Khi các nhà khoa học U40 làm creator: Ngày bảo vệ sinh vật biển, tối nghĩ ý tưởng viral

Cuối tháng 9, fanpage Bảo tàng Hải dương học gây chú ý nhờ một bài đăng có nội dung vỏn vẹn: Thông báo giờ mở cửa. Thay vì đăng lịch hoạt động thông thường, fanpage để lại bức ảnh “ghép" OOH với dòng chữ như sau: “Cá không nghỉ trưa. Bảo tàng Hải dương học cũng vậy". Bài đăng thu hút 5.8 nghìn lượt yêu thích, gần 1 nghìn lượt bình luận và hầu hết trong số đó đều bất ngờ trước sự hiện diện của “Bảo tàng Hải dương học" - một địa điểm chưa từng xuất hiện trong hình dung của họ trước đây. 



Fanpage Bảo tàng Hải dương học đang sở hữu gần 30.000 lượt like. Nội dung đăng tải tương đối đa dạng, đan xen giữa tuyến bài kiến thức, meme, bài đăng tạo tương tác, nội dung do người dùng tạo,... Nhờ các tuyến này, các bài đăng trên fanpage vẫn nhận về lượng tương tác ấn tượng, dao động từ 300 đến hơn 1.000 lượt yêu thích cho mỗi nội dung dù truyền tải những kiến thức được đánh giá là “khô khan" (sinh vật biển, thuỷ sinh,...). 


Là kênh truyền thông phục vụ nhu cầu tham quan và giáo dục cộng đồng, fanpage Bảo tàng Hải dương học đã khai thác nội dung thế nào để nhận được sự đón nhận của đông đảo phân khúc khán giả? Cùng trò chuyện với anh Trương Sĩ Hải Trình, đại diện nhóm quản lý fanpage về quy trình đưa nội dung ngách (quần thể sinh vật biển) đến với nhóm khách hàng đại chúng (mass audience). 



Fanpage Bảo tàng Hải dương học ra đời vào năm 2019, cáng đáng vai trò của một kênh truyền thông giúp tăng độ nhận biết của khán giả về một điểm tham quan trải nghiệm liên quan đến sinh vật biển. Nếu trước đây Bảo tàng chỉ đơn thuần bán vé và đón khách tham quan, người dùng giờ đây có thể xem fanpage Bảo tàng Hải dương học như một điểm review kiến thức, gia tăng trải nghiệm trước khi tới địa điểm thực tế. 


Tuy nhiên, việc xây dựng nội dung cho các fanpage ngách như Bảo tàng lại không dễ dàng. Thời gian đầu, fanpage Bảo tàng Hải dương học chỉ tập trung các nội dung thuần kiến thức, nhưng kết quả bài đăng bị khó đọc, khô khan, khán giả khó tiếp nhận, đặc biệt là đối tượng độc giả trẻ em. Sau gần 4 năm thử nghiệm, đội ngũ truyền thông của Bảo tàng Hải dương học nhận ra rằng làm nội dung không phải là câu chuyện “trắng đen", hoặc là chuẩn xác hoặc là hóm hỉnh. Thay vào đó, vẫn có những cách tiếp cận nội dung giúp page ngách đạt được cả 2 mục tiêu: vừa thu hút mass audience vừa đảm bảo được tính khoa học, chính xác trong thông tin. 



Vậy là đội ngũ truyền thông quyết định chuyển mình. Điều đặc biệt là không ai trong số họ từng có kinh nghiệm trong quản trị fanpage. Một nhóm 9 người, đều là các nhà khoa học và hướng dẫn viên du lịch ở ngưỡng 40 đang mày mò sáng tạo nội dung cho… người trẻ.  


“Chúng tôi không có chuyên môn về truyền thông, quảng cáo hay marketing. Fanpage thì lại là một kênh truyền thông quá mới mẻ buộc chúng tôi phải tập làm quen và tìm hiểu nhiều nếu muốn đưa nội dung ngách đến với đa dạng đối tượng hơn”, anh Hải Trình, đại diễn nhóm quản trị fanpage cho biết. 


Theo đó, nhóm đã nghiên cứu và tham khảo về content/marketing ở các kênh truyền thông của bảo tàng nước ngoài, và nhận thấy đã đến lúc phải thay đổi cách làm nội dung: ngắn gọn, dễ thương và có chọn lọc hơn. “Chúng tôi chỉ truyền tải những kiến thức thực sự thú vị, độc đáo hoặc ít người biết về sinh vật biển. Những nội dung độc lạ không chỉ thu hút độc giả mà còn cung cấp thêm nhiều kiến thức thú vị cho họ hơn, thay vì những bài đăng thuần là tài liệu khoa học có quá nhiều thông tin”, dẫn theo chia sẻ của anh Hải Trình. 



Nhiều ý kiến cho rằng tận dụng xu hướng là một phương pháp để đưa nội dung ngách đến gần hơn với đại chúng. Thế nhưng đó lại không phải là trọng tâm trong quá trình xây dựng fanpage Bảo tàng Hải dương học. 


Cụ thể, fanpage triển khai 4 tuyến nội dung chính bao phủ các kiến thức liên quan đến Sinh vật biển. 


1. Tuyến Giới thiệu sinh vật biển: Khai thác thông tin, cập nhật hoạt động về sinh vật biển hàng ngày là một chủ đề hiệu quả trong tuyến này nhằm duy trì tần suất đăng bài, tránh khỏi những lần bí ý tưởng hay cần nội dung trong trường hợp khẩn cấp. 


