Tại Việt Nam, Gen Z đang nổi lên như một thế hệ kế thừa mới và trở thành đối tượng khách hàng tiềm năng cho các nhãn hàng. Nhiều nghiên chỉ ra rằng, thế hệ Z có những hành vi, xu hướng và sở thích rất khác so với các thế hệ trước. Vậy làm thế nào để các marketers hay doanh nghiệp có thể tối ưu hoạt động quảng cáo để “chinh phục” nhóm đối tượng này? Nếu bạn cũng đang băn khoăn, hãy cùng Ori Agency khám phá 10 chiến lược marketing “thu phục” khách hàng Gen Z hiệu quả trong bài viết này nhé!


1. Tìm kiếm và thúc đẩy nội dung do người dùng tạo ra (User-generated content)


Theo nhiều báo cáo, có khoảng 82% người tiêu dùng gen Z tin tưởng vào các thương hiệu sử dụng hình ảnh khách hàng thực tế để quảng cáo sản phẩm. Trong khi đó, chỉ có 26% số người được hỏi tin tưởng một công ty nếu họ sử dụng hình ảnh của những người nổi tiếng. Ngoài ra, 70% người tiêu dùng Gen Z nói rằng video hay ảnh được đăng tải bởi những khách hàng đã mua trước đó ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ. Do đó, hoạt động tiếp thị và quảng cáo đến Gen Z nên bao gồm chiến lược nội dung do người dùng tạo ra (User-generated content). Hãy kích thích khách hàng của bạn chia sẻ cảm nhận, viết đánh giá của họ về sản phẩm và dịch vụ trên các nền tảng trực tuyến.


Để đạt được mục đích trên, bạn có thể tạo ra các thử thách hay các cuộc thi để khích lệ khách hàng tham gia sáng tạo và chia sẻ nội dung của họ với doanh nghiệp. Để hiểu rõ hơn, hãy cùng xem xét trường hợp của Apple. Năm 2018, một số khách hàng đã phàn nàn về chất lượng ánh sáng chụp bằng camera của iphone quá thấp. Ngay sau đó, để giải quyết rắc rối trên, Apple đã thực hiện chiến dịch #ShotOnIphone. Cụ thể, chiến dịch này kêu gọi những người dùng iphone chia sẻ các bức ảnh chụp bằng điện thoại của hàng này lên Instagram với hashtag để chúng xuất hiện trên “feature” của Apple. Kết quả, chiến dịch này thu về hơn 24 triệu bài đăng. Do đó “ông lớn công nghệ” này nhanh chóng phục hồi uy tín cho thương hiệu của mình. Thậm chí, sau đó, hãng còn xây dựng được một cộng đồng tương tác và sản xuất nội dung tích cực.



Rõ ràng từ ví dụ của Apple, có thể thấy User-generated content (UGC) là một chiến lược định hướng dư luận vô cùng hiệu quả và ít tốn kém nhất. Tuy nhiên, dù vậy, doanh nghiệp cần phải theo dõi và kiểm soát các nội dung được chia sẻ để tránh những tình huống xấu xảy ra, ví dụ như những bài đăng phỉ báng, chia sẻ thông tin sai sự thật,...


2. Hợp tác với các cá nhân có sức ảnh hưởng (Influencer Marketing)


Mặc dù gen Z có xu hướng tin tưởng vào các nội dung quảng cáo có sử dụng khách hàng thực tế nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên bỏ qua kênh influencer marketing. Bởi theo báo cáo của Morning Consults, 72% khách hàng gen Z và Millennials có xu hướng theo dõi những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (influencers). Và con số này cao hơn hẳn ở nhóm đối tượng từ 15-21 tuổi. Thêm vào đó, 24% đối tượng khách hàng nữ thuộc thế hệ Z nói rằng họ sẽ tham khảo và dựa vào thông tin mà các influencer cung cấp để khám phá các thương hiệu và sản phẩm mới.



Ngoài ra, so với các thế hệ trước, gen Z có xu hướng mua hàng dựa trên gợi ý của các influencers. Cụ thể, 14% khách hàng trong độ tuổi từ 18-24 tuổi và 13% trong độ tuổi từ 13-17 tuổi thừa nhận rằng họ đã mua sản phẩm vì quảng cáo của influencers.


