Ngày nay, thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề nhức nhối như phân biệt chủng tộc, đặc quyền, bất bình đẳng giới hay biến đổi khí hậu. Hơn bao giờ hết, đây là lúc các doanh nghiệp cần sử dụng tiếng nói của mình để góp phần cải thiện và làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. 


Do đó, khái niệm Conscious Brand (Thương hiệu hoạt động vì trách nhiệm xã hội) ra đời. Thương hiệu hoạt động vì trách nhiệm xã hội là sự tự nhận thức và phản ứng với các vấn đề trong môi trường xung quanh. Họ sẵn sàng lên tiếng cho những điều họ tin là đúng hoặc sai.


Nhiều nhãn hàng đã chọn cách ngó lơ trước những cuộc tranh luận xoay quanh các chủ đề gây tranh cãi như chủng tộc hay chính trị, nhưng vẫn có những doanh nghiệp luôn cố gắng dùng sức ảnh hưởng của mình để góp phần thay đổi thế giới. John Lewis & Partners và IKEA là hai ví dụ tiêu biểu. Họ đã gây được sự chú ý với chính sách hoàn tiền và tặng voucher khi khách hàng mang đồ nội thất hoặc quần áo đã sử dụng gửi cho cửa hàng, sau đó khách có thể sử dụng các ưu đãi này để mua sắm. Đây là chiến lược hiệu quả cho các nhà bán lẻ và 2 công ty hy vọng ý tưởng này có thể thu hút người dùng đến cửa hàng và thực hiện việc mua sắm IRL (trong đời thực) nhiều hơn.


Các ví dụ khác như:


Hãng quần áo Patagonia dán thông báo “Bầu cử đã bắt đầu, vì thế chúng tôi sẽ đóng cửa” ở tất cả cửa hàng để khuyến khích người dân đi bầu cử.


Cửa hàng thực phẩm thuần chay Oatly giúp bình thường hóa các hành vi tích cực với carbon thông qua sản phẩm, bao bì và tính cách của hãng. 


Để xây dựng một thương hiệu có ý thức về trách nhiệm xã hội là một cuộc đua dài hơi và cần nhiều nỗ lực, dưới đây là sáu yếu tố giúp doanh nghiệp có thể ứng dụng và đề ra chiến lược trong quá trình phát triển.


1. Đồng cảm với khách hàng


Hầu hết các nhà thành lập đều muốn tổ chức của mình có cá tính riêng để có thể dễ dàng giao tiếp với khách hàng hơn, tuy nhiên điều này lại thường dễ đoán và khá nhạt nhẽo. Vì vậy, nếu các công ty muốn giành được nhiều tiếng nói cũng như luôn xuất hiện trong tâm trí của người tiêu dùng thì doanh nghiệp cần có hiểu biết nhất định về văn hóa địa phương và quan tâm đến cảm xúc của họ.


Ví dụ, Spotify đã sắp xếp các danh sách bài nhạc nhằm truyền tải ý nghĩa “the right music for every moment” (âm nhạc hay cho từng giây phút). Điều này đã phần nào nói lên cách truyền thông của Spotify - làm nổi bật những danh sách nhạc vô cùng tuyệt vời của người nghe và nói lên thói quen nghe nhạc ở từng địa phương. 


Thông điệp “The right music for every moment” của Spotify


2. Thực hiện chiến lược “đa giác quan”


Trong thời đại công nghệ lên ngôi, các thương hiệu luôn cố gắng xuất hiện trên đa phương tiện. Tuy nhiên doanh nghiệp chỉ thường truyền thông những điều giống nhau trên các kênh khác nhau và làm cho khách hàng cảm thấy nhàm chán.


Đi ngược lại xu hướng, TikTok đã dẫn đầu cuộc chơi bằng chiến lược “đa giác quan”. TikTok liên tục thay đổi và khuyến khích người dùng phản hồi dựa trên cảm xúc của họ thay vì bị làm phiền bởi tin nhắn hay yêu cầu từ followers (người theo dõi). 


Ảnh: TikTok


TikTok đã thành công trong việc khuyến khích mọi người ở nhà trong đại dịch Covid-19 với thử thách #iwillsurvivechallenge (rửa tay theo bài hát quốc ca Mỹ) và #stayathomechallenge (những nhân viên NHS - Dịch vụ Y tế Quốc gia và nhà sáng tạo nội dung TikTok chia sẻ các bài tập thể dục hay bí quyết nấu ăn) đã đạt được 2.6 tỷ lượt xem.


3. Hình thành thói quen cho người dùng  


Để đạt được sự hưởng ứng và tương tác từ khách hàng, các thương hiệu cần tạo điều kiện cho họ thực hiện hành vi mua thật nhanh chóng và ít phiền phức nhất. Hơn hết, công ty cũng cần tạo ấn tượng để người tiêu dùng có nhiều lý do để thử nghiệm sản phẩm, mua và đề xuất cho người khác hơn. Điều này có thể dễ dàng thực hiện nếu tổ chức đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của mọi người.


