Internet được cho là một trong những nhân tố “bất ổn” nhất chốn công sở, khiến nhân sự agency không ít lần “lao đao” vì sự cố rớt mạng. Do tính chất công việc luôn gắn liền với Internet, họ thường xuyên phải chịu ảnh hưởng về tiến độ và năng suất làm việc mỗi khi đường truyền chập chờn, gián đoạn.


Muôn vàn sự cố nơi công sở chỉ vì Internet “bất ổn” 


Có thể nói, Internet là “thành tố thiết yếu” trong đời sống của các nhân sự agency. Do đó, những tình huống mạng chập chờn có thể dẫn đến vô vàn sự kiện tréo ngoe. Anh Thiên Long - Content Creator tại Urban Entertainment chia sẻ: “Mình từng gặp trường hợp bị mất wifi ngay lúc cần trả file cho khách, gây ảnh hưởng đến tiến độ của team. Hôm đó, file của khách đã gần tải xong nên mình để máy mở và tan làm lúc 9 giờ tối. Khi về đến nhà, mình nhận được tin nhắn của khách lúc 11 giờ: ‘Sao cái folder trắng tinh như kem trộn vậy em?’. Mình đứng hình, còn sếp thì book grab cho mình lên công ty để up lại file luôn. Và nguyên nhân là do rớt mạng.”


Chia sẻ về trải nghiệm "rớt mạng" của mình, anh Thiên Long cho biết từng phải gửi file cho khách lúc nửa đêm vì Internet công ty quá yếu


Bên cạnh những công việc phức tạp như tải tập tin, một số tác vụ cơ bản cũng chịu ảnh hưởng khi Internet chập chờn. Anh Thiên Minh - Social Executive kể lại: “Có lần, do mạng yếu nên các khung chat cứ nhảy loạn xạ, khiến mình gửi nhầm tin nhắn cho khách nhưng không kịp thu hồi. Đó đúng là 5 giây đứng tim nhất trong cuộc đời mình.”


Chị Mai Yên - Account Executive tại IMS Agency cho biết: Khi nhân sự đang gặp những tình huống khẩn cấp thì Internet của công ty mình luôn ‘tình cờ’ gặp vấn đề. Thông thường, mạng sẽ chập chờn vào khoảng 10 giờ sáng tới 2 giờ chiều. Đây cũng là thời gian cao điểm ‘đua task’ của nhân viên.”


Nhân sự thấp thỏm, lo sợ mỗi khi mạng “rớt”


Chị Mai Yên thường xuyên phải trao đổi công việc qua email hoặc mạng xã hội. Các tập tin cũng đa phần được lưu trữ trên những công cụ trực tuyến như Google Docs, Sheets... Do đó, mỗi khi rớt mạng, chị Yên mất khá nhiều thời gian để xoay sở. Điều này sẽ càng ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khi deadline “cận kề” hoặc cần trả lời gấp với khách hàng. 


“Mỗi lúc đường truyền gián đoạn, mình cảm thấy khá bực và khó chịu, do bản thân đang trong mood làm việc mà bị ngắt quãng, nhất là khi có việc quan trọng cần giải quyết gấp. Bên cạnh đó, mình còn thấy sợ, không biết là hệ thống đã kịp lưu nội dung hay chưa, bởi nếu làm lại thì vừa mất thời gian mà vừa dễ sai sót”


Theo chị Mai Yên, nhân sự sẽ bị ảnh hưởng đến tâm trạng, gia tăng căng thẳng khi wifi chập chờn


Anh Thiên Minh cũng rơi vào tình huống tương tự: Internet của công ty mình ‘mỏng manh’ như tờ giấy trắng. Nó có thể chập chờn mọi lúc mọi nơi, đặc biệt là vào những lúc nhân sự cần gấp để trả task như 11 giờ trưa, 2 giờ chiều và 4 giờ chiều. Có những buổi họp với khách, mạng chập chờn khiến mình thậm chí còn không thể nắm được phần cốt lõi của buổi họp, gây ảnh hưởng về sau.”


