Trong một thị trường cạnh tranh gay gắt, hệ thống nhận diện giúp một thương hiệu gây ấn tượng và khắc sâu hình ảnh của mình trong tâm trí khách hàng. Vậy tại sao khi đã sở hữu một bộ nhận diện quen thuộc với khách hàng, thương hiệu đôi khi vẫn lựa chọn tái nhận diện trên suốt hành trình phát triển của mình?


Tái nhận diện là cách mà một thương hiệu thông báo với thị trường về việc thay đổi chiến lược, mở rộng quy mô, nâng cấp hình ảnh,... Do đó, khi bộ nhận diện cũ không còn phù hợp với chiến lược phát triển mới, doanh nghiệp sẽ lựa chọn thay đổi.


Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa những bộ tái nhận diện thương hiệu nổi bật của 6 cái tên đình đám: VPBank, Viettel, Now, Klook, Petrovietnam, Viettel, Baskin-Robbins sau đây!


1. VPBANK


Ngày 04/4/2022, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chính thức công bố tái định vị thương hiệu. Đây là lần thứ hai VPBank thực hiện tái định vị trong lịch sử gần 30 năm phát triển của mình.


3 bộ nhận diện thương hiệu của VPBank từ khi thành lập đến nay


Những thay đổi trong lần tái định vị này của VPBanck bao gồm:

  • Tuyên ngôn thương hiệu được thay đổi từ “Hành động vì những ước mơ” thành “Vì một Việt Nam thịnh vượng”. Sứ mệnh đó sẽ được VPBank thể hiện bằng việc tập trung vào 4 giá trị: Thịnh vượng Tài chính - Thịnh vượng Cộng đồng - Thịnh vượng Thể chất và Thịnh vượng Tinh thần.


  • Màu sắc chủ đạo của VPBank được bổ sung thêm màu xanh da trời đậm bên cạnh màu xanh lá truyền thống. Cùng với đó, logo hoa thịnh vượng được tinh chỉnh lại theo tỷ lệ vàng, hài hòa giữa các hình khối vuông và tròn. Tất cả những yếu tố này nhằm đem đến một phong cách hiện đại và biểu trưng rõ hơn về sự gắn kết giữa con người và công nghệ của VPBank. 


2. VIETTEL


Ngày 07/01/2022, thương hiệu Viettel chính thức công bố hàng loạt thay đổi trong bộ nhận diện mới của mình, từ màu chủ đạo, font chữ, logo đến slogan. 


Viettel gây bất ngờ với bộ nhận diện mới sau 18 năm, thay đổi cả câu slogan quen thuộc "Hãy nói theo cách của bạn"


Việc thay đổi này chính là động thái thể hiện sự chuyển mình mạnh mẽ trở thành một nhà cung cấp dịch vụ số thực sự của Viettel, không còn chỉ là viễn thông mà nay đã hình thành 6 lĩnh vực gồm: Hạ tầng số; Giải pháp số; Nội dung số; Tài chính số; An ninh mạng và Nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao.


Ở cả 6 lĩnh vực này, Viettel đã thực sự xây dựng về chiến lược, bộ máy vận hành và thực tế sản phẩm dịch vụ cung cấp cho xã hội. Bởi vậy, việc tái định vị thương hiệu cho phù hợp với một Viettel mới là điều tất yếu phải làm. Bên cạnh đó, việc thay đổi slogan đã quá đỗi quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam của Viettel còn gửi gắm một lời hứa mới: “Trong xã hội số, khách hàng sẽ là người tự trải nghiệm và tạo ra sản phẩm, dịch vụ cho mình dựa trên các hệ thống của Viettel, mỗi người theo một cách khác nhau.”


3. NOW


Trước khi đổi tên thương hiệu, Now đã có mặt trên ứng dụng Shopee, và được sử dụng như một tính năng của nền tảng thương mại điện tử này


Từ ngày 18/08/2021, Now đã được thay đổi tên thương hiệu thành ShopeeFood. Việc đổi tên thương hiệu đi cùng với một diện mạo mới mẻ từ Logo cho đến Hình ảnh nhận diện. 


Theo đại diện của Foody - công ty ban đầu của Now, việc đổi tên sẽ giúp thống nhất nhận diện cho hệ sinh thái khổng lồ của Sea Group - công ty mẹ của Shopee đã mua lại Foody vào năm 2012.


Từ động thái đổi tên Airpay thành ShopeePay trước đó cho đến thay đổi tên gọi của Now sang ShopeeFood đã cho thấy Shopee đang hướng đến tham vọng xây dựng một supper app của Tập đoàn Công nghệ Sea Group (Singapore) về mảng E-commerce, Logistics, Food Delivery cho đến E-Wallet! Từ đó, thương hiệu mong muốn sẽ gia tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng và những đối tác của họ. 


