Quảng bá sai sự thật đã là một vấn đề nguy hiểm. Nhưng quảng cáo sai trong ngành hàng dược phẩm, chăm sóc sức khoẻ thậm chí còn gây ra những nguy hại nghiêm trọng hơn vì liên quan trực tiếp tới sức khoẻ người dùng. 


Thật giả lẫn lộn 


Hai năm trở lại đây, nhiều người dùng Internet tại Việt Nam cho rằng họ bị “tra tấn” bởi những video quảng cáo “nhà tôi 3 đời trị bệnh…” trên một nền tảng mạng xã hội video. Các video quảng cáo đều mang chung thông điệp khẳng định thuốc của công ty có hiệu quả trong việc chữa dứt điểm bệnh xương khớp, sỏi thận, gan,... Tuy nhiên họ vẫn không đưa ra bằng chứng nào về sự khẳng định trên, thậm chí các video này còn được cắt ghép dựng một cách công phu với dàn diễn viên trong vai “bác sĩ” hoặc người đã trị khỏi bệnh để tư vấn cho người tiêu dùng. 


Cũng trong năm 2021, một số người nổi tiếng tại Việt Nam đã phải lên tiếng xin lỗi công khai vì quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không đúng sự thật, thậm chí có nhiều trường hợp đã bị cơ quan chức năng “tuýt còi”. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng đã khuyến cáo người dân không mua, sử dụng sản phẩm vi phạm và báo cáo với cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm. 



Theo Luật sư (LS) Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco, những quảng cáo sai phạm này thường có thể hiểu là “Hành vi đưa ra các thông tin gian dối, đưa thông tin không đúng về hàng hóa, dịch vụ; gây nhầm lẫn cho khách hàng, trái với quy định của pháp luật về quảng cáo”. Anh cũng cho biết có 3 kiểu sai sự thật trong về thông tin hàng hoá: Một là, hàng xấu, kém chất lượng nhưng lại nói rằng đó là hàng tốt, chất lượng cao. Hai là, nói xấu hàng hóa của doanh nghiệp khác để làm nền quảng cáo cho hàng hóa của mình. Ba là, quảng cáo không đúng công dụng của hàng hóa đang kinh doanh được đưa ra thị trường.



Riêng với ngành hàng dược phẩm và chăm sóc sức khoẻ, một sai phạm về thông tin trong quảng cáo có thể gây ra những nguy hiểm không lường được. Tháng 3/2021, các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương đã cảnh báo nhiều bệnh nhi được gia đình bỏ qua điều trị và sử dụng thuốc nam khiến không ít trường hợp phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Trung bình một tháng, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân nhập viện vì tự ý sử dụng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc. Nhiều bệnh nhân đến khám ngay lập tức phải nhập viện điều trị vì men gan tăng, vàng da, vàng mắt và đặc biệt có bệnh nhân suýt ngừng tim. Những bệnh nhân này được cho là đã tự đẩy mình vào tình thế nguy hiểm khi trót tin những quảng cáo "sai lệch" nhắc trên.  


Quảng cáo sai sự thật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự


Theo Luật sư Hà Huy Phong, phần lớn những trường hợp vi phạm nói trên đều xuất phát từ 4 nguyên nhân chính sau. 


Thứ nhất, do nhận thức của người cung cấp dịch vụ quảng cáo và của người khởi tạo nội dung quảng cáo. Có trường hợp đã biết rõ quy định của pháp luật nhưng vẫn bất chấp, cố tình bỏ qua và không tuân thủ quy định của pháp luật. Nhưng cũng có trường hợp không nhận thức đầy đủ, thiếu hiểu biết quy định pháp luật về quảng cáo.


Thứ hai, do sự xuất hiện của quá nhiều hình thức và phương tiện quảng cáo trực tuyến và phi trực tuyến dẫn đến người quảng cáo không thể nắm rõ quy định pháp luật nào sẽ được áp dụng. Đặc biệt, là sự nở rộ của các phương tiện quảng cáo do các mạng xã hội ở nước ngoài cung cấp, người quảng cáo rất khó nhận biết cách thức đăng ký, xin cấp phép thế nào cho đúng pháp luật.



Thứ ba, luật quảng cáo ra đời năm 2012, bắt đầu có hiệu lực thi hành từ năm 2013. Trong khi đó, bối cảnh quảng cáo cho tới thời điểm này đã có nhiều thay đổi (nhiều nền tảng quảng cáo ra đời, hình thức tiếp thị quảng bá mới,...) nên chưa thể kiểm soát toàn diện. 


Thứ tư, vì có quá nhiều trường hợp vi phạm đã vô khiến nhiều người “nhờn” luật hoặc khiến họ phân biệt rõ đâu là quảng cáo đúng và đâu là quảng cáo sai phạm.


Dù là vì lí do gì, các trường hợp quảng cáo sai sự thật đều phải chịu xử phạt theo luật pháp Việt Nam. Luật sư Hà Huy Phong cho biết, tùy theo tính chất mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Những hình phạt thông thường là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ, cấm hành nghề đảm nhiệm hoặc hành nghề một công việc nhất định và các biện pháp khắc phục hậu quả khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi vi phạm. Các mức phạt hành chính hiện hành bao gồm: Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng, bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.


Nên có tiêu chuẩn kiểm duyệt cao hơn đối với quảng cáo dược phẩm, chăm sóc sức khoẻ


Trừ những ca “khó trị" như doanh nghiệp cố ý thông tin sai sự thật để sinh lời, các trường hợp sai phạm vì chưa hiểu luật quảng cáo, gặp sai sót trong quá trình thực hiện chiến dịch đều có giải pháp khắc phục. 


Theo Luật sư Hà Huy Phong, để hạn chế tối đa những sai sót, các doanh nghiệp tốt nhất cần tìm hiểu về các quy định hiện hành của Luật quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành trước khi thực hiện các chiến dịch. “Trong trường hợp cần thiết thì nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia về pháp lý để hạn chế thấp nhất các sai phạm và rủi ro pháp lý”, Luật sư Hà Huy Phong nói. Ngoài ra, luật sư cũng cho rằng các marketer cần bám sát quy trình cấp phép quảng cáo chuẩn, bao gồm 5 bước.





Bước 1: Xác định loại hình quảng cáo. Mỗi loại hình quảng cáo sẽ yêu cầu những hồ sơ khác nhau. Để giúp cá nhân, tổ chức chuẩn bị đúng hồ sơ, tài liệu.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu xin cấp phép quảng cáo. Các doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo cho sản phẩm hoặc dịch vụ mình cung cấp sẽ nộp hồ sơ xin cấp phép quảng cáo cho Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Bước 3: Nộp hồ sơ cấp phép quảng cáo đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Bước 4: Cấp phép quảng cáo. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ thẩm định hồ sơ và cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo sau khi thẩm định hồ sơ và xác nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

Bước 5: Chi phí và thời hạn. Chi phí và thời hạn hiệu lực của giấy phép quảng cáo sẽ phụ thuộc vào từng sản phẩm quảng cáo khác nhau.


Còn đối với các trường hợp quảng cáo đã xuất bản nhưng bị phát hiện sai phạm, doanh nghiệp có thể xử lý theo những bước sau đây:



Các quảng cáo sai sự thật về dược phẩm, phương pháp chữa trị, chăm sóc sức khoẻ đều có thể gây ra hệ luỵ không lường trước. Chính vì vậy, các marketer nên thận trọng khi đề cập đến các phương pháp điều trị, thuốc, dược phẩm,... để thể hiện tính trách nhiệm của quảng cáo với cộng đồng. 


Hằng Trần