2. Tuyến Thông tin về môi trường: Chẳng hạn như sự biến mất của san hô, môi trường sống của sao biển,... Với tuyến bài này, fanpage định hướng duy trì được tiếng nói với các hoạt động hướng về môi trường.

 

3. Tuyến bài hướng đến học sinh tiểu học: Tổ chức các chương trình giáo dục trải nghiệm. Đội ngũ sẽ tăng độ nhận diện của Bảo tàng trong nhóm khách hàng phụ huynh có con nhỏ và thiếu nhi.


4. Giới thiệu mẫu vật: Cập nhật các kiến thức, thông tin về sinh thể biển 


Đối với một page ngách, việc xây dựng hình ảnh thống nhất trong mắt khán giả đại chúng vô cùng quan trọng. Định hướng của Bảo tàng Hải dương học là luôn tuân theo theo content plan (kế hoạch nội dung) đã lên trước đó để có được sự nhất quán trong hình ảnh và nội dung. “Các content plan sẽ lên theo tháng để tránh việc mỗi ngày phải suy nghĩ xem hôm nay sẽ làm gì, đăng bài gì cho đủ. Sau khi đã có những bài đăng cố định, nhóm có thể linh hoạt sáng tạo theo những sự kiện mang tính thời điểm và xu hướng xảy ra trong ngày", anh Hải Trình chia sẻ. 


Việc theo sát content plan một cách kỷ luật và ổn định trong thời gian dài sẽ tạo thói quen đón chờ nội dung cho người dùng. Lợi thế này không chỉ giúp giữ được lượng tương tác ổn định cho fanpage mà còn xây dựng được một cộng đồng khán giả thân thiết.



Có kế hoạch nội dung rõ ràng giúp một page ngách kiểm soát được hình ảnh của mình trong lúc tiếp cận đối tượng đại chúng. “Chúng tôi định vị mình là fanpage truyền tải kiến thức chứ không phải giải trí; định vị đội ngũ là các nhà khoa học chứ không phải nhà sáng tạo nội dung”. Những nội dung trend lúc này chỉ là yếu tố phụ có vai trò tránh sự nhàm chán cho fanpage. Nội dung chính tạo ra không khí vui vẻ, kích thích thảo luận thường đến từ cách chơi chữ, liên tưởng, ví von hóm hỉnh như “Cá không ngủ trưa, Bảo tàng Hải dương học cũng vậy”. 



Không gồng mình lên để tỏ ra hài hước, đại diện fanpage Bảo tàng Hải dương học nói rằng mọi sự vui vẻ chỉ có hiệu quả khi nó đến một cách tự nhiên. Điều đó đồng nghĩa các nhân sự trong nhóm không nghĩ ý tưởng một cách vội vàng, gấp rút. Thay vào đó, thành viên trong team sẽ tạo ra bộ thói quen sau: 


1. Nhìn thấy nội dung liên quan sẽ ngay lập tức lưu lại.

2. Chụp ảnh liên tục, cap màn hình.

3. Gửi idea vào nhóm cho thành viên khai thác.


“Tôi nhận thấy những thói quen này giúp triển khai ý tưởng ổn định hơn, xây dựng fanpage sáng tạo và có tính tự nhiên, đổi mới”, anh Hải Trình nói. Anh đồng ý rằng ý tưởng hay phần nhiều đến một cách ngẫu hứng. “Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng những phút giây ngẫu hứng lại là kết quả của sự lần mò, “nằm vùng", đào xới và đúc kết một thời gian dài trước đây từ các group về content, fanpage khác, sách về content,... Sau mỗi lần học hỏi như vậy, nhóm sáng tạo nội dung nên cùng ngồi lại thống kê lại kiến thức, ý tưởng thu hoạch được để không bị rời xa định hướng ban đầu". 



Không chỉ lưu trữ, đội ngũ quản trị fanpage còn đổi mới cả cách tìm kiếm ý tưởng để tiếp cận được đối tượng đại chúng. 


1. Ý tưởng đến từ việc tham khảo nhiều nguồn: fanpage các bảo tàng/tổ chức khác trong và ngoài nước, các group về content/marketing/truyền thông. Lĩnh vực nội dung của fanpage rất khô khan, hàn lâm nên việc tham khảo thật nhiều để tiếp cận đối tượng mass là cần thiết. 


2. Ý tưởng đến từ sự hiểu biết về chính đề tài sáng tạo - sinh vật biển: Luôn cố gắng tìm hiểu và đào xới những thông tin mới lạ, độc đáo với khán giả đại chúng để truyền đạt.


Đó là cách những nhà khoa học đang tập tành… làm sáng tạo nội dung cho page ngách. Với con số 30.000 lượt tương tác, fanpage Bảo tàng Hải dương học là một ví dụ cụ thể cho việc “kiến thức kén người đọc vẫn có thể trở nên viral, miễn là các nhà sáng tạo biết truyền tải nó theo những cách dễ tiếp nhận, dễ thẩm thấu và ghi nhớ trong đầu". 



Khi các nhà khoa học U40 làm creator: Ngày bảo vệ sinh vật biển, tối nghĩ ý tưởng viral

Hằng Trần

Hằng Trần

Content Creator | Advertising Vietnam

15 Thg 11 2022

Lưu

Cùng chuyên mục