Hootsuite đã thực hiện một báo cáo mới nhất về các xu hướng truyền thông xã hội trong năm 2023. Công ty khảo sát 10.643 marketer từ 109 quốc gia, sử dụng những dữ liệu thu thập được để tổng hợp và phân tích về những xu hướng hàng đầu đang thay đổi cách thức tiếp thị của các thương hiệu trên mạng xã hội.


State of Social Media 2023 là một trong những báo cáo được cho là sẽ hướng dẫn các marketer triển khai chiến lược digital marketing phù hợp với những xu hướng thịnh hành trong tương lai, nhằm tận dụng các cơ hội kinh doanh trong thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Cùng tìm hiểu ba xu hướng truyền thông xã hội từ báo cáo State of Social Media 2023 mà các marketer cần biết trong năm nay!


1. Doanh nghiệp nhỏ có nhiều cơ hội hơn để khai thác sức ảnh hưởng của các influencer


Khảo sát State of Social Media 2023 đã cho thấy nhiều doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn với những vấn đề cơ bản trong marketing. Chẳng hạn như cách để tạo ra nội dung tiếp thị đối với những công ty không có đủ thời gian và nhân sự. “Vì vậy, một trong những giả thuyết mà chúng tôi dự đoán cho năm 2023 là doanh nghiệp nhỏ sẽ tìm thấy nhiều cơ hội hơn để hợp tác với các nhà sáng tạo nội dung mạng xã hội quy mô vừa và nhỏ, những người không thuộc phạm vi đầu tư của các doanh nghiệp lớn”, ông Kosta Prodanovic, tác giả báo cáo cho biết.


Với xu hướng truyền thông xã hội năm nay, sức ảnh hưởng của các influencer sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận đến người tiêu dùng một cách hiệu quả hơn


Khi các thương hiệu lớn thay đổi những khoản đầu tư trong hoạt động tiếp thị của họ, doanh nghiệp nhỏ có thể tận dụng cơ hội này để hợp tác với các nhà sáng tạo nội dung. Nghiên cứu của Hootsuite cho thấy, chỉ 28% doanh nghiệp nhỏ (có ít hơn 100 nhân viên) đang làm việc với các influencer. Lý do phổ biến nhất cho việc này là do các nhà tiếp thị cho rằng chi phí hợp tác với influencer quá cao. 


Mặc dù chi phí là yếu tố quan trọng trong quá trình thương hiệu đánh giá tính khả thi của một quan hệ đối tác, nhưng đó không phải rào cản duy nhất. Để quyết định xem liệu có nên hợp tác với những nhà sáng tạo nội dung hay không, các thương hiệu cần xem xét đến những khía cạnh quan trọng khác, bao gồm: sự phù hợp với đối tượng khán giả, chất lượng sản xuất nội dung và khả năng đi đến thành công của chiến dịch. Những influencer nhỏ và vừa vẫn có thể đem lại kết quả tốt cho các doanh nghiệp với ngân sách hạn chế. Trong bối cảnh ít phải cạnh tranh với các thương hiệu lớn trong việc tìm kiếm và hợp tác cùng các influencer, marketer ở các doanh nghiệp nhỏ sẽ có nhiều cơ hội hơn để khai thác sức ảnh hưởng từ những nhà sáng tạo nội dung theo những cách thức mới, qua đó giành lợi thế trước những thương hiệu chưa biết tận dụng kênh tiếp thị này.


“Tôi nghĩ rằng, nhiều người trước đây không coi việc hợp tác với influencer là khả thi về mặt tài chính, hoặc không biết cách tiếp cận các nhà sáng tạo nội dung. Nhưng chúng ta sẽ thấy phương pháp marketing này nhiều hơn trong năm tới, khi mọi doanh nghiệp đều đang cố gắng vượt qua nền kinh tế khó khăn" - ông Kosta Prodanovic nhận định.

