Du lịch được xem là một “liệu pháp chữa lành” hiệu quả, giúp các nhân sự vực dậy tinh thần trước khi tiếp tục với guồng quay công việc bận rộn. Tuy nhiên, sau khi kết thúc một kỳ nghỉ tuyệt vời, nhiều nhân sự lại có xu hướng cảm thấy chán nản, hụt hẫng và không muốn trở về với “thực tại”. Đây là những dấu hiệu thường thấy của hội chứng “buồn bã hậu du lịch” (post-vacation blue).


Nỗi buồn đến trước cả chuyến đi


Sự “lệch nhịp” giữa khoảng thời gian tận hưởng kỳ nghỉ và khi trở về với cuộc sống bận rộn khiến nhiều nhân sự cảm thấy mệt mỏi, tiếc nuối, không thể tập trung làm việc. Chị Thảo Ngân - PR Executive chia sẻ: “Bên cạnh sự hụt hẫng, thỉnh thoảng mình sẽ có thêm sự hối hả và một xíu hốt hoảng nếu deadline sau kỳ nghỉ vẫn chưa làm xong. Tuy không đến mức rơi vào trầm uất, nhưng mình sẽ mất khoảng một đến hai ngày để có thể thích nghi lại với guồng quay công việc. Và trong khoảng thời gian đó, mình sẽ ‘ăn mày quá khứ’, xem hình của chuyến đi vừa rồi, đăng story,... Nhờ những cảm xúc buồn bã đó mà mình có thêm động lực để đi làm và chuẩn bị tiền cho những kỳ nghỉ tiếp theo.”


Theo chị Thảo Ngân, cảm xúc u buồn, hụt hẫng sau chuyến du lịch dài ngày chính là động lực để các nhân sự đi làm và kiếm tiền cho những kỳ nghỉ tiếp theo


Còn đối với anh Đăng Khoa - Account Executive tại Umedia Agency, kỳ nghỉ càng dài sẽ càng khiến nhân sự không muốn quay trở lại cuộc sống hối hả bình thường: “Đi chơi bao lâu cũng không thấy mệt, nhưng khi về là mình lại bắt đầu bức bối, không chịu đi làm. Mình ‘mắc kẹt’ với những suy nghĩ như bản thân có cần phải đi làm hay không, tại sao đang đi chơi vui như vậy mà bây giờ phải về, ước gì có cỗ máy thời gian của Doraemon… Thường thì một tuần sau đó, mình mới ngưng gặp những triệu chứng trên.”


Đôi khi, triệu chứng buồn bã của post-vacation blue còn có thể đến trước cả chuyến du lịch, khiến nhân sự cảm thấy “chưa đi đã buồn”. Anh Đăng Khoa cho biết: “Cảm xúc của mình trước mỗi chuyến du lịch sẽ được chia ra thành 3 giai đoạn. Trước khi bắt đầu kỳ nghỉ, mình đã thấy buồn khi nghĩ tới cảnh sau khi đi về phải làm báo cáo, chạy task… Trong lúc đi chơi, mình sẽ lại buồn thêm một lần nữa, với từng mức độ nặng nhẹ khác nhau. Và sau khi về nhà, mình lại sầu khổ cả tuần, giống như một căn bệnh dai dẳng vậy.” 


Xin nghỉ việc để tiếp tục “trốn tránh thực tại” 


Nhiều nhân sự thường chọn cách đi du lịch để “chạy trốn” khỏi những khó khăn, căng thẳng trong cuộc sống. Tuy nhiên, cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn, và những vấn đề thì vẫn luôn ở đó, chờ đợi họ trở về và giải quyết. Anh Đăng Khoa chia sẻ: “Đầu năm nay, mình có tham gia một chuyến team building với công ty. Và sau khi trở về, mình đã phải đối mặt với một cái báo cáo công việc và quyết định có nên chia tay người yêu hay không. Chẳng những buồn vì kết thúc chuyến đi, mình còn cảm thấy áp lực khi ‘đương đầu’ với những thách thức đó. Vậy nên, mình đã tận hưởng kỳ nghỉ hết mức có thể, vì dù sao về cũng sẽ phải u sầu mà thôi.”


Để chuẩn bị tinh thần đối mặt với những khó khăn khi trở về guồng sống cũ, anh Đăng Khoa cho phép bản thân tận hưởng chuyến đi một cách "buông thả" nhất có thể


Để có thể kéo dài kỳ nghỉ, tiếp tục trạng thái “thoát ly thực tại”, nhiều nhân sự còn sử dụng ngày nghỉ phép, thậm chí là xin nghỉ không lương. Chị P.H - Copywriter nói: “Mình nghĩ quyết định xin nghỉ để tiếp tục tận hưởng chuyến đi là một điều đúng đắn. Bởi trước khi đưa ra quyết định này, mình cũng đã tự xem xét về tình trạng công việc. Nếu thấy không ảnh hưởng gì thì mình mới nghỉ.”


Bên cạnh đó, cũng có một số nhân sự quyết định xin thôi việc sau khi kết thúc chuyến đi dài ngày. Chị Thảo Ngân cho biết: “Mình có nghĩ đến chuyện nghỉ việc, thậm chí đã từng quyết định sẽ nghỉ luôn. Nhưng đó chỉ là lựa chọn ‘bồng bột’ trước đây thôi, chứ không phải ở thời điểm hiện tại. Sau mỗi kỳ nghỉ, mình sẽ có thêm chút động lực cày cuốc để nghỉ hưu sớm. Mình vẫn hay động viên bản thân là ráng làm thêm 5-7 năm nữa, khi trong tài khoản có đủ một số tiền nhất định thì sẽ nghỉ hẳn 1-2 năm để đi trải nghiệm, chơi bời cho đã.”



Một số người cho rằng, nhân sự nên hạn chế “bung xõa” trong kỳ nghỉ để tránh vướng phải những cảm xúc tiêu cực khi trở lại guồng sống cũ. Tuy nhiên, nhiều người lại cảm thấy nỗi buồn đến từ hội chứng post-vacation blue là điều hoàn toàn xứng đáng. Anh Đăng Khoa chia sẻ: “Mình thà đi chơi thỏa thích rồi về chịu đựng nỗi buồn sau kỳ nghỉ, còn hơn bỏ tiền đi du lịch để đổi chỗ chạy deadline. Mình phải cảm thấy buồn thì những lần đi chơi sau mới vui, mới đáng được trông đợi. Post-vacation blue không xấu, những cảm xúc đó khá là cần thiết để mình biết trân trọng những khoảnh khắc đẹp, những phút giây thư giãn quý giá.”


Tuy nỗi buồn, sự hụt hẫng đến từ hội chứng này thường không quá nghiêm trọng, nhưng vẫn có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng công việc và cuộc sống của các nhân sự. Chị Thảo Ngân cho biết: “Để đối phó với cảm xúc tiêu cực sau mỗi kỳ nghỉ dài, mình thường nỗ lực vực dậy bản thân bằng cách xông xáo nhận task này, task kia. Nhưng kỳ thực, đó chỉ là một dạng ‘nỗ lực ảo’, khiến mình vừa stress vì nhớ nhà, vừa stress vì bị dồn task. Mình biết rằng sớm hay muộn, cảm giác này cũng sẽ qua, nên mình cố gắng động viên bản thân, giảm cơ chế ‘nỗ lực ảo’ để bớt stress, chấp nhận rằng sự hụt hẫng này là điều bình thường, đi chơi về thì tiền vẫn phải kiếm thôi.”


Nội dung: Phương Anh

Minh hoạ: Huy Mai