Việc tham gia vào các hoạt động quảng cáo đã trở thành một phần công việc mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho các nghệ sĩ, influencer hoặc thậm chí là content creator. Thông qua đó, họ còn có thể khẳng định sức hút tên tuổi, sự thành công của mình. Tuy nhiên, việc nhận quảng cáo một cách “vô tội vạ” mà không tìm hiểu kỹ về sản phẩm hoặc dịch vụ đã vô tình khiến influencer có nguy cơ vi phạm pháp luật.


Càng ngày càng nhiều người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật


Vào giữa năm 2021, một loạt nghệ sĩ Việt đã truyền thông điệp rằng họ đã thoát khỏi những bệnh nan y như u xơ, u nang khi quảng cáo cho một loại thuốc. Thậm chí một số người đã đưa ra kết quả siêu âm của một số bệnh viện để chứng minh đã khỏi bệnh sau khi sử dụng thuốc.


Thế nhưng, một số người trong ngành đã đem những thông tin được nghệ sĩ quảng cáo để kiểm chứng và cho rằng những giấy tờ và tài liệu nói trên không chính xác, kể cả phòng khám ghi trên giấy cũng như tên bác sĩ là không có thật. Những người hâm mộ đã bày tỏ sự bức xúc khi các nghệ sĩ có tên tuổi đã chấp nhận quảng cáo lừa dối khán giả, cho rằng đây là hành động thiếu trách nhiệm và không tôn trọng người hâm mộ.


Sau đó, Bộ Y tế đã vào cuộc điều tra và kết luận loại thuốc này chỉ là thực phẩm chức năng, không có tác dụng chữa bệnh như những lời quảng cáo của rất nhiều nghệ sĩ trước đó, mà chỉ hạn chế sự phát triển của u xơ tử cung, u xơ vú lành tính của phụ nữ u xơ tuyến tiền liệt ở nam giới. 



Trường hợp trên chỉ là một ví dụ của hàng loạt vụ việc sai phạm trong hoạt động quảng cáo của các influencer và nghệ sĩ tại Việt Nam. Những năm gần đây đã có nhiều influencer bị công chúng phàn nàn vì nhận lời quảng cáo “vô tội vạ” mà không xem xét trước thông tin về sản phẩm. Chính vì thế đã có nhiều trường hợp vô tình truyền thông về những sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc chưa được phép lưu hành, thậm chí còn truyền thông sai sự thật về tính năng của sản phẩm.


Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Rakuten Marketing vào năm 2019, cứ 10 người tiêu dùng thì có 8 người đã mua hàng khi họ được influencer giới thiệu về sản phẩm. Đó cũng là lý do có đến 51% marketer thừa nhận rằng phương thức quảng cáo qua influencer hoặc những người nổi tiếng đã giúp công ty có thêm nhiều khách hàng, theo số liệu được chia sẻ bởi Smart Insights vào năm 2020.


Nhiều người đã tin tưởng nghe theo những lời quảng cáo của người nổi tiếng mà không có sự tìm hiểu về sản phẩm một cách kỹ càng, dẫn đến các hậu quả đáng tiếc. 


Vào tháng 4 năm nay, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho biết vừa cấp cứu thành công cho một trường hợp sốc phản vệ độ III do sử dụng mỹ phẩm làm trắng da không rõ nguồn gốc được nghệ sĩ quảng cáo trên mạng. Sau khi sử dụng nữ bệnh nhân đã có các triệu chứng như lòng bàn chân nóng ran, tim đập nhanh, đau thắt ngực từng cơn và phải nhập viện để điều trị.


Mới đây, đã có một trường hợp cô gái 25 tuổi tự mua thuốc nam uống để có thể… sinh con trai theo lời quảng cáo trên mạng. Hậu quả cô đã phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sau 20 ngày dùng thuốc với các triệu chứng đau bụng và men gan tăng vọt. Đây không phải là trường hợp cá biệt khi phía bênh viện cho biết trung bình mỗi tháng tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân vì tự ý sử dụng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc theo lời quảng cáo trên mạng.



Trước thực trạng trên, rất nhiều khán giả, người hâm mộ đã gửi ý kiến đến các cơ quan thông tin, báo chí nhằm bày tỏ những bức xúc, không đồng tình trước những hình thức quảng cáo của những người có sức ảnh hưởng. 


Giữa năm nay, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cũng gửi công văn đến các cơ quan chức năng nêu rõ về tình trạng một số người nổi tiếng tham gia giới thiệu, quảng cáo về hiệu quả sử dụng một số thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, tiền ảo… không đúng với quy định pháp luật, qua đó đề nghị cơ quan chức năng TP.HCM kiểm tra, chấn chỉnh và vận động hội viên không tham gia quảng cáo sai lệch, không đúng chất lượng sản phẩm gây thiệt hại và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.


Quảng cáo sai sự thật gây ra hậu quả sẽ bị xử lý như thế nào?


Theo luật sư (LS) Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco, việc nhận lời quảng cáo sai sự thật của những influencer hoặc người nổi tiếng là hành động vi phạm pháp luật. Lý do chính là vì phía influencer hoặc công ty quản lý đã không tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật nên thường mắc lỗi khi quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo. 


Cụ thể, khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo nêu rõ hành vi bị cấm bao gồm “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.



LS Phong cho rằng chính vì sự phát triển của công nghệ dẫn đến việc tạo ra nhiều hình thức và phương tiện quảng cáo mới, khiến người dùng quảng cáo không thể nắm rõ quy định pháp luật nào sẽ được áp dụng. Anh cũng cho biết thêm hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội quảng cáo gian dối theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt lên đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ. 


Ngoài ra, khoản 5 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm: “Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:


a) Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này.


b) Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này.


Không những thế, việc quảng cáo sai sự thật có thể khiến các influencer phải chịu mức phạt nặng hơn. Cụ thể, điều 197 BLHS năm 2015 quy định 02 Khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:


1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.


2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.


Ngoài ra, LS Phong cũng cho biết rõ những người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi quảng cáo sai sự thật hoàn toàn có thể khởi kiện để đòi lại quyền lợi chính đáng cho bản thân. Anh cho biết rõ Pháp luật Việt Nam có các chế tài xử lý các hành vi quảng cáo sai sự thật như trong dân sự, người tiêu dùng có thể khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do những tác động xấu của quảng cáo đối với người tiêu dùng, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân, tổ chức quảng cáo sai sự thật.


Tân Phan