Để xây dựng hệ thống thương mại điện tử hiệu quả thì việc lựa chọn nền tảng là rất quan trọng. Doanh nghiệp có thể lựa chọn nền tảng thương mại mã nguồn mở (Open Source), hoặc trên các nền tảng thương mại phần mềm dạng dịch vụ (SaaS, PaaS) tuỳ theo mô hình và kế hoạch kinh doanh thương mại điện tử.


Với các hệ thống thương mại điện tử toàn diện và chuyên sâu, doanh nghiệp nên sử dụng nền tảng mã nguồn mở để có được sự linh hoạt, độ mở rộng tùy chỉnh theo đặc thù sản phẩm và ngành hàng. Ngoài ra, nền tảng mã nguồn mở còn cho phép doanh nghiệp có quyền sở hữu toàn bộ mã nguồn hệ thống và dữ liệu. Chính vì các tính năng vượt trội này, các nền tảng thương mại điện tử mã nguồn mở dần trở thành xu hướng phát triển thương mại điện tử mà nhiều doanh nghiệp hướng đến.


Tuy nhiên việc lựa chọn nền tảng thương mại điện tử mã nguồn mở cần phải được doanh nghiệp cân nhắc và lựa chọn kỹ lưỡng. Vì Hiện nay trên thị trường có khá nhiều nền tảng thương mại điện tử mã nguồn mở (OpenCart, WooCommerce, và Magento,…) và mỗi nền tảng đều có ưu, nhược điểm nhất định. 


1. Nền tảng Thương mại điện tử mã nguồn mở WooCommerce

WooCommerce là một nền tảng thương mại điện tử mã nguồn mở, dưới dạng một plug-in của WordPress


WooCommerce là một nền tảng mã nguồn mở, dưới dạng một plug-in của WordPress được giới thiệu vào năm 2011, hoàn toàn miễn phí và cho phép doanh nghiệp biến website WordPress thành cửa hàng trực tuyến.


1.1. Ưu Điểm

Dễ dàng sử dụng

WooCommerce là một nền tảng quen thuộc đối với các doanh nghiệp đã quen sử dụng công cụ xây dựng website WordPress. Doanh nghiệp có thể dễ dàng biến website trở thành một hệ thống thương mại điện tử khi triển khai plugin WooCommerce vào website WordPress. Từ đó, doanh nghiệp có thể thiết lập, tích hợp, điều chỉnh các chức năng về themes, và add-ons,… đã được xây dựng với tính khả dụng cao từ các nhà phát triển trong cộng đồng mạnh mẽ trên thế giới, giúp cho việc điều chỉnh các chức năng trên nền tảng dễ dàng, và linh hoạt hơn.


Thêm vào đó WooCommerce sở hữu một thư viện biễu mẫu phong phú và được xây dựng kỹ càng và thân thiện với người dùng, do đó doanh nghiệp có thể thuận tiện cho việc thiết kế và xây dựng một hệ thống thương mại điện tử ngay từ lúc ban đầu, mà không cần biết quá nhiều về thông tin chuyên sâu.


Phong phú tính năng và tiện ích bổ sung

WooCommerce cho phép và hỗ trợ các tính năng như quản lý hàng hóa, đơn hàng, hàng tồn kho, tối ưu hóa các công cụ tìm kiếm SEO, chiết khấu, giảm giá, báo cáo thống kê doanh số, dễ dàng tích hợp các đơn vị thanh toán, vận chuyển, tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm trên mọi các thiết bị giúp cho doanh nghiệp dễ dàng xây dựng được một hệ thống chuyên nghiệp để phát triển kinh doanh thương mại điện tử đơn giản và hiệu quả.


Về bảo mật, WooCommerce đảm bảo cho doanh nghiệp có được một sự bảo mật tốt nhất qua các phiên bản được cập nhật thường xuyên trên hệ thống, và cũng đảm bảo an toàn bảo mật cho các giao dịch qua các tính năng hỗ trợ từ các dịch vụ bên thứ ba.


