Nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm chi phí là những lợi ích mà người tiêu dùng cũng như các cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp đã được hưởng từ thương mại điện tử (TMĐT). Thế nhưng, khi thị trường đang ngày càng “đỏ lửa” với số lượng người chơi mới ngày càng tăng thì cạnh tranh về giá sẽ dần mất đi tính hiệu quả. Phải chăng đã đến lúc doanh nghiệp TMĐT nên tập trung cho sự phát triển bền vững. 


Cạnh tranh về giá và các ảnh hưởng về sau 



Theo báo cáo Thương mại điện tử phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số do Lazada Việt Nam kết hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các chuyên gia đầu ngành phát hành, TMĐT chính là một trong những lĩnh vực tiên phong và trụ cột của nền kinh tế số với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 20%. Theo Bộ Công Thương, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam năm 2022 dự kiến đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng nhận định TMĐT không chỉ đem lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng, mà còn dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp và thúc đẩy tốc độ phát triển của nền kinh tế số tại các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.


Đối với bất kỳ phát kiến mới nào, TMĐT vẫn còn tồn tại nhiều thử thách mà nổi bật nhất trong số đó chính là mô hình kinh doanh thiếu bền vững. Tính đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp TMĐT tăng trưởng nóng bằng cách chi rất nhiều tiền cho các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng. Hình thức này có thể đem lại hiệu quả tức thời, tuy nhiên, sự kết nối với các khách hàng sẽ rất lỏng lẻo. 


Và một khi doanh nghiệp không thể trụ vững, khách hàng cũng sẽ quay lưng để tìm đến với những ưu đãi “khủng” của các doanh nghiệp khác. Một khía cạnh khác cũng cần cân nhắc là nếu chỉ chạy đua về giá, khách hàng có thể bắt đầu mất niềm tin vào thương hiệu và chất lượng sản phẩm do chiết khấu quá cao. 


Có thể thấy, các sàn TMĐT cũng như các doanh nghiệp đang kinh doanh trên TMĐT phải đối mặt với nhiều bài toán khó để thực sự phát triển bền vững trên mọi khía cạnh. Đặc biệt quan trọng chính là bền vững về mô hình kinh doanh – yếu tố then chốt để cả doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể gắn bó với TMĐT. Việc này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nghiêm túc đánh giá lại năng lực lõi của mình và hoạch định ra những sự thay đổi mang tính chiến lược để giải quyết được tận gốc những nút thắt thiếu bền vững kể trên.


Đã đến lúc phát triển bền vững trên TMĐT không còn là một sự lựa chọn


Nhiều chuyên gia nhận định, với tốc độ tăng trưởng đáng kể của TMĐT hiện nay thì việc xây dựng chiến lược kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững là một điều tất yếu thay vì là một phương án để cân nhắc, lựa chọn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần hiểu rằng phát triển bền vững là một khái niệm bao trùm nhiều khía cạnh trong hoạt động kinh doanh, không đơn thuần chỉ nằm ở việc giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Đây cũng là một trong những thông điệp được nhấn mạnh trong báo cáo Thương mại điện tử phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số. 


TMĐT phát triển bền vững sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và cung cấp các dịch vụ và sản phẩm tốt cho người dùng, qua đó đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế số. Theo báo cáo của Lazada, 4 yếu tố chính cấu thành nền TMĐT bền vững bao gồm: 

  1. Phát triển kinh doanh bền vững 
  2. Phát triển cơ sở hạ tầng bền vững 
  3. Phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao 
  4. Phát triển và ứng dụng công nghệ nâng cao trải nghiệm khách hàng

Trên khía cạnh phát triển kinh doanh bền vững, báo cáo gợi ý các doanh nghiệp TMĐT cần tập trung kiện toàn 4 nhân tố cấu thành sự phát triển kinh doanh bền vững cho các doanh nghiệp TMĐT, bao gồm: mô hình kinh doanh bền vững; gia tăng giá trị sản phẩm một cách bền vững; phát triển hệ sinh thái TMĐT bền vững và quản lý tài chính bền vững. 


Liên quan đến cơ sở hạ tầng, báo cáo của Lazada nhận định đầu tư về CNTT và TMĐT hiện nay được các doanh nghiệp chú trọng, điển hình là các hạng mục đầu tư vào hệ thống phần mềm quản lý và khai thác dữ liệu; các công nghệ tự động hoá, đám mây, trí tuệ nhân tạo và kết nối cơ sở hạ tầng tối ưu hoá mọi quy trình quản trị, vận hành và gia tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng. Tính ổn định và an toàn thông tin là một trong những yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp. 


