Theo nghiên cứu từ Adplus, Facebook vẫn là nền tảng được các marketer sử dụng nhiều nhất cho các chiến dịch marketing. Tính đến năm 2020, Facebook có hơn 10 triệu nhà quảng cáo đang hoạt động. Vậy giữa vô số quảng cáo được tạo ra hằng ngày trên Facebook, các thương hiệu và marketer nên xây dựng nội dung như thế nào để thu hút khán giả cũng như tăng tỷ lệ tương tác và chuyển đổi? 


Để tạo ra nội dung quảng cáo hiệu quả và thu hút người tiêu dùng, việc cần làm đầu tiên luôn là tìm hiểu và nghiên cứu đối tượng khán giả. Các marketer cần xác định được những thông tin cơ bản như nhân khẩu học, nơi ở, nơi làm việc, sở thích, niềm tin của khách hàng, từ đó đúc kết họ cần gì và đang gặp những vấn đề gì. Bên cạnh những báo cáo và thống kê, các marketer có thể đọc những bình luận của khán giả trên fanpage của thương hiệu để tìm hiểu cách người tiêu dùng nói chuyện và điều họ quan tâm. Bằng cách tận dụng “giọng nói và phong cách trò chuyện của khách hàng” cho nội dung quảng cáo, thương hiệu sẽ kết nối với đối tượng mục tiêu dễ dàng hơn và màng đến nhiều cơ hội tốt hơn về mặt chuyển đổi.


Tuy nhiên, sau một quá trình dài nghiên cứu, các Marketer cần xây dựng nội dung như thế nào để thu hút nhiều tương tác hơn bên cạnh việc trò chuyện bằng “tone giọng của khách hàng”? Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 8 cách giúp các Marketer tạo ra những quảng cáo Facebook hiệu quả hơn. 


1. Làm nổi bật các tính năng và lợi ích của sản phẩm


Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu của đối tượng khán giả, các marketer nên truyền tải tính năng và lợi ích sản phẩm có thể đáp ứng, hỗ trợ và giải quyết khó khăn của người tiêu dùng như thế nào. Khi viết nội dung cho tệp khán giả nhỏ, các marketer có thể tập trung vào một lợi ích cần thiết nhất hoặc tạo ra những quảng cáo riêng lẻ để làm nổi bật từng điểm bán hàng cụ thể. Tuy nhiên, khi hướng đến tệp khán giả lớn, các marketer cần cân nhắc việc liệt kê nhiều lợi ích của sản phẩm/dịch vụ vì nó có thể thu hút và tăng tỷ lệ chuyển đổi nhiều hơn.


Trong ví dụ bên dưới, thương hiệu “Koleda” đã liệt kê ba lợi ích chính từ chiếc quạt tản nhiệt của họ. Bên cạnh việc liệt kê, thương hiệu cũng sử dụng một số biểu tượng cảm xúc có liên quan để giúp người đọc dễ hình dung và truyền tải được nội dung rõ ràng. Trong trường hợp của thương hiệu nội thất “felt right”, nội dung quảng cáo hướng đến một mối quan tâm chung lớn hơn là “Làm sao để căn phòng bớt trống trải” và sau đó đưa ra hàng loạt giải pháp mà thương hiệu có thể giải quyết cho người tiêu dùng. 


Quảng cáo của Kodela sử dụng những biểu tượng cảm xúc để truyền tải thông tin


Quảng cáo của felt right cung cấp cho khán giả những lợi ích mà thương hiệu có thể hỗ trợ trong việc trang trí nhà để "đỡ trống trải"


2. Cung cấp các sản phẩm/dịch vụ miễn phí


Trong một số trường hợp, tính năng của sản phẩm sẽ không đủ thuyết phục khán giả mua hàng ngay lập tức. Lúc đó, các marketer cần chủ bị một chuỗi những hoạt động tương tác nhỏ khác trước khi thúc đẩy họ mua hàng như tạo sự tin tưởng đối với khách hàng mới hoặc giúp họ hiểu được những giá trị cơ bản của sản phẩm trước khi truyền đạt những thông tin sâu sắc hơn.