Do đó, hợp tác với các cá nhân có ảnh hưởng vẫn là một cách rất hiệu quả để tiếp thị cho Gen Z. Tuy nhiên hiện nay, nhiều influencer bất chấp quảng cáo cho những sản phẩm kém chất lượng để có tiền hợp đồng. Điều này dẫn tới tình trạng người tiêu dùng không còn quá tin tưởng vào quảng cáo của những đối tượng trên. Vì vậy, để những hoạt động hợp tác tiếp thị này thực sự hiệu quả, doanh nghiệp nên chọn những cá nhân có hiểu biết, đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu để hỗ trợ quảng bá hình ảnh thương hiệu.


Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lựa chọn hợp tác với Nano-influencers (khoảng 1K-10K người theo dõi) và Micro-influencers (khoảng 10K-100K người theo dõi). Bởi đó là nhóm thường xuyên tương tác với người theo dõi và fan của họ. Qua đó, Nano-influencers và Micro-influencers có thể tạo ra niềm tin và tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn so với những nhóm influencers khác. Thực tế, theo báo cáo của The Bazaar Voice, nano và micro-influencers có tỷ lệ tương tác cao nhất trên Instagram, từ 10% đến 12%. Và điều đó không đau khi họ tính phí các thương hiệu ít hơn các đối tác nổi tiếng hơn của họ.



Ngay cả những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Dunkin’ hay Ford cũng đã và đang chuyển sang hợp tác với các influencer có sức ảnh hưởng với một cộng đồng nhỏ. Năm 2020, Ford Canada đã liên hệ với blogger du lịch Cailin O’Neil với 8,7 nghìn người theo dõi trên Instagram để quảng bá cho chiến dịch “The 2020 Ford Escape Titanium” và thu về 2,6% lượt tương tác từ khách hàng. Hay Dunkin’ đặc biệt tìm kiếm và hợp tác với các influencers dưới 50,000 lượt theo dõi cho chiến dịch cà phê espresso của mình. Một bài đăng quảng bá cho chiến dịch trên của Dunkin’ với Vanessa Lace, một influencer sở hữu khoảng 3,000 người theo dõi tại thời điểm đó, đạt tỷ lệ tương tác là 26,1%.



Nhìn chung, việc hợp tác với các cá nhân có ảnh hưởng đến một cộng đồng người theo dõi nhỏ sẽ là xu hướng trong tương lai. Vì vậy, mọi doanh nghiệp cần phải cân nhắc kỹ khi đưa ra quyết định hợp tác với bất kỳ một influencers nào.


Megan Rokosh, giám đốc marketing tại Havas Health & You, trong một buổi phỏng vấn với Forbes đã đưa ra một lời khuyên cho các doanh nghiệp khi có ý định hợp tác với các influencers. Cụ thể, theo bà, dừng thiết kế một chiến dịch chung chung với các micro-influencers. Thay vào đó, doanh nghiệp cần phải có quyền kiểm soát nội dung để chắc chắn rằng thông điệp và cá tính thương hiệu cũng được truyền tải một cách đầy đủ.


Ngoài ra, để có thể kiểm soát nội dung ở các bài quảng cáo, doanh nghiệp có thể biến nhân viên thành những người có ảnh hưởng. Thực tế, đây là chiến lược đang được nhiều doanh nghiệp triển khai trên nền tảng TikTok và thu về rất nhiều hiệu ứng tích cực. Một vài cái tên làm thực hiện rất tốt chiến lược này là Schannel, TopCV,...


