“Hoạ sĩ công sở” Trà Nhữ: “Học hỏi chỉ đúng khi thứ mình sao chép là kỹ thuật sáng tạo”

“Hoạ sĩ công sở chúng tôi vẽ tranh theo lố chứ không phải dự án cá nhân. Chúng tôi cũng ngồi văn phòng từ 9 giờ sáng đến 5 giờ tối, cũng sáng tác trong sức ép của deadline và điều chỉnh cái tôi để đưa ra giải pháp tốt cho khách hàng”, chị Trà Nhữ - Hoạ sĩ minh hoạ nổi bật với các tác phẩm mang đậm màu sắc đô thị, đã tự mô tả bản thân như thế. 


Nhữ Hương Trà hay còn được biết đến nhiều hơn với tên gọi Trà Nhữ. Chị hiện là Art Coordinator (Điều phối minh họa) toàn thời gian tại một đơn vị truyền thông. Song song, chị cũng sáng tác như một hoạ sĩ tự do, hợp tác với các nhãn hàng như OFÉLIA, NXB Người Trẻ Việt, CAKE (đơn vị thanh toán trực thuộc BE Group),... Bên cạnh các tác phẩm digital đăng tải trên mạng truyền thông xã hội, chị cũng là cây cọ phía sau các ấn phẩm sách như Ổn định hay tự do (Trương Học Vĩ), Làm gì có ai thực sự muốn chết (Lim Sewon), Có một nỗi buồn vừa ngang qua đây (Gã),... 



Tranh vẽ của Trà Nhữ thấp thoáng nỗi lo âu đô thị và sức khỏe tinh thần người trẻ. Chị dùng hội hoạ như ngôn ngữ được kể bằng nghệ thuật, từ đó cất tiếng nói về ô nhiễm môi trường, bạo lực gia đình, chứng trầm cảm hay áp lực xã hội đang đè nặng lên vai thế hệ Millennials và Gen Z. 


It ai biết rằng chị Trà Nhữ cách đây 7 năm… không biết gì về hội hoạ. Trong suốt hành trình theo đuổi đam mê, chị đã trau dồi và rèn luyện những kỹ năng sáng tạo gì? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau!



Khi nghĩ về hoạ sĩ, người ta thường nhớ tới những nhân tài sáng tạo có tài năng thiên bẩm, thể hiện được phong cách riêng từ bé. Thế nhưng đến năm 20 tuổi, nét vẽ của hoạ sĩ Trà Nhữ vẫn không có gì đặc biệt, nếu không muốn nói là chỉ vừa chạm đến ngưỡng “ổn”. Chị thú nhận rằng mình không biết những nguyên tắc thị giác cơ bản trong hội hoạ, mù mờ về tả sáng, tả khối, thậm chí không nắm vững nguyên lý màu hay cách sắp xếp bố cục. “Không ai bắt buộc bạn phải vẽ từ lúc bé thơ mới được trở thành hoạ sĩ. Xuất phát điểm chỉ là một phần, cái quan trọng chính là hành trình phía sau”, chị Trà Nhữ nói. 


Kể từ khi xác định mục tiêu trở thành hoạ sĩ minh hoạ, chị Trà Nhữ tham gia các khoá học và giữ tư duy mở để tiếp thu mọi nguồn kiến thức. Tri thức đến từ lúc chị nhìn một bức tranh hay quan sát quá trình tạo ra sản phẩm của đồng nghiệp. Ngoài ra, chị học nhảy và đọc văn chương đương đại để cải thiện kỹ năng vẽ của mình. “Nhảy giúp tôi cảm nhận nhịp điệu cơ thể của mình tốt hơn. Đọc sách trau dồi khả năng tưởng tượng, tâm trí người vẽ lắp ráp những cảnh họ chưa từng thấy trong đời thật, biến nó thành cảm hứng. Người làm sáng tạo dù ở lĩnh vực nào đi nữa, cũng nên thử nhiều hoạt động khác nhau để làm giàu tư liệu cho mình”, chị cho biết. 


