Bên cạnh các mạng xã hội phổ biến hiện nay, Google Maps đang dần trở thành một nền tảng được người dùng sử dụng để tìm kiếm thông tin về địa chỉ, số điện thoại, giờ mở cửa và đánh giá của các doanh nghiệp trong khu vực lân cận. Do đó, đây cũng chính là một kênh truyền thông mà các doanh nghiệp không thể bỏ qua để có thể tiếp cận khách hàng địa phương một cách hiệu quả.


Một trong những lợi ích lớn nhất của Google Maps Marketing là tiếp cận khách hàng tiềm năng một cách dễ dàng. Khi khách hàng tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến khu vực của thương hiệu trên Google Maps, thông tin về doanh nghiệp sẽ xuất hiện trong kết quả tìm kiếm. Điều này sẽ giúp tăng cơ hội cho doanh nghiệp được tìm thấy và thu hút khách hàng mới. Ngoài ra, việc sử dụng chiến thuật marketing này cũng giúp cải thiện vị trí và sự xuất hiện của thông tin doanh nghiệp trên Google Maps. Nếu thông tin doanh nghiệp được hiển thị nổi bật hơn trong kết quả tìm kiếm, khách hàng sẽ dễ dàng tìm thấy và tiếp cận với doanh nghiệp hơn.


Với những lợi ích trên, Google Maps marketing là một phương tiện hiệu quả để quảng bá và phát triển doanh nghiệp tại địa phương. Chính vì vậy, nếu thương hiệu muốn thu hút thêm khách hàng mới và nâng cao doanh số kinh doanh, hãy cân nhắc 8 chiến lược Google Maps marketing dưới đây để tăng cường sự hiện diện của doanh nghiệp trên Internet:


1. Tạo hoặc cập nhật Hồ sơ doanh nghiệp 


Bước đầu tiên để triển khai chiến lược Google Maps Marketing là tạo hoặc cập nhật thông tin của doanh nghiệp trên Google Business Profile (GBP). GBP là một công cụ miễn phí cho phép quản lý thông tin doanh nghiệp trên Google. Thông tin chi tiết trong GBP còn giúp khách hàng có thể đưa ra quyết định mua hàng thông minh hơn. Thông tin của Business Profile sẽ hiển thị trên Google Maps, trong mục "Local Pack" và "Local Finder". Người dùng có thể nhấn vào phần tóm tắt để xem thêm thông tin về doanh nghiệp. 



Việc tạo hoặc cập nhật đầy đủ và chi tiết thông tin trong GBP sẽ giúp doanh nghiệp xếp hạng tốt hơn trong kết quả tìm kiếm trên Google Maps vì khi đó Google có thể hiểu rõ hơn về doanh nghiệp và đưa ra kết quả phù hợp với các tìm kiếm liên quan. Cụ thể, thông tin cần cung cấp cho Business Profile bao gồm: tên doanh nghiệp, danh mục sản phẩm/dịch vụ, địa chỉ và vị trí trên bản đồ, khu vực phục vụ, giờ làm việc, số điện thoại, trang web, hình ảnh, mô tả doanh nghiệp, thời gian mở cửa, thông tin về sản phẩm/dịch vụ và thực đơn (đối với doanh nghiệp ẩm thực), giờ check-in và check-out (đối với khách sạn) và thông tin bảo hiểm sức khỏe (đối với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Mỹ). Sau khi đã tối ưu hóa Business Profile, đừng quên cập nhật thông tin thường xuyên để đảm bảo rằng thông tin luôn chính xác và đầy đủ trên Google Maps.


2. Thu hút cộng đồng địa phương thông qua các bài đăng


Bước thứ hai trong chiến lược Google Maps marketing là sử dụng tính năng đăng bài viết trên Google Business Profile (GBP) để tương tác với cộng đồng địa phương. Tính năng này cho phép doanh nghiệp chia sẻ thông tin cập nhật, sự kiện và khuyến mãi để thu hút nhiều người đến thăm cửa hàng.



Để bắt đầu, marketer có thể truy cập GBP và chọn doanh nghiệp. Sau đó, nhấp vào nút "Thêm bài viết" và chọn loại bài viết. Marketer có thể thêm ảnh và video để làm cho bài viết thu hút với thông tin hữu ích và giá trị. Sau khi điền đầy đủ thông tin, marketer có thể xem trước nội dung bằng cách nhấp vào nút "Xem trước". Nếu hài lòng với bài viết của mình, hãy nhấp vào nút "Đăng bài". Ngoài ra, các thương hiệu có thể sử dụng các công cụ quản lý để lên lịch đăng bài cho chiến dịch marketing.


Một số lưu ý khi sử dụng tính năng đăng bài trên GBP là hãy đảm bảo rằng nội dung đủ tiêu chuẩn để thu hút khách hàng và chú ý đến việc kiểm tra chính tả. Thương hiệu cũng nên thường xuyên kiểm tra các bài viết để giữ cho thông tin luôn được cập nhật và chính xác. Ngoài ra, kết nối tài khoản mạng xã hội với GBP sẽ giúp quản lý bài viết một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.


