Mới đây, tổ chức Hội chứng Down toàn cầu (DSi), agency Forsman & Bodenfors và công ty mô hình kỹ thuật số toàn cầu The Diigitals đã hợp tác thiết kế Influencer “ảo” mắc hội chứng Down tên là Kami. Thế nhưng trong vũ trụ metaverse, vốn không khó tạo ra những hình ảnh pixel hoàn hảo, sự ra đời của Kami lại khiến người dùng cảm thấy khó hiểu. Ý nghĩa của Kami trong vai trò một Influencer “ảo” là gì? Liệu đây là một đại diện cho cộng đồng mắc hội chứng Down hay là nhân vật đang bị các tổ chức thao túng? Hãy cùng Advertising Vietnam giải mã thắc mắc trong bài viết sau đây. 


Tại sao Kami lại ra đời?


Thế giới kỹ thuật số là những phản chiếu cho đời sống thật, thế nhưng trang Adweek viết rằng các nền tảng online/kỹ thuật số lại đang thiếu đi hình ảnh của nhóm người yếu thế. Theo một nghiên cứu toàn cầu do Viện Thời trang Kỹ thuật số thực hiện vào năm 2021, 60% người tham gia khảo sát cho rằng thế giới trên mạng không đa dạng vì vắng bóng cộng đồng người khuyết tật và họ cũng không có nhiều cơ hội để cất lên tiếng nói. 


Jaspreet Sekhon, cô gái người Singapore mắc hội chứng Down đã nói rằng: “Tôi thực sự ít thấy ai mắc hội chứng Down xuất hiện trên mạng xã hội. Vì thế nên càng mong có ai đó giống chúng tôi tồn tại ở đấy, cho người khác thấy chúng tôi đang làm gì và có thể làm được gì. Điều đó sẽ giúp những người mắc hội chứng Down cảm thấy tự tin hơn”


Kami giúp truyền đi thông điệp rằng metaverse là không gian dành cho tất cả mọi người, kể cả nhóm người yếu thế.


Nhằm đa dạng hóa không gian kỹ thuật số, DSi đã hợp tác với các bên để tạo ra Kami - Influencer “ảo” mắc hội chứng Down đầu tiên trên thế giới. "Chúng tôi biết metaverse và Web3 vẫn còn non trẻ. Thế nhưng trong những bước gây dựng đầu tiên, tự hỏi tại sao lại không có hoạt động nào hướng về nhóm người khuyết tật?”, Russell Watkins, nhân viên gây quỹ tại DSi chất vấn. "Với Kami, chúng tôi mong sẽ truyền đi thông điệp rằng metaverse là không gian dành cho tất cả mọi người, kể cả nhóm người yếu thế”, Russell Watkins nói. 


“Người mắc hội chứng Down nói riêng và người khuyết tật nói chung khó sử dụng mạng xã hội để định vị chính mình. Những người tạo ra Kami mong muốn cô ấy sẽ tạo ra xu hướng và mở một cánh cửa dẫn ra một thế giới kỹ thuật số đa dạng hơn và toàn diện hơn”, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của The Diigitals, Cameron James-Wilson nói. Ngoài ra, với cái tên Kami viết tắt từ Kamilah, trong tiếng Ả Rập nghĩa là hoàn hảo, những người tạo ra Kami muốn thế giới đón nhận tính cách, ngoại hình và tiếng nói của cô ấy như những đặc điểm hoàn hảo, nhằm gạt đi tâm lý xem hội chứng Down là một khiếm khuyết ngăn cản cộng đồng này hòa nhập với xã hội. 


Cái tên Kami được viết tắt từ Kamilah, trong tiếng Ả Rập nghĩa là hoàn hảo.


Như vậy, Kami trong vai trò Influencer "ảo" sẽ là người đại diện cho hình ảnh cũng như tiếng nói của cộng đồng mắc hội chứng Down, nhằm tăng thêm sự hiện diện của nhóm người này trên không gian kỹ thuật số. Kami sẽ làm được những điều đó bằng cách nào? 


