Giữa vô vàn những bộ phim truyền hình, phim điện ảnh, chương trình thực tế, tin tức,... thú vị ngoài kia, làm thế nào để các thương hiệu có thể thu hút sự chú ý của người dùng vào những chương trình quảng cáo của họ? Deck of Brilliance - chuyên trang về quảng cáo được sáng lập bởi cựu Giám đốc Sáng tạo Ogilvy Việt Nam đã gợi ý các thương hiệu nên nắm bắt nhanh chóng những tin tức, chủ đề đang thịnh hành có liên quan đến sản phẩm của mình, biến đó làm nguồn cảm hứng sáng tạo. Nếu truyền tải khéo léo và thông minh, thương hiệu không những thu hút được sự chú ý của người dùng mà còn khiến họ phải chia sẻ lên các trang mạng xã hội.


Cùng tìm hiểu các chiến dịch quảng cáo độc đáo qua bài viết dưới đây!


1. Burger King - Burn That Ad


Có thể nói, Burger King và McDonald's là hai đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ khi đều nổi bật trong lĩnh vực thức ăn nhanh. Tại thị trường Brazil, Burger King đã ra mắt một ứng dụng dành riêng cho người dân nơi đây để họ có thể đặt hàng thức ăn nhanh chóng và tiện lợi. Thế nhưng, ứng dụng không được nhiều người biết đến vì McDonald's đã đầu tư vào các chiến dịch quảng cáo gấp 4 lần Burger King. Các quảng cáo của McDonald's xuất hiện trên khắp đường phố Brazil, lấn át các quảng cáo của Burger King và thu hút sự chú ý của người dùng.


Do đó, để quảng bá cho ứng dụng đặt thức ăn của mình, Burger King đã thực hiện chiến dịch "Burn That Ad" nhằm đốt cháy các bảng quảng cáo của đối thủ bằng công nghệ thực tế tăng cường. Cụ thể, khi người dùng bật ứng dụng Burger King Express và hướng camera điện thoại về phía các bảng quảng cáo của McDonald's. Ngay lập tức, một ngọn lửa sẽ xuất hiện trên ứng dụng và “đốt cháy” poster của McDonald's, đồng thời hiển thị thông tin món ăn của Burger King. Thậm chí, tính năng này còn có thể sử dụng đối với hình ảnh của McDonald's trên mạng xã hội, Google Images, quảng cáo trong nhà, khay giấy ăn,... Sau khi "đốt" bảng quảng cáo của McDonald's người dùng sẽ nhận được một voucher bánh Whopper miễn phí tại cửa hàng Burger King gần nhất.


 


Hàng loạt người dùng đã bày tỏ sự thích thú với các bảng quảng cáo bốc cháy của Burger King trên các trang mạng xã hội. Thương hiệu đã thu hút đến 1 tỷ lượt tiếp cận trên Internet và được nhiều trang web lớn về quảng cáo - sáng tạo như Adweek, Medium, The Drum, Designboom,... chia sẻ. Ngoài ra, chiến dịch đã mang về 4 giải thưởng tại D&AD, giải Gold Cannes Lions 2019 và nhiều giải thưởng khác. Ứng dụng đặt hàng của thương hiệu cũng trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất trong danh mục "Food & Drink" trên App Store tại Brazil, thúc đẩy doanh số bán hàng trên app tăng 54,6% trong năm 2020. 


2. Cadbury - Pre-Joy


Xuyên suốt các chiến dịch quảng cáo của mình, thương hiệu bánh kẹo Cadbury luôn tập trung thể hiện những niềm vui, sự thích thú của người dùng khi thưởng thức những thanh chocolate thơm ngon từ thương hiệu. Vào năm 2018, Cadbury đã hợp tác cùng agency Ogilvy thực hiện chiến dịch "Pre-Joy" nhằm nhấn mạnh những khoảnh khắc vui vẻ của người dùng cùng sản phẩm chocolate.


 


Các video clip thể hiện những hành động ngốc nghếch nhưng đầy hài hước của người dùng đều thu hút lượt xem cao ngất ngưởng trên nền tảng YouTube (từ 1 triệu view trở lên) vì chúng mang đến cho người dùng những phút giây giải trí thú vị. Nhằm tận dụng mức độ "viral" của những video này, Cadbury đã áp dụng hình thức quảng cáo Pre-roll nhằm lồng ghép sản phẩm vào video. 


