CV (Curriculum Vitae) là văn bản tóm lược các thành tựu nổi bật, kinh nghiệm, học vấn và cung cấp các thông tin cơ bản khác của ứng viên cho nhà tuyển dụng. Thế nhưng, một số nhân sự có thói quen “nói quá” lên để ghi điểm trong mắt doanh nghiệp ứng tuyển. Liệu ranh giới giữa phóng đại và bịa đặt mỏng manh như thế nào trong câu chuyện tạo CV?  


Theo CareerBuilder, có 75% nhà tuyển dụng phát hiện ra nhân sự nói dối trong CV. Trong đó có 40% ứng viên phóng đại trình độ học vấn của họ, và 11% hoàn toàn ngụy tạo bằng cấp trong CV. Theo tiết lộ của nhân sự agency, ngành nghề sáng tạo như quảng cáo cũng thường xuyên chứng kiến ứng cử viên nói dối, nhất là trong hạng mục Vai trò công việc. 


Không làm nhưng thích “nhận vơ”


Nhân sự agency cho rằng ứng cử viên sẽ có xu hướng nói dối trong CV một khi họ không tự tin vào kinh nghiệm làm việc của mình nhưng vẫn muốn hồ sơ được nổi bật và phù hợp với JD (Job Description) của nhà tuyển dụng. 


Riêng với ngành quảng cáo, chị Nguyễn Phúc Hồng Ân, Project Director tại Biz-Eyes cho rằng nhân sự thường phóng đại ở các hạng mục như Thời gian làm việc ở công ty cũ, Kết quả công việc từng làm, và Vai trò trong dự án. 


Ứng cử viên sẽ có xu hướng nói dối trong CV một khi họ không tự tin vào kinh nghiệm làm việc của mình


“Sẽ có trường hợp ứng cử viên chỉ đang phóng đại, ví dụ như họ tham gia vào một dự án với vai trò content writer nhưng lại thể hiện trong CV như là leader dự án, phụ trách toàn bộ creative concept. Nói tóm lại, phóng đại là khi ứng tuyển viên chỉ làm 2 nhưng lại nhận 10 phần. Một trường hợp khác là họ toàn toàn bịa đặt/ dựng chuyện, không đóng góp vào dự án nhưng vẫn ‘nhận vơ’ là của mình làm, hoặc chỉ làm ở vị trí junior nhưng nhận mình là vị trí senior”, chị Hồng Ân cho biết. 


Việc “không làm nhưng nhận vơ” diễn ra phổ biến trong ngành quảng cáo. “Từ những đóng góp rất nhỏ trong 1 chiến dịch quảng cáo, ứng viên có thể phóng đại về vai trò của mình trong chiến dịch đó, khiến vai trò của bản thân quan trọng hơn trong mắt nhà tuyển dụng”, anh Phan Hồ Hải, Senior Art Director tại Hakuhodo Vietnam rút ra từ quan sát cá nhân. 


Mặc dù mục đích ban đầu là để tạo ấn tượng, thế nhưng việc nói dối/phóng đại trong CV sẽ đem lại những hậu quả khó lường cho nhân sự. 


Có thể nằm trong danh sách đen nếu bị phát hiện nói dối  


Có nhiều người xem việc phóng đại/nói dối trong CV là “white lie” - một lời nói dối vô hại không làm ảnh hưởng tới ai. “Ví dụ nếu bạn nói dối trong CV rằng mình có thể sử dụng 1 phần mềm nào đấy thuần thục, và điều này không đúng sự thật tại thời điểm đó. Nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân, bạn đã thật sự hiện thực hoá lời nói dối này để đáp ứng được yêu cầu công việc kịp thời và không ảnh hưởng đến mọi người, thì lúc đấy lời nói dối ban đầu đã trở thành 1 mục tiêu phấn đấu để hoàn thiện bản thân. Thế nhưng, không phải ai cũng có khả năng tự phấn đấu với những lời nói dối như vậy, và cũng không phải lời nói dối nào cũng có thể dễ dàng hiện thực hoá trước khi bị phát hiện”, anh Hồ Hải chỉ ra lý do vì sao vẫn còn nhiều người xem việc nói dối trong CV là vô hại. 


