Khi đứng trước quyết định nghỉ việc, nhân sự thường chia làm 2 phe: 1) Nghỉ hoàn toàn ở chỗ làm rồi mới đi tìm việc mới; 2) Vừa tìm vừa duy trì công việc hiện tại. Hai bên đều có những quan điểm bảo vệ quyết định của mình. Vậy đâu mới là cách “đổi việc" chuyên nghiệp và hợp lý nhất dành cho nhân sự? 


​​Thăng tiến, lương thưởng và không gian phát triển là 3 yếu tố quan trọng để một agency giữ chân nhân tài. “Nếu nhân sự không hài lòng bởi một hoặc cả 3 vấn đề, họ chắc chắn sẽ suy nghĩ đến nhảy việc”, anh Trương Quốc, Strategic Planner cho biết. Tuy nhiên, việc nhân sự chọn cách nhảy việc như thế nào sẽ còn tuỳ vào nhu cầu của mỗi người, mà mỗi lựa chọn sẽ có những ưu và nhược điểm cụ thể. 


Khi đứng trước quyết định nghỉ việc, nhân sự thường chia làm 2 phe: 1) Nghỉ hoàn toàn ở chỗ làm rồi mới đi tìm việc mới; 2) Vừa tìm vừa duy trì công việc hiện tại


Duy trì phong độ nhưng dễ phải “hầu trà”


Anh Trương Quốc, Strategic Planner cho rằng ưu thế lớn nhất của “vừa làm vừa tìm kiếm cơ hội nghiệp mới" là nguồn thu nhập không bị ngắt quãng. “Tôi thích tìm việc song song hơn vì đang trong lộ trình xây dựng tài chính cá nhân, việc không có thu nhập trong 1-2 tháng chính là mối đe dọa lớn nhất đến kế hoạch tài chính của nhân sự. Thông thường, tôi sẽ tham gia tuyển dụng và bắt đầu làm việc cho vị trí mới ngay khi công việc cũ vừa kết thúc”, anh Trương Quốc nói. Một ưu điểm lớn nữa của kiểu tìm việc nước đôi này chính là phong độ của nhân sự được duy trì ổn định. “Các bạn làm việc liên tục không có nghỉ giữa chừng như tôi sẽ không bị tình trạng ì ạch sau nghỉ”. 


Thế nhưng, kiểu tìm việc song song này có thể thể khiến nhân sự rơi vào một số tình huống “tréo ngoe”, một trong số đó chính là “hầu trà” với sếp. “Tôi từng tìm hiểu các bài đăng tuyển dụng của công ty khác và làm portfolio ngay trong giờ làm. Khi phát hiện ra, sếp đã gọi tôi đi uống nước và tâm sự về quyết định đó cũng như ngỏ lời tăng lương. Nhưng vì vấn đề của tôi khi đó là hoàn toàn không có giải pháp, nên tôi cũng đành dứt áo ra đi”, anh Trương Quốc chia sẻ. 


“Nếu nhân sự không hài lòng bởi một trong ba vấn đề lương thưởng, thăng tiến và không gian phát triển, họ chắc chắn sẽ suy nghĩ đến nhảy việc”, anh Trương Quốc, Strategic Planner cho biết. 


Chưa kể, nếu kỹ năng quản lý không tốt, việc ứng tuyển song song có thể gây ảnh hưởng đến hiệu suất của công việc. “Nhân sự sẽ phải xin nghỉ 1-2 buổi trong tuần để đi phỏng vấn công ty mới, hoặc cần thời gian để hoàn thành bài kiểm tra đánh giá năng lực. Nếu không quản lý được, nhân sự có thể làm hỏng cả hai. Vừa không thể dành toàn bộ tâm trí cho công việc hiện tại, vừa không có đủ thời gian để làm bài kiểm tra chất lượng”. 


Có ý kiến cho rằng nhân sự lén lút rải CV, tìm kiếm vị trí mới trong khi chưa nghỉ việc chính thức chính là “phản bội”, thiếu trung thành và nhiệt huyết với công ty hiện tại. Chị Minh Thuỳ, Copywriter không đồng ý với quan điểm này, ngược lại cho rằng đi làm là một mối quan hệ sòng phẳng, nếu nhân sự cảm thấy công ty hiện tại không còn phù hợp với định hướng bản thân thì hoàn toàn có thể bắt đầu đi tìm chỗ mới. Trong khi đó, anh Trương Quốc chỉ ra kiểu nhận định này là một Red Flag (báo động đỏ) cho thấy văn hoá công ty đó khá… độc tài. “Sự cống hiến và trung thành của nhân sự với công ty được đánh giá dựa trên những tiêu chí gì, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách nhìn nhận của sếp. Nếu một người sếp coi công ty là nơi để nhân viên được phát triển hết tiềm năng của chính mình, thì sẽ không hề coi việc nghỉ/ tìm việc mới của nhân viên là thiếu cống hiến và phản bội”.  


Sự cống hiến và trung thành của nhân sự với công ty được đánh giá dựa trên những tiêu chí gì, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách nhìn nhận của sếp


Cần chấp nhận “lủng” tài chính nếu muốn nghỉ hẳn rồi mới tìm việc mới


Trường hợp nghỉ hẳn ở một công ty rồi mới tìm kiếm cơ hội mới sẽ cho nhân sự thời gian hoàn thành tốt công việc cho đến “những ngày cuối cùng”. “Là một người xem trọng chữ tín, tôi không muốn quyết định nhảy việc của mình gây ra sự phân tâm hay khiến cho quá trình dự án bị ảnh hưởng”, anh Quang Đức Strategic Planner nói. 


