Theo thông tin từ The Wall Street Journal công bố vào ngày 08/12, Omnicom Interpublic Group (IPG) đang trong giai đoạn đàm phán nâng cao về một thỏa thuận sáp nhập. Nếu thành công, sáp nhập này sẽ hình thành tập đoàn quảng cáo lớn nhất thế giới, vượt qua WPP - đối thủ hiện dẫn đầu ngành với doanh thu ròng năm 2023 đạt khoảng 15,1 tỷ USD. Dựa trên số liệu 2023 của cả hai công ty, sự kết hợp mới này được kỳ vọng đạt doanh thu ròng trên 20 tỷ USD.


Việc hợp nhất này được kỳ vọng sẽ tái định hình quyền lực trong ngành quảng cáo, tạo ra một tập đoàn có sức mạnh vượt trội, không chỉ trong lĩnh vực sáng tạo nội dung mà còn ở các mảng như chăm sóc sức khoẻ, phân tích dữ liệu, đầu tư AI, xử lý khủng hoảng truyền thông, và hợp tác với các nhà sáng tạo nội dung. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập thành công, việc tối ưu hóa các chức năng văn phòng và thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí chung có thể dẫn đến lo ngại về khả năng xảy ra làn sóng sa thải giữa 2 công ty.


Tóm tắt về “thương vụ vàng” giữa Omnicom và Interpublic Group (IPG)


Tập đoàn Omnicom, dưới sự lãnh đạo của Tổng Giám đốc điều hành John Wren, sở hữu nhiều thương hiệu quảng cáo danh tiếng như BBDO, TBWA, FleishmanHillard, Omnicom Media Group. Trong khi đó, Interpublic, được dẫn dắt bởi CEO Philippe Krakowsky, quản lý các công ty nổi bật như McCann Worldgroup, Weber Shandwick, FCB, Mediabrands. Khách hàng của Omnicom bao gồm Disney, AT&T PepsiCo, còn danh sách đối tác của Interpublic có L'Oréal, Johnson & Johnson, Geico.


Hai tập đoàn này đã đóng góp vào nhiều chiến dịch quảng cáo mang tính biểu tượng như “Think Different” của Apple, “Priceless” của Mastercard và “Because I'm Worth It” của L’Oréal, đưa tên tuổi của các thương hiệu khắc sâu vào tâm trí người tiêu dùng toàn cầu.


Ông John Wren, Giám đốc điều hành của Omnicom, cùng với ông Philippe Krakowsky, người đứng đầu tại IPG


Thỏa thuận sáp nhập dự kiến sẽ được thực hiện hoàn toàn bằng cổ phiếu, định giá Interpublic trong khoảng 13-14 tỷ USD, chưa tính nợ. Theo các điều khoản của thỏa thuận, các cổ đông của Interpublic sẽ nhận được 0,344 cổ phiếu Omnicom cho mỗi cổ phiếu phổ thông của Interpublic mà họ sở hữu. Sau khi giao dịch hoàn tất, các cổ đông của Omnicom sẽ nắm giữ 60,6% cổ phần trong công ty kết hợp, trong khi các cổ đông của Interpublic sẽ sở hữu 39,4%. Giao dịch này được kỳ vọng sẽ tạo ra sự cộng hưởng chi phí hàng năm lên đến 750 triệu USD.


Sau sáp nhập, công ty Omnicom sẽ sở hữu hơn 100.000 chuyên gia và cung cấp các dịch vụ trọn gói trong các lĩnh vực như phương tiện truyền thông, tiếp thị chính xác, CRM, dữ liệu, thương mại kỹ thuật số, quảng cáo, chăm sóc sức khỏe, quan hệ công chúng và xây dựng thương hiệu.


Omnicom Group và Interpublic Group (IPG) là 2 trong số 6 tập đoàn quảng cáo hàng đầu thế giới (Big6 Agency Advertising)


Việc hai "ông lớn" ngành quảng cáo kết hợp sẽ tác động ra sao đến thị trường? 


1. Có khả năng sẽ có sự sa thải, nhưng những nhân viên trực tiếp tạo ra doanh thu sẽ được bảo vệ


Omnicom và IPG kỳ vọng có thể tiết kiệm được 750 triệu USD chi phí, phần lớn trong số đó sẽ được thực hiện trong vòng 24 tháng sau khi thỏa thuận hoàn tất. Tuy nhiên, ông Wren cho biết không có kế hoạch tiết kiệm chi phí lớn nào sẽ được triển khai cho đến khi thỏa thuận được các cơ quan quản lý phê duyệt.


