Trong bối cảnh toàn cầu hoá và sự bùng nổ của công nghệ số, các bảo tàng tại Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong cách thức giao tiếp và tiếp cận công chúng. Hiện nay, xu hướng truyền thông của các bao tàng chủ yếu tập trung vào việc khai thác công nghệ số và mạng xã hội nhằm tăng cường sự kết nối với cộng đồng. Nhờ đó, các hoạt động của bảo tàng và di tích đang có xu hướng phát triển một cách tích cực.


Theo Cục Di sản Văn hóa (thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), trong quý I/2023, các bảo tàng và khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã chứng kiến sự gia tăng về lượng khách tham quan. Cụ thể, từ tháng 11/2022 - 02/2023, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã đón hơn 1,2 triệu lượt khách.


Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đón hơn 31.800 lượt khách, trong đó khách nước ngoài chiếm 25%. Bên cạnh đó, bảo tàng cũng thu hút khoảng 10.000 lượt khách tham dự các triển lãm chuyên đề và các triển lãm của cá nhân, đơn vị khác. Tương tự, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong lượng khách tham quan, với hơn 60.000 lượt khách trong cuối năm 2022, trong đó có 18 đoàn khách quốc tế. Ngoài ra, Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng đạt được thành tích ấn tượng với hơn 440.000 lượt khách tham quan.


Cùng tìm hiểu 3 xu hướng truyền thông của các bảo tàng tại Việt Nam trong những năm gần đây qua bài viết sau!


1. Tối ưu hóa truyền thông quảng bá nhờ ứng dụng công nghệ kỹ thuật số 


Để thích ứng với bối cảnh mới, các bảo tàng không chỉ số hóa tư liệu, tác phẩm trưng bày mà còn tập trung xây dựng thương hiệu thông qua trải nghiệm, dịch vụ, con người. Bên cạnh đó, nhiều bảo tàng đã tích cực ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa trải nghiệm của người tham quan, tạo ra những giải pháp tích hợp độc đáo.


Vào năm 2021, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thử nghiệm dự án “Bảo tàng tương tác thông minh 3D/360” nhằm phục vụ khách tham quan từ xa, cho phép công chúng chỉ cần ngồi tại nhà và thực hiện vài cú click chuột để khám phá khuôn viên và các phòng trưng bày. Sang năm 2022, bảo tàng tiếp tục thử nghiệm mô hình Robot Sanbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của bảo tàng, cũng như hệ thống trưng bày qua hình ảnh và video clip. Robot này không chỉ có khả năng nhảy múa theo nhạc mà còn có thể di chuyển và đặt câu hỏi, tạo cơ hội cho khách tham quan tương tác trực tiếp. 


Giáo viên và học sinh có thể thoải mái tương tác với robot tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, để sử dụng các tính năng như trình chiếu hình ảnh, video giới thiệu về bảo tàng, hiện vật, các phòng trưng bày,... 


Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng nghiên cứu và cho ra mắt nhiều chuyên đề trưng bày trực tuyến 3D. Một trong những điểm nhấn là Bảo tàng ảo 3D với chuyên đề “Bảo vật quốc gia”, được tích hợp trên website của bảo tàng. Du khách có thể chọn để khám phá và tương tác với 20 bảo vật quốc gia, chiêm ngưỡng từng hiện vật một cách đa chiều và chi tiết. Những thông tin quan trọng được đánh số trên mô hình 3D, và đặc biệt, thông tin về di sản được phân loại theo từng cấp độ, từ cơ bản đến chuyên sâu, nhằm đáp ứng linh hoạt nhu cầu tìm hiểu của công chúng.


Chuyên đề trưng bày 3D của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia


Nhiều bảo tàng khác tại Việt Nam cũng đã phát triển các tour du lịch 3D trên website, tổ chức các buổi trình diễn trực tuyến và cung cấp thuyết minh âm thanh cho du khách. Điển hình là Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ đang tiến hành số hóa các bộ sưu tập để tiếp cận nhiều đối tượng hơn. Họ cũng đang từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện vật và phát triển các chương trình tương tác với khách du lịch trong và ngoài nước.


Mặt khác, phòng trưng bày ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã kết hợp máy Hologram trong không gian trưng bày, trở thành bảo tàng đầu tiên tại TP.HCM ứng dụng thiết bị công nghệ này. Hình ảnh hiện vật và các nhân vật lịch sử được thể hiện dưới dạng 3D qua máy Hologram, kết hợp với phần mềm tương tác 360 độ và công nghệ thực tế ảo (VR). Điều này cho phép khách tham quan cảm nhận hiện vật như trong không gian thực với nhiều góc độ khác nhau. Bảo tàng mong muốn sử dụng hình ảnh 3D để tái hiện vẻ đẹp của trang phục phụ nữ trong bối cảnh đời sống thực, thay vì chỉ đơn thuần trưng bày trang phục trong tủ kính.


