Music marketing (tiếp thị bằng âm nhạc) là hoạt động dùng âm nhạc giúp tiếp cận người nghe, khách hàng mục tiêu nhằm truyền tải thông điệp của thương hiệu, góp phần tăng cường nhận diện cho nhãn hàng. 


Với đặc tính lan truyền và khả năng ghi nhớ cao, music marketing là phương thức được nhiều nhãn hàng lựa chọn trong nỗ lực đưa sản phẩm của mình tới gần hơn với người tiêu dùng. Music marketing được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: TVC; radio commercial, các music video, hay viral clip. Tuy vậy trong những năm gần đây, nổi bật hơn cả là các sản phẩm MV tới từ sự kết hợp của các nhãn hàng với các nghệ sĩ, ca sĩ, ví dụ như: Em bé (Amee ft Karik x Beamin), Đi để trở về (Đen ft JustaTee x Honda), hay Cả Ngàn Lời Chúc (Rhymastic ft Suboi x Omo).  


“Em bé” là sự hợp tác thành công giữa BAEMIN với Amee và Karik (Ảnh: Internet).

 

Tuy vậy, việc nhãn hàng kết hợp với một ca sĩ nổi tiếng là không đủ để đảm bảo sự thành công của chiến dịch. Có nhiều lý do khiến chiến dịch không như kì vọng và dưới đây là một số các sai lầm phổ biến:


- Sản phẩm kém hấp dẫn: Thông thường, những bài hát được đặt theo yêu cầu của nhãn hàng cần hoàn thành trong thời gian gấp gáp hơn nhiều so với 1 sản phẩm thông thường nhằm đảm bảo tiến độ của campaign. Điều này đồng nghĩa với việc những MV này sẽ khó có được sự hoàn thiện tốt nhất, về mặt lyrics hoặc âm nhạc, khiến sản phẩm kém hấp dẫn, không có được sự viral cần thiết.


“Đi về nhà” vẫn thu hút nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng nhờ sự chỉn chu,

dù là một MV kết hợp với nhãn hàng (Ảnh: Internet).


- Thông điệp thiếu rõ ràng: Ngược lại với bên trên, những sản phẩm này thường có sự tham gia của nhãn hàng ở giai đoạn khá muộn, đôi khi chỉ vào lúc sản phẩm âm nhạc đang trong quá trình hoàn thiện. Do vậy, cho dù đôi khi những sản phẩm này tạo được tiếng vang với số lượt xem, số lượt chia sẻ ấn tượng, mang lại thành công cho nghệ sĩ nhưng chưa chắc đã truyền tải mà nhãn hàng mong muốn, khiến chiến dịch không đạt được những mục tiêu kì vọng.


- Lựa chọn ca sĩ hợp tác không phù hợp: Mọi nhãn hàng cũng muốn kết hợp với những ca sĩ hạng A, những nghệ sĩ có lượng fan khổng lồ, thu hút nhiều sự chú ý của truyền thông. Nếu kinh phí của chiến dịch không đủ lớn, thương hiệu cũng luôn cố gắng hướng tới những ca sĩ tốt nhất trong khả năng cho phép. Tuy nhiên, để có một sự hợp tác hiệu quả, tương tự như khi lựa chọn KOLs/influencers, các nhãn hàng cần phải xét tới cả sự phù hợp của ca sĩ với sản phẩm của mình. 


Sự phù hợp của nghệ sĩ với nhãn hàng

là yếu tố cần được cân nhắc kĩ lưỡng (Ảnh: Wechoice).


- Cần sử dụng music marketing như là một phần của chiến dịch MKT tổng quát: một MV riêng lẻ khó có thể tối ưu được hiệu quả nếu không nằm trong một kế hoạch tổng quát. Cụ thể hơn, các sản phẩm như Em bé của Baemin (kết hợp với Amee và Karik) hay 021 của Momo (kết hợp với Binz) không chỉ dừng lại ở việc tung ra một MV.


Đối với Baemin, thương hiệu này sử dụng hình ảnh Amee và Karik như là gương mặt đại diện nhãn hàng, đồng thời đi kèm các đoạn video ngắn để quảng bá trên các kênh mạng xã hội. 021 dù không thật sự được đánh giá cao về mặt âm nhạc, nhưng được tận dụng rất triệt để với big idea rõ ràng: “Ví điện tử số 1 Việt Nam” cùng key message “zero-to-one”. Sau khi MV được ra mắt, Momo lần lượt tung ra TVC nhằm nhắm đến mass audience, giới thiệu cuộc thi rap, cũng như sử dụng các kênh OOH, media để thông điệp chiến dịch được lan toả rộng hơn.


Sự kết hợp của Momo và Binz có thể được xem là thành công,

bất chấp MV ca nhạc không được đánh giá quá cao (Ảnh: Internet).


Tạm Kết


Sự thành công của một MV, hay rộng hơn là sự thành công của cả chiến dịch, suy cho cùng chỉ nhãn hàng mới có thể đánh giá được chính xác nhất. Tuy vậy, trong thời đại mà truyền thông phát triển mạnh mẽ như hiện nay, có thể khẳng định rằng âm nhạc đang gần gũi và dễ tiếp cận hơn với cuộc sống mỗi người hơn bao giờ hết. Music marketing do đó khi được cân nhắc sử dụng một cách hợp lí, sẽ là sự lựa chọn thông minh cho các nhãn hàng trên hành trình chinh phục trái tim người tiêu dùng.