Japonisme - Chủ nghĩa Nhật Bản và sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến nghệ thuật hiện đại

Vào năm 1855, sau hơn 200 năm bế quan tỏa cảng, Nhật Bản đã mở cửa giao thương với nước ngoài. Kể từ đó, phong cách nghệ thuật Japonisme đã được lan tỏa rộng rãi đến các quốc gia phương Tây và cho đến tận bây giờ nó vẫn giữ được vị trí nhất định trong lĩnh vực thiết kế đồ hoạ hiện đại. 


Chủ nghĩa Nhật Bản (Japonisme): Định nghĩa và Nguồn gốc


Kể từ cuộc Duy tân Minh Trị (1868), các nước châu Âu đã bắt đầu khám phá và tiếp thu phong cách nghệ thuật của Nhật Bản, chẳng hạn như thiết kế phẳng (flat style), màu sắc, hình ảnh và sự cách điệu. Tất cả đều được truyền cảm hứng từ văn hóa dân gian Nhật Bản và không bị pha tạp bởi bất kỳ nền văn hóa nào khác. Cơn sốt săn đón văn hóa Nhật Bản và sự thâm nhập của nó vào nghệ thuật thị giác châu Âu vào thế kỷ 19 được gọi là Japonisme - chủ nghĩa Nhật Bản hay trào lưu sính đồ Nhật


Cũng trong khoảng thời gian này, sở thích sưu tập các món đồ Nhật Bản trở nên phổ biến trong giới nghệ sĩ phương Tây và tầng lớp thượng lưu. Họ đặc biệt quan tâm đặc biệt đến ukiyo-e, một trào lưu khắc gỗ và tranh vẽ về các nhân vật đặc trưng của Nhật Bản như mỹ nữ, diễn viên kịch kabuki, đô vật sumo; bối cảnh lịch sử, các câu chuyện dân gian; hoa lá, con vật,… Phong cách và chất liệu của ukiyo-e mang đến một cảm giác hấp dẫn đặc biệt đối với người xem, trong khi đó, nghệ thuật châu Âu cổ điển lại chưa từng ứng dụng bố cục bất đối xứng và hiệu ứng phối cảnh (foreshortening effect) như thế này. Chính vì vậy, ukiyo-e đã mở ra một cái nhìn hoàn toàn mới lạ trong giới nghệ thuật phương Tây. 


Một số tác phẩm của các bậc thầy ukiyo-e:


"Distant View of the Sea off Shinagawa from Atago Hill in the Eastern Capital"

Hoạ sĩ: Shotei Hokuju


"Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa"

Hoạ sĩ: Hokusai

"Oyster farming, Aki Province"

Hoạ sĩ: Utagawa Hiroshige


Sự tỏa sáng của Japonisme tại phương Tây vào thế kỷ 19


Từ năm 1855, Japonisme bắt đầu thu hút sự chú ý mạnh mẽ của các nghệ sĩ châu Âu. Họ tìm hiểu về phong cách phương Đông và truyền tải những nét đặc trưng đó vào trong các tác phẩm của mình như: hoa diên vĩ, hoa mẫu đơn, cây tre, quốc phục kimono, thư pháp Nhật Bản, bố cục đường chéo, khổ dọc, cá chép, loài bướm và các loài côn trùng khác, chim quạ, hạc, hổ và rồng.


Điều thú vị là một số hoạ sĩ như James Tissot (Pháp) đã bị Japonisme mê hoặc đến mức miêu tả các người mẫu trong trang phục Nhật Bản và lồng ghép các đồ vật “Phương Đông” trong các tác phẩm của họ. Những họa sĩ khác, như Edgar Degas (Pháp) cũng bị ảnh hưởng bởi phong cách nghệ thuật này theo những cách tinh tế hơn. Họ áp dụng các khía cạnh của cách tiếp cận hội họa của Nhật Bản, từ bố cục bất đối xứng đến phối cảnh không gian (aerial perspectives).


Trái: Bát súp lấy cảm hứng từ Nhật Bản của Félix Bracquemond vào thế kỷ 19; một chiếc pochette bằng da in nổi những chiếc lá bạch quả do Hermès thiết kế vào năm 1925; Phải: Tác phẩm “Young Women Looking at Japanese Objects” (khoảng năm 1869-1870) của hoạ sĩ James Tissot.


Thiết kế nội thất cũng được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ văn hoá phương Đông: các kiến trúc sư châu Âu và Mỹ ngày càng quan tâm đến các ngôi nhà Nhật Bản và cách bày biện đồ đạc trong nhà. Từ năm 1871 cho đến cuối thế kỷ 19, niềm đam mê với thiết kế phòng khách của người Nhật không ngừng phát triển. Christopher Dresser (1834–1904), một nhà thiết kế người Anh, được biết đến là một trong những nhân vật nổi tiếng hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế nội thất và nghệ thuật ứng dụng, là người đóng góp lớn cho cộng đồng Anglo-Japanese và Phong cách hiện đại (phong cách Art Nouveau của Anh).


Một số thiết kế của Christopher Dresser mang đậm phong cách Japonisme.


Những điểm nhấn của Japonisme trong Nghệ thuật và Thiết kế đồ họa


Định nghĩa Japonisme ít khi nói về nghệ thuật thuần Nhật Bản mà nó mang phong cách chiết trung - Eclectic: sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới, giữa phong cách phương Đông với phương Tây, giữa hai nền văn hóa, kỹ thuật đối lập và song hành với nhau. 