Ngoài ra, lựa chọn dứt khoát này sẽ giúp nhân sự nạp lại năng lượng. “Agency là một môi trường làm việc căng thẳng và nhiều deadline. Chính vì vậy, khi nghỉ hẳn công việc ở một nơi, gần như mọi người đều được ‘tái sinh’. Thoát khỏi mọi áp lực và deadline để có thời gian thư giãn, phản chiếu lại những gì mình đã học hỏi và rũ bỏ những cảm xúc tiêu cực để bước tiếp hành trình mới", anh Trương Quốc nói.


Nghỉ việc hẳn để có thời gian thư giãn, phản chiếu lại những gì mình đã học hỏi và rũ bỏ những cảm xúc tiêu cực để bước tiếp hành trình

 

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất mà nhân sự phải đối mặt chính là chịu “thất nghiệp” khoảng 1-2 tháng để tìm công việc phù hợp với bản thân. “Nhân sự cần chuẩn bị trước tâm lý và tài chính để sống sót qua khoảng thời gian này nếu không muốn rơi vào tình cảnh vừa túng bấn vừa áp lực", anh Quang Đức chia sẻ. 


Theo đó, trường hợp nghỉ hẳn ở một công ty rồi mới tìm kiếm cơ hội mới thường là vì hai lí do: Một là nhân sự muốn nghỉ ngơi và chưa có nhu cầu làm việc; Hai là chỉ muốn nghỉ ngang mà không hề có sự chuẩn bị nào. “Nhóm thứ 2 là nhóm dễ chịu ‘trầm cảm sau nghỉ việc’, chính là cảm giác trống rỗng, bơ vơ, mất định hướng vì chưa có kế hoạch chuyển đổi cụ thể nào", anh Trương Quốc nói. 


"Trầm cảm sau nghỉ việc" chính là cảm giác trống rỗng, bơ vơ, mất định hướng vì chưa có kế hoạch chuyển đổi cụ thể nào


Theo anh, cả 2 kiểu nhảy việc kể trên đều không có vấn đề gì, trừ khi nhân sự vì sắp nghỉ mà tỏ thái độ chống đối, bỏ cuộc, làm ảnh hưởng đến công việc. Với những bạn nhân sự không chắc chắn theo kịp tiến độ công việc, nghỉ hẳn ở một công ty rồi hẵng đi tìm việc mới sẽ là giải pháp phù hợp hơn để tránh những tình huống thiếu chuyên nghiệp có thể xảy ra. 


Nhưng nhìn chung, dù là có quyết định tìm việc như thế nào, nếu không xin nghỉ đúng cách hoặc thiếu khéo léo, nhân sự vẫn sẽ rơi vào tình huống gây “mích lòng”, có thể ảnh hưởng tới các cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Dưới đây là một số giải pháp xin nghỉ “chuyên nghiệp" theo gợi ý của các nhân sự agency. 


Quy trình “nhảy” việc chuyên nghiệp dành cho nhân sự 


Theo anh Trương Quốc, nghỉ việc chuyên nghiệp là khi nhân sự đảm bảo được 3 yếu tố: 


  • Có trách nhiệm với công việc hiện tại cho đến ngày cuối cùng làm việc.
  • Thời gian nghỉ việc hợp lý, đủ thời gian để cấp quản lý tìm kiếm nhân sự thay thế phù hợp.
  • Không nói xấu, kể lể, châm biếm công ty cũ khi nghỉ việc về những điều mình không hài lòng dẫn đến nghỉ việc.


Nhân sự nên minh bạch chuyện nhảy việc với sếp hoặc người quản lý để nhận được lời khuyên từ họ.


Còn với chị Minh Thuỳ, một quy trình nghỉ việc “không gây mích lòng ai” sẽ gồm các bước sau: 


  • Thông báo nghỉ việc: “Đánh tiếng” trước cho sếp ít nhất một tháng để đôi bên cùng nhau sắp xếp công việc. Lưu ý, bàn giao công việc rõ ràng cũng khiến việc xin nghỉ cũng “được lòng” với sếp hơn. Thêm vào đó, khi mình báo sớm như vậy, việc thu xếp tuyển dụng bên khâu nhân sự cũng “dễ thở” hơn.
  • Nếu có thời gian, nhân sự cũng có thể đề nghị hướng dẫn cho người thay thế. 


Các nhân sự cũng khuyên rằng nên minh bạch chuyện nhảy việc với sếp hoặc người quản lý để nhận được lời khuyên từ họ.“Khi biết tôi sắp nhảy việc, sếp ngồi lại với tôi để lắng nghe về lí do khiến tôi chọn ngừng gắn bó với công ty, có thể là lương thưởng phúc lợi, có thể môi trường làm việc hay chỉ là tôi đang cần một hướng đi mới. Sau khi đã nắm tình hình, sếp còn đánh giá giúp tôi một số công ty sắp ứng tuyển, về văn hoá, về tính cách của lãnh đạo bên đó và lường trước cả những thuận lợi và khó khăn mà tôi sẽ gặp phải”, anh Quang Đức nói. 


Việc trao đổi với sếp về những khó khăn cũng sẽ giúp nhân sự có nhiều lựa chọn hơn cho mình. “Trường hợp sếp giải quyết thỏa đáng thì mình sẽ đi theo đường hướng mà sếp đã bày ra. Còn trường hợp dù đã có hướng giải quyết nhưng không đi đến đâu thì việc mình tìm một chỗ mới cũng là đều hợp lý và dễ hiểu”, chị Minh Thuỳ chia sẻ. 


Minh hoạ: Huy Mai

Nội dung: Hằng Trần