3. Bày tỏ quan điểm đúng đắn trước các vấn đề xã hội


Đã qua giai đoạn mà các thương hiệu có thể “lẩn tránh” giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách, chẳng hạn như phân biệt chủng tộc, biến đổi khí hậu… Bởi đối với người trẻ thế hệ Z, việc nhãn hàng không bày tỏ lập trường cũng chính là đã bày tỏ quan điểm của mình đó. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng thương hiệu. Theo nghiên cứu của WP Engine, 31% người dùng gen Z đã ngừng mua sắm từ các nhãn hàng có quan điểm và mục đích xã hội mà họ cảm thấy không phù hợp. Báo cáo của Quantilope đầu năm 2022 cũng chỉ ra rằng 76% khách hàng thế hệ Z ủng hộ các thương hiệu đại diện cho sự đa dạng và hoà nhập. Ngoài ra, một cuộc khảo sát năm 2022 của YPulse cũng chỉ ra rằng các vấn đề mà thế hệ Z quan tâm hàng đầu là sức khỏe tâm thần, phá thai/kiểm soát sinh sản, bạo lực súng đạn và biến đổi khí hậu. Và họ muốn thấy quan điểm cũng như hành động của các thương hiệu để giải quyết những vấn đề trên.


Tuy nhiên, có một ranh giới mong manh giữa việc thể hiện trách nhiệm xã hội và quảng cáo thương hiệu một cách “trắng trợn”. Và những người trẻ tuổi là chuyên gia trong việc phát hiện “chiêu trò” truyền thông cũng như vô cùng nhạy cảm với thông điệp của các nhãn hàng.


Thực vậy, Listerine đã gặp khủng hoảng truyền thông lớn khi tung ra một chai nước súc miệng có màu cầu vồng để chào mừng “Pride month” - Tháng tự hào của cộng đồng LGBT. Người tiêu dùng và các nhà phê bình ngay lập tức cho rằng nhãn hàng này đã coi nhẹ một lễ kỷ niệm quan trọng chỉ để bán một sản phẩm và họ chỉ đang cố sử dụng cộng đồng LGBTQ để tạo ra một “hình ảnh hòa nhập”.


Vậy làm thế nào để doanh nghiệp bạn có thể đưa ra quan điểm về các vấn đề xã hội mà không lạc hướng, sai đường?


Bạn có thể chia sẻ cách thương hiệu thực hiện trách nhiệm xã hội và tính bền vững trong mọi hoạt động của doanh nghiệp. Để hiểu rõ hơn, hãy xem Báo cáo tác động hàng năm của công ty thực phẩm Impossible Foods. Báo cáo năm 2020 của công ty này đã cung cấp đầy đủ thông tin về cách công ty hỗ trợ nhân viên và cộng đồng từ việc thúc đẩy sự hòa nhập đến tài trợ ngân hàng thực phẩm trong thời kỳ đại dịch. Gen Z cũng muốn các thương hiệu đứng lên và thể hiện sự đoàn kết trong thời kỳ khủng hoảng. Hiểu được tâm lý trên, năm 2020, Fenty Beauty thông báo rằng họ sẽ tạm ngừng hoạt động kinh doanh của mình trong một ngày để ủng hộ phong trào “Black Lives Matter” và “Blackout Tuesday”. Thương hiệu thậm chí đã ghi điểm với công chúng nhờ hoạt động quyên góp cho các tổ chức chống phân biệt chủng tộc và khuyến khích khách hàng của họ cùng chung tay xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử.



Tóm lại, chìa khóa để tham gia và giải quyết các vấn đề xã hội là xem xét kỹ lưỡng vấn đề và đưa quan điểm phù hợp với giá trị thương hiệu và quan điểm của Gen Z.


4. Hãy trung thực, minh bạch và đặt giá trị lợi ích lên hàng đầu


Một cuộc khảo sát năm 2021 của Ernst & Young về thế hệ Z cho thấy họ đề cao sự tin cậy, tính minh bạch và tính xác thực. Họ sẽ quay lưng lại với bất kỳ sản phẩm hay nhãn hàng nào có vẻ không trung thực. Theo báo cáo của Statista năm 2022, 45% khách hàng gen Z nói rằng sự đáng tin cậy và tính minh bạch là yếu tố thúc đẩy lớn nhất cho quyết định mua hàng của họ. Vì vậy, đừng tập trung triển khai các hoạt động tiếp thị với mục đích bán hàng. Thay vào đó, hãy tạo nhiều nội dung chia sẻ rõ ràng về giá trị và câu chuyện thương hiệu của bạn.