1.2. Nhược Điểm

Hiệu năng thấp

Một trong những nhược điểm lớn nhất cho doanh nghiệp sử dụng nền tảng WooCommerce là hiệu năng thấp, hệ thống dễ quá tải với các plug-in, themes, cũng như số lượng sản phẩm không quá 2000 SKUs, và thường ảnh hưởng đến hệ thống nếu tăng số lượng sản phẩm. Vì vậy khi doanh nghiệp có nhu cầu phát triển và mở rộng quy mô kinh doanh thì cần phải cân nhắc chuyển đổi nền tảng.


Hạn chế tùy biến

WooCommerce là 1 plugin được xây dựng sẵn dành cho WordPress nên doanh nghiệp vẫn được phép tuỳ chỉnh nhưng để xây dựng một hệ thống thương mại điện tử có những tính năng riêng biệt là rất khó khăn. Việc can thiệp chỉnh sửa dễ gây ra sự bất ổn định cho hệ thống cũng như có khả năng các tính năng được xây dựng không tương thích với nền tảng này. Thêm vào đó, để tuỳ chỉnh một hệ thống phù hợp dựa trên hệ thống tính năng sẵn có, doanh nghiệp sẽ gặp khá nhiều khó khăn và tốn nhiều thời gian.


WooCommerce hoàn hảo cho những doanh nghiệp đã quen sử dụng WordPress, và đang có nhu cầu phát triển thêm hệ thống thương mại điện tử. Tuy nhiên, WooCommerce không thật sự hoàn hảo để phát triển hệ thống thương mại điện tử chuyên sâu và mở rộng quy mô kinh doanh. Một số thương hiệu đang sử dụng WooCommerce như Pluralsight LLC, Gordon College, và các thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam như Vietnam Airlines, Pharmacity, v.v.


2. Nền tảng Thương mại điện tử mã nguồn mở OpenCart

Nền tảng thương mại điện tử mã nguồn mở OpenCart được viết bằng ngôn ngữ PHP


OpenCart là một CMS (Content Management System) mã nguồn mở sử dụng ngôn ngữ PHP, tương tự như WorldPress nhưng được thiết kế đặc biệt dành riêng cho thương mại điện tử. 


2.1. Ưu điểm

Giao diện thân thiện và dễ sử dụng

OpenCart cung cấp giao diện trực quan, dễ sử dụng, thân thiện với người dùng, chuyên dụng cho ngành thương mại điện tử. Ngoài ra, OpenCart còn cung cấp kho giao diện và tính năng đa dạng hoàn toàn miễn phí, giúp doanh nghiệp dễ dàng phát triển hệ thống thương mại điện tử chỉ với kiến thức phát triển website và kỹ năng thao tác cơ bản. Việc phát triển và viết một mô-đun cho hệ thống thương mại điện tử trên nền tảng này cũng khá đơn giản vì OpenCart được xây dựng dựa trên mô hình MVC (Model – View – Controller).


Đầy đủ tính năng thương mại điện tử cơ bản và đa dạng tiện ích bổ sung

OpenCart hỗ trợ doanh nghiệp đầy đủ các tính năng thương mại điện tử cơ bản. Vì là một CMS được thiết kế đặc biệt dành riêng cho thương mại điện tử nên nền tảng thương mại mã nguồn mở OpenCart hỗ trợ đầy đủ chức năng thương mại điện tử cơ bản như bán hàng, quản lý thông tin, thống kê, kiểm soát doanh thu, danh sách khách hàng, và hóa đơn. Doanh nghiệp có thể dễ dàng tạo và quản lý nhiều cửa hàng khác nhau trên cùng một hệ thống mà không cần có chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể truy cập, và quản trị mọi dữ liệu của nhiều cửa hàng cùng lúc chỉ với một hệ thống OpenCart. Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quản lý hệ thống thương mại điện tử, OpenCart còn hỗ trợ về mặt tiếp thị như tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), quảng cáo từ khóa (Adwords), các chương trình tiếp thị liên kết (Affiliate marketing), để có thể tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, tăng doanh số bán hàng trên hệ thống thương mại điện tử. 


