Lê Đức Hiệp - Creative Director của phim Bố Già, Cô Ba Sài Gòn: “Sáng tạo giúp mình hiểu được giá trị cảm xúc của nghệ thuật”

Sau thành công của các tác phẩm điện ảnh Bố Già, Cô Ba Sài Gòn, Song Lang hay poster “Ở Nhà Là Yêu Nước”, Lê Đức Hiệp ngày càng được biết đến nhiều hơn qua vai trò Giám đốc sáng tạo - người thổi hồn vào những sản phẩm nghệ thuật và thương mại, có sức hút mạnh mẽ với khán giả Việt Nam lẫn quốc tế.


Lê Đức Hiệp đã có những chia sẻ về niềm đam mê thiết kế, thời trang và phim ảnh cũng như những “quả ngọt” mà anh đã gặt hái trong hành trình 12 năm sáng tạo. Mời các bạn cùng theo dõi!

Hành trình đến với vị trí Creative Director được Lê Đức Hiệp mô tả qua 3 chữ: Nghề chọn người. Anh chia sẻ từ nhỏ đã yêu thích vẽ, đam mê mày mò và tự sáng tạo những “tác phẩm” của riêng mình. Nhờ đó anh có cơ hội trở thành cộng tác viên thiết kế hình ảnh cho báo Hoa Học Trò và dần được các nghệ sĩ biết đến. “Năm 2009, tôi giữ vị trí Art Director cho tạp chí Người Đẹp của báo Tiền Phong và chân trời nghệ thuật của tôi bắt đầu mở rộng từ đây. Trước kia tôi nhìn một thứ và thấy nó đẹp, còn giờ mình hiểu vì sao nó đẹp. Tôi đọc được cái cảm xúc trong tác phẩm và qua đó hiểu được giá trị cảm xúc của nghệ thuật” - Anh Hiệp chia sẻ. 


Creative Director Lê Đức Hiệp


Với những kinh nghiệm tích lũy trong lĩnh vực thời trang đã tạo tiền đề cho Lê Đức Hiệp đến với thế giới điện ảnh. “Mối lương duyên” này bắt đầu nảy nở khi anh nhận được sự tín cẩn của bạn bè trong giới điện ảnh để thiết kế poster cho các bộ phim đầu tay của họ như: “12 Chòm Sao – Vẽ Đường Cho Yêu Chạy” của Vũ Ngọc Phượng; “Tấm Cám Chuyện Chưa Kể” của Ngô Thanh Vân; “Gái Già Lắm Chiêu” của Namcito và Bảo Nhân. Các sản phẩm này sau khi ra mắt đã nhanh chóng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả và giới chuyên môn, đánh dấu bước ngoặt “đá chéo sân” thành công của Lê Đức Hiệp trong thế giới điện ảnh. 

Năm 2017, điện ảnh Việt đón chào sự đổ bộ của Cô Ba Sài Gòn. Bộ phim bất ngờ tạo nên một trào lưu lớn về thẩm mỹ và truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm khác về một “Sài Gòn retro”. Đứng sau thành công này không ai khác chính là Lê Đức Hiệp với vai trò Creative Director. Nét đẹp cổ điển của người phụ nữ Sài Gòn và thời kỳ hoàng kim của tà áo dài truyền thống những năm 1960 - 1970 được nghệ sĩ tái hiện qua những lát cắt nghệ thuật độc đáo:



Để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ trong Cô Ba Sài Gòn, Lê Đức Hiệp chia sẻ anh đã áp dụng tất cả áp dụng những kinh nghiệm về thiết kế đồ hoạ, kinh nghiệm làm việc trong ngành thời trang - tất cả được “nâng cấp” lên một tầm cao mới. “Nếu như những shoot hình thời trang trước tôi chụp và các chi tiết như set, make up, tóc, lighting… đều xoay quanh việc làm những bộ đồ trở nên lung linh, người mẫu thật đẹp thì bây giờ ngoài những tiêu chí đó ra phải kể được câu chuyện qua những chi tiết đó, mỗi bộ đồ, set quay cũng phải biết “nói năng” để giúp kể chuyện bằng hình ảnh”.


Thành công vang dội của bộ phim này đã mang về cho anh Giải thưởng Thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam Lần thứ 20 và Giải Sáng tạo xuất sắc tại giải Ngôi Sao Xanh 2017, minh chứng cho những nỗ lực và tâm huyết với nghệ thuật của Lê Đức Hiệp. 