3. Kiểm tra, cập nhật thông tin của doanh nghiệp trên các website địa phương


Bước thứ ba trong chiến lược Google Maps marketing là "Clean Up Local Listings". Bước này được hiểu là việc kiểm tra và cập nhật thông tin về tên, địa chỉ và số điện thoại của doanh nghiệp trên các trang web địa phương. Việc này nhằm đảm bảo rằng thông tin của doanh nghiệp trên các trang web này là chính xác và nhất quán, giúp tăng tính khả thi của thông tin địa điểm trên Google Maps.



Trong bước này, doanh nghiệp cần kiểm tra các thông tin của doanh nghiệp trên các trang danh bạ địa phương (local listings) để đảm bảo tính nhất quán về tên doanh nghiệp, địa chỉ và số điện thoại (Name, Address, Phone number; gọi tắt là NAP). Những trang danh mục địa phương được Google sử dụng để kiểm tra tính chính xác của thông tin về doanh nghiệp. Nếu thông tin của doanh nghiệp không được xác thực, Google sẽ ít có khả năng hiển thị cho người dùng. Vì vậy, việc đảm bảo tính nhất quán về thông tin trên các trang danh mục địa phương là rất quan trọng, đặc biệt là khi liên quan đến thông tin quan trọng đối với khách hàng địa phương.


Để kiểm tra và cập nhật các trang danh mục địa phương, marketer có thể sử dụng một số công cụ hỗ trợ như Listing Management của nhiều nền tảng. Điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian và nỗ lực bằng cách tự động kiểm tra miễn phí các trang danh mục địa phương mà doanh nghiệp đã được liệt kê và đảm bảo thông tin được cập nhật chính xác. Nếu phát hiện ra các vấn đề, marketer có thể liên hệ với từng trang danh mục để cập nhật hoặc sử dụng công cụ để sửa chúng một cách nhanh chóng và dễ dàng. Công cụ này còn giúp tự động đăng ký thông tin doanh nghiệp trên các trang danh mục địa phương hàng đầu, giúp cải thiện thứ hạng Google Maps và đưa thông tin chính xác đến khách hàng tiềm năng. Với nhiều tính năng hỗ trợ khác, Listing Management là một công cụ hữu ích để tối ưu hoá chiến lược marketing trên Google Maps.


4. Cải thiện đánh giá (reviews)


Google xác nhận rằng số lượng đánh giá và điểm đánh giá trên Google Maps có tác động đến thứ hạng tìm kiếm địa phương. Nhiều đánh giá và điểm số tích cực có thể cải thiện thứ hạng địa phương của doanh nghiệp. Do đó, việc tạo động lực khách hàng để lại đánh giá tích cực trên Google Maps là một phần quan trọng trong chiến lược. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc gửi email yêu cầu đánh giá hoặc trò chuyện trực tiếp với khách hàng.



Google cung cấp miễn phí một bộ công cụ tiếp thị được tùy chỉnh để giúp cải thiện đánh giá của doanh nghiệp trên Google Maps. Để sử dụng bộ công cụ này, thương hiệu chỉ cần chọn doanh nghiệp của mình trên Google và nhấp vào "Yêu cầu đánh giá". Sau đó, thương hiệu sẽ nhận được một liên kết trực tiếp đến trang đánh giá của mình để gửi cho khách hàng.


5. Gửi câu hỏi và câu trả lời


Một bước khác mà các doanh nghiệp nên lưu ý khi triển khai Google Maps Marketing là "Đăng câu hỏi và trả lời" (Submit Questions and Answers). Trên trang Business Profile có một phần "Questions & Answers" cho phép người dùng trên Google đặt câu hỏi hoặc trả lời về doanh nghiệp. Điều này cũng cho phép các marketer tự mình đặt câu hỏi và trả lời về doanh nghiệp của mình.



Tính năng này sẽ giúp thương hiệu cung cấp thông tin bổ sung và hỗ trợ khách hàng tiềm năng với nhu cầu cụ thể. Nếu thương hiệu nhận được bất kỳ câu hỏi nào, hãy trả lời một cách rõ ràng với đầy đủ thông tin càng sớm càng tốt. Hãy đảm bảo rằng marketer sử dụng tài khoản GBP của mình để trả lời các câu hỏi, từ đó độc giả sẽ biết rằng thông tin đó là đáng tin cậy và đánh giá cáo việc thương hiệu quan tâm đến dịch vụ khách hàng.


Nếu chưa có câu hỏi nào được đặt ra, marketer có thể tự thêm bằng cách sử dụng nút "Ask a question", sau đó trả lời ngay lập tức. Như vậy, khách hàng tiềm năng có thể nhận được thông tin cần thiết mà không cần phải hỏi hoặc chờ đợi câu trả lời. Marketer có thể tìm ý tưởng cho các câu hỏi bằng cách liên hệ với đội ngũ chăm sóc khách hàng và kiểm tra các kênh truyền thông khác như mạng xã hội để xem câu hỏi nào được hỏi nhiều nhất. 