Thương hiệu mỹ phẩm chăm sóc da Paula’s Choice là một ví dụ điển hình về việc ưu tiên thể thực hiện tính xác thực ngay trên các kênh tiếp thị kỹ thuật số của họ. Ví dụ, một trong những video TikTok của thương hiệu có chú thích “Pores are normal & real skin has texture!” (tạm dịch: “Lỗ chân lông là bình thường và một làn da thật sẽ có chúng!”). Video đó đã thúc đẩy khách hàng có họ có cái nhìn tích cực về cơ thể đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng làn da không tì vết mới là tiêu chuẩn vẻ đẹp thực tế.


Thương hiệu thời trang Nhật Uniqlo cũng đã làm rất tốt ở chiến lược này. Cụ thể, họ đã thể hiện sự minh bạch về chất liệu và cách các sản phẩm quần áo của họ được làm ra cũng như nơi chúng được sản xuất và điều kiện làm việc của công nhân ngay trên chính website của mình.


Hay để đảm bảo chiến dịch tựu trường (back-to-school campaign) đủ chân thực, Dick's Sporting Goods đã mời những người có ảnh hưởng thuộc thế hệ Z tham gia vào video quảng cáo cho hãng. Đồng thời, thương hiệu này cũng nhờ họ tư vấn về âm nhạc, trang phục hay đưa ra ý kiến cá nhân để điều chỉnh thông điệp sao cho hợp lý và chân thực nhất để thu hút khán giả trẻ.



Tóm lại, đừng quá chú trọng vào mục tiêu bán hàng. Đừng coi khách hàng của bạn là “nguồn cung cấp lợi nhuận”. Hãy chia sẻ những giá trị tích cực để cho người tiêu dùng thấy bạn luôn nghiêm túc, trung thực và sẽ không hy sinh mối quan hệ lâu dài với họ cho một “mánh lới” quảng cáo ngắn hạn.


5. Xây dựng nội dung dạng video ngắn


Gen Z có xu hướng xem những nội dung dạng video trên các ứng dụng mạng xã hội mà họ có thể dễ dàng truy cập trên điện thoại. Theo eMarketer, các mạng xã hội được được sử dụng nhiều nhất bởi Gen Z là Snapchat, TikTok và Instagram. Đây là các nền tảng gần như cho phép người dùng sản xuất và xem những nội dung video dạng ngắn.


Sự yêu thích của gen Z với những nội dung video ngắn của Reels, Snapchat hay TikTok cho thấy khoảng thời gian tập trung để tiêu thụ nội dung của họ đã giảm. Do vậy, những video đi thẳng vào truyền tải thông điệp, nội dung chính sẽ được ưu tiên. Đồng thời, để video hấp dẫn người xem cũng cần có âm nhạc, hiệu ứng đặc biệt hoặc những thử thách thú vị mà người dùng có thể thực hiện theo…


6. Triển khai chiến lược Marketing trên các nền tảng tiềm năng


Ngoài các nền tảng mạng xã hội phổ biến đã đề cập phía trên, Gen Z cũng đang hoạt động nhiều trên các nền tảng truyền thông kỹ thuật số như Discord hay Twitch. Những nền tảng này bùng nổ trong thời gian đại dịch Covid kéo dài và hiện đang sở hữu một lượng lớn người dùng trẻ tuổi.


Discord nổi tiếng là nền tảng dành cho các “game thủ”. Nhưng sau thời gian dài phát triển và được đón nhận bởi người dùng toàn cầu, Discord đã mở rộng phục vụ cho mọi mục đích giao tiếp, giáo dục, tổ chức sự kiện,… Thực tế, hiện tại 80% người dùng sử dụng nó ngoài mục đích chơi game. Sức hấp dẫn của Discord đến từ việc nền tảng này cung cấp trải nghiệm liền mạch, không quảng cáo cho khách hàng. Tuy nhiên, một số các thương hiệu vẫn tìm ra cách kết nối với khách hàng mục tiêu của họ trên nền tảng này.