Hiện vật bìnhtoong của nhân vật số hóa 3D tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ


Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đã tái hiện 5 nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến thông qua một container mô phỏng đặt ngoài trời. Bảo tàng ứng dụng công nghệ 3D kết hợp với âm thanh, ánh sáng và nhiệt độ để thể hiện rõ nét tính chân thực và khốc liệt của những nhà tù xưa.


Hiện nay, có khoảng 200 bảo tàng tại Việt Nam đang dần chuyển sang số hóa. Không chỉ các bảo tàng Trung ương, mà cả các bảo tàng cấp tỉnh và tư nhân cũng đã thay đổi tư duy về tầm quan trọng của số hóa. Họ ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để tối ưu hóa trải nghiệm cho người tham quan, từ đó cung cấp những kiến thức về di sản văn hóa cho khách tham quan trong nước và quốc tế.


2. Xây dựng chiến lược truyền thông đa kênh để tiếp cận đối tượng mục tiêu hiệu quả


Truyền thông hình ảnh và truyền thông đa phương tiện cũng là một trọng tâm trong hoạt động truyền thông của các bảo tàng tại Việt Nam trong thời gian qua. Các bảo tàng chủ động xây dựng và phát triển những video clip ngắn với nhiều chủ đề đa dạng, đồng thời sản xuất các video chất lượng cao để giới thiệu bảo vật quốc gia, trưng bày, quảng bá sản phẩm, cũng như chụp ảnh hiện vật và hoạt động. Những nỗ lực này nhằm quảng bá hình ảnh và nâng cao mức độ nhận diện của bảo tàng.


Hiện nay, để tối ưu hoá truyền thông số, hầu hết các bảo tàng đều sử dụng các nền tảng như Facebook, TikTok, YouTube và website như những công cụ truyền thông mạng xã hội. Mỗi nền tảng đều được khai thác với những mục đích khac nhau. Đặc trưng của các mạng xã hội này là yêu cầu tính cập nhật và hấp dẫn, do đó các bài đăng trên fanpage của bảo tàng luôn được thực đều đặn, kịp thời với hình ảnh và video thu hút. Hơn hết, nội dung bài viết ngắn gọn, súc tích và sử dụng văn phong phù hợp, góp phần xây dựng hình ảnh thân thiện của bảo tàng đối với công chúng, đặc biệt là nhóm người trẻ. Việc xác định rõ mục đích và định hướng cho từng kênh truyền thông giúp bảo tàng xây dựng kế hoạch phát triển chi tiết, rõ ràng, tránh tình trạng trùng lặp hoặc gây loãng thông tin từ nhiều nguồn. 


Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã ra mắt sản phẩm ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA vào tháng 04/2021, cùng với việc triển lãm trực tuyến cũng được xây dựng và giới thiệu trong thời gian gần đây Những sản phẩm công nghệ này đã phát huy giá trị đặc biệt trong giai đoạn bùng phát dịch COVID-19. Trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu đều bị đình trệ, việc ứng dụng công nghệ này đã giúp Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam duy trì sự tương tác liên tục với khách tham quan, hỗ trợ học tìm hiểu về các hiện vật của bảo tàng. Ngoài trưng bày hiện vật trực tiếp, bảo tàng còn phát triển và ra mắt các tour 3D thực tế ảo, góp phần duy trì tương tác và hộ trợ khách tham quan trong việc khám phá hiện vật. 


Hình ảnh mô phỏng du khách sử dụng ứng dụng iMuseum của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để nghe thuyết minh 


Không chỉ riêng các bảo tàng, nhiều di sản tại Thành phố Hà Nội, như Nhà tù Hoả Lò, đã trở thành những điểm đến nổi tiếng thu hút giới trẻ nhờ vào cách quảng bá sáng tạo và mới mẻ, kết hợp với các xu hướng thịnh hành trên mạng xã hội. Đội ngũ truyền thông của di tích Nhà tù Hoả Lò đã xây dựng trang Facebook “Di tích Nhà tù Hoả Lò - Hoa Lo Prison Relic” với những bài viết hấp dẫn, vừa đảm bảo tính lịch sử, vừa gần gũi với công chúng. Nhà tù Hoả Lò còn kết hợp với một số trang mạng được giới trẻ yêu thích, lồng ghép hình ảnh và các “trend” vui nhộn, giúp di tích trở nên gần gũi hơn với đối tượng giới trẻ. 


Đến năm 2024, đội ngũ truyền thông của Di tích Nhà tù Hoả Lò vinh dự nhận giải thưởng Nhân vật truyền cảm hứng trong Lễ Trao giải WeChoice Awards 2023, nhờ những nỗ lực trong việc làm nổi bật nội dung lịch sử trên mạng xã hội. Với phương pháp quảng bá mới mẻ và bắt kịp xu hướng, Nhà tù Hoả Lò đã thu hút một lượng lớn người theo dõi từ cộng đồng giới trẻ trên Facebook và Instagram.


