Dịch Covid-19 là “cơn ác mộng” kéo dài của các Travel Blogger, đặc biệt là đối với những người chuyên làm về du lịch nước ngoài như Fahoka. Cùng 7SAT lắng nghe những chia sẻ về cuộc sống và nghề ở thời điểm hiện tại của chàng Blogger điển trai này nhé!
Chào Fahoka, điều gì đã đưa anh đến với công việc Travel Blogger?
Trước đây, trong những chuyến công tác hoặc chuyến nghỉ mát cùng công ty, tôi nhận thấy nhiều niềm vui và muốn chia sẻ về những chuyến đi của mình với mọi người. Lúc đó, đa số những bạn Travel Blogger sẽ viết blog. Riêng tôi lại cảm thấy rất khó để thể hiện hết cảm xúc của mình thông những con chữ. Vì vậy, tôi quyết định sẽ làm video, truyền tải nội dung qua những hình ảnh chân thật, sống động nhất. Công nghệ phát triển làm mọi người cũng ít đọc hơn mà dần chuyển sang nghe và nhìn nên Vlog thật sự là kênh truyền tải xu hướng.
Anh bắt đầu mọi thứ như thế nào?
Tôi bắt đầu tìm hiểu từ những Travel Blogger nước ngoài. Thời điểm đó, trào lưu làm video chưa nở rộ nên tôi cũng rất khó khăn trong việc tham khảo, học hỏi. Những video đầu tiên mà tôi làm ra không được như mong đợi. Dần dà, tôi bắt đầu chú trọng việc đầu tư cho mình các thiết bị âm thanh, quay chụp, lên ý tưởng, nội dung câu chuyện, lựa chọn điểm đến... để cải thiện cho các video về sau. Hầu hết các video là do tôi tự mình thực hiện tất cả các công đoạn. Tuy không chuyên nghiệp như có ê-kíp riêng nhưng may mắn vẫn nhận được sự ủng hộ từ mọi người. Tôi nghĩ rằng vì chúng mang lại nét chân thực và gần gũi. Có khi nếu tôi làm quá chuyên nghiệp thì video sẽ không thể thu hút người xem vì chúng chẳng khác nào một chương trình truyền hình.
Hãy kể về kỷ niệm trong chuyến đi bắt đầu hành trình Travel Blogger của anh?
Đó là lần đi Ấn Độ - một hành trình để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng. Tôi đã đặt một tiêu đề khá “sốc” nên thu hút được nhiều lượt xem. Không may là khi ấy, tôi chưa nắm rõ các điều khoản từ YouTube nên dính vi phạm rất nhiều về: hình ảnh, quy tắc cộng đồng…Điển hình là lúc sông Hằng, tôi có ghi lại khoảnh khắc một ông bố bế đứa trẻ nhúng xuống nước. Tuy đó là một phong tục bình thường của người địa phương YouTube lại nhận diện như hành động gây nguy hiểm. Kết quả là tôi đã phải cắt bỏ đoạn phim ấy để video được phát hợp lệ.
Anh đã làm việc hơn 5 năm trong nghề truyền thông - sự kiện, anh có thấy mình quá mạo hiểm khi chuyển hẳn sang làm blog?
Đúng là có mạo hiểm. Tôi nghĩ rằng làm blog cũng là truyền thông - một dạng tự truyền thông cho bản thân mình. Tôi làm đầu tiên là vì đam mê chứ không hề đánh nặng về thu nhập. Ngay cả khi nghỉ việc ở công ty cũ, kênh YouTube của tôi vẫn chưa được bật tính năng kiếm tiền dù lượng view đã phát triển tốt. Tôi vẫn tiếp tục làm thêm video và rất may mắn khi sau quá trình làm việc, tôi cũng nhận được khoản tiền đầu tiên từ YouTube.
Hiện tại, có phải tất cả chuyến đi của anh là nhờ vào tài trợ?
Không hẳn là chuyến nào tôi cũng nhận tài trợ. Thu nhập chính của tôi khoảng 70% là từ YouTube và 30% là nhờ vào quảng cáo. Đối với những chuyến đi Trung Quốc, có rất nhiều đơn vị muốn hợp tác nhưng tôi đều từ chối. Đôi khi việc tài trợ sẽ có nhiều vấn đề ràng buộc. Tôi vốn định hướng Trung Quốc là đề tài khai thác chính nên sẽ không để quảng cáo làm ảnh hưởng nhiều đến tính trung thực và nét tự nhiên mang tính khám phá. Thay vì quá đặt nặng chi phí, tôi sẽ cố gắng khai thác thêm các đề tài mới ở điểm đến để ra nhiều tập video chất lượng hơn.
Khi được nhiều người quan tâm, cuộc sống của anh có bị ảnh hưởng nhiều không?
Tôi nghĩ là không. Chỉ là đôi lúc ngại ngùng vì ăn mặc xuề xòa nhưng được yêu cầu chụp ảnh cùng. Kỷ niệm vui là trong một lần đang ăn bún ở lề đường, tôi gặp một “fan” lớn tuổi. Cô ấy bất ngờ vỗ mạnh vào vai và nói rằng rất thích xem video của tôi. Tôi yêu thích du lịch Trung Quốc và khai thác nhiều về đề tài này. Điều đó cũng gây một số phiền phức không đáng. Thậm chí, tôi từng bị “mang tiếng” vì làm vlog du lịch Trung Quốc quá nhiều. Họ hỏi tôi sao hay đi Trung Quốc như thế, có phải tôi đang “PR trá hình” không, hoặc họ sẽ tranh luận nhiều về chính trị sau mỗi video của tôi. Nhưng sau tất cả, tôi chỉ khai thác trên khía cạnh du lịch. Tôi cảm thấy may mắn hơn vì có sự yêu mến của nhiều người trong các chuyến đi, được họ giúp đỡ qua mỗi hành trình và xem như người thân quen nhờ vào công việc làm blog.