Ví dụ như công ty mã hóa Kano đã tự tạo ra một máy chủ công khai trên Discord để kết nối với khách hàng. Rất nhanh sau đó, nó đã trở thành cộng đồng dành cho cha mẹ, giáo viên và học sinh để hỏi đáp, trao đổi về các sản phẩm của Kano. Thông qua đó, Kano sẽ có thể theo dõi, cập nhật thường xuyên phản hồi từ phía khách hàng. Đồng thời thương hiệu này cũng có thể dễ dàng trò chuyện trực tiếp với khách hàng ngay trên máy chủ của mình. Hãng đồ ăn nhanh Jack in the Box cũng tận dụng Discord để tạo ra một buổi hòa nhạc trực tuyến và các phòng trò chuyện để nhắm mục tiêu đến những vị khách của San Diego Comic-Con.



Giống như Discord, Twitch cũng là nền tảng nổi tiếng với cộng đồng những người chơi game nhưng giờ đây nền tảng này cũng được mở rộng để phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Gần một nửa người dùng của Twitch là những người trong độ tuổi từ 18 đến 34. Theo Twitch, 64% người dùng của họ cũng mua sản phẩm dựa trên đề xuất của những người có ảnh hưởng. Và Twitch cho phép các doanh nghiệp có thể hợp tác với các nhà sáng tạo để quảng cáo. Do đó, nhiều thương hiệu với mục tiêu tiếp cận Gen Z cũng đang “đổ xô” vào nền tảng phát trực tiếp này.


Thương hiệu mỹ phẩm E.l.f. đã sử dụng Twitch để quảng cáo rất thành công. Đầu tiên, E.l.f. đã hợp tác với Loserfruit, một game streamer, để cùng thực hiện một video hướng dẫn làm đẹp với chuyên gia trang điểm Anna Bynum của hãng này. Sau đó, năm 2021, thương hiệu mỹ phẩm này đã tự tạo kênh streaming với hình ảnh đại điện là Bynum, cũng là một game thủ. Điều này cho thấy, E.l.f. tập trung thu hút khách hàng trẻ bằng những trải nghiệm nội dung liền mạch để tránh rơi vào những tình huống rủi ro.


Tuy nhiên, bạn cần nghiên cứu kỹ trước lấn sang nền tảng trên bởi đã có nhiều thương hiệu nổi tiếng gặp rắc rối và thất bại. Điển hình như chuỗi thức ăn nhanh Burger King đã khiến nhiều người dùng Twitch nổi giận khi họ lợi dụng hệ thống quyên góp (donation system) để chạy quảng cáo. Sự thất bại của Burger King đã cho thấy Gen Z không hài lòng với các mánh khóe tiếp thị, đặc biệt là gây thiệt hại cho những nhà sáng tạo nội dung được yêu thích.


7. Tận dụng lợi ích của Email Marketing


Nhiều ý kiến cho rằng sử dụng email marketing để tiếp cận Gen Z là không hiệu quả. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Campaign Monitor by Marigold, 58% bạn trẻ Gen Z kiểm tra email của họ nhiều lần trong ngày và hơn 50% Gen Z muốn nhận email từ các thương hiệu nhiều lần trong tuần. Do đó tiếp thị bằng email vẫn là một cách hiệu quả để các thương hiệu kết nối với đối tượng khách hàng.


Email cho phép các thương hiệu thực chiến lược cá nhân hóa một cách dễ dàng. Đồng thời, chiến lược này cho phép thông điệp truyền thông của các nhãn hàng có thể tồn tại lâu hơn bởi các email gửi đi sẽ được lưu trữ trong các hộp thư đến của khách hàng. Bên cạnh đó, việc sở hữu một danh sách email sẽ giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động liên lạc với khách hàng bất cứ khi nào các kênh truyền thông khác gặp sự cố. Điển hình như vào 4 tháng 10 năm 2021, các nền tảng mạng xã hội Facebook, Instagram và WhatsApp ngừng hoạt động hàng loạt. Và hiển nhiên, trong hoàn cảnh đó, email là kênh duy nhất để bạn trao đổi với khách hàng của mình.