Trước khi những đoạn video “viral” của người dùng được chiếu, thương hiệu sẽ “chen” vào một đoạn quảng cáo 5 giây miêu tả cảnh các nhân vật bốc thanh chocolate Cadbury ra và tận hưởng. Đến lúc đoạn video bắt đầu, họ sẽ thoải mái thực hiện những hành động hài hước như một cụ bà đang tập rap, hai bố con với những điệu nhảy kỳ lạ ở sân sau,... Qua đó, thương hiệu đã chứng minh rằng những nhân vật trong video có thể vui vẻ như thế là vì họ đã được bổ sung năng lượng từ thanh chocolate.

 

Bằng cách tận dụng những video hài hước phổ biến trên YouTube, thương hiệu đã thành công nhắm mục tiêu đến người dùng ở mọi độ tuổi. Cadbury và agency Ogilvy nhận về nhiều giải thưởng danh giá như Gold Cannes Lions, D&AD Awards Wood Pencil, The One Club for Creativity,...


3. Tide - It's a Tide ad


Super Bowl (Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ) là một trong những chương trình thu hút đông đảo người theo dõi nhất nước Mỹ. Vào năm 2017, thương hiệu Tide đã hợp tác cùng agency Saatchi & Saatchi thực hiện chiến dịch "It's a Tide ad"


Đoạn TVC dài 45 giây mở đầu với khung cảnh diễn viên David Harbour đang lái một chiếc xe hơi chạy băng băng trên con đường đèo. Nam diễn viên đã đặt một câu hỏi cho người dùng: "Bạn nghĩ đây là một quảng cáo xe hơi điển hình tại Super Bowl à?" Tiếp đó, quảng cáo chuyển đến hình ảnh một nhóm bạn đang ngồi trong quán bar: "Hay đây là một quảng cáo bia hài hước?". Thế nhưng tất cả đều không phải. David Harbour đã bật mí, tất cả đều là quảng cáo của Tide.


 


Nam diễn viên đã giải thích trong TVC rằng, những bộ trang phục xuất hiện trên các quảng cáo Super Bowl đều sạch sẽ, chỉn chu là nhờ sử dụng nước giặt Tide. Sản phẩm đã đánh bay tất cả vết bẩn, giúp những bộ quần áo trở nên sạch đẹp. Do đó, khi người xem nhìn thấy những bộ trang phục tươm tất này, họ sẽ nghĩ ngay đến công dụng của nước giặt Tide. TVC kết thúc với thông điệp: "If it's clean, it's got to be Tide" (tạm dịch: Nếu những bộ trang phục sạch sẽ, chắc chắn là nhờ có Tide).


Ý tưởng độc đáo của thương hiệu đã đưa #TideAd trở thành hashtag nằm trong top 2 trending trên Twitter (45.000 người sử dụng hashtag này trong suốt sự kiện), đạt được 3,6 tỷ lượt tiếp cận và 17,8% tỷ lệ thảo luận (share of voice) trên mạng xã hội.


4. UNICEF - Food Photo Saves Lives


Trước khi dùng bữa, phần lớn người dùng có thói quen chụp lại hình ảnh những món ăn và chia sẻ chúng trên mạng xã hội. Hàng triệu tấm ảnh về các món ăn có thiết kế đẹp mắt, hấp dẫn được những người dùng, photographer chuyên nghiệp, hay những nghệ sĩ nổi tiếng đăng tải lên Facebook, Instagram, Twitter,... mỗi ngày. Trong khi nhiều người được thưởng thức những bữa ăn ngon, hàng triệu trẻ em ở châu Phi đang bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng vì không có lương thực, thực phẩm. Do đó, tổ chức UNICEF New Zealand đã thực hiện chiến dịch sáng tạo “Food Photos Saves Lives” để giúp đỡ những đứa trẻ này.



Tận dụng mức độ phổ biến của Instagram, UNICEF đã tạo ra hàng nghìn trang tài khoản sử dụng hình ảnh của những đứa trẻ bị suy dinh dưỡng. Tên tài khoản được đặt theo cú pháp "Tên của đứa trẻ_Quốc gia". Từ video giới thiệu chiến dịch, người dùng có thể nhìn thấy hàng loạt tài khoản như Chamissidini_Niger, Chemank_Afghanistan,... 