Trong khi đó, các nhân sự làm social cũng “lao đao” vì mạng yếu. Anh Thiên Long chia sẻ: “Mình làm content social, cần cập nhật TikTok liên tục mà mạng công ty cứ chập chờn như… sàn chứng khoán, lên xuống thất thường, có khi không vô được. Vậy nên mình cũng tuỳ cơ ứng biến vào từng trường hợp. Nếu wifi hư vào buổi sáng thì mình sẽ tranh thủ làm những việc cơ bản, hoặc đơn giản hơn là…ngồi chơi. Đầu giờ chiều cần trả task gấp thì mình đành chấp nhận mở 4G lên làm để kịp gửi cho khách.” 


Còn đối với anh Thiên Minh, thấp thỏm và lo sợ là trạng thái thường gặp của các nhân sự khi rớt mạng: “Bản thân làm social mà không có wifi thì cũng như ‘cá tập bay’ mà thôi, khó sống.”


Làm gì khi mạng chập chờn?


Thông thường, tại Việt Nam, sự cố mạng Internet chậm là do ảnh hưởng từ các tuyến cáp quang bị đứt. Tuy nhiên đôi khi, đường truyền ở một số công ty vẫn bất ổn và chập chờn dù không rõ nguyên nhân cụ thể. Chị Mai Yên cho biết:Về vấn đề Internet, công ty mình cũng đã làm việc rất nhiều lần với nhà mạng, thì thấy nguyên nhân chính là do giờ cao điểm làm việc của nhiều người khiến đường truyền tắc nghẽn. Nguyên nhân thứ hai là hệ thống, thiết bị Internet của công ty chưa thật sự tốt. Hoặc cũng có thể là vì công ty đang chọn gói mạng quá thấp so với số lượng người truy cập, dẫn đến đường truyền không đáp ứng kịp.” Bên cạnh đó, sự cố mạng còn được một số nhân sự nghi ngờ là do… sếp không đóng tiền Internet.


Trong những trường hợp khẩn cấp mà Internet lại "bất ổn", các nhân sự thưởng sử dụng 4G để tránh chậm trễ tiến độ công việc


Vốn đã quen với những thông báo rớt mạng hay tuyến cáp quang bị đứt, các nhân sự luôn chuẩn bị sẵn sàng tinh thần để ứng phó với tình trạng Internet “bất ổn” trong giờ làm việc. Chị Mai Yên cho biết: “Quả thật, Internet cứ như thời tiết vậy, không bao giờ lường trước được là khi nào sẽ ‘bất ổn’. Nhưng dù khó đoán thì mình cũng có những cách phòng hờ sự cố trước, chẳng hạn như sử dụng 4G, thường xuyên kiểm tra thiết bị để hạn chế các vấn đề xảy ra, tạo thêm nhiều đường truyền, thiết bị khác back-up để đảm bảo tiến độ làm việc của mọi người.”


Tắt wifi, bật 4G lên là cách nhanh và gọn nhất trong những tình huống khẩn cấp khi rớt mạng. Một số nhân sự trong công ty lâu lâu cũng hay rủ nhau ra cà phê làm việc mỗi khi Internet quá yếu”, anh Thiên Minh nói.


Đối với một số nhân sự, sự cố mạng đôi khi là một “cơ hội vàng” để họ nghỉ ngơi giữa giờ làm việc. Chị Mai Yên chia sẻ: Nếu trường hợp không quá gấp gáp thì mình sẽ dùng thời gian mạng rớt để dạo quanh công ty, giao lưu với đồng nghiệp, ăn vặt hoặc làm các công việc khác. Nhưng nếu trong giai đoạn đang ‘đua’ với deadline thì mình đành phải bật 3G lên để làm cho xong. Mình thấy đôi khi rớt mạng cũng là một cái hay, giúp mình có thời gian nghỉ ngơi và làm vài thứ linh tinh khác thay vì cứ dán mắt vào màn hình liên tục.”


Nội dung: Phương Anh

Minh hoạ: Huy Mai