Khoảng cách từ nơi sinh sống đến nơi làm việc được xem là một trong những yếu tố hàng đầu khi nhân sự cân nhắc và lựa chọn công việc. Tuy nhiên hiện nay, nhiều người trẻ lại quyết định đi làm xa để đổi lấy những tiêu chí khác như cơ hội phát triển, offer tốt, niềm vui khi được làm công việc yêu thích. Bên cạnh những lợi ích, hành trình “đi làm như đi phượt” của nhân sự cũng ẩn chứa nhiều tình huống trớ trêu cùng vô vàn chướng ngại như tắc đường, ngập lụt, hư xe, bể bánh,...


Trăm cái khổ vì “ngàn dặm quan san”


Theo thống kê vào năm 2020 của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, trung bình mỗi ngày, tổng thời gian người lao động có thể tiêu tốn do kẹt xe là 1 tiếng 22 phút. Có thể thấy, kẹt xe đã trở thành một trong những nỗi khổ hàng đầu mà các nhân sự đi làm xa phải đối mặt. Theo chị Anh Thư - Copywriter Executive tại Anymind Vietnam: “Hành trình đi làm của mình không bao giờ tránh khỏi hiện tượng kẹt xe miên man, vượt qua khúc kẹt này thì đến khúc kẹt khác. Có những hôm kẹt quá, mình phải đeo tai nghe để tham gia cuộc họp chứ không biết bao giờ mới được ‘giải thoát’ khỏi đám đông. Mấy hôm có feedback gấp, mình đành tấp xe vào quán cà phê gần nhất để sửa bài.”


Ngoài kẹt xe, thỉnh thoảng chị Anh Thư còn phải chịu cảnh mưa bão trên hành trình đi làm, người ướt nhẹp khi đến công ty


Còn với anh Long Bùi - Social Media Executive tại Urban Entertainment, nhân sự đi làm xa còn thường xuyên gặp phải những tình huống trớ trêu: “Trước đây, mỗi ngày đi làm mình phải chạy tổng cộng hơn 40km. Việc phải di chuyển một quãng đường dài và lặp đi lặp lại hầu như mỗi ngày trong tuần đã khiến xe mình gặp ‘vấn đề’. Vào buổi sáng nọ, mình có một cuộc họp sớm. Nhưng khi đi tới đại lộ Võ Văn Kiệt thì xe mình hư và ‘nằm lại’ trên đại lộ luôn. Mình phải gọi cứu hộ đến để giải cứu chiếc xe. Khi tới được công ty thì cuộc họp cũng kết thúc rồi.”


Ở cách công ty 17km và mất tổng cộng một tiếng rưỡi đi làm mỗi ngày, chị Đan Phượng - Copywriter kể lại: “Mình nhớ có một ngày tan làm muộn lúc 20h, ngoài trời mưa xối xả. Mình không đem theo áo mưa, nhưng mưa to quá nên cũng chẳng thể chạy đi tìm mua áo được. Cuối cùng, mình đành chịu trận ngồi ở sảnh công ty đến tận 10h tối, chờ cho mưa dịu lại một chút mới được về. Có lần mình còn bị bể bánh xe vào đúng ngày có buổi họp quan trọng. Nhớ lại cảnh lúc đó, mình vừa dắt xe tìm chỗ vá trong vô vọng, vừa hoảng loạn vì lúc đó không có mạng để nhắn tin báo tình hình với đồng nghiệp. May mắn là mọi người hiểu và thông cảm nên cũng không trách mình quá nhiều.”


Theo chị Đan Phượng, khó khăn nhất của việc đi làm xa là đối mặt với kẹt xe giờ cao điểm


Bền bỉ với hành trình “đi làm như đi phượt”


Với muôn vàn cái khó khi đi làm xa như tắc đường, ngập lụt, hư xe, bể bánh,... các nhân sự cũng đã nhiều lần cảm thấy chán nản và từng nghĩ đến chuyện nghỉ việc. Chị Nam Phương, Junior Copywriter tại Mekong Communications chia sẻ rằng, mỗi cuộc hành trình đến công ty có thể tiêu tốn 50% năng lượng làm việc: “Mình đi làm cũng được kha khá công ty rồi, nhưng chỗ nào cũng xa nhà 13km trở lên. Nếu tối hôm trước thức khuya chạy deadline, sáng hôm sau có cuộc họp lúc 10h mà đến 9h15 mình mới tỉnh dậy, thì mình sẽ bắt đầu nghĩ xem có thật sự cần công việc này không.”