Chưa dừng lại tại đó, tên tuổi của anh tiếp tục được biết tới rộng rãi qua các hiện tượng phòng vé như: Lật Mặt, Hai Phượng, Ròm, series Gái Già Lắm Chiêu. Đặc biệt, năm 2021, bất ngờ đã xảy ra khi “Bố Già” phiên bản điện ảnh xác lập kỷ lục phòng vé mọi thời đại tại Việt Nam với doanh thu 400 tỷ VNĐ. Một lần nữa, Lê Đức Hiệp ghi danh trong một siêu phẩm điện ảnh nhờ lột tả những đặc trưng trong đời sống gia đình người Việt và được nhiều bạn bè quốc tế biết đến.

 


Đi cùng với những thành công trong giới điện ảnh, liệu có khi nào Creative Director bị chi phối bởi các nhân tố sáng tạo khác? “Sự chi phối là điều khó tránh khỏi. Đã không ít lần tôi phải đứng giữa những tranh cãi từ Đạo diễn, Nhà sản xuất, Nhà phát hành… Mỗi bên đều có những ý kiến, quan điểm riêng về dự án đang làm. Nhưng mình cần nhìn nhận rõ vai trò của Creative Director là giúp cho Đạo diễn định hướng được bộ phim về mặt hình ảnh, xây dựng nên thế giới trong phim. Họ làm việc như là đôi mắt của đạo diễn và kể câu chuyện qua trang phục, tạo hình, bối cảnh, tạo nên sự thống nhất về mặt trực quan. Ở góc độ nào đó, những sáng tạo này phải dựa trên kịch bản và phải nằm trong khuôn khổ của bộ phim mà nhà sản xuất muốn tạo ra” - Lê Đức Hiệp bày tỏ. 


Trong lĩnh vực này, mâu thuẫn giữa nghệ thuật và thương mại luôn là “câu chuyện muôn thuở”. “Cái đẹp có bán được không và cái dễ dãi có là nghệ thuật không? Câu hỏi này tôi nghĩ rất khó để trả lời. Riêng với tôi khi đến với một dự án, trước hết phải hiểu rõ về yêu cầu để cân nhắc liệu nó có hợp với mình hay không? Ekip của bộ phim có đáng tin tưởng không? Do đó những cuộc trò chuyện với đạo diễn và nhà sản xuất để đảm bảo rằng mọi người đều có cùng chí hướng là rất quan trọng. Tôi luôn dành ưu tiên cho những dự án mình cảm thấy thích thú và có cơ hội để “dụng công”, có không gian để mình thoải mái sáng tạo, có như vậy thì mới không bị chán nghề”.


Là lĩnh vực “dẫn lối” Lê Đức Hiệp vào giới điện ảnh, thiết kế poster của anh chàng Art/Creative Director tài năng này luôn nổi bật với những yếu tố thuần Việt, mang nét phóng khoáng và truyền tải chân thực những chi tiết từ đời sống đến nghệ thuật điện ảnh:


Điểm tên những poster phim nổi bật của Lê Hiệp Đức


Chia sẻ về bí quyết sáng tạo những ấn phẩm poster hút khán giả, Lê Đức Hiệp “luôn xem mỗi poster là một sản phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh mặc dù vai trò của nó là để quảng bá. Một poster thành công không chỉ ĐẸP mà còn phải TỐT. ĐẸP là hình ảnh bắt mắt, ấn tượng, nổi bật. TỐT là có khả năng lôi kéo khán giả mua vé. Đó là 2 tiêu chí để đánh giá 1 poster phim, thiếu mặt nào người nghệ sĩ sẽ không thể hoàn thành 1 poster thành công”. 


Nhắc đến các poster mang “thương hiệu” Lê Đức Hiệp thì không thể bỏ qua tác phẩm “Ở Nhà Là Yêu Nước” ra mắt trong bối cảnh giãn cách xã hội giữa đại dịch COVID-19. Tác giả cũng bất ngờ chia sẻ ban đầu đây chỉ là một dự án cá nhân nhưng sau đó đã tạo tiếng vang lớn trong cả nước và quốc tế. Từ đây, anh đã quyết định bán poster để đóng góp vào ATM gạo cho người nghèo trong mùa dịch, nâng tầm giá trị của một tác phẩm nghệ thuật thành một dự án thiện nguyện với niềm tự hào dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước đáng khen ngợi. 