Ví dụ như sản phẩm Apple Watch của Apple đã xây dựng thói quen duy trì sức khỏe hằng ngày cho người dùng với thiết kế giao diện khuyến khích họ tập thể dục và chơi thể thao. Điều này trở thành một yếu tố thỏa mãn và hấp dẫn người sử dụng hơn là ứng dụng chỉ có chức năng theo dõi số bước đi và lượng calo. Từ đó, Apple cũng đã tạo ra được lượng khách hàng trung thành và gắn bó với thương hiệu hơn. Hơn nữa, Apple có thể giảm được chi phí marketing hay giới thiệu những sản phẩm tới đối tượng khách hàng mới.


Sản phẩm Apple Watch của Apple


4. Trở thành nhà tiên phong


Nhiều doanh nghiệp muốn mình trở nên “có đạo đức” nhưng lại không chủ động giải quyết những điều gây tranh cãi ngoài xã hội. Vì vậy, các nhãn hàng nên dùng sức ảnh hưởng của mình để lên tiếng và có những hành động cụ thể nhằm góp phần cải thiện các vấn đề khó khăn.


Bên cạnh việc luôn lên tiếng nâng cao nhận thức về nạn phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng giới tính. Nike còn kêu gọi thành lập ban hội đồng quản trị với những dân tộc thiểu số và đa dạng giới tính.


Ảnh: Nike


Một ví dụ khác là Lego (được xếp hạng là công ty uy tín nhất thế giới bởi khảo sát RepTrak 100) - người tiên phong cho mô hình STEAM (science - khoa học, technology - công nghệ, engineering - kỹ sư, arts - nghệ thuật và maths - toán học) và hợp tác với chuyên viên công nghệ tạo ra một môi trường cho trẻ em phát minh, sáng tạo và lập trình những mô hình robot. 


Ảnh: Lego


5. Xây dựng cộng đồng cho khách hàng 


Một điều đáng quan ngại ở các thương hiệu là họ thường khuyến khích người dùng mua sắm quá mức, có lối sống không lành mạnh và làm hại môi trường. Một vài tổ chức đi ngược lại bằng cách truyền thông khác đi nhưng điều này chỉ làm cho khách hàng ngưng mua sản phẩm của doanh nghiệp, như công ty New Citizenship Project đã nói, khi mọi người nghĩ mình chỉ là người tiêu thụ thì họ ít có khả năng giải quyết các vấn đề xã hội.


Do đó, doanh nghiệp nên coi khách hàng như một tập thể chứ không chỉ là một người mua sản phẩm bình thường. Đây cũng là lý do John Lewis và Ikea thực hiện kế hoạch mua lại sản phẩm cũ nhằm khuyến khích mọi người cùng chung tay giải quyết những khó khăn mà thế giới đang phải đối mặt.


Ứng dụng Peanut đã phát triển một nền tảng để các bà mẹ sau sinh có thể tương tác với những người khác dựa trên sở thích nhằm giải quyết tình trạng trầm cảm sau sinh của họ.


6. Hoạt động dựa trên đạo đức của doanh nghiệp


Các thương hiệu từ lâu đã không nhìn xa trông rộng về tương lai và chỉ dựa trên sản phẩm để không phải thể hiện lập trường về các chủ đề nhạy cảm vì lo ngại rủi ro liên quan đến việc xúc phạm khách hàng. Thế nhưng, ngày nay việc người dùng tẩy chay thương hiệu ngày càng phổ biến hơn, vì thế các doanh nghiệp cần tự hỏi về trách nhiệm của mình trong việc lên tiếng về các vấn đề này.


Ví dụ, khi con số thất nghiệp của Mỹ tăng lên hơn 30 triệu, Headspace quyết định miễn phí 1 năm đăng ký kênh đối với các công dân Mỹ và Anh. Headspace cho biết: “Mặc dù thiền định và chánh niệm không thể thay đổi hoàn cảnh của chúng ta trong cuộc sống, nhưng nó có thể giúp chúng ta thay đổi quan điểm về những hoàn cảnh đó”.


Ảnh: Headspace


Khi Microsoft nhận được yêu cầu phải giảm lượng khí thải của công ty, họ đã hứa sẽ giảm lượng khí thải carbon vào năm 2030 và loại bỏ hoàn toàn vào năm 2050. Họ tuyên bố: “Khoa học cho chúng ta biết rằng đây là mục tiêu quan trọng đối với mỗi người chúng ta và cho mọi thế hệ tiếp theo."


Ảnh: Microsoft


Nội dung: Anh Thư

Thiết kế: Quang Đạt

Theo Campaign UK