Trung tâm Phân loại hàng hóa công nghệ cao vừa được Lazada đưa vào hoạt động tại Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương 


Bên cạnh đó, báo cáo nhấn mạnh hệ thống Logistics hiệu quả sẽ là chìa khoá cho các doanh nghiệp TMĐT giúp kết nối đầu - cuối trong toàn bộ hệ thống chuỗi cung ứng và gia tăng trải nghiệm mua sắm TMĐT của khách hàng. Để tối ưu chi phí Logistics của ngành TMĐT (chiếm tỷ trọng dao động 10% - 20% trong giá thành sản phẩm) và hoạt động Logistics, các doanh nghiệp TMĐT đang tăng cường đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống Logistics bằng cách áp dụng các công nghệ tiên tiến như học máy (Machine Learning), trí tuệ nhân tạo A.I, Internet of Things (IoT) và Blockchain. Quản lý giao vận muốn đạt được hiệu quả cũng cần phải đầu tư phát triển các giải pháp công nghệ xử lý nghiệp vụ sau giao hàng như đổi trả, thu hồi, xử lý hàng,…


Về việc phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao, báo cáo chỉ ra thực trạng nguồn nhân lực cho TMĐT hiện nay vẫn đang còn khá chênh lệch và thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng so với nhu cầu từ thị trường. Mặt khác, việc phát triển và đào tạo nhân lực có chuyên môn TMĐT tại Việt Nam cũng gặp một số rào cản như: số lượng và chất lượng giảng viên đào tạo về TMĐT chưa đáp ứng đủ nhu cầu; các tài liệu chưa đáp ứng được công tác giảng dạy và học tập; việc hợp tác với doanh nghiệp TMĐT trong đào tạo TMĐT tại các trường còn rời rạc; nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng việc đầu tư phát triển nguồn lực nhân sự dựa trên nhu cầu thực tế…


Chìa khóa thứ tư là việc phát triển và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng. Người tiêu dùng hiện nay ngày càng mua sắm thông minh hơn, tìm kiếm thêm nhiều trải nghiệm tinh tế và mong chờ nhận được nhiều giá trị hơn thay vì chỉ tìm kiếm các ưu đãi giảm giá đơn thuần. Vì vậy, muốn nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng, báo cáo khuyến nghị các doanh nghiệp cần đo lường và quản lý trải nghiệm khách hàng trên TMĐT, cũng như chỉ ra 3 công nghệ hiện nay được đánh giá là hiệu quả cho trải nghiệm người tiêu dùng trên nền tảng TMĐT bao gồm Shoppertainment, cá nhân hóa và công nghệ thực tế ảo. 


Phát biểu tại sự kiện công bố báo cáo ngày 21/3 vừa qua, ông Đặng Anh Dũng – Phó Tổng Giám đốc Lazada cho biết: “Trong tương lai 3-5 năm nữa, TMĐT sẽ chuyển hóa từ những hoạt động thu hút mang tính nhất thời thành đáp ứng nhu cầu mua sắm mang tính lâu dài hơn của người dùng. Tại Lazada, chúng tôi đã theo đuổi chiến lược phát triển bền vững trong suốt hơn một thập kỷ qua. Nhờ vậy mà toàn bộ hoạt động vận hành của Lazada có thể duy trì đà tăng trưởng ổn định, vượt qua 2 ‘bài kiểm tra’ của thị trường là dịch Covid-19 trong năm 2021 và biến động kinh tế trong năm 2022”, ông nhấn mạnh.   

 

Ông Đặng Anh Dũng phát biểu tại sự kiện công bố báo cáo Thương mại điện tử Phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số


Vị đại diện Lazada cũng cho biết thêm chỉ tính riêng trong năm 2022, Lazada Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 2 con số, mở rộng số lượng nhà bán trên sàn lên gấp 2 lần và hỗ trợ hơn 300.000 doanh nghiệp chuyển đổi số lên sàn TMĐT. Về mặt nhân sự, nền tảng này cũng ghi nhận mức tăng trưởng gần 20% về lực lượng lao động mới trên mọi khâu vận hành gồm khối kỹ sư công nghệ, khối Logistics và khối nền tảng TMĐT. Và vào ngày 23/3 vừa qua, Lazada đã chính thức khai trương và đưa vào vận hành thêm 1 Trung tâm Phân loại hàng hóa công nghệ cao tại Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương với tổng diện tích gần 20.000m2 và công suất lên tới 1 triệu đơn hàng/ngày. “Tôi tin rằng những kết quả này là minh chứng rõ nét nhất cho tác động tích cực của chiến lược phát triển bền vững đối với một doanh nghiệp TMĐT”, ông Dũng kết luận.


Có thể thấy, việc xây dựng và theo đuổi mô hình kinh doanh bền vững trên TMĐT không chỉ được thực hiện trong thời gian ngắn, mà đó còn là sự phát triển đồng bộ, lâu dài ngay từ triết lý kinh doanh, tích hợp vào mô hình kinh doanh lõi. Độc giả có thể tham khảo nội dung chi tiết của báo cáo Thương mại điện tử phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số tại đây.