I. Dự đoán xu hướng ngành F&B năm 2023


Trước khi khám phá các mô hình kinh doanh hiệu quả cho ngành F&B, hãy cùng Ori điểm qua một vài xu hướng tiêu dùng tại thị trường Việt Nam năm 2023


1. Ưu tiên sản phẩm tốt cho sức khỏe


Báo cáo của Mintel chỉ ra rằng phần lớn người tiêu dùng đang có xu hướng ưu tiên chi tiền nhiều hơn với các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống cần có kế hoạch bổ sung thêm các sản phẩm có thành phần tự nhiên, hữu cơ, giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe.


2. Nguyên liệu chứng minh được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng


Trong khi tìm kiếm thực phẩm tốt cho cơ thể, người tiêu dùng cũng muốn biết chính xác nguồn gốc xuất xứ của chúng. Cũng theo báo cáo của Mintel, 73% người tiêu dùng trên toàn cầu cho biết họ có thiện cảm với những nhãn hàng công khai minh bạch về nguồn gốc nguyên liệu cũng như cách chúng được tạo ra.


3. Plant-based diet - Chế độ ăn giàu thực vật được ưa chuộng


Theo báo cáo mới nhất của ADM năm 2023, hơn một nửa người tiêu dùng toàn cầu cho biết họ là người ăn uống linh hoạt (flexitarians). Hiểu đơn giản, họ đang áp dụng chế độ ăn tập trung nhiều hơn vào các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật và hạn chế đồ ăn có nguồn gốc từ động vật.


4. Thanh toán không dùng tiền mặt


Sự phát triển của công nghệ thông tin cũng như các thiết bị điện tử cùng với tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng, hành vi thanh toán của người của người tiêu dùng đã thay đổi. Hiện nay, khách hàng đã quen thuộc và chuộng các phương thức thanh không tiền mặt như: chuyển khoản, quét QR code vì sự tiện lợi, nhanh chóng. Vì vậy, nhiều nhà hàng, quán ăn từ sang trọng đến bình dân đã nhanh chóng áp dụng hình thức này để giữ chân khách hàng.


5. Dịch vụ giao hàng phát triển mạnh


Ảnh hưởng từ chính sách giãn cách kéo dài do đại dịch Covid, dịch vụ giao hàng tận nhà đang và sẽ là xu hướng phát triển của ngành F&B. Theo báo cáo của Q&Me, 75% người tiêu dùng Việt đã quen với việc sử dụng dịch vụ giao thức ăn. Do vậy, giờ đây, bên cạnh tập trung vào trải nghiệm ăn uống, không gian ẩm thực, doanh nghiệp F&B nên phát triển dịch vụ giao hàng tận nhà.


6. Bảo vệ môi trường được đề cao


Bảo vệ môi trường không phải là xu hướng mới nhưng vẫn sẽ luôn là vấn đề mà mọi doanh nghiệp cần quan tâm đặc biệt là ngành F&B. Bởi người tiêu dùng ngày càng quan tâm và ý thức nhiều hơn với các vấn đề môi trường, phát triển bền vững. Thực tế, nhiều thương hiệu lớn như Coca Cola với những sáng kiến tạo ra bao bì tái chế đã nhận được sự ủng hộ và quan tâm của người tiêu dùng.


II. Những mô hình kinh doanh F&B dự đoán sẽ là trào lưu năm 2023


1. Mô hình nhượng quyền


Kinh doanh mô hình nhượng quyền là xu hướng đang được đánh giá là có tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Doanh nghiệp khi lựa chọn mô hình này sẽ có lợi thế về nguồn nhân lực và giải quyết được các bài toán về nghiên cứu, quản lý, vận hành ngay từ đầu. Bên nhận quyền còn có thể tiết kiệm vốn đầu tư ban đầu và nhận lại doanh thu trong thời gian ngắn.


Một số cái tên điển hình áp dụng mô hình kinh này có thể kể đến như McDonald, Highland Coffee, KFC,...


