Ngoài những công việc thường thấy như tuyển dụng, đào tạo, quản lý hiệu suất, lương và phúc lợi,... HR (Human Resources) còn là cầu nối giữa công ty và nhân viên, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường làm việc tích cực và hiệu quả. Chính vì đặc thù công việc này mà nghề HR thường được ví von như “bảo mẫu”, giải quyết mọi vấn đề của các nhân sự.


Khi HR đóng vai trò “bảo mẫu” của cả công ty


Với vai trò “bảo mẫu”, chịu trách nhiệm quản lý nhân sự và chăm sóc các nhân viên trong công ty, HR thường xuyên phải giải quyết tất tần tật mọi vấn đề, từ các thắc mắc cơ bản liên quan đến quyền lợi, hiệu suất, lương thưởng... cho đến những chuyện “lông gà vỏ tỏi”. Chị Quỳnh Như - HRBP Lead tại Glass Egg chia sẻ: “Ngoài ‘bảo mẫu’, có một cụm từ khác mà dân HR thường được so sánh cùng, đó là ‘làm dâu trăm họ’. Chuyện gì cũng gọi HR, đồ ăn trong sự kiện không ngon cũng gọi, đèn hơi tối cũng gọi, thi rớt khóa học hội nhập cũng gọi. Mất sổ bảo hiểm, văn phòng ồn ào, lạc đôi dép, mất cái ly hay ghét đồng nghiệp kế bên cũng gọi HR. Nói chung, cái gì bất ổn mà không biết tìm ai thì thẳng tiến nhắc tên HR.”


Với đặc thù công việc chăm lo cho mọi đối tượng nhân viên trong công ty, HR thường được coi là nghề "làm dâu trăm họ"


Bên cạnh việc “chuyện gì cũng đến tay”, HR còn là nơi tiếp nhận vô số câu hỏi “độc lạ” của nhân viên. “Mọi người thường tìm đến mình khi có bất kỳ thắc mắc gì. Bên cạnh các vấn đề cơ bản như lương, thuế, phúc lợi, thì mình còn nhận được những câu hỏi đặc biệt khác như ‘bệnh viện nào sinh con tốt?’ hay ‘nhà trọ nào giá rẻ gần công ty?’. Có lần, một chị nhân viên chuẩn bị sinh em bé đã tâm sự và hỏi mình rằng ‘tiếp xúc với nhiều nhân viên trong công ty thế thì em thường gặp cái tên nào thành công và kiếm được nhiều tiền nhất, để chị đặt tên cho em bé của chị’. Mình không bao giờ tưởng tượng ra một ngày mình sẽ được hỏi như vậy luôn” - chị Phương Thảo, HR tại VNG Corporation kể lại.


Là cầu nối giữa ban lãnh đạo công ty và nhân viên, HR còn thường được các nhân sự tìm đến để “giải tỏa” và gửi gắm những bức xúc trong quá trình làm việc với sếp. Theo chị Thục Vy: “Mình luôn là nơi để các bạn giãi bày tâm sự, ví dụ như khi làm những việc không phù hợp với bản thân, hoặc bị sếp giao task không nằm trong JD công việc lúc mới ứng tuyển...”. 


Nhân tố quan trọng tạo nên môi trường làm việc tích cực


Chức trách “bảo mẫu” của HR có thể được phát huy ở mọi hoàn cảnh, ngay cả trong những vấn đề “sinh lý”, nhất là đối với các nhân viên nữ. Chị Quỳnh Như cho biết: “HR ở công ty mình đã thiết kế các khu vực nghỉ ngơi đọc sách, gồm những vật dụng như ghế lười, gấu bông, sopha, giúp chị em tới ngày ‘đèn đỏ’ hoặc mẹ bầu có thể thư giãn, làm một giấc ngủ ngắn, giảm bớt cáu gắt và bực dọc. Bên cạnh đó, những câu lạc bộ thể dục thể thao như yoga, phòng gym, kick-boxing… cũng được trang bị để nhân viên có cơ hội vận động, rèn luyện thể chất khi phải hoạt động trí óc quá nhiều. Chế độ Work From Home được áp dụng linh hoạt nếu nhân viên không đảm bảo về điều kiện sức khoẻ để đến công ty làm việc. HR hiểu rằng nhân viên có khoẻ thì công việc mới đạt năng suất. Nếu nhân viên không khoẻ, HR buồn, HR rầu ngang.”