Đối với chị Nam Phương, quyết định chọn công ty xa nhà không khiến chị hối hận, bởi lẽ tuy xa một chút nhưng được làm đúng việc mình muốn


Tuy hành trình “đi làm như đi phượt” hàng ngày gặp vô số trắc trở, chị Anh Thư vẫn coi quãng đường đi làm về như những buổi rong ruổi xả stress. Do khu vực gần công ty cũng có nhiều chỗ vui chơi, ăn uống, thêm vào đó là đồng nghiệp vui vẻ, chị cũng cảm thấy hào hứng khi đi làm hơn.


Còn đối với anh Trung Kiên - Video Creator Intern tại Katalon Việt Nam, việc đi làm xa cũng có những cái hay riêng: “Nó giúp mình kiểm soát được thời gian của bản thân tốt hơn, điều hoà được giấc ngủ vì mình luôn bắt bản thân phải dạy vào đúng giờ đã định. Ngoài ra, mình cũng trở nên am hiểu đường xá hơn, rèn kỹ năng ‘chặt hẻm’ khi tắc đường. Bên cạnh đó, mình thích công việc và môi trường tại công ty nên vẫn sẽ bền bỉ đi làm mỗi ngày.”


Giữa lựa chọn “chuyển nhà gần công ty” và “chọn công ty gần nhà”, khá nhiều nhân sự muốn chọn nơi ở gần với nơi làm việc hơn để không làm hạn hẹp cơ hội việc làm. Tuy nhiên, trải nghiệm chuyển nhà đến gần công ty cũng vấp phải những rủi ro nhất định, chẳng hạn như trường hợp của anh Long Bùi: “Mình sống với gia đình ở Bình Tân, và mình đã lựa chọn một công ty ở quận 2 vì offer tốt. Sau một thời gian chịu đựng cảnh đi làm tốn cả tiếng đồng hồ mỗi sáng, mình đã quyết định chuyển nhà đến gần công ty để tiện đi lại hơn. Thế nhưng, ngày mà mình chuyển đến sống ở quận 2 cũng là ngày mình nhận được lời mời cho một công việc mới, tuy offer không cao bằng nhưng thú vị và phù hợp với mình hơn. Thế là, một tuần sau khi thuê nhà gần công ty cũ, mình đã chuyển việc sang công ty mới. Trớ trêu thì công ty mới lại không cách quá xa nhà cũ của mình.”


Còn trẻ là còn sức để đi xa


Khoảng cách từ nơi sinh sống đến nơi làm việc được xem là một trong những yếu tố hàng đầu khi nhân sự cân nhắc và lựa chọn công việc. Tuy nhiên, bên cạnh khoảng cách, cơ hội phát triển và niềm vui khi được làm công việc yêu thích vẫn là điều kiện tiên quyết đối với một số nhân sự. Theo chị Anh Thư, cơ hội phát triển bản thân và những mối quan hệ ở nơi làm việc là điều người trẻ cần tìm kiếm nhất. Thế nên, nếu chỉ vì quãng đường di chuyển mà bỏ lỡ nhiều cơ hội khác thì sẽ là một thiếu sót đối với nhân sự.


Nhiều nhân sự quyết định chọn công ty xa nhà vì đãi ngộ tốt, nhiều cơ hội phát triển


Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, chị Nam Phương cho biết: “Đối với mình thì yếu tố xa nhà không phải là tiêu chí then chốt để mình lựa chọn công việc. Do bây giờ mình còn trẻ, còn sức đi ‘phượt’ nên mình không trăn trở về vấn đề này lắm. Nhưng đương nhiên, mình vẫn phải cân đo đong đếm một xíu thiệt hơn.”


Còn theo anh Trung Kiên: “Với những người ngoài độ tuổi ngoài 30, mình nghĩ tiêu chí gần nhà nên được ưu tiên hơn khi lựa chọn công việc. Bởi vì ở độ tuổi đó, sức khoẻ sẽ quyết định tất cả. Việc đi làm xa khiến cho sức khoẻ không được đảm bảo sẽ có thể dẫn đến chất lượng công việc giảm sút. Đây là vấn đề mà người thân của mình đã gặp phải nên mình hiểu khá rõ.”


Nội dung: Phương Anh

Minh hoạ: Huy Mai