6. Tối ưu trang web theo chuẩn SEO


Nếu Google tin rằng trang web của doanh nghiệp liên quan đến người tìm kiếm, Google cũng sẽ tin rằng Hồ sơ Doanh nghiệp là hữu ích cho họ. Việc có một trang web thân thiện với SEO sẽ giúp tăng xếp hạng trang web trong kết quả tìm kiếm trên Google Maps. Marketer có thể sử dụng nhiều kỹ thuật Local SEO để cải thiện xếp hạng trang web của mình, như xây dựng liên kết trên các trang web địa phương, đăng nội dung địa phương hoặc khắc phục các vấn đề kỹ thuật trên trang web.



Việc xếp hạng hàng đầu trong kết quả tìm kiếm và trên bản đồ đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp cạnh tranh trong một khu vực địa phương. Để bắt đầu cải thiện SEO địa phương, thương hiệu có thể xây dựng các liên kết và tối ưu hóa các từ khóa địa phương, tạo nội dung địa phương hấp dẫn và sửa các lỗi kỹ thuật trên trang web. Tất cả những điều này sẽ giúp tăng khả năng xếp hạng cao hơn cho trang web trên Google Maps và kết quả tìm kiếm.


7. Theo dõi hiệu quả của chiến lược trên Google Maps


Sau khi thiết lập các bước trên, thương hiệu cần bắt đầu theo dõi hiệu quả của chiến dịch trên Google Maps. Việc theo dõi này rất quan trọng để đánh giá hiệu quả của chiến dịch và điều chỉnh chiến lược nếu cần thiết. Để theo dõi hiệu quả của chiến dịch, marketer có thể sử dụng các công cụ phân tích của Google như Google Analytics. Nếu sử dụng Google My Business, marketer cũng có thể theo dõi các thống kê liên quan đến lượt tìm kiếm, lượt xem và đánh giá của khách hàng. 



Một số chỉ số mà thương hiệu nên theo dõi:


  • Số lượt hiển thị của hồ sơ doanh nghiệp của trên Google Maps, local pack và Local Finder.
  • Thứ hạng của hồ sơ doanh nghiệp trên Google Maps khi có người tìm kiếm từ khóa liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ trong khu vực địa phương.
  • Số lượt tìm kiếm trung bình hàng tháng của từng từ khóa liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ.
  • Thứ hạng của hồ sơ doanh nghiệp trong local pack trên Google Maps.
  • Các sản phẩm hoặc dịch vụ được đề cập trong hồ sơ doanh nghiệp.
  • Tỉ lệ click-through rate (CTR) của quảng cáo trên Google Maps.
  • Tỷ lệ chi phí quảng cáo trên Google Maps so với tỷ lệ chuyển đổi và lợi nhuận của doanh nghiệp.


Khi biết được các chỉ số này, thương hiệu có thể dễ dàng đánh giá hiệu quả của chiến dịch trên Google Maps. Nếu phát hiện ra rằng chiến dịch không đạt được mục tiêu, marketer có thể điều chỉnh chiến lược hoặc sử dụng các chiến lược khác để cải thiện hiệu quả của chiến dịch trên Google Maps.


8. Tạo chiến dịch quảng cáo trên Google Maps


Các doanh nghiệp muốn tăng hiển thị của hồ sơ doanh nghiệp trên Google Maps có thể thử sử dụng dịch vụ quảng cáo Google Ads. Quảng cáo qua "quảng cáo tìm kiếm địa phương" có thể giúp đạt được sự xuất hiện trên kết quả tìm kiếm Google Maps và tạo ra khả năng tiếp cận khách hàng tiềm năng mới. Theo đó, quảng cáo sẽ xuất hiện ở đầu trang trên "Local Pack", "Local Finder" hoặc kết quả tìm kiếm trên Google Maps. Với hình thức quảng cáo qua Google Ads, thương hiệu sẽ phải trả tiền cho mỗi lần khách hàng bấm vào chi tiết vị trí, chỉ đường, gọi điện hoặc truy cập vào trang web. 



Mức giá trả cho mỗi lần bấm tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cách đặt giá đấu thầu với các đối thủ. Để bắt đầu chạy quảng cáo, marketer cần tạo tài khoản Google Ads và liên kết với hồ sơ doanh nghiệp trên Google Maps. Để đủ điều kiện để hiển thị quảng cáo trên Google Maps, thương hiệu cần chọn các từ khóa địa phương, định vị tại địa phương và đặt giá cho từng địa điểm. Google cung cấp thêm thông tin chi tiết và hướng dẫn trên trung tâm trợ giúp. Ngoài ra, Google cũng cung cấp dịch vụ quảng cáo Local Services Ads, xuất hiện ở đầu trang khi người dùng nhập từ khóa địa phương liên quan. 


Theo Semrush

Quan Dinh H.