Hành trình trở thành Creative Director của Lê Đức Hiệp trong các dự án nổi danh không chỉ khơi gợi nguồn cảm hứng cho những bạn trẻ đam mê nghệ thuật sáng tạo mà còn đúc kết nhiều kinh nghiệm ý nghĩa:


“Đầu tiên là không ngừng học hỏi, nhất là các bạn trẻ mới vào nghề. Hãy xem thật nhiều, đọc thật nhiều, tìm hiểu thật nhiều để nắm chắc kiến thức, để mình biết phân biệt xấu đẹp, để nắm được xu hướng của nghệ thuật, để nuôi dưỡng nguồn cảm hứng trong bản thân. Tôi là người chưa từng qua bất cứ trường lớp nghệ thuật nào nên hiểu được sự quan trọng của kiến thức. Nó sẽ chắp cánh cho quá trình sáng tạo của các bạn rất nhiều.


Hai là hãy luyện tập và luyện tập! Ban đầu làm theo những thứ mình thấy đẹp rồi sau đó phát triển thêm. Trước khi bạn có thể làm ra những tác phẩm mà người khác thích thì phải tập làm ra những tác phẩm mình thích trước.


Ba là hãy ghi nhớ ba từ: KIÊN TRÌ, KHIÊM TỐN, KHÔNG THÀNH KIẾN”.

Làm trong ngành sáng tạo, câu chuyện “bí ý tưởng” là không của riêng ai. Bí quyết của Lê Đức Hiệp là... không nghĩ về nó nữa và chuyển sang làm những việc khác. “Rất nhiều ý tưởng tôi đã nghĩ ra trong nấu ăn hay đi mua sắm. Khi ép não mình phải làm việc liên tục thì sẽ không thể hiệu quả, nên hãy để đầu óc thư giãn thì ý tưởng sẽ nảy nở. Dù có gặp deadline cũng đừng run sợ, mình hoàn toàn có thể xin giãn thời gian để hoàn thiện ý tưởng”.


Ngoài ra nếu gặp tình huống bất đồng quan điểm trong công việc, hãy tìm cách trò chuyện, cùng nhau phân tích điểm tốt xấu của mỗi ý tưởng để có được lựa chọn tốt nhất. Đôi khi, Creator cũng nên tham khảo thêm ý kiến từ những người bạn cả trong lẫn ngoài ngành để có được đánh giá khách quan nhất thay vì chỉ làm theo ý muốn của khách hàng.


Ở thời điểm hiện tại, Creator gặp không ít khó khăn về công việc sáng tạo trong bối cảnh giãn cách xã hội. Lời khuyên của Lê Đức Hiệp dành cho mọi người lúc này là hãy tránh xa những thông tin độc hại, tiêu cực trên mạng. Tập trung vào những thứ có thể khiến tinh thần mình thoải mái và tranh thủ học thêm những kỹ năng mới để sau khi đại dịch qua đi mình sẽ ngày càng phát triển thêm mà không phải lãng phí mất một quãng thời gian vô ích.


Cuối bài phỏng vấn, Lê Đức Hiệp bật mí về dự án sắp ra mắt - bộ phim Thanh Sói của Ngô Thanh Vân mà anh đảm nhận vai trò Character Concept - tạo hình toàn bộ cho các nhân vật trong phim, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều điều thú vị! Mời các bạn độc giả cùng đón chờ bộ phim này nhé!


Cảm ơn Creative Director Lê Đức Hiệp về những chia sẻ thú vị! Chúc anh sẽ gặt hái thêm nhiều thành công và luôn là nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ đam mê nghệ thuật sáng tạo!


Thực hiện: Advertising Vietnam

Content: Ngọc Anh

Design: Đạt Đặng

Lê Đức Hiệp - Creative Director của phim Bố Già, Cô Ba Sài Gòn: “Sáng tạo giúp mình hiểu được giá trị cảm xúc của nghệ thuật”

Ngọc Anh

Ngọc Anh

Senior Content | Advertising Vietnam

21 Thg 09 2021

Lưu

Cùng chuyên mục