Live Commerce hay còn biết đến với tên gọi Live Shopping. Hình thức bán hàng/quảng bá này không còn mới tại Việt Nam khi được rất nhiều nhãn hàng sử dụng từ 5 năm trước dưới dạng livestream giới thiệu và bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Song, Live Commerce chỉ bắt đầu thực sự bùng nổ trong 01 năm trở lại đây, với sự ra đời của TikTok Shop.
Live Commerce bắt đầu từ đâu và có tiềm năng như thế nào?
Hình thức Live Commerce ra đời từ tháng 5 năm 2016 khi với Alibaba Tao Bao Live chính thức được triển khai, đánh dấu 1 chương mới trong cách bán hàng. Gã khổng lồ TMĐT này chính là người tiên phong 1 cuộc “cách mạng” kết hợp việc phát livestream với 01 gian hàng TMĐT để người tiêu dùng vừa xem giải trí, vừa có thể mua sắm ngay lập tức.
Live Commerce nhanh chóng phát triển và tạo ra những kỷ lục ấn tượng. Năm 2020, chỉ với 30 phút trong ngày 11/11, Alibaba Taobao đã bán được 7,5 tỷ USD (~160 nghìn tỷ đồng). Nhiều ngôi sao livestream Trung Quốc như Lý Giai Kỳ đã bán hàng tỷ USD chỉ trong 1 phiên live.
Theo một nghiên cứu tại thị trường Trung Quốc vào năm 2020, 1/2 người tiêu dùng tại đây đã mua hàng thông qua livestream, Live Commerce tại thị trường Trung Quốc đã đạt 172 tỷ USD GMV, chiếm 5% tổng GMV TMĐT tại Trung Quốc.
Tại Mỹ, con số này là tầm 56,2 tỷ USD, chiếm 4,7% tổng GMV TMĐT năm 2023 và dự kiến đạt 80 tỷ USD và 5,2% vào 2025.
Live Commerce mang lại những giá trị gì cho brand/thương hiệu?
Live Commerce mang tới giá trị cho các nhãn hàng, nhà bán lẻ, sàn TMĐT chủ yếu ở 2 khía cạnh:
- Tăng tốc độ bán hàng: Live Commerce có tác dụng giải trí và hút người dùng vào dòng chảy livestream. Live Commerce cũng rút ngắn hành trình khách hàng, từ “biết” đến “mua” lập tức. Nhờ các chiến thuật như coupon giới hạn chỉ được sử dụng trong 1 khoảng thời gian giới hạn, Live Commerce thúc đẩy người mua mạnh mẽ. Theo các doanh nghiệp từng và đang áp dụng hình thức Live Commerce, tỷ lệ chuyển đổi mua hàng (CVR) lên tới 30%, cao gấp 10 lần so với cách bán hàng TMĐT thông thường.
- Tăng độ hấp dẫn và khác biệt của Thương hiệu: Một thương hiệu nổi bật trong mảng Live Commerce tạo ra độ nhận diện cao hơn và trực tiếp tương tác dễ hơn với khách hàng. Live Commerce dễ dàng đóng vai trò như một phễu thu hút lượng traffic mới vào xem live, sau đó truy cập website, kênh bán và kể cả không mua hàng, những tương tác với kênh sẽ trở thành data vô cùng hữu ích với thương hiệu trong kinh doanh và quảng cáo số. Với những người mua hiện hữu, Live Commerce giúp củng cố định vị của thương hiệu, đồng thời thu hút thêm các khách hàng mới, đặc biệt với giới trẻ (GenZ), những người chán ngấy cách bán hàng cũ kỹ và rất thích thú với trải nghiệm mua sắm sáng tạo. Một số Nhãn hàng báo cáo rằng, số lượng khách hàng trẻ của họ đã tăng 20% khi sử dụng Live Commerce.
Kênh bán hàng tạo tăng trưởng đột phá
Live Commerce bắt đầu từ Trung Quốc, nhưng đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu. Chỉ sau 5 năm, tốc độ tăng trưởng trung bình đã đạt 280%/năm. Dự kiến đến 2023, thị trường Live Commerce của Trung Quốc có thể đạt gần 623 tỷ USD, chiếm 20% TMĐT toàn Trung Quốc.
Hiện tại, những ngành hàng phù hợp và nổi bật nhất với hình thức này là thời trang (chiếm 36%), tiếp theo là mỹ phẩm, thực phẩm…
Các chỉ số nhân khẩu học tại Trung Quốc cho thấy, Gen Z và thế hệ Millennials là người dùng chủ yếu, mặc dù Live Commerce cũng bắt đầu thu hút những độ tuổi già hơn. Đến 2022, 45% người dùng internet mua hàng qua Live Commerce.
Với sự bùng nổ của Live Commerce, kể cả các nhãn hàng lớn nhất, lâu đời nhất, các nhà bán lẻ và các sàn TMĐT trên thế giới đều đang thiết lập các hoạt động livestream để quảng bá sản phẩm của mình, đặc biệt trong ngành Thời trang và Mỹ phẩm.
Các nhãn hàng đi đầu có thể kể đến Douglas (Đức) đã tiến hành rất nhiều hoạt động livestream mang lại tỷ lệ CVR lên tới 40%. Hãng Tommy Hilfiger gần đây đã mở rộng hoạt động livestream sang cả Châu Âu và Bắc Mỹ sau những thành công tại Trung Quốc, nơi mà họ thu được 14 triệu người dùng quan tâm và 1,300 áo hoodies được bán chỉ trong 2 phút. Walmart cũng đã triển khai các hoạt động Live Commerce trên TikTok và kết quả đạt được gấp 7 lần so với kỳ vọng và tạo thêm 25% người theo dõi trên kênh TikTok của hãng. Rất nhiều các start-up, chủ nhãn hàng nhỏ đã nhanh chóng tham gia vào xu hướng này.
Sau quá trình đào tạo thị trường, giờ đây người dùng tại Trung Quốc đã hình thành một thói quen mới: 1/4 người trưởng thành sẽ trải nghiệm, tìm kiếm sản phẩm mới thông qua livestream được giới thiệu bởi các KOL, KOC hoặc các đại sứ của nhãn hàng.
Ở một số thị trường, cụm từ: “Tôi mua hàng nhờ TikTok”/”TikTok made me buy it” đã trở nên rất phổ biến.