Ngày nay, quảng cáo trên phương tiện giao thông đã mở ra thời kỳ “xê dịch”, đưa thương hiệu phủ sóng khắp mọi nơi, chủ động tìm và thu hút sự chú ý của đa dạng đối tượng khách hàng. 


Với các ưu thế về hình thức, số lượng và khả năng tiếp cận lớn, quảng cáo trên phương tiện giao thông đang được rất nhiều nhãn hàng lựa chọn triển khai trong các chiến dịch quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ. Nhu cầu này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi liên quan đến luật định: Pháp luật Việt Nam quy định thế nào về hình thức quảng cáo phương tiện giao thông? Chủ sở hữu phương tiện có phải xin giấy phép để thực hiện quảng cáo hay không? 


Hãy cùng Luật sư (LS) Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco làm sáng tỏ câu chuyện quảng cáo “xê dịch” này. 


Các hình thức quảng cáo trên phương tiện giao thông


Quảng cáo trên phương tiện giao thông là hình thức đặt quảng cáo trên các phương tiện di chuyển, bao gồm xe buýt, taxi, tàu điện, xe ô tô cá nhân, xe tải, xe khách… Định dạng quảng cáo được chia thành 2 dạng phổ biến nhất là Quảng cáo bên ngoài phương tiện như dán decal, lắp màn hình LED và Quảng cáo bên trong phương tiện như tờ rơi, poster trên tay cầm, banner ở thành xe. 


Quảng cáo trên phương tiện giao thông là hình thức đặt quảng cáo trên các phương tiện di chuyển


3 thế mạnh nổi bật nhất của quảng cáo trên phương tiện công cộng chính là: 


  • Không thể bỏ qua: Tương tự như billboards, người xem không thể tắt quảng cáo trên phương tiện vận chuyển hay đổi kênh. 
  • Lượng khán giả đa dạng: Tiếp cận với nhiều nhóm khách hàng tiềm năng khác nhau. 
  • Tần suất hiển thị dày đặc: Quảng cáo sẽ lặp đi lặp lại tuỳ theo lộ trình di chuyển của phương tiện giao thông. 


Quảng cáo trên tay cầm xe buýt


Các loại hình vận tải công cộng đã giúp cho kênh quảng cáo trên phương tiện giao thông tại Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển. Thế nhưng, muốn sử dụng loại hình này hiệu quả, các nhà đầu tư cần nắm rõ về thủ tục pháp lý và các quy định cần tuân thủ. 


4 quy định “nằm lòng” khi quảng cáo trên phương tiện giao thông


Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi thực hiện quảng cáo trên phương tiện giao thông thì không cần phải xin giấy phép quảng cáo. Tuy nhiên, đơn vị thực hiện quảng cáo và các doanh nghiệp phải tuân thủ theo 4 quy định theo điều 32 Luật Quảng cáo 2012:


- Việc quảng cáo trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của Luật Quảng cáo và pháp luật về giao thông.


- Không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông.


- Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông.


- Việc thể hiện biểu trưng, lô-gô, biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông.


Quảng cáo trên xe bus của “Thor: Tình Yêu Và Sấm Sét” phủ sóng đường phố với ý tưởng chiếc xe “biến dạng” do bị chiếc búa StormBreaker của Thor giáng xuống


Theo LS Hà Huy Phong, quy định “không được dán quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông” và “sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông” nhằm mục đích khiến người tham gia giao thông không bị phân tán sự tập trung bởi những hình ảnh quảng cáo, từ đó tránh ảnh hưởng đến sự an toàn khi tham gia giao thông.


Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008, chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Do đó, việc thay đổi thiết kế, hình dáng của phương tiện giao thông để quảng cáo là trái quy định của pháp luật.


Mức xử phạt với các trường hợp vi phạm


Theo khoản 2 Điều 13 Luật Quảng cáo 2012, đơn vị thực hiện quảng cáo phải chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo do mình trực tiếp thực hiện.


Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Quảng cáo 2012, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm về thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo do mình cung cấp cho đơn vị thực hiện quảng cáo; và liên đới chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo do đơn vị thực hiện quảng cáo thực hiện.


 Đơn vị thực hiện quảng cáo phải chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo do mình trực tiếp thực hiện


Nếu có trường hợp vi phạm xảy ra, quy định tại khoản 2 Điều 43 Nghị định 38/2021/NĐ-CP sẽ đưa ra mức phạt như sau: Hành vi “Quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông” và hành vi “Quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định” sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Đây là mức phạt tiền đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải tháo dỡ quảng cáo vi phạm.


Thiết kế: Đạt Đặng

Nội dung: Tú Nhã, Hằng Trần