Cuộc chiến không hồi kết giữa các thương hiệu từ lâu đã trở thành chủ đề nóng hổi trong giới quảng cáo. Bên cạnh đối thủ truyền kiếp Coca Cola - Pepsi thì McDonald’s và Burger King là hai cái tên đình đám trong cuộc đại chiến bánh kẹp.


Tuy sinh sau đẻ muộn so với McDonald’s đến 13 năm nhưng Burger King luôn nổi bật với những quảng cáo bá đạo, giọng điệu mỉa mai và khiêu khích khiến bậc tiền bối bao phen lâm vào tình huống dở khóc dở cười.


1. Whopper Secret (2019)


Cuối năm 2019, Ông hoàng Burger đã tiết lộ một bí mật động trời với khách hàng rằng: Thực ra, trong tất cả quảng cáo của họ luôn xuất hiện hai loại bánh là Whopper của hãng và Big Mac của McDonald’s. Nhưng vì Whopper có kích cỡ to hơn và vẻ ngoài bắt mắt hơn nên “rất tiếc” đã che khuất món bánh của đối thủ. Chiến dịch Whopper Secret là sự khẳng định cho thực khách thấy rằng món bánh Whopper của Burger King là lựa chọn lớn hơn và tuyệt hơn hẳn so với của McDonald’s.


2. Burn that Ad (2019)


Có vẻ như lòng hiếu chiến của Burger King trong quảng cáo lần này đã lên đến đỉnh điểm, bằng chứng là họ muốn thiêu rụi mọi hình ảnh của đối thủ. Thương hiệu đã khuyến khích người dùng mỗi khi bắt gặp banner hay tờ rơi của “ai đó” và chỉ cần đưa điện thoại lên, đốt cháy quảng cáo đó trên màn hình ứng dụng Burn that Ad. Sau đó, phần quà cho họ sẽ là một chiếc bánh Whopper miễn phí.


3. KFG (2019)


Hết McDonald’s, Burger King lại mở rộng mục tiêu sang khiêu khích chuỗi nhà hàng gà rán KFC. Nhân vật có vẻ quen quen trong quảng cáo KFG không ai khác chính là tạo hình Colonel Sanders, cha đẻ thương hiệu KFC đang giới thiệu món bánh sandwich gà nướng mới ra lò của Burger King.



4. #NeverTrustAClown (2017)


Bắt trend bộ phim kinh dị ăn khách nhất năm 2017 - IT, chuỗi bán lẻ thức ăn nhanh đã tranh thủ cơ hội để gửi đến khách hàng một thông điệp “The moral is: never trust a clown” (Tạm dịch: Bài học rút ra là đừng bao giờ tin tưởng một chú hề). Trong khi đó người hâm mộ đều biết đến chú hề Ronald được xem như là nhân vật gắn liền với McDonald’s.



5. Very Scary (2017)


Lấy đà thành công từ quảng cáo #NeverTrustAClown trước đó, Burger King quyết định đẩy mạnh chiến dịch thêm một bước nữa. Ưu đãi có một không hai cho 500 khách hàng đầu tiên hóa trang thành chú hề đến nhà hàng của họ trong mùa Halloween sẽ được miễn phí các phần Whopper. Thế này chẳng khác gì McDonald’s đang cử “sứ giả” qua nhà hàng xóm để ăn mừng sao?



6. The McWhopper (2015)


Chào mừng ngày Hoà bình Thế giới, thật bất ngờ khi Burger King tuyên bố ngừng chiến với McDonald’s trong quảng cáo mới, thậm chí là đề xuất hai bên bắt tay để tạo nên món bánh McWhopper. Bất chấp lời ngỏ ý chân thành (cũng có thể là cú troll của Burger King), McDonald’s đã khéo léo từ chối nhưng không may bị người hâm mộ quay ngược lại chỉ trích. Quả là một mũi tên trúng hai đích! Chiến dịch của Burger King ngày càng thu hút lượng tương tác “khủng” trên các phương tiện truyền thông xã hội.



Tuy nhiên, không phải lúc nào Ông hoàng Burger cũng cố tình đánh bóng tên tuổi bằng cách châm chọc đối thủ. Thương hiệu này cũng tích cực lan toả những thông điệp ý nghĩa qua những quảng cáo đề cập đến nhiều vấn đề nóng hổi của xã hội.


Burger Queen (2018)


Với Burger Queen, thương hiệu đã mạnh dạn phản ánh một vấn đề tồn tại lâu đời ở Trung Quốc: Sự chênh lệch giới tính khiến nhiều phụ nữ cảm thấy bản thân bị bỏ rơi. Chiến dịch mở màn bằng những câu hỏi đặt ra cho phụ nữ Trung Quốc “Bạn có nghĩ rằng mình có thể trở thành một nữ hoàng?” (Đa số câu trả lời đều thể hiện sự tự ti về ngoại hình, trình độ của bản thân họ). Tiếp theo đó, những người này sẽ được mời đến cửa hàng Burger King vào đúng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, nơi Nữ hoàng Burger sẽ được tiết lộ. Kết quả là mỗi người tham gia đã được tặng những hộp bánh burger có lắp gương ở mặt dưới, cho thấy hình ảnh phản chiếu của chính họ là Burger Queen.



Whopper Neutrality (2018)


Cùng năm đó, “gã khổng lồ” ngành fast-food đã tung ra một PSA (Quảng cáo dịch vụ công cộng) để định nghĩa về tính trung lập của internet - thuật ngữ ám chỉ tất cả các lưu lượng truy cập mạng phải được đối xử một cách công bằng và không phân biệt. Trong thời gian triển khai chiến dịch, khách hàng nào muốn nhận được món ăn nhanh hơn thì họ sẽ phải trả nhiều tiền hơn. Nếu có người cảm thấy vô lý và tỏ ra phẫn nộ, ngay lúc này nhân viên của Burger King sẽ giải thích cho họ rằng đây chính là cảm giác khi Internet trung lập bị vi phạm.



Ngọc Anh / Advertising Vietnam

Theo The Drum