Cụ thể, các marketer nên cân nhắc việc cung cấp một số sản phẩm miễn phí để hỗ trợ hoạt động quảng cáo diễn ra trôi chảy hơn. Khi tặng miễn phí những món quà mà khán giả muốn, các marketer đã có thể xây dựng nhận thức thương hiệu, thiết lập sự uy tín đồng thời thúc đẩy khả năng mua hàng của khách hàng nhiều hơn. 


Nếu các Marketer đang phân vân chưa biết tặng gì cho người tiêu dùng, hãy tham khảo một số ý tưởng dưới đây:

  • Ebooks, sách trắng (tài liệu hoặc báo cáo của các cơ quan có thẩm quyền), case study hoặc các hướng dẫn bao gồm những nghiên cứu có giá trị và giáo dục về chủ đề liên quan.
  • Những template và checklist có thể tải về miễn phí giúp người tiêu dùng giải quyết được những vấn đề của họ ngay lập tức. 
  • Các bản dùng thử, bản mẫu hoặc gói đăng ký miễn phí để khách hàng tiềm năng có thể tham gia và dùng thử trước khi quyết định mua. 


Mattermost - nền tảng hỗ trợ mọi người giao tiếp, hợp tác và làm việc hiệu quả đã tạo một quảng cáo trên Facebook về việc cung cấp những hướng dẫn miễn phí giúp nhóm nhà phát triển (Developer) cải thiện năng suất làm việc. Chỉ cần nhấn vào nút tải về, các khách hàng tiềm năng có thêm một số bí quyết giúp quy trình làm việc tốt hơn cũng như hiểu hơn về nền tảng Mattermost có thể hỗ trợ họ như thế nào. 


Bộ hướng dẫn miễn phí của Mattermost "tiết lộ" bí quyết giúp quy trình làm việc tốt và nâng cao nhận thức về nền tảng Mattermost


3. Chia sẻ những bằng chứng xã hội


Cung cấp những nguồn tài liệu miễn phí không phải cách duy nhất để tăng sự tin tưởng của người tiêu dùng và truyền tải thông điệp mà thương hiệu muốn nói. Thay vào đó, các marketer có thể chia sẻ những bằng chứng xã hội về việc một số nhân vật, công ty có tên tuổi đã sử dụng sản phẩm của thương hiệu hoặc số lượng lớn người tiêu dùng đã mua hàng.


Khi các khách hàng tiềm năng thấy những thông tin thực tế này, họ sẽ có cảm giác an tâm vì đã có nhiều người tin dùng trước đó. Các bằng chứng xã hội được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm:

  • Logo của những công ty khác đã sử dụng sản phẩm của thương hiệu
  • Sự công nhận từ người nổi tiếng hoặc influencer
  • Tổng số khách hàng đã mua sản phẩm.


Trong ví dụ bên dưới, thương hiệu sản phẩm giường ngủ “Piglet in Bed” đã làm nổi bật số lượng lớn khách mua hàng. Phần copy gây ấn tượng với khách hàng tiềm năng bằng cách nhấn mạnh “4,500 khách hàng đã hài lòng”, song song đó họ cũng nhắc lại “Piglet in Bed” đã nhận được “4,500 đánh giá 5 sao” ngay bên dưới tấm hình. 


Piglet in Bed nhấn mạnh số người đã mua sản phẩm và đánh giá 5 sao trong nội dung quảng cáo của họ


4. Tái sử dụng những phản hồi từ khách hàng (Testimonial)


Nghiên cứu của công ty phần mềm công nghệ G2 chỉ ra rằng hơn 90% khách hàng tin tưởng vào các bài đánh giá (review) từ chính người tiêu dùng và cảm thấy tin tưởng hơn nữa khi được bạn bè giới thiệu. Vì thế, Testimonial là công cụ hiệu quả giúp marketer chia sẻ các thông tin của sản phẩm thông qua người tiêu dùng. Trên thực tế, một nội dung quảng cáo Facebook với một testimonial chất lượng đã đủ thu hút khán giả tương tác.