2. Mô hình Take Away


Mô hình Take Away là mô hình kinh doanh quán ăn, đồ uống với diện tích nhỏ và chỉ bán mang đi. Cụ thể mô hình này có thể triển khai dưới dạng cửa hàng mini, xe đẩy, kiosk độc lập ngoài đường, kiosk tích hợp trong các khu trung thương mại,..


Ưu điểm của mô hình này là vận hành tinh gọn, tiết kiệm chi phí mặt bằng và nhân sự bán hàng. Địa điểm để triển khai mô hình này thường được đặt ở những vị trí “đắc địa” có mật độ người qua lại cao. Do đó, mô hình này dễ dàng tiếp cận, hấp dẫn khách hàng và giúp tăng độ nhận diện cho thương hiệu.


Mô hình này đặc biệt “nở rộ” trong giai đoạn giãn cách xã hội, được nhiều doanh nghiệp sử dụng như một chiếc phao cứu sinh để “sống sót”. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Take Away ngày càng xuất hiện nhiều tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Một ví dụ điển hình của mô hình này phải kể đến The Coffee House với các cửa hàng mini được triển khai dưới hình thức xe đẩy, kiosk ngoài đường, kiosk tích hợp với KingfoodMart. Rồi một số cái tên khác phải kể đến như Ông Bầu Coffee, Highland,...


Việc các thương hiệu nổi tiếng ngành F&B liên tục triển các gian hàng kiosk là minh chứng cho thấy mô hình này không phải giải pháp nhất thời mà đã trở thành xu hướng tất yếu trước sự thay đổi của thị trường. Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho tới những doanh nghiệp lớn hay cả những hộ kinh doanh gia đình cũng đều có thể áp dụng mô hình này.


3. Mô hình Tự phục vụ (Self Service)


Trong những năm trở lại đây, mô hình kinh doanh tự phục vụ đã “lên ngôi” và đang dần thay thế mô hình phục vụ tại bàn truyền thống. Cụ thể, khách hàng sẽ tự gọi món tại quầy, thanh toán, nhận thức ăn và tự mang đồ ăn ra tới bàn ăn của mình. Một cái tên điển hình đã áp dụng hình thức kinh doanh này thành công là chuỗi cửa hàng Circle K. Hay hiện nay, nhiều nhãn hàng đang tận dụng công nghệ và các thiết bị điện tử để hỗ trợ khách hàng trong quá trình gọi món, thanh toán và nhận đồ. KFC, Jollibee, Highlands Coffee, Starbuck,... là những hàng đồ ăn, đồ uống nổi tiếng đang áp dụng thành công hình thức này.


Khi áp dụng mô hình này, doanh nghiệp có thể cắt giảm được phần lớn chi phí nhân viên làm các công việc như order, lên đồ cho khách,... Bên cạnh đó, mô hình kinh doanh này còn giúp gia tăng và đổi mới trải nghiệm khách hàng khi đến và dùng bữa. Bởi khách hàng có thể chủ động trong mọi thứ từ lựa chọn đồ ăn đến cách phục vụ cho riêng mình.


4. Mô hình All-in-shop hay 1-stop-solution


All-in-shop hay 1-stop-solution là mô hình kinh doanh gồm nhiều tiện ích khác nhau được quy tụ trong một điểm nhất định. Cụ thể, các tiện ích này thường liên quan đến nhau, đáp ứng nhu cầu cấp thiết để kích thích khách hàng mua sắm nhiều hơn. Đây được coi là xu hướng mua sắm hiện đại nên đối tượng khách hàng mục tiêu chủ yếu là dân công sở và các bạn trẻ.


Cuối năm 2022, Masan đã đưa vào hoạt động mô hình bán lẻ tiện ích CVLife (Convenience Life) với tên gọi Fresh & Chill. Ngoài các sản phẩm FMCG, sản phẩm thịt tươi, thực phẩm sơ chế và chế biến sẵn, Fresh & Chill còn tích hợp thêm kiosk Phúc Long phục vụ đồ uống, quầy thuốc Phano và dịch vụ ngân hàng Techcombank. Mô hình này nhanh chóng thu hút sự chú ý của khách hàng bởi sự tiện lợi, nhanh chóng và hiện đại.