Khi thỏa thuận được thông qua, khoản tiết kiệm này, ban đầu sẽ phải trả một lần 450 triệu USD, sẽ đến từ việc tinh giản các tổ chức, chia sẻ không gian văn phòng, hợp nhất các khả năng gia công ngoài nước, tự động hóa quy trình và giảm số lượng nhà cung cấp bên thứ ba.


Dù cả ông Wren và ông Krakowsky không trực tiếp sử dụng từ "sa thải", nhưng ông Wren cho biết cả hai công ty đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc tối ưu hóa các chức năng văn phòng và thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí chung.  


Giống như những sáng kiến tiết kiệm chi phí lớn khác, việc sa thải sẽ chỉ được thực hiện sau khi thỏa thuận được cơ quan quản lý phê duyệt. Ông Wren cũng nhấn mạnh rằng các nhân viên có vai trò quan trọng trong việc tạo ra doanh thu sẽ không bị ảnh hưởng. "Bạn là vàng. Đừng lo lắng về điều đó", ông nói. 


2. Các lĩnh vực tăng trưởng lớn: Chăm sóc sức khỏe, dữ liệu đối tượng, phương tiện truyền thông bán lẻ và đầu tư vào AI


Theo ông Phil Angelastro, CFO của Omnicom, sự sáp nhập này sẽ giúp Omnicom thu được nhiều doanh thu hơn từ các ngành đang phát triển nhanh như truyền thông và tiếp thị chính xác. Đồng thời, IPG sẽ có cơ hội tiếp cận hoạt động kinh doanh lớn của Omnicom trong lĩnh vực mua phương tiện truyền thông chính, như ông Krakowsky đã chia sẻ.


Ngoài ra, các công ty hợp nhất cũng nhắm đến việc mở rộng hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Ông Wren nhận định: “Nếu tôi là một công ty dược phẩm, tôi sẽ dừng lại và xem xét danh mục đầu tư kết hợp của công ty này sẽ như thế nào trong 6 hoặc 9 tháng nữa”.


Omnicom cũng sẽ có thêm lợi thế trong việc kích hoạt dữ liệu đối tượng bên thứ nhất thông qua Acxiom - công ty mà IPG đã mua lại với giá 2,3 tỷ USD vào năm 2018. Omnicom kỳ vọng sẽ đạt được thành công tương tự như Publicis với giải pháp dữ liệu đối tượng Epsilon. Ông Wren khẳng định: “Chúng tôi chắc chắn có thể làm được điều đó và hơn thế nữa bằng cách kết hợp tài sản của IPG với tài sản của chúng tôi”.


Ngoài ra, Omnicom còn kỳ vọng kết hợp dữ liệu bên thứ nhất từ Acxiom với khả năng truyền thông thương mại của Flywheel - công ty mà Omnicom đã mua lại vào năm ngoái với giá 800 triệu USD. Ông Krakowsky cho biết việc kết hợp Flywheel với Acxiom sẽ thúc đẩy các chiến lược tiếp thị chính xác và truyền thông của các công ty mẹ.


Theo ông Wren, cơ hội lớn nhất từ việc sáp nhập này chính là việc tập hợp các khoản đầu tư vào công nghệ có khả năng chuyển đổi ngành, đặc biệt là AI. Ông nhấn mạnh: “Với nhiều nguồn lực hơn, khả năng thử nghiệm công nghệ mới cũng sẽ cao hơn. Điều này khiến tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro đầu tư lớn hơn khi thử nghiệm các công nghệ và nền tảng mới khi chúng xuất hiện”.


3. Chính quyền Donald Trump có thể tạo ra môi trường sáp nhập thuận lợi hơn


Ông Wren cho biết ông "khá tự tin" rằng vụ sáp nhập sẽ không gặp phải nhiều vấn đề về quy định, vì các công ty dịch vụ tiếp thị hiện nay chỉ là "một phần trong tổng thể hỗn hợp tiếp thị". Ông cũng tin rằng chính quyền Trump sắp tới sẽ có thái độ ủng hộ mạnh mẽ hơn đối với giao dịch này.


Về xung đột với khách hàng, Wren cho biết ông không quá lo ngại, vì khách hàng hiện nay không còn nhạy cảm với vấn đề này như trước. Cả ông Wren và ông Krakowsky đều không lo lắng về việc khách hàng hoặc tài năng hàng đầu sẽ rời đi.