Chia sẻ về vấn đề này, chị Thục Vy cho biết: “Thực ra công ty mình có một cái khá hay và cực kì ấn tượng, đó chính là để băng vệ sinh trong toilet nữ. Điều này thật sự rất tử tế, khiến nhân viên nữ cảm thấy được quan tâm và chăm sóc”.


Theo chị Thục Vy, để làm tròn vai trò của một "bảo mẫu", HR cần biết lắng nghe, đồng cảm, thấu hiểu và có tư duy giải quyết vấn đề


Ngoài chăm lo cho sức khỏe của công ty, HR còn là người sẻ chia và giúp đỡ nhân viên về mặt tâm lý, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, khi các vấn đề tinh thần, nổi bật là xu hướng quiet quitting (trào lưu nghỉ việc trong im lặng) đã gây ảnh hưởng đến chất lượng làm việc của các nhân sự. Chị Quỳnh Như chia sẻ: “Thời điểm Covid 19 bùng nổ quả là một thời gian khó khăn và nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Không chỉ bất ổn về sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm lý nhân viên lại càng là vấn đề nghiêm trọng hơn khi nhân sự phải ở nhà làm việc và không được tiếp xúc với nhiều người, thay đổi lối sinh hoạt, chịu vô số áp lực về công việc, gia đình, kinh tế xã hội… Đối diện với vấn đề này, Bộ phận HR của công ty mình đã tổ chức những buổi tư vấn sức khỏe online, các hoạt động giải trí, cuộc họp nội bộ gắn kết đội nhóm để động viên tinh thần lẫn nhau, gửi quà thăm hỏi đến tận nhà nhân viên… Thông qua những hoạt động này, nhân viên sẽ cảm thấy mình nhận được sự quan tâm từ công ty, duy trì tinh thần làm việc, sự tương tác với đồng nghiệp, tránh được cảm giác cô đơn, chênh vênh, hoài nghi hay lo lắng.”


Còn đối với chị Thục Vy, hậu Covid là giai đoạn mà mọi người đều thay đổi về tư duy làm việc. Có người muốn sống tận hưởng hơn, có người quyết định thay đổi định hướng, muốn chuyển về quê làm việc để được hít thở không khí trong lành... Điều này dẫn đến tình trạng quiet quitting ở một số công ty. “Có một chị nhân viên đã đồng hành cùng công ty của mình hơn 5 năm. Tuy lộ trình phát triển hợp lý, môi trường và văn hóa công ty phù hợp, nhưng chị đã quyết định nghỉ việc sau Covid-19. Khi nhận được thông tin, mình đã trực tiếp chủ động lắng nghe ý kiến từ chị, hỏi thăm về các yếu tố tác nhân một cách khéo léo, từ đó đưa ra lời khuyên giúp chị có những góc nhìn đa chiều hơn. Tuy nhiên, đối với các trường hợp mà lý do đến từ công ty, HR nên đưa ra những phương án đề xuất với leader của mình trước khi tự hành động để giúp đỡ các nhân sự.”