4. BASKIN - ROBBINS


Vào ngày 11/04 vừa qua, Baskin-Robbins đã quyết định thay đổi bộ nhận diện thương hiệu sau 16 năm. Theo đó, thương hiệu kem nổi tiếng này đã đổi mới logo, bao bì sản phẩm, tagline và đồng phục của nhân viên. So với bộ nhận diện trước đó, sự đổi mới này đem đến cảm nhận hiện đại và trưởng thành hơn, nhưng vẫn gán thương hiệu với những khoảnh khắc vui vẻ, hạnh phúc.


Logo mới của Baskin-Robbins vẫn giữ nguyên con số "31" tượng trưng cho 31 hương vị kem của 31 ngày trong tháng


Các Giám đốc điều hành của Baskin-Robbins cho rằng vẻ ngoài "trưởng thành" sẽ là chìa khóa giúp thu hút sự chú ý đối với người tiêu dùng trẻ tuổi, đồng thời tạo điều kiện cho thương hiệu ra mắt những sản phẩm, hương vị và công thức sáng tạo hơn. Do đó, để kỷ niệm lần tái định vị thương hiệu này, Baskin-Robbins đã ra mắt ba hương vị mới gồm Non-Dairy Mint Chocochunk, Ube Coconut Swirl, Totally Unwrapped cũng như một bộ sưu tập thời trang giới hạn dành cho khách hàng của mình.


5. KLOOK


Tháng 02/2022, Klook - nền tảng thương mại điện tử dành cho du lịch và trải nghiệm đã chính thức thay đổi bộ nhận diện thương hiệu hoàn toàn mới - động thái mở đầu cho kế hoạch chuyển đổi hoạt động kinh doanh, nhằm tiến tới chinh phục tương lai mới của ngành du lịch.


Chiêm ngưỡng bộ nhận diện mới được lấy cảm hứng từ niềm vui của Klook


Bộ nhận diện thương hiệu mới của Klook khuyến khích mọi người trải nghiệm mọi thứ với sự lạc quan, vui vẻ và hăng hái, bao gồm: 


  • Định vị Klook như một siêu ứng dụng dành cho du lịch, trải nghiệm trong và ngoài nước
  • Đa dạng hóa dịch vụ để mang đến một thế giới niềm vui trong kỷ nguyên du lịch mới. Từ những dịch vụ cơ bản nhất đến thích nghi với thời đại như test Covid-19.
  • Không ngừng sáng tạo và đột phá đề giúp các nhà cung cấp thành công, điển hình là sự ra mắt của Flickket - một sản phẩm cung cấp các giải pháp công nghệ chuyên biệt.


6. PETROVIETNAM


Nằm trong Đề án Tái tạo Văn hóa Petrovietnam, cuối năm 2021, Petrovietnam - nhãn hiệu đầu tiên của ngành Dầu khí đã ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới, được kỳ vọng sẽ góp phần tạo dựng hình ảnh một Petrovietnam năng động, thân thiện, thích ứng với các xu thế phát triển mới của thế giới, thể hiện tâm thế sẵn sàng cho việc hiện thực hóa tầm nhìn và sứ mệnh của ngành dầu khí Việt Nam. 


Ngay từ ngày đầu thành lập, logo Petrovietnam đã được phác thảo và đưa vào sử dụng với hình ảnh ngọn lửa màu đỏ, trên nền biển xanh và đế là chữ PETROVIETNAM.


Theo đó, logo Petrovietnam được kết hợp giữa biểu tượng ngọn lửa đỏ và hàng chữ màu xanh PETROVIETNAM. Dòng chữ PETROVIETNAM màu xanh biển bố cục chặt chẽ, đồng nhất về phông chữ thể hiện sự mạnh mẽ, vững chãi như những chân đế giàn khoan; màu xanh biển cũng thể hiện vùng hoạt động đặc trưng của Petrovietnam gắn với sứ mệnh góp phần bảo vệ, giữ gìn bình yên cho Tổ quốc. Ngọn lửa đỏ thể hiện năng lượng tràn đầy, tinh thần nhiệt huyết, tiên phong; ngọn lửa bay lên, chuyển động, thích ứng linh hoạt trong xu thế chuyển dịch năng lượng, cũng là thời kỳ chuyển đổi số; ngọn lửa được cách điệu dáng hình đất nước Việt Nam một lần nữa khẳng định sự gắn kết không thể tách rời truyền thống của những “người đi tìm lửa” với khát vọng vươn lên của cả dân tộc - Theo PetroTimes.


Trang Ngọc / Advertising Vietnam