Nếu được áp dụng đúng cách, mô hình 3H có thể tối ưu hóa chi phí và nguồn lực của doanh nghiệp, giúp content của bạn tiếp cận người dung một cách hiệu quả hơn. 


Hiện nay, nhiều công ty thường tập trung toàn bộ nguồn lực của mình để xây dựng nội dung cho thương hiệu thật sáng tạo, ấn tượng và có tính lan truyền mạnh mẽ. Tuy nhiên, từ vị trí của khách hàng, không phải content nào cũng thu hút và nhanh chóng đưa họ đến với quyết định mua sản phẩm. Việc đầu tư quá nhiều vào những dạng content viral nhưng không đưa ra chiến lược rõ ràng để định hình và duy trì độ phủ có thể khiến ngân sách của công ty bị tổn hại nặng nề. Vì vậy, doanh nghiệp cần một chiến lược nội dung phù hợp, có tính khả thi và đảm bảo hiệu quả để giúp thương hiệu xây dựng hình ảnh trong tâm trí người tiêu dùng.


Câu hỏi đặt ra: Làm thế nào để xây dựng chiến lược nội dung giúp thương hiệu khẳng định vị trí với những sản phẩm sáng tạo của mình?


Trên thực tế, các công ty lớn trên thế giới đã tìm ra câu trả lời vô cùng thiết thực cho bài toán nói trên bằng mô hình 3H. Ở Việt Nam, mô hình này cũng đã được áp dụng triệt để bởi hai thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam là Bitis và Vinamilk để xây dựng chiến lược nội dung thành công.  


Vậy, mô hình 3H là gì?

Vào năm 2015, Google đã xuất bản ebook mang tựa đề “YouTube Creator Playbook for Brands”. Trong cuốn ebook này, Google giới thiệu đến người đọc mô hình 3H, với ba chữ H lần lượt đại diện cho ba loại chiến lược nội dung quan trọng như sau:


Chữ H đầu tiên - Hero:

Đúng với tên gọi của nó, Hero Content là “người hùng” mang trọng trách lớn lao là đưa những nội dung của thương hiệu đến với nhiều đối tượng khách hàng nhất có thể.

Cách nhận diện:

-       Quy mô tiếp cận lớn

-       Thông điệp cô đọng, súc tích, dễ lan truyền

-       Thu hút đông đảo người xem

-       Xây dựng và nâng cao nhận thức về thương hiệu trong thời gian ngắn.

-       Thường được sáng tạo dưới dạng Viral Video

-       Có thể liên quan đến một vấn đề đang nổi cộm trong xã hội ở thời điểm hiện tại hoặc một sự kiện lớn trong năm


Ví dụ: “Đi để trở về” (Biti’s Hunter); “Nâng tầm cuộc sống, vững vàng tương lai” (Unilever); “Chuyện cũ bỏ qua – Tết Mirinda, Tết cười thả ga” (Mirinda),…


Chiến dịch "Đi để trở về" nổi tiếng của Biti's. Nguồn ảnh: Kênh YouTube 1989s Entertainment


Chiến dịch "Chuyện cũ bỏ qua" đầy ý nghĩa của Mirinda. Nguồn ảnh: Kênh YouTube BÍCH PHƯƠNG


Chiến dịch "Nâng tầm cuộc sống - Vững vàng tương lai" kỉ niệm 25 năm của Unilever. Nguồn ảnh: Unilever Việt Nam


Đa số các công ty thường tập trung vào Hero content mà quên mất rằng: Xét về quy mô tiếp cận và nguồn lực khổng lồ mà Hero content đòi hỏi, nếu chỉ đầu tư vào loại content này thì sẽ tiêu tốn nhiều chi phí hơn họ định ra nhưng khả năng củng cố vị trí của thương hiệu vẫn không cao. Lẽ đương nhiên, khó có doanh nghiệp nào đủ tiềm lực tài chính chỉ để dồn hết cho việc thực hiện nhiều chiến dịch quảng cáo hoành tráng trong năm. Thế nên, chúng ta sẽ cần đến hai chữ H còn lại của mô hình này – Hub và Hygiene.


Chữ H thứ hai - Hub:

Hub content đóng vai trò tối quan trọng trong việc duy trì tần suất tiếp cận của content với những đối tượng mà công ty đang muốn hướng đến. Như những cô cậu tuổi teen đang cố tình gây sự chú ý với “crush”, Hub content liên tục xuất hiện trên mọi nền tảng mạng xã hội mà khách hàng của bạn đang sử dụng hàng ngày. Một khi nhóm khách hàng mục tiêu đã quen dần với sự hiện diện của Hub content, họ sẽ luôn dành thời gian để trông đợi được xem nhiều hơn từ thương hiệu. Quan trọng hơn cả, những người đã từng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của công ty cũng sẽ được Hub content “nhắc nhẹ” để tiếp tục quay lại mua hàng.