Để minh chứng cho hiệu quả của việc tận dụng các influencer vừa và nhỏ, Hootsuite đã tự mình hợp tác với những nhà sản xuất nội dung để quảng bá báo cáo của họ. Là một nền tảng sở hữu hàng triệu người dùng trên toàn thế giới, Hootsuite không thể được coi là một doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, với vị thế của một công ty do các chuyên gia truyền thông xã hội điều hành, Hootsuite hiểu rõ giá trị mà các nhà sáng tạo nội dung có thể mang lại cho doanh nghiệp.


Cụ thể, để những phát hiện của báo cáo được truyền tải rộng rãi đến người xem, Hootsuite đã sản xuất một video quảng bá với sự tham gia của các nhà sáng tạo nội dung TikTok nổi tiếng. Đội ngũ của Hootsuite đã phối hợp cùng các influencer để phát triển kịch bản, tận dụng những chuyên môn khác nhau để truyền tải các số liệu trong báo cáo theo màu sắc và cá tính riêng của từng người.


Hootsuite đã triển khai một chiến dịch hợp tác cùng các TikToker để quảng bá nhữgn phát hiện của họ trong báo cáo State of Social Media 2023 


2. Người dùng đang sử dụng TikTok, Instagram và Facebook để tìm kiếm thông tin


Bên cạnh việc hợp tác cùng các influencer trong chiến dịch marketing, một xu hướng quan trọng khác trong năm 2023 chính là “social search” - sự gia tăng của việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội như một công cụ tìm kiếm.


Theo báo cáo của Hootsuite, người dùng trẻ ở độ tuổi từ 16 đến 24 đang dần chuyển sang sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm thông tin thay vì dùng các công cụ truyền thống như Google. Cụ thể, có tới 51% người dùng trong độ tuổi này sử dụng Instagram, Facebook và TikTok để tìm kiếm những thông tin như địa điểm nghỉ dưỡng, quần áo, quán cà phê,… Nhận thấy được xu hướng mạnh mẽ này, TikTok đã cho ra mắt một quảng cáo khuyến khích người dùng sử dụng chức năng tìm kiếm của ứng dụng để nhận được những giải đáp hữu ích.


Xu hướng sử dụng mạng xã hội để tra cứu thông tin đang ngày càng gia tăng, nhất là đối với những người dùng trẻ


Với sự gia tăng của xu hướng sử dụng mạng xã hội để tra cứu thông tin, việc tối ưu hóa nội dung cho các nền tảng mạng xã hội trở nên ngày càng quan trọng đối với các doanh nghiệp. Mặc dù tối ưu hóa tìm kiếm trên mạng xã hội (Single Sign-On) chưa phát triển như lĩnh vực tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), nhưng vẫn có nhiều chiến thuật cơ bản giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng hiển thị trên mạng xã hội.


Một trong những chiến thuật SSO (Single Sign-On) quan trọng nhất là sử dụng các từ khóa và hashtag phù hợp với thương hiệu trong tất cả bài đăng trên mạng xã hội. Bằng cách này, các doanh nghiệp có thể tăng khả năng xuất hiện trong kết quả tìm kiếm của người dùng. Bên cạnh đó, để tối ưu hóa cho việc tìm kiếm trên các nền tảng xã hội, marketer có thể tận dụng những tính năng như geotagging (gắn thẻ địa lý trong bài đăng) và thêm thẻ alt (một thuộc tính HTML được áp dụng cho hình ảnh nhằm cung cấp sự thay thế bằng văn bản cho các công cụ tìm kiếm). Những phương pháp này sẽ giúp cho nội dung trở nên dễ tìm kiếm hơn, không chỉ trên các nền tảng mạng xã hội mà còn mở rộng ở nhiều máy chủ tìm kiếm khác. Bằng các hoạt động tối ưu hóa trên, thương hiệu có thể tận dụng tốt xu hướng “social search” trong quảng bá thương hiệu, tiếp cận được một lượng khán giả rộng hơn.


