Viết content như thế nào cho hiệu quả? 

Viết làm sao để nội dung phục vụ tốt các chiến dịch quảng cáo, marketing, xây dựng thương hiệu,..? 


Đây là điều mà tất cả những ai theo nghề viết đều quan tâm. Công việc này tưởng không khó nhưng lại khó không tưởng. Nếu như bạn bỏ qua những nguyên tắc quan trọng trong việc sáng tạo nội dung, bạn sẽ khó lòng xây dựng nên những content chất lượng. 


Bạn có thể viết hay đó, nhưng chắc gì sẽ hiệu quả? Vì thế, hãy cùng điểm qua 12 nguyên tắc quan trọng nhất khi viết content. Đây là cách giúp bạn xây dựng nên những nội dung chính xác, thú vị và hiệu quả nhất.  

 

1. Nghiên cứu, nghiên cứu và nghiên cứu 

Điều quan trọng phải nói 3 lần. Ông bà ta có câu: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Câu nói này không chỉ được áp dụng trong chiến tranh, thương lượng mà còn đúng với việc sáng tạo nội dung. 


Tất cả những ai làm copywriting đều biết đến tầm quan trọng của việc nghiên cứu. Hãy dành nhiều thời gian cho việc đọc thông tin sản phẩm như: công dụng, tính năng, cơ chế, thành phần, lợi ích. Song song đó là nghiên cứu tâm lý khách hàng, insight của khách hàng


Bạn có thể lấy thông tin từ đội ngũ tư vấn - những người trực tiếp làm việc với khách hàng. Vì sao? Vì họ sẽ cho bạn biết điều khách hàng thực sự mong muốn ở một sản phẩm là gì? Đừng tự suy luận, hãy tìm câu trả lời chính xác. 


Càng có nhiều thông tin, bạn càng có nhiều khả năng biến tấu bài viết của mình theo nhiều chủ đề khác nhau. Dĩ nhiên, trong vô vàn sự đa dạng ấy, hẳn sẽ có những nội dung hiệu quả nhất. 

 

2. Tối giản nội dung 

Khi mà con người ta ngày càng bận, họ sẽ có rất ít thời gian cho các mẫu quảng cáo. Vì thế, nếu viết quá dài, khách hàng sẽ lười đọc. Do đó, bạn nên cố gắng rút gọn sao cho nội dung đơn giản nhất có thể.  


Tuy nhiên, đơn giản không có nghĩa là viết kiểu liệt kê ý chính hay bỏ qua các quy tắc. Bạn cần thể hiện thông điệp rõ ràng, ngắn gọn để khách hàng hiểu được lợi ích mà bạn mang lại cho họ. 


Ví dụ, bạn viết về mỹ phẩm. Thay vì liệt kê tất cả thành phần, công dụng, tính năng, giá cả,... hãy tập trung phân tích một điểm khác biệt nhất của sản phẩm. Chẳng hạn như công thức sản xuất, thành phần độc quyền,... Điều này giúp tăng tính thuyết phục thay vì kể lể dài dòng mọi thứ về sản phẩm. 

 

3. Viết ra điều mà khách hàng cảm thấy thú vị 

Trên thực tế, bạn không thể “dí” sản phẩm vào khách hàng và nói rằng “Hãy mua của tôi đi”. Thay vào đó, bạn chỉ có thể làm cho họ thấy thích thú và rồi mua nó mà thôi. 


Cũng giống như việc chàng trai cưa cẩm một cô gái. Anh ta không thể nào đến trước mặt cô ấy và nói là “Hãy yêu anh đi”. Thay vào đó, anh chàng phải nỗ lực để tạo sự chú ý, thu hút, gây ấn tượng để cô gái thích mình trước khi “chốt đơn” là có yêu hay không. 


Nhưng làm cách nào để content của bạn thật hấp dẫn? Bạn có thể kể về một câu chuyện của mình hoặc đưa ra những ý tưởng bán hàng độc đáo để kích thích sự tò mò của khách hàng. 


Ví dụ bạn viết cho mỹ phẩm trị mụn. Thay vì viết về công dụng, hãy kể lại hành trình điều trị gian nan của một khách hàng và kết quả hiện tại. Những câu chuyện bao giờ cũng có sức hút riêng vì con người lúc nào mà chẳng tò mò? Khi bạn kích thích sự tò mò của khách hàng, họ sẽ quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ của bạn. 

