện sự khác biệt để nổi bật.
Tóm lại, "brain rot" mang lại cơ hội lớn trong việc nắm bắt ngôn ngữ và xu hướng văn hóa, nhưng cũng đòi hỏi sự tỉnh táo và sáng tạo trong cách áp dụng. Thành công không chỉ nằm ở việc chạy theo xu hướng mà còn ở khả năng tạo ra dấu ấn độc đáo, lâu dài.
Diệu Anh
Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.