Anh nghĩ thế nào về nghề Blogger nói riêng hay một Influencer nói chung đang rất phát triển hiện nay?
Mạng xã hội giúp nhiều người có thể trở thành Influencer nhờ vào tài năng của mình. Nếu bạn có ngoại hình và giỏi chăm sóc bản thân, bạn có thể trở thành beauty blogger; nếu bạn giỏi tiếng Anh, bạn có thể quảng cáo những khóa học tiếng Anh tốt hơn. Riêng tôi thích du lịch, tôi có thể làm một Travel Blogger. Có nhiều con đường để chạm đến ước mơ. Tôi từng muốn trở thành một biên tập viên truyền hình nhưng không có nhiều cơ hội. Chính công việc làm vlog đã giúp tôi thực hiện ước mơ này theo cách riêng của mình. Không nhất thiết phải làm việc cho đài truyền hình, giờ đây, tôi có thể tự làm tất cả mọi thứ từ dẫn chương trình, biên tập và quay dựng video cho mình.
Anh nhận được rất nhiều nhà tour, cơ quan du lịch lớn mời hợp tác, vậy anh có những tiêu chí gì khi nhận công việc?
Tôi đặt nội dung lên đầu tiên. Dù họ có trả phí cao nhưng nội dung điểm đến không có gì mới lạ, hấp dẫn thì tôi cũng không nhận. Tuy nhiên, tôi sẽ luôn cố gắng để đóng góp những ý tưởng của mình cho đối tác để khai thác những hoạt động tốt hơn.
Đối tượng xem video của anh là những người như thế nào?
Lượng người xem video của tôi đa số là người trẻ trưởng thành và người trung niên. Tôi nghĩ một phần cũng là do tôi làm video với phong cách khá nghiêm túc. Tôi muốn tạo nên các video có sự kết hợp giữa những kiến thức văn hóa, lịch sử và du lịch trải nghiệm. Tuy nhiên, chúng không được quá khô cứng mà phải mang tinh thần tươi mới, trẻ trung để tạo sự hấp dẫn cho người xem.
Tình hình dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn lắng xuống, đối với một travel blogger như anh thì vấn đề kinh tế có quá khó khăn hay không?
Không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng. Tôi luôn giữ cho mình suy nghĩ lạc quan, tích cực trong thời gian này. Hiện tại, tôi có làm thêm những công việc part-time cùng bạn bè và dành một khoản đầu tư cho kinh doanh. Tôi rất mong chờ dịch sớm kết thúc để có thể tiếp tục công việc yêu thích của mình là Travel Blogger.
Anh có nghĩ mình nên mở rộng đề tài sang du lịch trong nước ở thời điểm này?
Tôi đã định hướng cho kênh Youtube của mình là làm về du lịch nước ngoài nên chỉ muốn tập trung vào đó. Nếu làm quá nhiều thứ sẽ rất khó để tạo ấn tượng riêng về kênh cho người xem. Tôi muốn khi nghĩ đến du lịch nước ngoài, mọi người sẽ nhắc đến tôi đầu tiên.
Anh có định hướng đi theo con đường này lâu dài?
Tôi đặt mục tiêu tập trung theo đuổi công việc này ít nhất khoảng 5 năm nữa. Sau đó, tôi sẽ tiếp tục phát triển thêm ở những lĩnh vực khác liên quan đến du lịch, đặc biệt là thực hiện mơ ước mở một homestay tại Việt Nam.
Khi dịch Covid-19 đã hoàn toàn được kiểm soát, anh sẽ khởi động lại với những địa điểm du lịch nào?
Tôi đang có ý tưởng phát triển các video về “Con đường tơ lụa” theo hành trình của Đường Tam Tạng ngày xưa. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn xây dựng một hành trình khám phá sông MeKong với một góc nhìn trẻ trung hơn.
Cảm ơn Fahoka về những chia sẻ của mình! Chúc anh nhiều thành công với những dự định sắp tới!
Fahoka Xê Dịch tên thật là Phạm Hoàng Khải (sinh năm 1991). Anh là Travel Blogger người An Giang rất được yêu thích qua những video du lịch nước ngoài (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản…).
Các vlog của anh mang đậm tính khám phá qua những góc nhìn đậm chất văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, thiên nhiên… Bên cạnh những trải nghiệm thực tế, Fahoka luôn biết kết hợp những thông tin hữu ích, tạo cho các video của mình như một cuốn phim tài liệu đầy sức hấp dẫn, trẻ trung và mới mẻ.
Hiện tại, Fahoka sở hữu kênh YouTube hơn 415 nghìn người đăng ký. Trang Facebook của anh cũng thu hút hơn 57 nghìn người theo dõi. Anh được xem là một trong những Travel Blogger chuyên về du lịch nước ngoài hàng đầu hiện nay.
Để hợp tác cùng Fahoka và nhiều KOL/Influencer khác, hãy liên hệ ngay cho 7SAT tại đây.