Sau đây là những ảnh hưởng nổi bật của Japonisme đến Nghệ thuật và Thiết kế đồ họa: 


  • Sự lựa chọn độc đáo về màu sắc và bố cục, điển hình như các tác phẩm ukiyo-e
  • Sự bất cân xứng, thiết kế phẳng và hiệu ứng phối cảnh
  • Các đồ vật độc lạ, từ kimono đến các sinh vật trong văn hóa dân gian Nhật Bản
  • Chủ đề trần tục
  • Phối cảnh không gian
  • Không gian tiêu cực chứa đầy màu sắc và đường nét trừu tượng
  • Cách điệu mạnh mẽ

Trái: Bộ gương - lược bằng gỗ hồng của Louis Vuitton theo kiểu Nhật Bản (khoảng năm 1925-1930); Phải: Tác phẩm “Grand Series of Fishes” của nghệ sĩ Nhật Bản Utagawa Hiroshige (khoảng những năm 1830-1840).


Japonisme và các yếu tố của nó gắn liền với nghệ thuật châu Âu lúc bấy giờ, từ trường phái Ấn tượng - Impressionism đến trường phái Tân thời - Art Nouveau và Chủ nghĩa Duy mỹ - Aesthetic Movement. Trong đó, Art Nouveau bị “ảnh hưởng” nhiều nhất bởi thẩm mỹ phương Đông và phát triển như một sự kết hợp giữa nghệ thuật cổ điển của Nhật Bản và Pháp. 


Một số tác phẩm theo trường phái Art Nouveau của phương Tây mang "cốt cách" Nhật Bản.



Japonisme được ứng dụng như thế nào trong thiết kế đồ họa hiện đại?


Như đã đề cập ở trên, Japonisme là một thuật ngữ tiếng Pháp dùng để chỉ sự phổ biến và ảnh hưởng của nghệ thuật và thiết kế Nhật Bản ở châu Âu trong thế kỷ 19. Tuy nhiên, hiện tượng văn hóa này vẫn phù hợp trong lĩnh vực nghệ thuật hiện đại.


Một cửa hàng hiện đại bày biện theo phong cách Japonisme


Nhưng lý do nào khiến Japonisme vẫn tiếp tục phổ biến, trong khi các chủ nghĩa thiết kế cực thịnh lúc bấy giờ như Art Deco, Art Nouveau, Pop Art lại đều bị “chững” lại trong quá khứ? Bởi lẽ, Japonisme không vận hành giống như các phong cách thiết kế khác - vốn là những sản phẩm hoặc phong cách hoàn thiện. Japonisme là một quá trình kết hợp và giao thoa không có điểm kết. Chính vì vậy, làn sóng Japonisme hiện đại có thể sẽ dâng trào mãi mãi.


Một ví dụ điển hình về sự tồn tại của Japonisme cho đến ngày nay đó là các cộng đồng phương Tây vẫn tiếp tục đam mê khám phá manga và anime - những sản phẩm chứa đựng văn hóa hiện đại Nhật Bản. Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ đã thử kết hợp các kỹ thuật vẽ cổ điển với kỹ thuật vẽ của riêng họ. 


Ngày nay, chúng ta vay mượn những yếu tố nào trong văn hóa Nhật Bản?


  • Phong cách tối giản - Minimalism được truyền cảm hứng từ thẩm mỹ cổ điển của Nhật Bản, dựa trên các kết cấu tự nhiên và màu sắc nhẹ nhàng, đã lan tỏa phổ biến trong thiết kế đồ hoạ ngày nay. 


  • Sự cách điệu hoá - Heavy stylization vẫn là một trong những đặc điểm phổ biến nhất của Japonisme ngày nay. Một nghệ sĩ hiện đại có thể chọn toàn bộ các khái niệm, như thư pháp, hình minh họa, biểu tượng, truyện tranh và kết hợp chúng với các thành phần trung tính để tạo ra một thẩm mỹ Nhật Bản đặc biệt theo cách hiểu của phương Tây. Phong cách này phổ biến nhất với các thương hiệu thời trang đường phố (streetwear).


  • Các mẫu hoa lá trong thiết kế Châu Âu theo phong cách Tân thời từ hơn 150 năm trước, tuy không phải là dấu hiệu rõ ràng của Japonisme ở hiện đại, nhưng việc khám phá các hoa văn cổ điển như seigaiha (hoa văn hình sóng biển vỗ trông như những cánh quạt đang xòe tròn) hoặc cá chép koi, và tìm cách lồng ghép chúng vào thiết kế của thế kỷ 21 lại là một bước ngoặt mới.


Nghệ thuật cắm hoa Ikebana theo phong cách tối giản (Nishiyama Hayato)


Các mẫu Hoodie của thương hiệu NIKIFILINI


Ví dụ về hoa văn seigaiha

Theo The Designist

Ngọc Anh / Advertising Vietnam


Japonisme - Chủ nghĩa Nhật Bản và sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến nghệ thuật hiện đại

Ngọc Anh

Ngọc Anh

Senior Content | Advertising Vietnam

09 Thg 06 2021

Lưu

Cùng chuyên mục