Đơn cử thương hiệu máy lọc không khí Mila Air đã sử dụng review của khách hàng để làm nội dung quảng cáo của họ. Phần testimonial đã làm nổi bật những tính năng của sản phẩm mà qua đó, Mila Air có cơ hội giới thiệu đến khán giả USP (Unique Selling Point - điểm bán hàng độc nhất) của máy lọc không khí dưới góc nhìn của chính người tiêu dùng. Đồng thời quảng cáo cũng thúc đẩy tỷ lệ chuyển đổi nhưng không nhắc quá nhiều đến việc “bán sản phẩm”. 


Chỉ cần một testimonial, Mila Air đã tạo ra một nội dung quảng cáo chất lượng và đáng tin cậy


5. Đưa ra thời gian khuyến mãi “giới hạn”


Nếu các marketer muốn người tiêu dùng mua hàng ngay lập tức nhưng người tiêu dùng lại muốn dành thời gian để suy nghĩ và quyết định sau, vậy người làm Marketing cần làm gì để thúc đẩy họ chuyển đổi nhanh hơn? Dưới đây là một vài ý tưởng có thể cân nhắc.

  • Giới hạn thời gian ưu đãi. Các quảng cáo trên Facebook cần đưa ra thời gian cụ thể dừng chương trình khuyến mãi để khách hàng biết và hành động nhanh hơn. 
  • Trưng bày vài sản phẩm chỉ có sẵn trong một khoảng thời gian giới hạn. Qua đó, các marketer tạo cho khách hàng cảm giác nếu không mua ngay họ sẽ phải nuối tiếc vì đã bỏ lỡ.


Trong ví dụ bên dưới, thương hiệu “Pom Pom at Home” đã nhắc đến một chương trình khuyến mãi một số mặt hàng thiết yếu trong quảng cáo của họ. Nội dung ghi rõ ngày bán và phần trăm khuyến mãi để tạo cảm giác cấp bách cũng như tăng sự hứng thú của đối tượng khách hàng. Những người tiêu dùng thấy quảng cáo có thể nhấn mua ngay lập tức để có cơ hội trải nghiệm sản phẩm. 


Ghi rõ ngày khuyến mãi kết thúc như quảng cáo của Pom Pom at Home sẽ thúc đẩy người dùng quyết định mua sắm nhanh hơn.


6. Kết hợp nội dung văn bản và hình ảnh quảng cáo


Facebook cung cấp cho các marketer rất nhiều không gian để tự do sáng tạo. Trong một bài đăng quảng cáo, mục văn bản chính hiển thị được 125 ký tự cùng với vô số nội dung ở bên dưới sau khi nhấn “Xem thêm”. Bên cạnh đó, mục tiêu đề và mô tả có thể hỗ trợ lần lượt tối đa 25 và 30 ký tự . Tuy nhiên, các marketer vẫn có thể chèn văn bản vào hình ảnh quảng cáo nhằm truyền tải thông điệp hiệu quả hơn và thúc đẩy nhiều lượt chuyển đổi.


Một điểm lưu ý cho các marketer chính là không nên để văn bản chiếm quá 20% hình ảnh quảng cáo. Tuy rằng “quy tắc 20%” này của Facebook đã được loại bỏ từ năm 2020 nhưng theo báo cáo của Facebook, người dùng có xu hướng phản hồi tốt với những hình ảnh quảng cáo chứa văn bản với tỷ lệ ít hơn 20%. Dưới đây là một số gợi ý giúp các marketer kết hợp copy và hình ảnh hiệu quả.