Người làm sáng tạo dù ở lĩnh vực nào đi nữa, cũng nên thử nhiều hoạt động khác nhau để làm giàu tư liệu cho mình


Dù có xuất phát điểm là một cử nhân Truyền thông, chị Trà Nhữ lại không cho rằng đấy là một điều phí phạm. Bởi lẽ, thời gian theo học Truyền thông giúp chị hiểu rõ hơn về cấu trúc và cách làm việc với khách hàng - vốn là hạn chế của các nghệ sĩ sáng tạo mỹ thuật. Theo đó, đa phần hoạ sĩ nói riêng và các nhà sáng tạo nghệ thuật nói chung có thiên hướng làm việc độc lập. Họ đặt tiếng nói cá nhân vào trong tác phẩm, để tiếng nói được bộc phát rõ ràng mà không bị bóp méo bởi một tác nhân nào ở bên ngoài. Trong khi đó, thị trường quảng cáo, truyền thông cần những cá nhân làm việc tốt trong tập thể. “Dù cá nhân đó có tài năng nổi bật tới đâu, họ vẫn cần gắn mình vào đội ngũ để tạo ra những giải pháp cho khách hàng. Việc trang bị kiến thức cơ bản về quảng cáo, truyền thông sẽ giúp hoạ sĩ và người làm sáng tạo nói chung hiểu rõ hơn lý do đằng sau mỗi feedback của khách hàng. Tại sao họ lại muốn chỉnh sửa như thế? Nhu cầu thực sự của họ đối với brief này là gì? Từ đó, nhân sự có thể đề xuất cách chỉnh sửa chính xác hơn mà không tốn năng lượng từ cả hai phía”, chị chia sẻ.



Bên cạnh 3 nhóm hoạ sĩ ở trên, thị trường ngày nay đang xuất hiện một nhóm họa sĩ khác, theo cách gọi của chị Trà Nhữ là những hoạ sĩ công sở. Họ đến văn phòng lúc 9 giờ và làm việc đến 5 giờ chiều. Công việc mang tính chất công sở bàn giấy. Thời gian biểu tương đối cố định. “Tôi là một hoạ sĩ công sở. Tranh tôi vẽ ở văn phòng tính theo lố chứ không theo dự án. Thỉnh thoảng tôi sáng tác ở tình thế deadline dí sát người, lúc đó bỏ qua mọi nghi ngờ và cái tôi sáng tạo của một nghệ sĩ để chỉ sống chết vẽ cho kịp lên bài”, chị nói. 


Họa sĩ công sở có thể là một lớp lao động thường thấy hơn, phá vỡ những khái niệm trước giờ của mọi người về một họa sĩ. Có lẽ đã đến lúc nên thay đổi cách định nghĩa họa sĩ như một nhà sáng tạo giờ giấc lung tung, là những con cú đêm, làm việc độc lập và tôn thờ cái tôi. “Vẫn có những lớp họa sĩ công sở như chúng tôi, tham gia thị trường lao động, có giờ giấc cố định, đặt ra những quy tắc làm việc để đảm bảo tiến độ cho tập thể”, chị Trà Nhữ cho biết. 



Tranh vẽ của chị Trà Nhữ có 3 điểm đặc trưng: Đô thị, hoà đồng và mang tính chữa lành. Dù là vẽ cho bài đăng mạng xã hội, hình minh hoạ bài viết website hay sáng tác bìa cho ấn phẩm sách, nét vẽ của chị vẫn tạo cảm giác nhẹ nhàng, đơn giản và trung lập. Nói về sự nhất quán trong cách vẽ này, chị Trà Nhữ lý giải rằng vì chị luôn duy trì một giọng điệu trong tác phẩm. Một người làm sáng tạo bộc lộ cá tính qua giọng nói (voice) chứ không phải kỹ năng. 