Ngoài những chức năng Thương mại điện tử cơ bản, thì OpenCart còn có thêm những tiện ích bổ sung hỗ trợ cho doanh nghiệp như thống kê hoạt động mỗi ngày, phân loại hạng mục sản phẩm rõ ràng. Điển hình như tính năng sao lưu và khôi phục, giúp cho doanh nghiệp luôn có sẵn một hệ thống dự trữ, và dễ dàng phục hồi dữ liệu trên hệ thống trong trường hợp khẩn cấp; tính năng: giỏ hàng, hỗ trợ khách hàng mua nhiều sản phẩm một lúc; tính năng quà tặng với những thẻ quà tặng được kèm theo; tính năng khách hàng thân thiết. Thêm nữa, doanh nghiệp có thể tích hợp các tiện ích khác như cổng thanh toán VNPay, và PayCEC, nhằm giúp doanh nghiệp có được một trải nghiệm mua hàng tốt, nhanh chóng, và tiện lợi hơn. 


Cho phép tùy biến

Với các tính năng vốn có của một mã nguồn mở, doanh nghiệp có thể sửa đổi, hiệu chỉnh, tùy biến trên nền tảng OpenCart. Thêm vào đó, nền tảng thương mại điện tử OpenCart còn có hệ sinh thái phong phú có nhiều chức năng phù hợp cho việc kinh doanh thương mại điện tử, doanh nghiệp hoàn toàn có thể khám phá, cũng như phát triển các mô-đun phù hợp để có được một hệ thống thương mại điện tử như ý. 


2.2. Nhược điểm

Tuy nền tảng OpenCart có nhiều ưu điểm phù hợp cho các doanh nghiệp thương mại điện tử, nhưng cũng còn tồn tại một số hạn chế mà doanh nghiệp nên lưu ý khi sử dụng.


Hiệu năng thấp, và không ổn định 

Tuy được đánh giá tốt và thiết kế chuyên biệt cho ngành thương mại điện tử, nhưng hệ thống Opencart vẫn chưa hoạt động ổn định vì các mô-đun, chức năng chưa được linh hoạt, còn xảy ra nhiều lỗi trong thời gian hệ thống vận hành, cũng như các bước cài đặt còn nhiều khó khăn. Do đó doanh nghiệp còn gặp khá nhiều sự cố khi xây dựng và vận hành, ảnh hưởng đến tốc độ xử lý cũng như doanh thu.


Tính năng cần được tối ưu

OpenCart sở hữu rất nhiều tính năng thương mại điện tử trên nền tảng, nhưng những tính năng này vẫn chưa được tối ưu và còn nhiều hạn chế khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi sử dụng và khai thác. Tiêu biểu như tính năng SEO được hỗ trợ trên nền tảng nhưng nhiều khó khăn khi kiểm duyệt nội dung qua Google, chưa hiệu quả như trên nền tảng WordPress. 


Chi phí phát triển tính năng có thể trở nên tốn kém

OpenCart sở hữu một kho có khá nhiều các tính năng cơ bản nhằm phục vụ việc kinh doanh thương mại điện tử một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất, nhưng OpenCart vẫn chưa thể đáp ứng các tính năng nâng cao, chuyên biệt theo đặc thù sản phẩm, ngành hàng và nhu cầu kinh doanh của từng doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ cần đầu tư thời gian và ngân sách để phát triển các tính năng nâng cao.


Nền tảng OpenCart còn khá mới so với các nền tảng khác trên thị trường, còn nhiều hạn chế và cần được tối ưu hóa. Tương tự như nền tảng WooCommerce đây là một nền tảng tốt để bắt đầu kinh doanh thương mại điện tử nhưng không hoàn hảo để phát triển hệ thống thương mại điện tử chuyên sâu đi cùng việc phát triển và mở rộng quy mô kinh doanh của doanh nghiệp. Một số các thương hiệu quốc tế đang sử dụng OpenCart như Sunglass Hut, Virgin Enterprise, Audio-Technica Ltd, và các thương hiệu tại Việt Nam đang sử dụng OpenCart là Mobifone, RitaVo, v.v.