Cách nhận diện:

-       Nhắm đến một phân khúc khách hàng cực kì cụ thể

-       Được đăng tải với tần suất đều đặn, định kỳ (hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng…)

-       Thường xuyên xuất hiện trên những nền tảng mà khách hàng sử dụng hàng ngày, kích thích họ mua hàng và tiếp tục thu hút họ trở lại để mua nhiều hàng hơn.


Ví dụ: Các bài đăng liên quan đến sản phẩm của Vinamilk như “Vũ điệu bụng khỏe đón năm mới cùng Probi”; “Bộ ba Sữa Hạt Vinamilk”; “Sữa chua cốm Vinamilk Love Yogurt”; “Đón Tết an khang cùng sữa tươi Vinamilk chứa tổ yến” đã được đăng tải cách tuần, mỗi ngày hoặc thậm chí là nhiều lần trong ngày rất đều đặn, với mục đích củng cố duy trì mức độ nhận diện của khách hàng về sản phẩm.


Bài quảng cáo sản phẩm sữa chua Probi đăng ngày 15/1/2021 trên Fanpage của Vinamilk


Bài đăng quảng cáo sản phẩm sữa hạt ngày 22/1/2021 trên Fanpage của Vinamilk


Bài đăng quảng cáo sản phẩm Sữa chua Cốm ngày 22/1/2021 trên Fanpage của Vinamilk


Một khi đã có Hero content và Hub content, doanh nghiệp có thể tạm yên tâm rằng họ độ phủ của họ sẽ được duy trì ở mức ổn định hơn. Nhưng liệu content mà doanh nghiệp đang sáng tạo có thực sự là những gì mà người tiêu dùng đang tìm kiếm? Làm sao để đi sâu vào nhận thức của những khách hàng tiềm năng? Đó là khi doanh nghiệp cần phát huy thế mạnh của họ với chữ H thứ ba – Hygiene content.


Chữ H thứ ba - Hygiene (hay còn gọi là Help):

Hygiene content có thể được định nghĩa là những câu trả lời mà khách hàng của bạn đang muốn khám phá trên các công cụ tìm kiếm. Như những người bạn đáng tin cậy, Hygiene content thường xuất hiện để giúp người dùng giải đáp thắc mắc xoay quanh các vấn đề của họ. Nếu doanh nghiệp của bạn có thể sử dụng những kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn để hỗ trợ khách hàng, đừng ngần ngại bắt đầu xây dựng Hygiene content trước khi đối thủ cạnh tranh làm điều đó nhé!


Cách nhận diện:

-       Mang đến những nội dung có thể trả lời các câu hỏi mà khách hàng thường đặt ra

-       Các dạng bài cung cấp mẹo vặt, hướng dẫn sử dụng,…

-       Có chứa những “từ khóa” mà khách hàng đang quan tâm trên các công cụ tìm kiếm

-       Thường được sáng tạo dưới dạng bài viết SEO, blog, video thuộc chủ đề FAQ (các câu hỏi thường gặp),…


Ví dụ:

Những bài viết cung cấp kiến thức, thông tin cho người tiêu dùng về sản phẩm của Vinamilk như “Bí quyết chọn sữa mát giúp tiêu hóa và hấp thu tốt cho bé yêu”; “Đạm Whey – Loại đạm tối ưu cho sự phát triển đầu đời của trẻ nhỏ”; “Bật mí tuyệt chiêu ‘chọn mặt gửi vàng’ khi mua thực phẩm Organic” thường được đánh giá cao.


Bài viết hướng dẫn chọn sữa mát trên website của Vinamilk


Bài viết hướng dẫn lựa chọn thực phẩm Organic trên website của Vinamilk


Một khi các khách hàng tiềm năng tìm kiếm các từ khóa liên quan đến “thực phẩm Organic”, “bí quyết chọn sữa”, khả năng cao họ sẽ nhìn thấy những bài viết của Vinamilk và nhanh chóng tiếp cận với thương hiệu.


Nếu khách hàng tiềm năng lên Google và tìm kiếm về "bí quyết chọn sữa", Hygiene content của Vinamilk sẽ hiển thị trong các kết quả tìm kiếm.


Vì sao doanh nghiệp Việt nên sử dụng mô hình 3H trong quá trình xây dựng chiến lược nội dung?