 

4. Sàng lọc tiêu đề 

Nếu nội dung là một bộ phim thì tiêu đề chính là phần trailer được tạo ra nhằm thu hút khách hàng. Việc đặt tiêu đề chiếm rất nhiều thời gian của những copywriter vì nó liên quan mật thiết đến cách xây dựng và triển khai nội dung. 


Để viết tiêu đề hiệu quả, bạn có thể thực hiện theo 2 quy tắc sau đây: 

- Thứ nhất, viết bản nháp trước rồi lấy ra những ý chính để đặt tiêu đề. Cách này giúp cho tiêu đề không bị “chệch đường ray” so với dàn ý. 

- Thứ hai, hãy đặt tiêu đề đơn giản. Đừng vội vàng đặt những tiêu đề dài dòng, nhiều ẩn ý. Hãy nhớ khách hàng của bạn rất bận, họ không có nhiều thời gian để nghiền ngẫm những thứ mà họ không hiểu. Do đó, đừng tạo thêm thách thức cho người đọc. 

 

5. Thể hiện cá tính trong bài viết 

Bạn có để ý rằng những thương hiệu nổi tiếng hay các tác giả nổi tiếng đều sở hữu phong cách, tiếng nói và cả ý tưởng của riêng mình không? Vì thế, hãy nghiên cứu kỹ về sản phẩm và thương hiệu của bạn. Từ đó, xây dựng nên một cá tính nhất định trong bài viết. 


Việc bạn khẳng định tính cách bản thân trong content giúp tạo nên sự khác biệt so với đối thủ. Do đó, khi sáng tạo nội dung và trước khi đăng tải bất kỳ bài viết, hình ảnh nào,... bạn hãy đảm bảo rằng nội dung đó thể hiện rõ tính cách của thương hiệu, phù hợp với nhu cầu và mong muốn của khách hàng mục tiêu mình hướng đến. 

 

6. Ưu tiên kể chuyện  

Con người rất thích nghe kể chuyện. Có phải bạn sẽ dễ bị thu hút khi đứa bạn thân nói rằng: “Ê, tao kể mày nghe cái này”. Và khách hàng của bạn cũng vậy. Họ đã ngán đến tận cổ những mẫu quảng cáo công thức vô vị trên tivi, Facebook,... hàng ngày rồi. 

 

Do đó, bạn hãy kể một câu chuyện cho khách hàng nghe. Điều này kích thích sự tò mò của họ. Bởi ai cũng muốn biết chuyện gì xảy ra, diễn biến thế nào và hồi kết ra sao. Dĩ nhiên, việc lồng ghép sản phẩm vào nội dung là điều hết sức cần thiết. 

 

7. Không cần quá khéo léo 

Khi bạn đã có kinh nghiệm nhất định trong việc viết lách, sáng tạo nội dung thì bạn sẽ có xu hướng chơi đùa với con chữ. Bởi vì ai cũng muốn tạo ra nội dung tốt nhất, đặc biệt nhất. 


Tuy nhiên đôi lúc, bạn cần đi thẳng vào vấn đề với nội dung đơn giản, ngắn gọn. Điều này lại mang đến hiệu quả bất ngờ hơn so với những content dài dòng, lồng ghép quá nhiều ý tứ.

 

Ví dụ, bạn viết bài quảng cáo cho sản phẩm quần áo đang giảm giá. Bạn chỉ cần đưa ra thông tin về mức giá đang giảm, về chất liệu và chính sách giao hàng là được. Không cần đến quá nhiều mỹ từ mà quảng cáo vẫn đạt hiệu quả như mong đợi. 

 

8. “Đập bỏ” các quy tắc 

Điều này có vẻ phản khoa học nhưng một copywriter thông minh và kinh nghiệm sẽ biết khi nào cần phá vỡ các quy tắc về từ ngữ, ngữ pháp và cú pháp để tạo nên những nội dung thú vị. 


Công việc của bạn là tiếp cận khách hàng tiềm năng chứ không phải làm giáo viên dạy văn. Cho nên đừng bao giờ rập khuôn. Thay vào đó, hãy sử dụng ngôn ngữ, ngữ pháp của khách hàng để tiếp cận họ nhanh nhất. 


Ví dụ bạn đang viết nội dung cho khách hàng tuổi teen là các bạn gen Z. Lúc này, việc trình bày văn bản rõ ràng, mạch lạc, câu cú chuẩn chỉnh sẽ không hiệu quả bằng các cụm từ đang trend mà giới trẻ sử dụng. Bạn hãy thử xem! 