3. Nền tảng Thương mại điện tử mã nguồn mở Magento

Nền tảng thương mại điện tử mã nguồn mở Magento được biết đến với các tính năng vượt trội


Magento là nền tảng mã nguồn mở được xây dựng chuyên biệt cho thương mại điện tử. Đây được biết đến là một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu hiện nay với nhiều ưu điểm vượt trội như khả năng linh hoạt cao, hệ sinh thái đa dạng và tính bảo mật tối ưu. Hiện nay, Magento có 2 phiên bản: Magento Open Source (miễn phí), và Magento Commerce (trả phí).


3.1. Ưu Điểm

Đa dạng tính năng cho Thương mại điện tử từ cơ bản đến nâng cao

Magento sở hữu nhiều tính năng sẵn có từ cơ bản đến nâng cao để phát triển hệ thống thương mại điện tử hoàn thiện bao gồm: Quản lý Danh mục, Quản lý Nội dung, Quản lý Khách hàng, Quản lý Marketing, Quản lý Đơn hàng, Quản lý Cửa hàng, Quản lý Hệ thống, Giỏ hàng và Checkout, Báo cáo & Phân tích. Các tính năng này đã được xây dựng với tính linh hoạt, và tính khả dụng cao để mang lại kết quả vượt trội khi tích hợp vào hệ thống, đáp ứng mọi nhu cầu vận hành và phát triển thương mại điện tử bền vững của doanh nghiệp.


Khả năng mở rộng

Nỗi sợ hãi lớn nhất của tất cả các doanh nghiệp thương mại điện tử là có một hệ thống hoạt động kém, và chậm chạp, hoặc quá tải khi có quá nhiều SKUs. Với Magento, doanh nghiệp không cần bận tâm về các vấn đề này dù có cả triệu SKUs hoặc hàng nghìn giao dịch mỗi giờ. Magento có thể đáp ứng mọi nhu cầu vận hành, và phát triển thương mại điện tử bền vững của doanh nghiệp, với khả năng xử lý lên đến 500,000 sản phẩm, và hàng nghìn giao dịch trong một giờ. 


Tính linh hoạt cao và khả năng tùy biến

Sở hữu mọi ưu thế của nền tảng thương mại mã nguồn mở, Magento có tính linh hoạt và khả năng tuỳ biến vượt trội. Doanh nghiệp có thể dễ dàng thay đổi, phát triển các tính năng mới và chuyên biệt theo đặc thù sản phẩm, ngành hàng, doanh nghiệp… sự thay đổi nhanh chóng của thị trường. Trên hết, doanh nghiệp dễ dàng tích hợp các hệ thống của bên thứ ba như thanh toán, vận chuyển, POS, ERP, CRM, PIM, BI giúp phát triển mọi nguồn lực, quy trình liền mạch mà không ảnh hưởng đến việc mức độ thực thi trên hệ thống thương mại điện tử.


Cộng đồng tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật trên toàn cầu

Đội ngũ chăm sóc khách hàng từ Magento hỗ trợ cho các khách hàng sử dụng phiên bản dành cho doanh nghiệp, Magento Commerce. Đối với các khách hàng dùng phiên bản cộng đồng, Magento Open Source, sẽ không có bất kỳ hướng giải quyết nào từ hệ thống. Tuy nhiên Magento lại sở hữu một cộng đồng tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật mạnh mẽ trên toàn cầu. Vì thế, hầu như các bài toán trong thương mại điện tử mà doanh nghiệp gặp phải đều có thể được giải quyết từ hệ sinh thái Magento hoặc các tiện ích (extention) từ đơn vị thứ ba. Việc sở hữu được một cộng đồng hỗ trợ kỹ thuật mạnh mẽ trên toàn cầu cũng chính là một cách chứng minh mức độ tin cậy, khả năng giải quyết nhanh chóng, và cập nhật liên tục mà nền tảng mã nguồn mở 

Magento mang lại cho hệ thống thương mại điện tử của doanh nghiệp.


