Thay vì chạy theo các trào lưu thiết kế hay sử dụng chất liệu vẽ mang đậm bản sắc dân tộc, các họa sĩ Trung Quốc ghi dấu trên bản đồ hội họa thế giới bằng lối vẽ của riêng mình - phong cách dễ thương, thường dùng trong Minh họa 3D và Thiết kế nhân vật.


Phong cách dễ thương này đến từ đâu?


Chúng ta thường hay liên tưởng những phong cách hoạt hình đến văn hóa “kawaii” (dễ thương). Phong cách này ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới và được biến tấu đôi chút cho hòa hợp với các nền văn hóa khác nhau. 


Nếu như văn hoá "kawaii" trên thế giới đại diện cho vẻ bề ngoài dễ thương, thì ở khu vực châu Á như Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc lại xem đây là yếu tố quan trọng để xây dựng bản sắc văn hoá dân tộc. Phong cách dễ thương được sử dụng linh hoạt trong việc xây dựng thương hiệu, quảng cáo, thiết kế ứng dụng và trang web. Thậm chí ngay cả các chính trị gia cũng sử dụng các tạo hình nhân vật như một cách để tiếp cận gần gũi hơn đến cử tri.


Tác phẩm LIGHTNING của Awen Lin


Đặc trưng trong phong cách vẽ của các họa sĩ Trung Quốc


Tại Trung Quốc, phong cách kawaii hiện đại theo chủ nghĩa chiết trung (eclecticism) - hoạ sĩ thường kết hợp nhiều phong cách cho các tác phẩm kỹ thuật số mà không bị áp đặt bởi một quy chuẩn chính xác nào. Yếu tố dễ thương được các hoạ sĩ đặt lên hàng đầu để thu hút sự thích thú của khán giả, lâu dần các tác phẩm này trở thành nét đặc trưng trong phong cách vẽ hiện đại của Trung Quốc.


Vốn mang tư duy của chủ nghĩa chiết trung, không bị ràng buộc nghiêm ngặt, các hoạ sĩ Trung Quốc có thể áp dụng phong cách kawaii linh hoạt trong thiết kế nhân vật 3D (3D character design), hội họa hoạt hình tối giản (minimalist cartoony drawings), nghệ thuật kỹ thuật số hiện đại (modern digital art), nghệ thuật cổ điển cách điệu (stylized classic art), hoặc sự kết hợp bất kì giữa các phong cách nêu trên.


Tác phẩm 3D Fashion-Summer của họa sĩ UV-


Tác phẩm Astrobobi and his friends 宇宙波比 II bởi 灰昼 NoirChen


Đặc biệt, có đến 80% tác phẩm theo phong cách kawaii là thiết kế các nhân vật 3D. Đây cũng chính là thế mạnh của các hoạ sĩ Trung Quốc và trở thành "thương hiệu" riêng của họ.


Trào lưu thiết kế nhân vật 3D xuất phát từ hai đặc điểm sau đây:


  • Nhân cách hóa (Anthropomorphism - xem các tính chất, cảm xúc hoặc thậm chí ngoại hình con người cũng tồn tại ở động vật và đồ vật): Đây là một khía cạnh trọng tâm trong văn hóa dân gian ở nhiều nền văn hóa, được bảo tồn qua nhiều thế hệ ở châu Á do những đặc thù về tôn giáo và tư duy. Nhân cách hóa là một phương tiện kể chuyện hiệu quả, giúp họa sĩ tiếp cận khán giả và nhận được những phản hồi tích cực. Hơn ai hết các họa sĩ minh họa Trung Quốc hiểu được tính ưu việt của nhân tố này hơn bất cứ ai. 


  • Những nhân vật phức tạp (Complex characters): Mang đậm dấu ấn cá nhân, những nhân vật có nhiều chi tiết phức tạp đại diện cho mong muốn được trở nên nổi bật của người Trung Quốc, nhất là giới trẻ. Các họa sĩ cố gắng đưa thật nhiều nét đặc trưng trong tính cách con người vào các nhân vật của họ, vì vậy, ngay cả khi sử dụng lối vẽ tối giản, khán giả vẫn dễ dàng nắm bắt cảm xúc và tìm thấy mình trong đó.


Tác phẩm RED CLUB Collaboration sáng tạo bởi RED Studio, REDesign official


Nhờ đâu mà trào lưu hội họa này phổ biến đến vậy?


Việc kawaii “nhập gia tùy tục” và được biến tấu tại Trung Quốc không phải là điều gì quá đột ngột và bất ngờ. Phong cách này thực tế đã du nhập và lan rộng khắp xứ Trung khá sớm sau khi kawaii được giới thiệu ở Nhật Bản. Do đó, sự phổ biến của phong cách hội họa hiện đại và thiết kế nhân vật ở Trung Quốc là một kết quả dễ hiểu, nhất là trong kỉ nguyên phát triển của phong cách hội họa tự do.


Dù vậy, các yếu tố về xã hội và tâm lý ảnh hưởng đến nhận thức về phong cách này cũng không nên bị bỏ qua.


Thứ nhất, tại Trung Quốc, trường học được xem là nguồn cơn của những áp lực nặng nề đối với học sinh. Sự cạnh tranh gay gắt, sự kỳ vọng thái quá của xã hội và gia đình kèm theo sự kỷ luật nghiêm khắc đã khiến những đứa trẻ phải tìm cho mình động lực từ bên ngoài. Thứ hai, người trưởng thành cũng phải đối diện với tình trạng tương tự do bị nhấn chìm trong vòng xoáy công việc, mà hậu quả chính là sự căng thẳng tột độ.


Từ đây, các họa sĩ nhận ra nhiệm vụ của mình là giúp hai đối tượng này vượt qua sự căng thẳng, chống chọi với thực tế và đảm bảo tâm lý xã hội được an toàn, thoải mái. Bằng các nhân vật vui vẻ, dễ thương, họ đang nỗ lực tạo ra điểm đến cho những ai có mong muốn được “trú ẩn” và thư giãn. Và khi ngày càng có nhiều người thừa nhận sự tồn tại và mức độ cấp bách của các vấn đề về tâm lý trong xã hội, phong trào này sẽ càng phát triển để lan tỏa những giá trị nhất định cho cộng đồng.


Theo The Designest

Tường Minh | Advertising Vietnam