Chị Trà Nhữ cho rằng, nhiều người đang nghĩ về phong cách cá nhân như một cái gì đó mang tính chất bề mặt và thiên về thẩm mỹ (có thể thấy được). Chẳng hạn, một họa sĩ có thể được mô tả là “người có phong cách đa màu sắc”, “rực rỡ”, “chuộng màu neon”, “gợi cảm”, “đô thị”. “Nếu định nghĩa phong cách bề nổi như vậy thì nó hóa ra rất dễ đạt được. Vấn đề ở đây là, phong cách không chỉ dừng lại ở những thứ nằm ở bề mặt bức tranh”, chị Trà Nhữ nêu quan điểm. 


Phong cách của một người nghệ sĩ nói chung và họa sĩ nói riêng sẽ bao gồm 2 thành tố: Voice (Tiếng nói) + Style (Kiểu cách). Người làm sáng tạo nên duy trì phát triển 2 thành tố này song song với nhau. Trên thực tế, một họa sĩ có thể có 1 voice và nhiều style. 



Người làm sáng tạo đôi khi rất trăn trở vì họ lỡ… thích tất cả mọi cách thức mà không thực sự ràng buộc trong điều gì. Tuy nhiên, nếu định nghĩa phong cách cá nhân theo cách 1 voice + nhiều style, sẽ có nhiều nghệ sĩ ngoài kia nhẹ nhõm hơn. “Chúng tôi có thể thử nghiệm nhiều cách vẽ khác nhau nhưng vẫn định hình được bản thân bằng cách giữ một tiếng nói nhất quán, chân thành trong sản phẩm”, chị Trà Nhữ bộc bạch.  


Ba bước sáng tạo của Trà Nhữ bao gồm: Viết ra câu chuyện, Sketch và Lên màu. Khách hàng là những người có thể có chuyên môn về vẽ hoặc không. Vậy nên, từ brief, chị sẽ viết ra một bối cảnh và câu chuyện cụ thể theo góc nhìn của người hoạ sĩ với những mô tả chi tiết về tâm trạng, vấn đề nhân vật đang gặp phải,... Bảng mô tả này sẽ cung cấp cho chị những hình dung gần gũi hơn để có thể sketch và lên màu phù hợp. 



"Hoạ sĩ có thể có nhiều style, nhưng chỉ có 1 voice"


Chỉnh sửa trong hội hoạ sẽ khác hơn nhiều so với thiết kế kỹ thuật số. Chính vì vậy, hoạ sĩ cũng sẽ nhạy cảm hơn khi tiếp nhận feedback của khách hàng. Theo chị Trà feedback gây khó chịu nhất là khi khách hàng muốn họa sĩ vẽ luôn theo ý họ. Khi khách hàng đã chọn một họa sĩ, họ nên tôn trọng và tin tưởng vào người đó ở khả năng truyền tải câu chuyện. Nếu có feedback thì không nên chi tiết mà chỉ dừng lại ở mức độ phổ quát. Ví dụ khách hàng chưa ưng ý một bức vẽ ngày tết vì chưa đủ vui tươi. Họ có thể khơi gợi giải pháp là Bức tranh đang thiếu không khí ngày Tết, chứ không nên “Chị thấy nó chưa đủ tết, nên vẽ thêm cây đào, cây mai vào vị trí này”. Đây là một cách giải quyết tiểu tiết và dễ làm họa sĩ cụt hứng. 



Người làm sáng tạo thường tìm kiếm reference để tham khảo ý tưởng và xây dựng nguồn cảm hứng. Trà Nhữ thẳng thắn nói rằng với những nhà sáng tạo còn yếu kỹ thuật và kinh nghiệm, giai đoạn đầu nhìn reference thường khó tránh khỏi việc copy (sao chép). “Nhưng sao chép cái gì, sao chép như thế nào mới là cái người sáng tạo cần bàn cãi. Lấy nguyên tác phẩm của người khác và vẽ lại thành của mình thì là sai trái, không thể luận bàn thêm. Nhưng sao chép kỹ thuật, sao chép cách họ làm ra tác phẩm đó và áp dụng sang tác phẩm của mình lại là câu chuyện khác. Việc này không khác một cách bạn thực hành và luyện tập. Bạn tạo ra tác phẩm và bạn hiểu động lực sáng tạo đằng sau nó bao gồm cách làm, ý tưởng và thông điệp thì bạn mới học hỏi được nhiều, thì đó mới là tác phẩm của chính bạn”, chị Trà Nhữ nói. 