  • Nhắc lại điểm quan trọng nhất trong nội dung trên hình ảnh
  • Làm nổi bật một lợi ích nổi trội mà không có trong phần copy
  • Làm nổi bật dòng tagline thu hút sự chú ý


Với quảng cáo của e.pop AI, thương hiệu đã sử dụng cách thức chèn văn bản vào hình ảnh để nhấn mạnh lại một điểm chính từ phần copy. Dòng chữ “Make an Impact With Every Purchase” đóng vai trò như một tiêu đề thu hút sự chú ý và tăng cường tỷ lệ chuyển đổi hơn.


Quảng cáo của e.pop AI: không để nội dung văn bản chiếm quá 20% tỷ lệ hình ảnh quảng cáo


7. Bật “Tối ưu hoá văn bản cho từng người”


Trên thực tế, khi quảng cáo đến một nhóm đối tượng khách hàng cụ thể, tâm lý của khách hàng trong nhóm vẫn rất khác nhau. Một số người sẽ bị thu hút bởi testimonial nhưng những người khác lại mua hàng bởi các thông tin ưu đãi giới hạn. Khi đó, các marketer có thể sử dụng thuật toán của Facebook để sắp xếp nội dung văn bản nhằm đạt được lượng chuyển đổi tối ưu nhất. 


Khi đổi qua chế độ “Tối ưu văn bản cho từng người” (Optimize Text Per Person), Facebook sẽ hỗ trợ thay đổi vị trí các mục nếu cần thiết. Điều này đồng nghĩa rằng mục “tiêu đề” có thể nằm dưới mục “mô tả” hoặc mục “văn bản chính” nằm ở tiêu đề. Mỗi mục sẽ có tối đa 5 tuỳ chọn cho phép các marketer thử nghiệm nhiều kiểu khác nhau trên cùng một quảng cáo. 


Tuy nhiên, cách thức này có một nhược điểm đó là chúng không chỉ ra đâu là sự kết hợp tối ưu nhất. Điều đó có nghĩa rằng các marketer rất khó xác định được các quảng cáo phù hợp với đối tượng khán giả của họ trừ khi lặp lại nhiều lần và phân tích từng điểm khác biệt.


Chế độ Optimize Text Per Person cho phép marketer thiết lập các tuỳ chọn hiển thị dựa trên từng đối tượng khác nhau


8. Bật trải nghiệm tự động (Dynamic Experiences)


Một thuật toán khác của Facebook giúp tối ưu hóa quảng cáo là sử dụng tính năng trải nghiệm tự động (Dynamic Experiences). Với chế độ này, Facebook có thể kết hợp văn bản theo nhiều kiểu khác nhau và thay đổi cả hình ảnh quảng cáo để đạt được kết quả tốt nhất.


Cụ thể, Facebook có thể thay đổi tỷ lệ khung hình, bộ lọc hình ảnh hoặc tăng độ sáng của hình. Bên cạnh đó, khi các quảng cáo có những bình luận, Facebook có thể tự động hiển thị những bình luận liên quan nhất để cải thiện kết quả. Thuật toán này sẽ tự động tối ưu hoá các quảng cáo cho từng người để tối đa hoá tỷ lệ chuyển đổi.


Để cài đặt “Dynamic Experiences”, các marketer hãy chọn mục “Dynamic Experiences" tại cấp độ quảng cáo, sau đó, tiếp tục tải hình ảnh, video, tiêu đề, mô tả và văn bản chính lên từng chỗ trống. Để đạt được kết quả tốt nhất, các marketer nên viết những dòng copy có thể đặt nhiều mục khác nhau mà không gây khó hiểu.


Chế độ Dynamic Experiences sẽ tự động chỉnh sửa văn bản và hình ảnh quảng cáo để tối đa hoá tỷ lệ chuyển đổi


Tuy vậy, “Dynamic Experiences” cũng có những nhược điểm tương tự như “Optimize Text Per Person”. Mặc dùng cả hai đều hỗ trợ thương hiệu đạt được tỷ lệ chuyển đổi cao thông qua các thuật toán tự động nhưng chúng sẽ không cung cấp cụ thể những phân tích về sự kết hợp tối ưu trong các quảng cáo đã chạy.



Theo Social Media Examiner

Thanh Thảo