Nhưng có một số điều cần lưu ý đối với tiếp thị qua email. Thứ nhất, trước khi gửi email cho khách hàng Gen Z hãy xin phép họ rõ ràng trước khi gửi thư. Thứ hai, doanh nghiệp cũng cần phải nghiên cứu và thu thập phản hồi về nội dung và tần suất email khách hàng muốn nhận được. Để hiểu rõ hơn, hãy cùng tham khảo ví dụ từ thương hiệu giày dép Crocs. Để khuyến khích khách hàng đăng ký để lại email, Crocs đưa ra đưa ra mã giảm giá 15% cho lần mua hàng tiếp theo của họ và những hứa hẹn về những ưu đãi và thông báo đặc biệt khác. Nếu để ý kỹ, ngoài thu thập email, nhãn hàng này còn thu thập ngày và tháng sinh của khách hàng. Những thông tin này sẽ được sử dụng với một email chúc mừng sinh nhật để gắn kết, củng cố mối quan hệ bền chặt giữa thương hiệu và khách hàng.



Ngoài việc lắng nghe phản hồi từ khách hàng, để hoạt động tiếp thị email cho Gen Z thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Dòng chủ đề của bạn hấp dẫn như thế nào
  • Giá trị thương hiệu của bạn có phù hợp với các vấn đề xã hội hay không
  • Sử dụng hình ảnh minh họa hay meme một cách hiệu quả
  • Giọng nói thương hiệu thể hiện trong nội dung email mang tính đối thoại hay hài hước như thế nào
  • Thiết kế nội dung email thân thiện với các thiết bị di động
  • Nội dung email được cá nhân hóa và cụ thể như thế nào với từng khách hàng


Để áp dụng hiệu quả những yếu tố trên, bạn có thể tham khảo một vài mẫu email của các thương hiệu. Ví dụ như nền tảng thiết kế đồ họa Canva cũng sử dụng email trong hoạt động quảng cáo của mình với chủ đề hấp dẫn, nội dung thú vị với các thử thách kích thích người dùng của họ tham gia,...



8. Tạo cộng đồng cho thương hiệu


Nghiên cứu của Future Care Capital tiết lộ Gen Z là “thế hệ cô đơn nhất” và các chuyên gia nói rằng cộng đồng là mảnh ghép còn thiếu của họ. Một nghiên cứu cho thấy 82% Gen Z muốn tham gia một cộng đồng. Thật vậy, những người trẻ tuổi này đề cao giá trị cộng đồng và kết nối xã hội cho các mục đích cá nhân và công việc, đặc biệt khi những mối quan hệ mới của họ có chung nguyên tắc hoặc sở thích.


Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các thương hiệu nổi tiếng như Copy.ai và Jasper đã tạo các nhóm Facebook để kết nối, đặt câu hỏi và thảo luận với khách hàng của họ. Để những cộng đồng như thế này phát triển mạnh thì chúng cần một người lãnh đạo, một người kiểm duyệt để điều phối và đảm bảo nội dung cũng như sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên. Ngoài ra, để xây dựng một cộng đồng cho Gen Z, có những người quản lý trong cùng thế hệ Z cũng sẽ là một lợi thế bởi họ nói cùng một ngôn ngữ.


Cùng với việc tạo ra các cộng đồng trực tuyến, các doanh nghiệp cũng cần chú ý xây dựng ý thức cộng đồng cho Gen Z. Và điều này sẽ được thực hiện qua một số hoạt động:

  • Lên kế hoạch cho các sự kiện trực tuyến hay trực tiếp xung quanh các chủ đề đang được quan tâm nhiều nhất
  • Xây dựng không gian làm việc chung để mọi người có thể giao lưu và hợp tác
  • Xây dựng và khuyến khích khách hàng thực hiện các thử thách trên mạng xã hội với các thẻ hashtag của thương hiệu nhằm thúc đẩy sự tương tác giữa khách hàng và doanh nghiệp
  • Trao cho khách hàng những món quà có logo thương hiệu
  • Xây dựng hình ảnh thương hiệu trên các nền tảng mạng xã hội độc đáo và đáng nhớ