5. Mô hình One-stop Dining


One-Stop Dining là mô hình kinh doanh nhà hàng Cafe. Cụ thể, doanh nghiệp kinh doanh mô hình này sẽ cung cấp và phục vụ khách hàng món mặn, món ngọt cũng như đồ uống tại một địa điểm. Với ưu điểm tiện lợi, tiết kiệm thời gian di chuyển, mô hình này giúp giữ chân khách hàng lâu hơn đồng thời kích thích họ chi tiền nhiều hơn.


Tại Việt Nam, nhu cầu trải nghiệm ẩm thực và giả trí của người dân ngày càng cao. Ngoài mong muốn tìm kiếm một địa chỉ phục vụ đồ ăn chất lượng, khách hàng còn muốn một không gian đủ thoải mái để trò chuyện, tâm sự với người thân, bạn bè như như tại quán cafe. Trong khi đó, phần lớn nhà hàng chỉ tập trung phát triển không gian, đồ ăn chứ không thực sự đầu tư phát triển đồ uống. Ngược lại các quán cafe thì chỉ chú trọng vào cải thiện đồ uống mà “bỏ quên” các món ăn mặn hay tráng miệng. Trước thực trạng như vậy, Nhà hàng Cafe là mô hình kinh doanh có tiềm năng phát triển vô cùng lớn.


6. Mô hình Từ nông trại đến bàn ăn (Farm to Table)


Như đã đề cập ở phần đầu, người tiêu dùng ngày nay đặc biệt quan tâm đến các thực phẩm có tốt cho sức khỏe, có nguồn gốc rõ ràng và thân thiện với môi trường. Do đó, mô hình Farm to Table được nhiều doanh nghiệp F&B theo đuổi ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.


Ví dụ thành công điển hình cho mô hình kinh doanh này là Pizza 4P’s. Cụ thể Pizza 4P’s hợp tác với trang trại Thiên Sinh ở Lâm Đồng để triển khai khai mô hình nuôi trồng khép kín bằng phương pháp hữu cơ. Nhờ vậy mà thương hiệu pizza này luôn tự tin để ghi điểm trong mắt khách hàng bằng chất lượng món ăn cũng như nguồn gốc nguyên liệu an toàn. Ngoài ra, một số cái tên khác phải kể đến như The Coffee House, Trung Nguyên Coffee,... với những câu chuyện về nguồn gốc hạt cafe, quy trình ra đời của một tách cafe.


7. Mô hình hai chiều giữa phân phối thực phẩm và dịch vụ F&B


Đây có lẽ là mô hình được coi là “lạ nhất” trong các hình thức kinh doanh F&B kể trên. Hiểu đơn giản, ở chiều thứ nhất, các doanh nghiệp dịch vụ F&B sẽ tích hợp mô hình sản xuất và phân phối thực phẩm với định hướng kinh doanh lâu dài, an toàn. Còn ở chiều ngược lại, các công ty sản xuất và phân phối thực phẩm sẽ tích hợp mô hình dịch vụ F&B để tự tạo đầu ra.


Để hiểu rõ hơn, hãy tham khảo mô hình kinh doanh của Pizza 4P’s. Ngoài phục vụ các món ăn chủ đạo tại quán, thương hiệu này còn cung cấp phô mai cho Horeca và số chuỗi siêu thị mini khác. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid bùng phát, nhãn hàng này đã có những ý tưởng kinh doanh đột phá với các sản phẩm pizza đông lạnh.


Hy vọng bài viết sẽ giúp các doanh nghiệp, những chủ quán trẻ mong muốn chinh phục ngành F&B năm 2023 có thêm nhiều kiến thức, ý tưởng kinh doanh đột phá, mới mẻ.


Nguồn: Ori Marketing Agency