3.2. Nhược Điểm

Chi phí phát triển cao

Nền tảng Magento được đánh giá cao với các chức năng vượt trội để phát triển một nền tảng thương mại bền vững, tuy nhiên doanh nghiệp cần đầu tư ngân sách đáng kể để triển khai và phát triển hệ thống. Theo ước tính, một hệ thống đầy đủ chức năng được phát triển trên nền tảng Thương mại điện tử Magento thường có chi phí triển khai và phát triển tối thiểu từ 10.000 – 100.000USD. Ngoài hệ thống tính năng phức tạp và chuyên sâu thì yếu tố quan trọng làm tăng đáng kể chi phí triển khai Magento là đội ngũ chuyên môn giàu kinh nghiệm.  


Thời gian phát triển dài

Vấn đề về thời gian là một yếu tố quan trọng khiến cho các doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ càng khi lựa chọn triển khai thương mại điện tử với Magento. Nền tảng này có thể đáp ứng các yêu cầu hệ thống phức tạp nhất, nhưng để làm được điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều thời gian hơn để phát triển một giải pháp phù hợp. Thông thường một dự án Magento hoàn chỉnh cần thời gian triển khai từ 2-3 tháng, có khi lên đến 1 năm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải phát triển liên tục các thành phần trên hệ thống thương mại điện tử để đảm bảo quá trình vận hành luôn đạt hiệu suất tối ưu. Bên cạnh đó, mức độ phức tạp của hệ thống chức năng đòi hỏi cần đầu tư thời gian để có thể xây dựng các giải pháp phát triển phù hợp. 


Đội ngũ kỹ thuật kinh nghiệm 

Xây dựng hệ thống thương mại điện tử trên nền tảng Magento với nhiều chức năng đặc thù và nâng cao đòi hỏi doanh nghiệp cần có một đội ngũ kỹ thuật chuyên môn, giàu kinh nghiệm nhằm phát triển đúng với các yêu cầu kinh doanh thương mại điện tử chuyên biệt song song với đảm bảo hệ thống thương mại điện tử vận hành hiệu quả.


Tuy cần đội ngũ kỹ thuật nhiều kinh nghiệm, thời gian và chi phí phát triển cao, nhưng Magento vẫn được các doanh nghiệp lớn ưa chuộng bởi các tính năng vượt trội, tính linh hoạt, khả năng mở rộng cao và có được sự tự do phát triển các tính năng đặc thù cho doanh nghiệp. Magento là giải pháp phù hợp cho các doanh nghiệp B2B, và B2C có nhu cầu phát triển một hệ thống thương mại điện tử dài hạn. Có rất nhiều thương hiệu, tập đoàn lớn trên thế giới đang sử dụng nền tảng Magento như là: Walmart, Puma, và Vitamix,… và các thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam đang sử dụng nền tảng Magento: Sendo, Vietnamworks, CGV, v.v.


Vậy nền tảng thương mại điện tử mã nguồn mở nào phù hợp nhất cho doanh nghiệp Việt Nam?

3 nền tảng WooCommerce, OpenCart và Magento đều kế thừa ưu điểm của nền tảng thương mại điện tử mã nguồn mở


Việc lựa chọn nền tảng phù hợp là rất quan trọng trong xây dựng hệ thống thương mại điện tử. Việc này không chỉ góp phần tối thiểu hoá chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian xây dựng hệ thống hệ thống thương mại điện tử mà còn giúp doanh nghiệp gia tăng lợi thế cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành và tăng trưởng bền vững. Ngược lại, lựa chọn nền tảng chưa phù hợp sẽ khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian, chi phí triển khai và chuyển đổi nền tảng nhiều lần. Vì vậy, doanh nghiệp cần xem xét các mục tiêu, vấn đề trong mô hình hiện tại để có thể lựa chọn nền tảng phù hợp nhất.


*Bài viết được viết bởi Buu Chau - chuyên viên Content Marketing tại SECOMM. Bài viết gốc được đăng tải tại Blog của SECOMM.