Liên tiếp đưa ra các nội dung quảng bá “bắt trend” mạng xã hội, di tích Nhà tù Hỏa Lò ngày càng tiếp cận gần với giới trẻ


Nhìn chung, các nền tảng mạng xã hội mang lại khả năng tiếp cận rộng rãi và tính tương tác cao. Trong số đó, Facebook, Instagram và TikTok hiện đang là ba nền tảng phổ biến nhất. Việc tạo ra nội dung độc đáo với nhiều hình thức đa dạng như video, hình ảnh và livestream trên mạng xã hội đã giúp cung cấp kiến thức về di sản một cách hấp dẫn. Đồng thời, nó cũng tạo cơ hội cho tương tác hai chiều, thúc đẩy và nâng cao hiểu biết của công chúng trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo tồn, phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa - di sản.


Hiện nay, nhiều bảo tàng và di sản cũng đang tích cực quảng bá hình ảnh của mình trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút lượng tương tác tích cực, trong đó có Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học và Bảo tàng Hải dương học,...


3. Triển khai các chương trình giáo dục di sản đa dạng 


Nhiều bảo tàng tại Việt Nam chú trọng tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật và hoạt động giáo dục, trong đó nghệ nhân đóng vai trò quyết định trong công tác giáo dục và bảo tồn di sản văn hóa. Cụ thể, Bảo tàng Hà Nội thường xuyên mời các nghệ nhân, những người gìn giữ di sản, tham gia trực tiếp vào việc giới thiệu và trình diễn các nghề thủ công truyền thống như làm Tò he, nón chuông, cốm Mễ Trì, gốm Bát Tràng,... Ngoài ra, bảo tàng còn tổ chức các hoạt động liên quan đến tập quán xã hội và tín ngưỡng, cùng với các chương trình biểu diễn nghệ thuật như múa rối nước Đào Thục, ca trù, hát xẩm,... cùng nhiều hoạt động giáo dục ý nghĩa khác. 


Vào tháng 6 vừa qua, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức chương trình trải nghiệm văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu: “Tâm - Đẹp - Vui”, nhằm tôn vinh vẻ đẹp của Tín ngưỡng thờ Mẫu và quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc đến với công chúng trong và ngoài nước. Chương trình không chỉ đa dạng hóa hoạt động mà còn thu hút nhiều khách du lịch đến với bảo tàng thông qua những trải nghiệm thú vị và hấp dẫn. 


Một góc trưng bày chuyên đề “Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm - Đẹp - Vui”


Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng đặc biệt chú trọng vào việc tổ chức các tour tham quan tích hợp. Không chỉ đơn thuần là tìm hiểu thông tin và câu chuyện lịch sử, văn hóa của di sản, du khách còn có cơ hội tham gia trực tiếp vào các hoạt động trải nghiệm như khảo cổ, giải câu đố và vẽ gốm. Hình thức tham quan này được bảo tàng đầu tư và phát triển, dần trở thành một “biểu tượng” đặc trưng của đơn vị. Kể từ năm 2020, trung bình mỗi năm có từ 200 - 300 chương trình giáo dục di sản được tổ chức tại bảo tàng, bao gồm cả hình thức trực tuyến và trực tiếp.


Bên cạnh các chương trình biểu diễn nghệ thuật, các bảo tàng còn hợp tác với các cơ sở giáo dục để tổ chức các hoạt động ngoại khóa và trải nghiệm dành cho học sinh, sinh viên, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ tiếp cận và hiểu biết sâu sắc về di sản văn hóa, đồng thời phát triển nhóm công chúng tiềm năng. Một số bảo tàng cũng kết nối với những bạn trẻ yêu thích du lịch và tìm hiểu văn hóa, mời họ tham gia trải nghiệm và viết bài đánh giá để đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội. Những hoạt động này góp phần tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thu hút sự quan tâm từ dư luận xã hội.


Trong các hoạt động giáo dục của bảo tàng, hướng dẫn tham quan vẫn là hình thức giáo dục quan trọng mang tính truyền thống, mang lại hiệu quả cao 


Nhìn chung, các bảo tàng hiện nay đang chuyển mình từ mô hình hoạt động tập trung vào các tác phẩm (Collection-centric) sang phương thức lấy người tham quan làm trung tâm (Customer-centric). Trong bối cảnh này, công nghệ số đóng vai trò then chốt, không chỉ nâng cao trải nghiệm của người dùng mà còn là công cụ quan trọng trong việc tiếp cận, phổ biến và bảo tồn giá trị văn hóa thông qua các chiến lược truyền thông. Sự phát triển của các ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ VR/AR, đã được khai thác để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao. Những công nghệ này được triển khai một cách sáng tạo, tận dụng tiềm năng của công nghệ số để cung cấp tác phẩm ảo trên các nền tảng trực tuyến, phân phối thông tin nhanh chóng và tạo ra các chức năng tìm kiếm cá nhân hóa.


Như Quỳnh


Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.