Cụ thể, để làm rõ chiến lược này, hãy cùng xem cách triển khai các hoạt động tiếp thị và truyền thông của Gymshark. Nhắm mục tiêu đến những người đam mê thể thao và có ý thức rèn luyện sức khỏe, thương hiệu cung cấp trang phục thể thao này đã xây dựng một cộng đồng trực tuyến vững chắc. Trong cộng đồng của mình, hãng này luôn cố gắng tạo ra một môi trường thoải mái, tạo cảm giác thân thuộc giữa các thành viên. Gymshark không chỉ bán quần áo tập luyện, họ muốn khách hàng của mình trở thành một thành viên của một cộng đồng tôn vinh những thành quả đạt được và cả sự thất trong hành trình hoàn thiện bản thân. Đồng thời, để thu hút khách hàng trẻ tuổi, Gymshark thường xuyên tổ chức các sự kiện trực tuyến và ngoại tuyến. Thương hiệu này cũng hợp tác với nhiều vận động viên thể dục dụng cụ Gen Z, những người có ảnh hưởng như Guusje van Geel (@guusje) hay Joyce-Anne Deji (@madamejoyce1) và đã về hơn 6 triệu người theo dõi trên Instagram.


9. Sử dụng ngôn ngữ của Gen Z


Trong hầu hết các trường hợp, giao tiếp là chìa khóa để thành công. Do đó, việc có thể sử dụng ngôn ngữ mà Gen Z cảm thấy quen thuộc và hiểu được là điều cần thiết. Nếu bạn không thông thạo những “ngôn ngữ teen” này thì lời khuyên cho bạn là nên đọc và tham gia các cuộc thảo luận của Gen Z trên các nền tảng mạng xã hội để làm đầy “từ điển” của mình trước khi muốn chinh phục họ. Hay cách nhanh nhất là theo dõi những người sáng tạo nội dung Gen Z để xem nội dung họ chia sẻ đang sử dụng những từ vựng nào, từ viết tắt nào hay câu chuyện của họ gây cười ở đâu…


Durex là thương hiệu dẫn dầu ngành hàng bao cao su đã thành công thu hút khách hàng trẻ bằng thứ ngôn ngữ tinh nghịch, khiêu khích nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ văn hóa Việt Nam. Thực vậy, thương hiệu này luôn trở thành tâm điểm chú ý với các bạn trẻ mỗi khi tung ra một bài post hay chiến dịch nào. Sở dĩ, thương hiệu này nhận lại những hiệu ứng như vậy vì các bài quảng cáo của họ mang tinh thần trẻ trung, sành điệu, luôn bắt kịp trend nhưng đồng thời lại mang cảm giác trung thực, đáng tin cậy và an toàn cho khách hàng.


Lưu ý rằng việc nghiên cứu và học tập này cần có thời gian và không có gì kém thú vị hơn là cố tỏ ra thật “ngầu” và sử dụng ngôn ngữ bừa bãi khi chưa hiểu rõ chúng.


10. Cá nhân hóa sản phẩm, dịch vụ


Theo báo cáo của McKinsey, Gen Z có xu hướng thích thể hiện “cái tôi” và bản sắc cá nhân. Do đó, 58% người tham gia khảo sát trả lời rằng họ sẵn sàng chi trả một mức giá cao hơn để sở hữu những sản phẩm có tính cá nhân hóa cao và phù hợp với cá tính của họ.


Nhận ra được xu hướng này, Uniqlo hãng thời trang Nhật Bản đã cho phép khách hàng của mình có thể sáng tạo và thiết kế những chiếc áo thể hiện phong cách của riêng họ. Kết quả, chiến lược này đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều đối tượng trẻ.



Trên đây Ori Agency đã tổng hợp và chia sẻ với bạn 10 chiến lược marketing của các thương hiệu hàng đầu thế giới. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có thêm những ý tưởng sáng tạo để triển khai các chiến dịch marketing trong tương lai thật hiệu quả. Nếu thấy bài viết hữu ích, đừng quên để lại một lượt theo dõi cho Fanpage của Ori Agency và tiếp tục cập nhật các bài viết mới nhất của chúng tôi tại đây nhé!


Nguồn: Ori Marketing Agency