Tranh vẽ về nỗi lo âu đô thị và sức khoẻ tinh thần người trẻ


Theo quan điểm này, chị không còn thói quen lên Pinterest để tìm reference nữa. Đối với chị Trà Nhữ, Pinterest là một sân khấu “bóng bẩy” cho mọi tác phẩm hoàn thiện được thỏa sức thể hiện mình. Nhưng người nghệ sĩ lại chẳng thể kể được hành trình sáng tạo phía sau tác phẩm đó. Hành trình sáng tạo này không chỉ nói lên được những khó khăn mà người nghệ sĩ trải qua mà còn phản ánh được cách họ đưa tác phẩm thành hiện thực. Chị Trà Nhữ nói: “Học từ quá trình sáng tạo, chứ không học từ bề nổi tác phẩm là điều tôi luôn tự dặn dò bản thân mình. Nhìn tác phẩm đẹp mắt được hoàn thiện, mình dễ so sánh không công bằng rằng tại sao người khác làm được nhưng chính mình lại không? Điều này thúc đẩy động lực copy sai trái".



Chị đúc kết những cách giúp chị cải thiện kỹ năng vẽ và dần khẳng định dấu ấn cá nhân:


Về đức tính: Rèn luyện sự kiên nhẫn và biết tha thứ cho bản thân. Cụ thể, đó là sự kiên nhẫn luyện tập, kiên nhẫn sửa chữa sai lầm. Không riêng gì làm sáng tạo, mọi hành trình theo đuổi một đích đến đều không tránh khỏi những lần nghi ngờ về chính bản thân mình. Do đó, chấp nhận tha thứ cho những yếu kém nhất thời và nhẫn nại thay đổi là hai đức tính cần có của người nghệ sĩ nói riêng và làm sáng tạo nói chung.


Về cách học tập: Trà Nhữ học nhiều từ bạn bè và những người xung quanh. Hỏi về kỹ thuật vẽ, hỏi về lý do tại sao lựa chọn phong cách này, hỏi về động lực sáng tạo đằng sau tác phẩm là một trong những chủ đề mà hoạ sĩ có thể trò chuyện mỗi ngày với những người cùng làm nghề. Ngoài ra, hoạ sĩ trẻ có thể đăng ký các khóa học vẽ, xem video hướng dẫn vẽ trên mạng,... Theo Trà Nhữ, bên cạnh việc luyện tập kỹ năng, hoạ sĩ cũng cần không ngừng trau dồi trải nghiệm. “Đừng chỉ biết vẽ và vẽ, hãy thử nhảy, viết nhật ký, đọc sách, nghe nhạc,... để rèn luyện trí tưởng tượng hay mở mang đầu óc mới mẻ hàng ngày”, Trà Nhữ chia sẻ về kinh nghiệm của bản thân chị. 


Về cách tìm kiếm ý tưởng: Thói quen quan trọng nhất chính là ghi chép. Ý tưởng đến từ mọi chủ thể xung quanh mỗi hoạ sĩ. Chính vì vậy, ngay khi cảm thấy có hứng thú với một vấn đề, hãy ngồi xuống ghi chép lại, kể cả khi chưa hình dung được cách biểu đạt vấn đề đó qua tranh vẽ. Bên cạnh đó, hoạ sĩ cũng có thể đọc sách và xem phim, đặc biệt là phim hoạt hình nhiều hơn. 



“Hoạ sĩ công sở” Trà Nhữ: “Học hỏi chỉ đúng khi thứ mình sao chép là kỹ thuật sáng tạo”

Hằng Trần

Hằng Trần

Content Creator | Advertising Vietnam

21 Thg 12 2022

Lưu

Cùng chuyên mục