3. Các marketer đang chịu trách nhiệm lớn hơn trong việc cung cấp dịch vụ khách hàng


Sau đại dịch, các doanh nghiệp đã phải nhanh chóng thích nghi với những cách tiếp cận mới để tương tác với khách hàng. Trong đó, kênh kỹ thuật số đã trở thành phương thức tiếp cận chính. Dịch vụ khách hàng và tương tác giữa doanh nghiệp với người dùng dần chuyển sang những nền tảng mạng xã hội như Twitter, Facebook, Instagram và các trang web kinh doanh. Giờ đây, ngay cả khi phương thức mua sắm trực tiếp đã phổ biến trở lại, người tiêu dùng vẫn mong muốn lựa chọn sử dụng dịch vụ khách hàng trực tuyến để tương tác trước và sau khi mua hàng.


Nhiều doanh nghiệp đang đáp ứng nhu cầu này bằng cách giao cho các nhóm tiếp thị thực hiện việc cung cấp dịch vụ khách hàng trực tuyến. Hootsuite phát hiện ra rằng, có ít hơn 8% công ty cho biết bộ phận chăm sóc khách hàng của họ đang hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ trên các ứng dụng mạng xã hội. Bên cạnh đó, khoảng 49% doanh nghiệp có dịch vụ chăm sóc trực tuyến được chịu trách nhiệm bởi đội ngũ marketing.


Việc quan tâm đến dịch vụ chăm sóc khách hàng trên mạng xã hội sẽ giúp các doanh nghiệp xây dựng lòng tin và nâng cao trải nghiệm thương hiệu


Để trở nên nổi bật và phát triển hơn trong năm 2023, các marketer cần chú trọng đến dịch vụ chăm sóc khách hàng trên mạng xã hội như một phần của chiến lược tiếp thị tổng thể, nhằm duy trì sự cạnh tranh trong bối cảnh kỹ thuật số đang phát triển liên tục. Bằng cách cung cấp một dịch vụ chăm sóc chất lượng cao trên nền tảng trực tuyến, các nhà tiếp thị có thể cải thiện trải nghiệm của người tiêu dùng và nâng cao sự trung thành của khách hàng với thương hiệu.


Bên cạnh việc cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng qua các kênh trực tuyến, với xu hướng của năm 2023, thương hiệu cũng cần quan tâm phát triển một trải nghiệm mua sắm đáng tin cậy trên mạng xã hội. Social commerce (thương mại xã hội) là quá trình doanh nghiệp bán hàng trực tiếp thông qua các nền tảng mạng xã hội. Hình thức kinh doanh này đã thu hút nhiều sự chú ý trong những năm gần đây, tuy nhiên nó đã không đem lại doanh thu kỳ vọng cho thị trường Bắc Mỹ. Lý do là bởi sự thiếu tin tưởng của người tiêu dùng vào công nghệ và dịch vụ khách hàng của social commerce. Nghiên cứu của Hootsuite cho thấy, 37% các marketer tin rằng nguyên nhân lớn nhất khiến khách hàng không mua sắm trực tiếp trên mạng xã hội là do lo ngại về việc nhập thông tin thanh toán trên các nền tảng này.


Social commerce là một cơ hội lớn để các doanh nghiệp mở rộng phạm vi và tạo ra các nguồn thu nhập mới. Tuy nhiên, ông Kosta Prodanovic nhận định, các thương hiệu sẽ cần một thời gian dài để phát triển những công cụ social commerce tốt hơn. Sau đó, họ cần chuẩn bị để tạo ra một trải nghiệm mua sắm đáng tin cậy, bao gồm việc đảm bảo giao hàng đúng hẹn, bảo vệ quyền lợi mua hàng và tính năng hoàn tiền.


Theo Convince & Convert

Phương Anh