Để đảm bảo xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, công bằng và hiệu quả, HR đôi khi sẽ phải đứng ra “tranh luận” với bộ phận Dự án để tìm cách bảo vệ nhân sự trong các vấn đề về hiệu suất công việc. Chị Quỳnh Như cho biết: “Bộ phận Dự án sẽ nhìn vào con số và giá trị thực tế mà nhân viên đem lại, hướng đến những cách thức xử lý với mức chi phí tối thiểu nhưng đem lại hiệu quả cao và nhanh chóng. Họ sẽ muốn thay người, tuyển mới, hoặc chấm dứt hợp đồng với những nhân viên có hiệu suất thấp. Còn bộ phận Nhân sự lại cần một hướng giải quyết bền vững và nhân văn hơn. HR sẽ phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao, khách quan hay chủ quan, do năng lực, quy trình, người quản lý, hay do hoàn cảnh cá nhân, từ đó có phương án đào tạo nhân viên, trao cho họ thêm cơ hội. Tuy có thể sẽ mất thời gian và chưa thấy được hiệu quả ngay trước mắt, nhưng HR đang xây dựng đội ngũ và giữ vững những giá trị cốt lõi tốt đẹp của văn hóa doanh nghiệp. Vậy nên đôi khi giữa bàn tròn, bộ phận Nhân sự sẽ phải đấu tranh cho các nhân viên hiệu suất thấp bằng những kế hoạch cụ thể và thuyết phục. Đương nhiên, HR cũng phải cân nhắc tình hình thực tế, tính khả thi, quy trình, cách thức, giới hạn, dự đoán về những tình huống có thể xảy ra nếu kế hoạch cải thiện hiệu suất thành công, không thành công và khi nào buộc phải nghĩ đến phương án chấm dứt hợp đồng.”


Để xây dựng một một môi trường làm việc công bằng và tích cực, HR sẽ đóng vai trò như cầu nối để giúp đỡ và bảo vệ nhân sự trước mọi vấn đề


Làm HR “bảo mẫu” gian nan và cần vô vàn kỹ năng 


Trong đa số trường hợp, HR thường là người giúp đỡ các nhân sự về mặt tâm lý, nhưng nếu chẳng may HR gặp vấn đề “bất ổn”, họ vẫn có những phương pháp để đảm bảo duy trì chức năng “bảo mẫu” một cách chuyên nghiệp nhất. Chị Quỳnh Như chia sẻ: “Những vấn đề tâm lý của HR đôi khi còn nặng nề hơn, bởi vì mình đang ‘bất ổn’ mà còn phải đi giải quyết ‘bất ổn’ của người khác. Điều này buộc HR phải quản lý cảm xúc cá nhân thật sự tốt, và quan trọng hơn cả là tính hy sinh. Vì đã chọn làm Nhân sự, trách nhiệm của mình là đảm bảo nhân viên có được một đối tác tin cậy, sẵn sàng hỗ trợ và lắng nghe. Nên khi đến công ty với vai trò HR, mình phải nén cái ‘mớ lộn xộn’ của mình lại, đợi hết ngày rồi trở về với vòng tay bạn bè, người thân, ăn một bữa ăn, uống một ly cafe, lúc đó hãy ‘lôi mớ lộn xộn’ ra xếp lại ngăn nắp, chuẩn bị cho ngày mới kế tiếp nhiều năng lượng để truyền cho anh chị em đồng nghiệp trong công ty.”


Theo chị Quỳnh Như, để làm tròn vai trò hỗ trợ, HR cần trang bị một bộ kỹ năng tổng hợp, từ bao dung thượng thừa, điềm tĩnh thượng hạng đến công bằng thượng tôn… Bởi lẽ khi “làm dâu trăm họ”, không có “ba đầu sáu tay” thì HR cần phải thật sự nhuần nhuyễn về thái độ và kỹ năng cần thiết. “Với mình, nghề HR thật sự không ‘dễ nhai’ như mọi người vẫn nghĩ. Làm HR thì dễ, nhưng để làm HR tốt là một hành trình gian nan, đòi hỏi phải tu luyện bản thân một cách khắt khe, phải hi sinh, kiên nhẫn, khiêm tốn, tôn trọng, hoà nhã, công tâm, nhạy bén, sâu sắc, có kỹ năng lắng nghe, giao tiếp, truyền cảm hứng, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian, lên kế hoạch, báo cáo, thực thi, phát triển tinh thần đội nhóm, chịu được áp lực công việc và quan trọng hơn hết là… không được đánh sếp, không được đánh nhân viên.”


Nội dung: Phương Anh

Minh hoạ: Huy Mai