Trong bối cảnh Creator Economy bùng nổ, sự lên ngôi của các công cụ hỗ trợ sáng tạo, quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng ngày càng nhận được sự quan tâm. Dù vậy, mặt bằng chung về sự hiểu biết quyền của tác giả đối với sản phẩm sáng tạo vẫn còn hạn chế, dẫn đến nhiều vụ việc xâm phạm quyền tác giả vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.


Được xã hội quan tâm trong thời gian vừa qua có thể kể đến sự việc nữ rapper sở hữu một bài hát remix xu hướng trên TikTok tố một đội ngũ truyền thông phim Việt Nam cắt xén, sử dụng bài hát của mình để quảng bá mà không có sự xin phép. Nữ rapper cho biết đã chủ động liên hệ đội ngũ để xử lý vụ việc đồng thời đề xuất chia sẻ tác quyền cho mục đích thương mại. Tuy nhiên, đội ngũ làm phim đã từ chối và xoá clip, không có động thái xin lỗi hay giải thích thỏa đáng về tình trạng sử dụng và chỉnh sửa bài hát trên. 


Vậy tác giả có quyền thế nào với sản phẩm của mình và được bảo vệ ra sao theo pháp luật Việt Nam? Cùng Luật sư Trần Minh Cường - Đoàn Luật sư TP.HCM, giải đáp thắc mắc về quyền tác giả qua bài viết dưới đây! 


Quyền của tác giả đối với sản phẩm sáng tạo 


Theo Luật sư Trần Minh Cường, quyền tác giả là một trong những loại quyền năng quan trọng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Quyền tác giả được luật sở hữu trí tuệ quy định để bảo hộ những tác phẩm của những tác giả sáng tạo/chủ sở hữu và trao cho các quyền của tác giả đối với tác phẩm. 


Khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT) 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 có quy định quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả phát sinh kể từ thời điểm tác phẩm đó được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ và không phụ thuộc vào việc tác phẩm đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Ví dụ, khi một người bắt tay vào vẽ tranh thì quyền tác giả cũng bắt đầu phát sinh kể từ thời điểm đó mà không cần xét xem tác phẩm đó được vẽ trên chất liệu gì, đã được đăng ký bản quyền hay chưa.


Ngoài ra, Luật SHTT cũng quy định rõ quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Trong đó: 

  • Quyền nhân thân là quyền xác lập mối liên hệ giữa bản thân tác giả với tác phẩm (Điều 19 Luật SHTT) bao gồm quyền đặt tên tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; công bố tác phẩm và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. 
  • Quyền tài sản là quyền của tác giả tự mình hoặc cho phép người khác sử dụng tác phẩm và được hưởng các lợi ích vật chất của việc sử dụng đó (Điều 20 Luật SHTT) như làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn, sao chép, phân phối, truyền đạt tác phẩm đến công chúng,..


Năm 2021, hoạ sĩ nhí Xèo Chu đấu giá thành công tác phẩm "Hoa mai may mắn" trên sàn giao dịch điện tử NFT và thu về gần 23.000 USD (theo giá trị quy đổi). Bức tranh vẽ tay vẫn thuộc về Xèo Chu, người mua chỉ mua quyền sở hữu bức tranh kỹ thuật số.


Mức phạt đối với trường hợp xâm phạm quyền tác giả


Căn cứ tại khoản 1, Điều 199 Luật SHTT, luật có quy định các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: “Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.”


Cụ thể, biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự được đề cập trong khoản 1 Điều 199 Luật SHTT bao gồm: 


*Biện pháp dân sự: Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Điều 202 Luật SHTT như:

  • Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
  • Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
  • Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
  • Buộc bồi thường thiệt hại;
  • Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.


*Biện pháp hành chính: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả (Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP)


*Truy cứu trách nhiệm hình sự: Bên cạnh việc xử lý vi phạm hành chính, hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan tuỳ theo mức độ còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.


Tác giả bị sử dụng sản phẩm trái phép có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?


Điều 28, Luật SHTT quy định cụ thể 16 hành vi xâm phạm quyền tác giả. Trong đó, luật sư Trần Minh Cường đánh giá hành vi xâm phạm sự toàn vẹn của tác phẩm như: cắt xén, sửa đổi (chỉnh sửa lời bài hát, gắn/đính kèm sản phẩm này vào tác phẩm khác,...) mà không có sự đồng ý của tác giả là sai phạm phổ biến. Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân còn sử dụng tác phẩm với mục đích thương mại mà chưa có thoả thuận hợp lý hoặc sự đồng ý từ tác giả. 


Trong vụ kiện tranh chấp tác quyền Thần đồng đất Việt giữa hoạ sĩ Lê Phong Linh (Lê Linh) và công ty Phan Thị, Hội đồng xét xử nhận định có sự xâm hại nghiêm trọng với quyền nhân thân của tác giả khi công ty Phan Thị đã sửa chữa, cắt xén tác phẩm mà chưa có sự đồng ý của tác giả


Như vậy với trường hợp đội ngũ truyền thông cho bộ phim nói trên, Luật sư Trần Minh Cường đánh giá: “Việc sử dụng tác phẩm mà chưa xin phép, trả thù lao của ekip là trái quy định. Ekip này có nghĩa vụ phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho nữ rapper. Đồng thời, nữ rapper có thể liên hệ với bên sử dụng trái phép yêu cầu thanh toán tiền nhuận bút, thù lao hoặc yêu cầu họ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, nữ rapper cũng có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Nếu bên sử dụng trái phép không hợp tác, nữ rapper có thể khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định tại khoản 1 Điều 198 Luật SHTT.”


Tóm lại, tác giả sở hữu sản phẩm sáng tạo bị sử dụng trái phép có thể bảo vệ quyền lợi của mình theo khoản 1, Điều 198, Luật SHTT:

  • Liên hệ bên sử dụng trái phép yêu cầu thanh toán tiền nhuận bút, thù lao hoặc yêu cầu họ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.
  • Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. 
  • Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. 


Lý Tú Nhã