1.   Định hướng rõ ràng cho việc phân bổ các loại nội dung

Mỗi chiến lược nội dung trong mô hình 3H đảm nhận vai trò giúp doanh nghiệp kết nối với những đối tượng khách hàng khác nhau với tần suất và “độ phủ” cũng rất đa dạng. Từ đó, các sản phẩm sáng tạo sẽ được phân loại theo từng mục đích cụ thể hơn, khả năng tiếp cận cũng được phát huy triệt để và hiệu quả hơn.


2.   Tiết kiệm thời gian, tiền bạc

Với mô hình 3H, ngân sách của công ty cũng sẽ được phân chia cho các chiến lược nội dung đồng đều hơn. Nhờ vậy, nếu chẳng may các chiến dịch lớn trong năm không đạt được kết quả như kỳ vọng, độ phủ của thương hiệu vẫn được duy trì ổn định trên mọi nền tảng mạng xã hội hoặc các kênh truyền thông, tránh lãng phí so với việc chỉ tập trung vào một loại content duy nhất. Đồng thời, việc đầu tư cho cả ba loại hình nội dung Hero, Hub và Hygiene cũng đảm bảo việc xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp được thực hiện xuyên suốt và liên tục trong một khoảng thời gian dài. Các công ty không nhất thiết phải đợi khi một sự kiện lớn trong năm xuất hiện mới bắt đầu gầy dựng tiếng tăm. Họ có thể tranh thủ gia tăng mức độ nhận diện trong những thời điểm khác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc cũng như đỡ tiêu tốn thời gian chờ đợi rất nhiều.


3.   Tính linh hoạt

Mô hình 3H không giới hạn về nguồn lực, tài chính hay có bất kỳ nguyên tắc nào cần phải cân nhắc cả. Mọi doanh nghiệp, từ start-ups, hay các công ty vừa và nhỏ cho đến những tập đoàn lớn, đều có thể áp dụng mô hình này vào chiến lược nội dung. Mỗi công ty đều có thể điều chỉnh tần suất đăng bài hay lên kế hoạch, ý tưởng sao cho phù hợp với mục tiêu và phong cách sáng tạo riêng.

 

Mô hình 3H có thực sự hiệu quả?

Như đã đề cập ở trên, Vinamilk đã áp dụng mô hình 3H vào chiến lược nội dung và thành công ngoài sức tưởng tượng. Dù năm 2020 vừa qua có rất nhiều biến động do đại dịch COVID-19, tổng doanh thu thuần của Vinamilk và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 42.277 tỷ đồng và 8.967 tỷ đồng, tăng lần lượt 7,4% và 7,0% so với 9 tháng đầu năm 2019. Trên thực tế, Vinamilk đã từng bước sử dụng các chiến lược nội dung của mô hình 3H từ năm 2016. Một ví dụ khác cũng rất nổi tiếng đó chính là Biti’s với chiến dịch "Biti's Hunter Street - Proudly Made in Vietnam" đạt 2 giải Đồng ở hạng mục Southeast Asia PR Campaign of the Year và Brand Development (Product). Trong năm qua, Bitis cũng đẩy mạnh độ phủ của mình với nhiều loạt bài đăng trên mạng xã hội quảng cáo sản phẩm mỗi ngày (Hub content) và những bài viết trên website, Facebook hướng dẫn chọn size giày Biti’s Hunter.


Tạm kết

Đúc kết lại, mô hình 3H là một trong những trợ thủ đắc lực giúp doanh nghiệp phát triển toàn diện chiến lược nội dung với Hero – mang đến sức ảnh hưởng lớn cho thương hiệu, Hub – duy trì mức độ lan truyền, phủ sóng và Hygiene – dẫn dắt, xây dựng niềm tin nơi khách hàng. Bằng việc áp dụng mô hình 3H vào kế hoạch phân bổ content marketing, các sản phẩm sáng tạo của doanh nghiệp sẽ phát huy thế mạnh một cách toàn diện hơn, hoàn thành những mục tiêu cụ thể đối với từng sản phẩm hoặc dịch vụ. Từ đây, các công ty không chỉ dễ dàng tiếp cận với nhiều đối tượng người dùng khác nhau mà còn củng cố vị trí trong lòng khách hàng và khẳng định vị thế trên thị trường. Thực tế chứng minh những thương hiệu hàng đầu của Việt Nam như Vinamilk và Biti’s đã thu được những kết quả rất ấn tượng bằng việc sử dụng mô hình 3H. Vì vậy, đây hứa hẹn sẽ là “vũ khí tối thượng” mà các công ty không nên bỏ qua để hoàn thiện chiến lược nội dung và góp phần giúp doanh thu tăng trưởng trong tương lai.  


Hà Phương