Để được xuất hiện cùng những trận cầu nổi tiếng, các thương hiệu đã phải chi ra hàng trăm, thậm chí là hàng tỷ đồng tiền quảng cáo. Ngoài những giải đấu có sự xuất hiện của đội tuyển quốc gia Việt Nam, những giải đấu quốc tế cũng được nhiều thương hiệu lựa chọn nhằm quảng bá thương hiệu rộng rãi hơn.


Các trận đấu có đội tuyển Việt Nam được nhiều thương hiệu “săn đón”


Những năm gần đây, người hâm mộ bóng đá Việt Nam được dịp tự hào khi đội tuyển Việt Nam liên tiếp nhận về nhiều thành tích nổi bật từ các giải đấu lớn như U23 Châu Á 2018, ASIAD 2018, AFF Cup 2018, ASEAN Cup 2019 và gần đây là vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Chính sức hút của những trận cầu có mặt đội tuyển Việt Nam đã thôi thúc các thương hiệu nhanh tay chiếm sóng truyền hình, hướng đến mục tiêu tiếp cận hàng triệu người Việt và khẳng định vị thế của mình. 

Thống kê đơn giá quảng cáo các trận đấu có đội tuyển Việt Nam

(Đơn vị: Trăm triệu đồng)


Trong trận chung kết AFF Cup 2018, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã xác lập kỷ lục mới về giá quảng cáo trong lịch sử phát sóng một trận bóng đá trên truyền hình ở Việt Nam khi tung ra mức giá lên đến 950 triệu đồng cho 30 giây quảng cáo. Kỷ lục trước đó thuộc về trận chung kết World Cup 2018 và tứ kết Asian Cup 2019 với giá quảng cáo mỗi lượt quảng cáo là 800 triệu đồng. Trong khi đó, đối với các trận đấu không có đội tuyển Việt Nam, giá quảng cáo rẻ bằng 1/12, cụ thể là 25-30-37,5-50 triệu đồng cho các khung thời gian tương ứng. Bất chấp mức giá “trên trời”, vẫn có nhiều thương hiệu sẵn sàng chi tiền tỷ để được xuất hiện trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia tại AFF Cup 2018 nói riêng.

Quảng cáo của LG tại chung kết AFF Cup 2018


Gần đây nhất, ngay tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, mức giá quảng cáo mà TVAd đưa ra tiếp tục gây "sốt" trên các trang mạng xã hội. Cụ thể, mức giá khởi điểm cho 3 trận đấu cuối cùng vòng loại thứ hai World Cup 2022 của tuyển Việt Nam lần lượt là 240 triệu đồng cho 10 giây và 600 triệu đồng cho 30 giây tùy vào khung giờ phát sóng. Theo Next Media (đơn vị sở hữu bản quyền 3 trận vòng loại World Cup) đã có nhiều nhãn hàng và đơn vị đánh giá cao cơ hội quảng bá sản phẩm tới khách hàng như: VinFast, Mykolor, Sơn Spec,...


Bên cạnh hình thức TVAd, quảng cáo trên các pano ngang đặt ở nhiều vị trí khác nhau trong sân cũng là lựa chọn của nhiều thương hiệu vì xuất hiện trên sóng truyền hình với hàng triệu người xem trực tiếp và xem lại, đồng thời được hàng chục ngàn người trong sân vận động nhìn thấy trong suốt thời gian trận bóng diễn ra. Chi phí của hình thức quảng cáo này dao động từ 4.500 - 15.000 USD (khoảng 103 - 345 triệu đồng) cho mỗi trận (theo trang Electro-Mech).



Riêng vòng loại World Cup 2022 lần này, các thương hiệu lựa chọn hình thức quảng cáo trên pano tại các trận đấu có đội tuyển Việt Nam gồm có: King Coffee (nhà tài trợ chính cho đội tuyển bóng đá Việt Nam trong 3 năm, kể từ năm 2020); Bamboo Airways (đơn vị tài trợ vận chuyển cho đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự vòng loại World Cup 2022 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) và các thương hiệu quen thuộc như FLC, Vinamilk, Mì Hảo Hảo,... Logo của các thương hiệu này cũng xuất hiện tại các tại sự kiện họp báo trước và sau trận đấu trên truyền hình. Ngoài ra, Samsung cũng quảng cáo cho sản phẩm TV Neo QLED bằng banner online và logo thương hiệu vào thời điểm bình luận trước, trong và sau trận đấu.


Thương hiệu Việt “tỏa sáng” trên sân ngoại


Nhiều “đại gia” Việt còn sẵn sàng chi tiền tỷ để quảng bá hình ảnh thương hiệu tại các giải đấu thể thao lớn trên thế giới. Bởi hoạt động này chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của truyền thông Việt, đồng thời phản ánh được tiềm lực tài chính, quy mô tầm cỡ quốc tế và uy tín của doanh nghiệp với khách hàng trong nước, cũng như các cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư tài chính tiềm năng. 


Tại trận cầu giữa hai đội bóng West Ham và Arsenal ngày 9/4/2016, khán giả Việt Nam đã rất bất ngờ khi thấy dòng chữ "Led điện quang - MADE IN VIETNAM" chạy trên bảng quảng cáo điện tử. Tiếp đó, vào ngày 7/5/2016, trong trận đấu giữa Sunderland và Chelsea, bảng chạy chữ quảng cáo của Điện Quang lại xuất hiện trước hàng triệu người hâm mộ bóng đá Anh.



Năm 2015, Tôn Đông Á đã chi khoảng 2 tỷ đồng để có dòng chữ quảng cáo chạy trên sân cỏ Ngoại hạng Anh trong 10 trận. Thương hiệu tôn hàng đầu Việt Nam cũng khiến người hâm mộ trong nước thích thú khi dòng chữ “TON DONG A - MADE IN VIETNAM” xuất hiện trên bảng quảng cáo điện tử với tần suất liên tục ở các sân: Britannia của Stoke City, The Hawthorns của West Brom và cả sân King Power trong trận đấu giữa Leicester và Arsenal tại giải ngoại hạng Anh mùa bóng 2016-2017. 



Sau đó, năm 2017, doanh nghiệp cùng ngành với Tôn Đông Á là Tôn Nam Kim cũng không ngần ngại chi số tiền lớn để tên thương hiệu xuất hiện trên sân cỏ giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh - Premier League (Ngoại hạng Anh). Trong trận đấu giữa Newcastle và Tottenham tại giải Ngoại hạng Anh mùa 2017/2018, trên bảng điện tử sân St James’ Park xuất hiện dòng chữ quảng cáo “TÔN NAM KIM MADE IN VIETNAM” chạy vòng quanh sân St Mary's nhiều lần. 



Cũng tại giải bóng đá Ngoại hạng Anh 2019 - 2020, hình ảnh thương hiệu PVOIL cũng xuất hiện trong 32 trận đấu sân nhà của 4 đội bóng: Manchester City, Manchester United, Everton và Leicester City, trong đó sẽ có những trận đấu kinh điển giữa các CLB lớn như Manchester United - Arsenal, Manchester United - Liverpool,...



Tâm Thương | Advertising Vietnam