Wren chia sẻ: "Tôi nghĩ cả hai nền văn hóa, cũng như các nhà lãnh đạo của chúng tôi, đều rất nhạy cảm với việc đảm bảo cơ hội nghề nghiệp cho những người giỏi nhất và thông minh nhất". Ông cũng nhấn mạnh: "Sẽ là thiển cận nếu một khách hàng lớn chuyển sang một nhà cung cấp khác và loại bỏ bất kỳ ai trong số chúng tôi".


Đã hơn 10 năm kể từ vụ sáp nhập bất thành giữa Omnicom và Publicis Groupe


Vào tháng 08/2013, Publicis, công ty quảng cáo hàng đầu châu Âu của Pháp, và đối thủ Omnicom của Mỹ đã công bố thoả thuận sáp nhập, với mục tiêu vượt qua WPP để trở thành tập đoàn quảng cáo lớn nhất thế giới. Tập đoàn mới này mang tên Publicis Omnicom Group, dự kiến sở hữu vốn hóa thị trường lên tới 35,1 tỷ USD và doanh thu hàng năm đạt 23 tỷ USD.


Ông John Wren, Giám đốc điều hành Omnicom và ông Maurice Levy, Giám đốc điều hành Publicis sau khi công bố thương vụ sáp nhập giữa hai công ty vào năm 2013


Tuy nhiên, bất chấp kỳ vọng, lần sáp nhập này đã không thể thực hiện được khi cổ đông của cả hai công ty không đồng thuận. Lý do chính là sự khác biệt lớn về quy mô và văn hóa doanh nghiệp giữa hai bên, khiến việc hòa hợp trở nên khó khăn. Thêm vào đó, nhiều khách hàng lớn của Publicis và Omnicom, như Coca-Cola, PepsiCo, McDonald's, Johnson & Johnson, Procter & Gamble, bày tỏ lo ngại về xung đột lợi ích, khi Coca-Cola là khách hàng trung thành của Omnicom còn PepsiCo gắn bó với Publicis. Sự phản đối mạnh mẽ từ các khách hàng này đã góp phần làm vụ sáp nhập thất bại.


Chỉ một tháng sau thông báo sáp nhập, cả Publicis và Omnicom đã mất hơn 1,5 tỷ USD khi hàng loạt khách hàng lớn hủy hợp đồng, theo thống kê của Reuters. Vào tháng 04/2014, Omnicom mất hợp đồng trị giá 1 tỷ USD với Vodafone vào tay GroupM, trong khi Microsoft chuyển ngân sách quảng cáo sang Dentsu AegisInterpublic. Cùng với đó, nhiều tên tuổi lớn khác như Danone, GSK, Sony, Marks & Spencer cũng rút hợp đồng với hai tập đoàn này.


Ngay từ đầu, rất ít người tin rằng vụ sáp nhập này sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho cả hai công ty, khách hàng hay cổ đông. Ông Gred Paul, Giám đốc điều hành của R3 Group, nhận định: "Đây giống như một cuộc hôn nhân vội vã. Những lý do hợp tác như 'thúc đẩy digital media' chưa được phân tích rõ ràng, và logic đằng sau quyết định này không thuyết phục." 


Hậu quả của vụ sáp nhập không thành công đã phản ánh những vấn đề chưa được giải quyết ngay từ đầu, với việc thiếu một chiến lược rõ ràng. Một cựu nhân viên cấp cao của Publicis cũng cho rằng, tham vọng vượt qua WPP đã khiến cả hai tập đoàn mờ mắt, không nhận ra những khác biệt cơ bản giữa họ. 


Nhắc lại thất bại của vụ sáp nhập Publicis, ông John Wren, Tổng Giám đốc của Omnicom chia sẻ: “Nhiều yếu tố về văn hóa chưa được đề cập đã cản trở sự thành công của thỏa thuận này... dù đã xảy ra từ một thập kỷ trước, nhưng những yếu tố đó vẫn tiếp tục ảnh hưởng"


Dù vậy, ông Wren lại chứng tỏ khả năng "thua keo này, bày keo khác" khi đang trong quá trình đàm phán mua lại Interpublic Group (IPG) vào năm nay. Ông khẳng định: "Chúng tôi chia sẻ những giá trị cốt lõi từ khi cả hai tập đoàn ra đời", đồng thời nhấn mạnh rằng nhiều nhân viên của cả hai công ty đã từng làm việc tại công ty đối tác trong sự nghiệp của họ.


Như Quỳnh


Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.