Nếu bị phát hiệu nói dối trong CV, nhân sự có thể sẽ mất cơ hội nhận việc, hồ sơ của họ còn có khả năng cao sẽ bị đưa vào black-list (danh sách đen)

 

Trên thực tế, dù là phóng đại hay nói dối trong CV đều ảnh hưởng xấu tới nhân sự và thậm chí là cả ngành nghề. Chị Hồng Ân tiết lộ nếu nhân sự bị phát hiện là đang nói dối, họ có thể sẽ phải đối mặt với hai tình huống xấu sau đây. 


Một là, nhân sự sẽ bị “xoay” bởi những câu hỏi khi phỏng vấn thực tế để xác minh về kinh nghiệm thực sự. Như vậy, nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng đánh giá được năng lực thực tế của bạn tới đâu. “Nếu bạn không đưa ra được những ví dụ thực tiễn chứng minh bạn đã từng làm dự án/vị trí đó, bạn đã nhận một bàn thua trông thấy”, chị Hồng Ân nói. 


Hai là, nhân sự sẽ mất cơ hội nhận việc, hồ sơ của họ còn có khả năng cao sẽ bị đưa vào black-list (danh sách đen) vì kết nối của nhà tuyển dụng cũng khá rộng. Nếu có được nhận vào làm thì cũng có những rào cản về lòng tin nhất định, hạn chế cơ hội được giao những việc/vị trí quan trọng. 


Thiếu công bằng với những người có năng lực thật sự


Việc một nhân sự được chọn vì những thành tựu “tự bịa ra" chính là đang thiếu công bằng với những người có năng lực thật sự. “Khi một ứng viên nhận vơ sản phẩm hoặc bịa đặt một kỹ năng không hề thuần thục thì chính là đang giảm cơ hội của những ứng viên khác thật sự phù hợp với vị trí công việc. Rất nhiều người đã phải nỗ lực thật sự để có thể đạt được những kỹ năng mà ứng viên đó chỉ cần mấy giây để hí hoáy viết ra”, anh Hồ Hải nói về câu chuyện “cạnh tranh không lành mạnh” giữa các nhân sự với nhau. 


Việc một nhân sự được chọn vì những thành tựu “tự bịa ra" chính là đang thiếu công bằng với những người có năng lực thật sự


Ngoài ra, anh cũng cho rằng đây có thể là một báo động đỏ vì khi nói dối về những thứ liên quan đến kỹ năng, thành tích thì là nhân đang tự dồn mình vào thế có thể bẽ mặt về sau hoặc làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc chung. Đồng ý với quan điểm đó, chị Hồng Ân chia sẻ rằng việc lọc được một danh sách CV phù hợp giữa hàng ngàn hồ sơ gửi về là một quá trình rất tốn thời gian, công sức và nhân lực. “Việc phóng đại/nói dối để làm cho CV mình có vẻ phù hợp với công việc ứng tuyển sẽ tạo kỳ vọng ảo cho nhà tuyển dụng. Khi phỏng vấn thực tế và phát hiện ra những điểm sai khác này, nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy mất thời gian, mất lòng tin”, chị nói. 


“CV là bản sắc của nhân sự agency"


Theo anh Hồ Hải, agency là một ngách tương đối nhỏ vì vậy việc nhân sự nói dối không sớm thì muộn cũng sẽ bị “bóc ra". “Nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể kiểm tra chéo thông tin (reference check) với những mối quan hệ của mình ở những công ty khác để xác nhận thông tin. Tùy theo mức độ của sự phóng đại hoặc nói dối đó, nhà tuyển dụng có thể trao đổi rõ ràng đánh giá của mình với người quản lý trực tiếp để cân nhắc kết quả tuyển dụng. Ngoài ra, họ có thể thẳng thắn nói với ứng viên về thông tin họ thu thập được để xem cách phản ứng/lý do của ứng viên trong việc phóng đại/nói dối đó là gì”, chị Hồng Ân chia sẻ. 


Nhìn chung, các nhân sự agency cho rằng nhân sự, đặc biệt trong ngành sáng tạo thì không nên phóng đại/nói dối trong CV. “Với người làm sáng tạo, CV chính là bản sắc, là sự tự tôn để khi nhà tuyển dụng nhìn vào thấy được nét riêng của nhân sự đó. Chất riêng đó phải đến từ kiến thức, là trải nghiệm, là cảm xúc của mỗi người, không tạp lẫn, không copy, không ‘có 1 nói 10’”, chị Hồng Ân kết luận. 


Minh hoạ: Huy Mai

Nội dung: Hằng Trần