Sau Phong Lương, Tú Na, Xèo Chu là người Việt tiếp theo bán đấu giá tranh thành công trên sàn giao dịch điện tử NFT và thu về gần 23.000 USD (theo giá trị quy đổi). Đại diện Binance cho biết, đây là bức tranh có giá cao nhất đến từ Việt Nam trên sàn NFT.


Họa sĩ nhí Xèo Chu (tên thật là Phó Vạn An, sinh năm 2007 ) là cái tên không xa lạ trong giới hội hoạ. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, Xèo Chu vẽ tranh từ năm 4 tuổi và hiện đang sở hữu hơn 200 tác phẩm, từng tổ chức nhiều triển lãm tranh ở trong và ngoài nước.


Mới đây, Xèo Chu đã tạo ra NFT đầu tiên của mình với bức tranh “Hoa mai may mắn”. Để đưa tác phẩm này lên Binance NFT, Xèo Chu phải trải qua quá trình thẩm định từ đội ngũ quản lý của sàn về danh tính tác giả, quyền sở hữu và nguồn gốc minh bạch của tác phẩm. Sau đó, bức tranh được chuyển sang dạng định dạng kỹ thuật số (digital) và đưa lên sàn đấu giá.



Ban đầu tác phẩm của Xèo Chu có giá khởi điểm là 5.000 USD (quy đổi), nhưng chỉ sau 24 giờ, tác phẩm này được mua với giá 22.899 USD (527 triệu đồng). Đặc biệt, với hình thức mua bán trên sàn Binance NFT, bức tranh vẽ tay "Hoa mai may mắn" vẫn thuộc về Xèo Chu, người mua chỉ mua quyền sở hữu bức tranh kỹ thuật số.


Bức tranh "Hoa mai may mắn" của Xèo Chu được đấu giá thành công 


Trước Xèo Chu, 2 đại diện của Việt Nam tham gia triển lãm tranh trên sàn Binance NFT là Phong Lương và Tú Na. Trong triển lãm của mình trên sàn NFT, Tú Na thu về hơn 31.000 USD (quy đổi), bức tranh có giá cao nhất lên đến hơn 5.000 USD. Trong khi đó, triển lãm của Phong Lương thu về gần 7.000 USD, bức tranh có giá cao nhất của nghệ sĩ này trên sàn NFT là 3.000 USD. 


Bức tranh mới nhất của Tú Na "Don’t lie me" đấu giá được hơn 4600 USD 


Theo thống kê của Binance, hiện Xèo Chu, Tú Na và Phong Lương đều nằm trong số Top 50 nghệ sĩ có doanh thu cao nhất trên sàn NFT. 


NFT (viết tắt của Non-Fungible Token - Token không thể thay thế) ra đời từ năm 2017, là một thuật ngữ công nghệ dùng để chỉ một dạng vật phẩm ảo được xác thực bằng công nghệ blockchain. Các tác phẩm nghệ thuật (hình ảnh, bức tranh, bài hát,...) dưới dạng NFT luôn là bản gốc, có chữ ký số của người sở hữu và không thể sao chép hay đạo nhái.


Theo đại diện Binance, sáng tác tác phẩm nghệ thuật NFT đang trở thành xu hướng toàn cầu của giới nghệ sĩ. Công nghệ chứng thực trên blockchain ngăn chặn vấn đề đạo nhái, giúp nghệ sĩ yên tâm sở hữu bản quyền "đứa con tinh thần" của mình. Đồng thời, việc bán tác phẩm dưới dạng NFT không cần thông qua bên thứ ba (sàn đấu giá, phòng trưng bày...) cũng giúp tác giả giữ lại một phần lợi nhuận đáng kể. 


Tháng 3 vừa qua, tác phẩm NFT tên Everydays - The First 5000 Days được bán với giá kỷ lục 69,3 triệu USD - là tác phẩm kỹ thuật số NFT có giá trị cao nhất tính đến thời điểm hiện tại.


Tác phẩm Everydays - The First 5000 Days của nghệ sĩ Mike Winkelmann


Với sự thành công của Everydays: The First 5000 Days, giới chuyên môn tin rằng thế giới đang chứng kiến sự khởi đầu của chương tiếp theo trong lịch sử nghệ thuật - nghệ thuật kỹ thuật số.


Tâm Thương | Advertising Vietnam