 

9. Có mục đích rõ ràng khi sáng tạo nội dung 

Con người chúng ta làm gì cũng có mục đích. Bạn ăn cơm để no, bạn ăn diện để đẹp hơn. Bạn đi làm để kiếm tiền. Và bạn làm nội dung để thu hút khách hàng, để bán được hàng, để tiếp cận khách hàng mới,... Vâng vâng và mây mây. 


Nếu không có mục đích, bạn sẽ sáng tạo ra những ý tưởng mà chẳng bao giờ bán được. Vì thế, trước khi bắt tay vào làm bất kỳ nội dung nào, hãy tự hỏi mục đích của việc này là gì? 


Ví dụ, mục đích của một bài viết chia sẻ kinh nghiệm là cung cấp thông tin cho khách hàng. Hoặc mục đích của một video hướng dẫn sử dụng là giúp khách hàng của bạn dùng sản phẩm một cách hiệu quả nhất. 

 

10. Xây dựng nên những nội dung có cảm xúc 

Giống như bạn xem phim vậy đó. Bạn thích một diễn viên nhập tâm, thể hiện tâm lý nhân vật tốt hay thích một người “đơ như cây cơ - cười cũng như khóc”? Trong content cũng vậy. Không ai thích những báo cáo khô khan, những nội dung nhàm chán cả. 


Vì thế, bạn cần có sự am hiểu về khách hàng mục tiêu, tâm lý và mong muốn của họ để cho lượng cảm xúc phù hợp. Dựa trên nhu cầu của khách hàng, bạn “nêm nếm” các gia vị cảm xúc như vui vẻ, sợ hãi, giận dữ, tội lỗi, nịnh nọt,... vào bài viết. 


Chẳng hạn như bạn muốn cảnh báo khách hàng về việc sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng. Hãy mang đến nội dung với cảm xúc khiến họ sợ hãi về các loại mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường. Yếu tố này vừa có tính định hướng, vừa giúp cung cấp cho khách hàng thông tin chính xác. Bạn thấy không? Một công đôi chuyện! 

 

11. Thuyết phục khách hàng bằng bằng chứng  

“Trăm nghe không bằng một thấy”. Muốn khách hàng tin tưởng, bạn phải thuyết phục họ bằng hình ảnh, con số thực tế. Điều này giúp bạn chinh phục được mọi khách hàng, kể cả khách hàng khó tính nhất. 


Vậy bằng chứng lấy ở đâu? Dĩ nhiên bạn không thể nào tự chế ra và bắt khách hàng tin mình. Hãy chọn lọc dữ liệu đáng tin cậy từ các báo cáo, số liệu thống kê, những kiểm định minh bạch, case study và cả những câu chuyện thành công đã có sẵn. 


Ví dụ bạn viết bài phân tích giá cả của một dự án bất động sản. Nếu bạn muốn khẳng định dự án của mình rẻ hơn đối thủ cạnh tranh. Bạn phải đưa ra được mức giá mà các đối thủ đang bán. Chứ bạn cứ kêu “rẻ lắm, rẻ lắm, mua đi” thì chẳng ma nào thèm mua cả. 


12. Đừng bỏ qua hình thức 

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà yếu tố hình thức rất được xem trọng. Vì thế, đừng bao giờ xuề xòa trong việc thể hiện hình thức đẹp cho nội dung của bạn. Dù là bài viết, video hay hình ảnh đều cần sự chỉn chu, bắt mắt. 


- Nếu là bài viết, hãy sử dụng phông chữ rõ ràng, dễ đọc. Các ý cần được chia đoạn để nội dung không bị rối. Hoặc đơn giản là in đậm, in nghiêng, gạch chân để giúp hình thức hoàn thiện hơn. 

- Nếu là hình ảnh hoặc video thì cần màu sắc đẹp, bố cục rõ ràng, thể hiện được thông điệp mà bạn muốn gửi đến khách hàng. 


Hãy nhớ rằng, khách hàng sẽ không quan tâm đến nội dung của bạn là gì nếu như hình thức quá cẩu thả. Bạn có chắc rằng nội dung của mình tuyệt vời đến nỗi khách hàng bỏ qua sự luộm thuộm về hình thức không? Nếu không, hãy chú trọng đến hình thức bên ngoài bạn nhé!

 

Trên đây là 12 quy tắc quan trọng nhất để sáng tạo nên những nội dung hiệu quả. Hi vọng những thông tin trong bài viết này sẽ hữu ích với bạn - những con người đang “chơi đùa” cùng con chữ mỗi ngày! 


Ngọc Anh - từ Brandsketer Vietnam