Làm thế nào để gìn giữ nét văn hoá truyền thống trong xã hội không ngừng thay đổi, ngày càng hiện đại hơn? Muaban.net, cổng thông tin rao vặt đã gắn bó với thị trường Việt Nam suốt hơn hai thập kỷ, đã khẳng định được sự thấu hiểu với văn hoá Việt Nam qua “Ai MuaBán không" - một chiến dịch vừa độc đáo, vừa quen thuộc từ Happiness Saigon.


Khởi điểm của Muaban.net là báo Mua&Bán, tờ báo rao vặt đã đồng hành với người dân Việt Nam từ 23 năm trước. Với đặc điểm nổi trội: “không có gì ngoài tin rao vặt", tờ báo này là biểu tượng của báo giấy một thời, trước sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông hiện đại. Vậy nhưng gần đây, với sự thay đổi và phát triển của truyền thông, tin rao vặt trên báo giấy dần dần nhường lại vị trí cho những kênh thương mại điện tử tiện lợi và hiệu quả hơn.


Tờ báo giấy Mua&Bán


Vì vậy, trang web rao vặt Muaban.net đã được phát triển cách đây vài năm để bắt kịp xu hướng toàn cầu. Tuy nhiên, trang web lập tức gặp phải một vấn đề: Đa phần khách hàng trung thành với báo Mua&Bán lại là những người lớn tuổi, thường gặp khó khăn với việc sử dụng công nghệ mới. Trong khi đó, những người trẻ có thể sử dụng công nghệ thành thạo lại đứng giữa vô vàn lựa chọn khác nhau trong lĩnh vực thương mại điện tử. Vậy nên, Muaban.net nhận ra sự cần thiết của việc định vị lại hình ảnh thương hiệu, để có thể vươn tới cả hai đối tượng lớn tuổi và trẻ tuổi. Happiness Saigon đưa ra giải pháp bằng cách thiết lập một mối liên kết giữa thương hiệu và một hình ảnh đặc trưng của đường phố Việt Nam: những gánh hàng rong. Agency đã khéo léo sử dụng cái tên Muaban.net để tạo ra “Ai MuaBán không", một câu catchphrase dựa trên cấu trúc của những lời rao quen thuộc.


Bên cạnh đó, hình ảnh cô hàng rong được chọn làm key visual (hình ảnh chủ đạo) của chiến dịch cũng thể hiện sự “vừa quen vừa lạ" này: thay vì những món hàng quen thuộc, gánh hàng của cô có mô hình nhà cửa, xe cộ và việc làm - đại diện cho những “món hàng” phổ biến nhất trên Muaban.net. Kết hợp cùng catchphrase, key visual thể hiện rõ thông điệp: Muaban.net là nơi để trao đổi hàng hoá theo cách thuần Việt nhất, như tagline “Mua may bán đắt, đúng chất Việt Nam"


Key visual (hình ảnh chủ đạo) của chiến dịch “Ai MuaBán không" với hình ảnh cô hàng rong vừa quen vừa lạ.


Việc sử dụng hình ảnh cô hàng rong cho thương hiệu không chỉ dừng ở đó. Một buổi sáng nọ, cư dân Sài thành được một phen sững sờ khi nhìn thấy một cô hàng rong, mặc áo bà ba, đội nón lá và quẩy gánh hàng quen thuộc, nhưng lại chất đầy hai rổ hàng với nhà cửa và xe cộ. Lời rao của cô cũng nghe vừa quen vừa lạ: “Ai mua bán không, mua nhà bán đất thuê phòng tìm việc, cái gì cũng có”. Những ánh mắt tò mò dõi theo cô, một vài người qua đường mạnh dạn dừng lại, hỏi han, đùa vui và nhận từ cô một chiếc “chìa khoá" với thông tin của Muaban.net, cùng lời giải thích về cách mua và bán mọi thứ trên cổng thương mại điện tử này.


Màn rao hàng rong đặc sắc này cũng đã gây được sự chú ý trên mạng, khi cư dân mạng cùng nhau chia sẻ những đoạn clip, bức ảnh về cô hàng rong lạ kì.



Tiếp theo, Muaban.net tung ra hai đoạn phim ngắn, thể hiện sự vất vả và những rắc rối vô cùng quen thuộc với người thuê nhà và người cho thuê trong hành trình đi tìm “nửa kia” hoàn hảo. Trong đoạn phim đầu tiên, khi ba chàng sinh viên vừa chân ướt chân ráo lên thành phố dành cả một ngày để tìm chỗ trọ, từng người đã phải đối mặt với khu phố giang hồ đáng sợ, cò nhà dai dẳng và hàng xóm ồn ào. Ngược lại, đoạn phim thứ hai kể câu chuyện của một ông chú tốt bụng nhưng vụng về, mãi không thể đăng tin cho thuê nhà.


Cuối mỗi đoạn phim, trong khi những nhân vật chính thẫn thờ và mệt mỏi, cô Mua Bán - người đã xuất hiện trong màn rao hàng đặc sắc giữa Sài Gòn - xuất hiện như một vị cứu tinh và đưa cho mọi người chiếc chìa khoá Muaban.net, giải pháp hoàn hảo cho vấn đề của cả hai bên.




Cuối cùng, thay vì được nhận một chiếc chìa khoá như những nhân vật trong video, người xem được Muaban.net “trao" cho đường link www.muaban.net/ai-mua-ban-khong/, nơi mở ra mọi thông tin về chiến dịch cũng như về cổng thương mại điện tử này. Chiến dịch này đã khẳng định rằng trao đổi hàng hoá trên Muaban.net, bất kể là nhà cửa hay xe cộ, sẽ đều nhanh chóng và dễ dàng như mua hàng từ gánh hàng rong trên đường phố. Happiness Saigon và Muaban.net đã thành công trong việc lan toả thông điệp này, theo một phương thức hoàn toàn “đúng chất Việt Nam”.

Happiness Saigon

Credits:
Client: Muaban.net Phó Tổng Giám Đốc: Tâm Hà Giám đốc Dự án: Hi Phạm Content Supervisor: Phong Nguyễn Visual Supervisor: Huy Hoàng Community Supervisors: Liêm Nguyễn, Trường Phạm
Creative Agency: Happiness Saigon Co-founder/CEO: Alan Cerutti Creative Director: Paul Busschau Project Leader: Julie Nguyen Account Executive: Thi Phung Art Director: Aimee Dinh Concept Provider: My Tran, Nhi Pham, Chau Anh Nguyen Strategic Planner: Viet Le
Production House: *Key Visual thực hiện bởi 2RES Creative Director: Thao Tran Art Director: Thanh Pham Photographer: Tu Nguyen Producer: Giang Pham
*VDOs & Stunt thực hiện bởi Viewfinder Media Director: Huỳnh Anh Duy DOP: Tùng Bùi Executive Producer: Ngân Lê Producer: Quỳnh Anh Art Director: Nhật Duy Casting: BabyFace Entertainment Equipment: HK Film