Sau đó, tổ chức đã tìm kiếm những từ khóa về thức ăn được đông đảo người dùng sử dụng trên Instagram như #food, #yummy,... Khi nhấn vào những từ khóa này, nền tảng sẽ đưa người dùng đến hàng loạt bài viết sử dụng từ khóa tương tự. Lúc này, UNICEF sẽ dùng tài khoản của những đứa trẻ bị suy dinh dưỡng để nhấn thích các bài viết. Nếu người dùng tò mò nhấn vào xem ai đã “thích” bài viết của mình, họ sẽ thấy hàng loạt tài khoản Instagram do UNICEF tạo. 



Những đoạn mô tả hiển thị trên bio của các tài khoản này đã khiến người dùng cảm động khi đề cập đến thực trạng suy dinh dưỡng, đói nghèo ở các nước châu Phi như “42% trẻ em ở Niger suy dinh dưỡng mãn tính”, “13.000 đứa trẻ ở Mauritana qua đời mỗi năm vì đói nghèo”,... UNICEF đã đánh vào tâm lý của người dùng để khuyến khích họ mua Gói dịch vụ Hỗ trợ Thực phẩm Sinh tồn của tổ chức nhằm quyên góp thực phẩm cho các trẻ em bị suy dinh dưỡng ở Châu Phi. Sau khi mua gói hỗ trợ, trang web của UNICEF sẽ thiết kế hình ảnh miêu tả một chiếc dĩa có món ăn mà người dùng quyên góp. Tiếp đó, người dùng có thể chọn bộ lọc hình ảnh (filter) mình muốn, tải xuống bức ảnh và chia sẻ chúng lên các trang mạng xã hội. Xuyên suốt thời gian diễn ra chiến dịch, hàng triệu người đã đăng tải bức ảnh của UNICEF và góp phần tăng mức độ lan tỏa chiến dịch.



5. ZEB và Benetiet - Win a Breast Reconstruction


ZEB là một chuỗi cửa hàng thời trang bán lẻ nổi tiếng với hơn 70 chi nhánh ở Bỉ. Bên cạnh những mặt hàng thời trang chất lượng, thương hiệu còn được biết đến với những chiến dịch gây tranh cãi, đơn cử như việc tổ chức cuộc thi trực tuyến "Win a Breast Reconstruction" (tạm dịch: Hãy giành lấy cơ hội phẫu thuật thẩm mỹ vú). Theo đó, người chiến thắng cuộc thi sẽ nhận được 5.000 euro để chi trả cho cuộc phẫu thuật thẩm mỹ phần ngực.


Ngay từ cái tên chiến dịch, thương hiệu đã khiến người dùng phẫn nộ khi cho rằng khách hàng của họ… xấu xí đến mức cần phải phẫu thuật thẩm mỹ. Người dùng đã để lại hàng loạt bình luận như "Cách ZEB triển khai các hoạt động marketing thật kinh tởm", "Thật may mắn là tôi không còn làm việc ở đây nữa",... nhằm lên án chiến dịch của thương hiệu. 


 


Thế nhưng vào ngày hôm sau, bà Yamina Krossa - người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận và gây quỹ Benetiet đã chia sẻ câu chuyện của bản thân mình. Bà từng bị ung thư vú và phải cắt bỏ phần ngực để điều trị. Khi bà muốn tái tạo vú, bảo hiểm y tế không hề hỗ trợ bất kỳ khoản chi phí nào vì trường hợp này được xem là phẫu thuật thẩm mỹ. Do đó, bà đã phải tự chi trả số tiền lên đến 2.600 euro (tương đương 66 triệu đồng). Tuy nhiên, đây không phải là con số nhỏ đối với những người lao động. Đã từng trải qua hoàn cảnh như thế nên bà Krossa đánh giá chiến dịch của ZEB có thể hỗ trợ chi phí cho những người phụ nữ muốn tái tạo vú, giúp họ tự tin hơn về vẻ ngoài của bản thân. 


Thông điệp của bà Yamina Krossa đã thay đổi hoàn toàn góc nhìn của người dùng về ý nghĩa cuộc thi "Win a Breast Reconstruction". Từ những bình luận chỉ trích, lên án nặng nề, hàng loạt người dùng bày tỏ mong muốn có thể chiến thắng cuộc thi. Hơn nữa, mức độ lan tỏa của chiến dịch đã khiến Đảng chính trị lớn nhất của Bỉ (NVA) mở cuộc tranh luận tại Quốc hội, bày tỏ sự ủng hộ đối với việc hoàn trả chi phí tái tạo vú cho những người phụ nữ từng mắc bệnh ung thư vú. 


Theo Deck of Brilliance

Kim Ngọc