Sức mạnh của Kami không nằm ở người đã tạo ra cô ấy


Để đảm bảo Kami đủ “thật” để đại diện cho những phụ nữ thực sự mắc hội chứng Down, nhóm nghiên cứu đã nhận sự hỗ trợ của 100 tình nguyện viên là những cô gái Down trên toàn thế giới. Theo đó, hình ảnh của 100 tình nguyện viên này sẽ được chương trình tạo nhân vật 3D Daz3D lọc qua và cho ra một hình ảnh duy nhất. Khuôn mặt, vóc dáng, cử chỉ, giọng nói và cả tính cách của các tình nguyện viên đều sẽ góp phần tạo nên Kami. Vì vậy có thể nói rằng, Kami là một Influencer ảo, nhưng những gì tạo nên cô ấy là có thật. 


Thế nhưng, có ý kiến cho rằng tạo hình Kami hơi… khó nhìn và không tạo thiện cảm. Rachel Kennedy, nhà sáng tạo tại Forsman & Bodenfors Singapore cho biết: “Trong thế giới tràn ngập các mô hình pixel hoàn hảo, Kami sẽ định hình lại không gian trực tuyến bằng cách đại diện cho nhóm người yếu thế, mà ở đây là cộng đồng phụ nữ mắc hội chứng Down. Chúng tôi không muốn mọi người cứ thế lướt qua và lờ đi những giá trị mà Kami đang đại diện. Sức mạnh của Kami là phụ thuộc hoàn toàn vào các bạn - những người đón nhận nhân dạng ảo của cô ấy, chứ không phải là chúng tôi - những người đã tạo ra cô ấy”


Kami là một Influencer “ảo”, nhưng những gì tạo nên cô ấy là có thật.


Để thực hiện sứ mệnh đại diện cho cộng đồng người mắc hội chứng Down, Kami cũng được kích hoạt tài khoản Instagram @itskamisworld của riêng mình, đây là nơi cô ấy chia sẻ hình ảnh, thông tin về “cuộc sống” hàng ngày, sở thích cá nhân và những hoạt động vì cộng đồng. Ngoài Instagram, Kami còn có thể trở thành đại diện cho các nghệ sĩ mắc hội chứng Down, tổ chức đấu giá NFT, hợp tác với các ngôi sao nhạc Pop “ảo”, sải bước trên sàn trình diễn thời trang “ảo”. Kami thậm chí có thể lộ diện trong đời sống thực. “Cô ấy sẵn sàng được mời tham gia các sự kiện của thương hiệu hoặc cộng đồng, xuất hiện với tư cách là đại sứ thương hiệu cho Hội chứng Down International (DSi), Deborah Abraham, Giám đốc chiến lược tại Forsman & Bodenfors Singapore nói. 


Hoạt động mới nhất của Kami chính là tham gia chiến dịch #TheKamipledge, kêu gọi cộng đồng và các thương hiệu cùng tạo ra một thế giới kỹ thuật số thân thiện và hòa nhập hơn với những người mắc hội chứng Down. Deborah Abraham cho biết: “Sẽ rất thú vị nếu các thương hiệu thời trang kỹ thuật số muốn hợp tác với Kami cho vai trò người mẫu, hay các công ty game muốn cô ấy trở thành một hình mẫu cho các nhân vật”, Abraham nói. 


 Sức mạnh của Kami là phụ thuộc hoàn toàn vào các bạn - những người đón nhận nhân dạng ảo của cô ấy, chứ không phải là chúng tôi - những người đã tạo ra cô ấy.


Nếu các nền tảng xã hội bị cho là chỉ phản chiếu những vẻ đẹp hoàn hảo, sự xuất hiện của Kami đã giúp căn chỉnh lại không gian trực tuyến, khiến nó đa dạng và toàn diện hơn. Sức mạnh của Kami không thuộc về DSi, hay Forsman & Bodenfors, hay The Diigitals, hay bất cứ ai đã tạo ra cô ấy, mà phụ thuộc vào cộng đồng. Mọi người càng đón nhận Kami, sự hiện diện của nhóm người mắc hội chứng Down trong thế giới này càng rõ ràng và tiếng nói của họ cũng có sức nặng hơn. 


Theo CampaignasiaAdweek

Hằng Trần/Advertising Vietnam