Bài viết bởi Quỳnh Chi, nhân viên PR tại EloQ Communications, agency chuyên về PR và marketing tại thị trường Việt Nam và Đông Nam Á, và từng được đăng tải tại blog của EloQ.


“Net zero” là gì? 


Net zero, hay “phát thải ròng bằng 0” là một thuật ngữ có nghĩa là không làm tăng tổng lượng khí nhà kính thải vào khí quyển. Theo Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), phát thải ròng bằng không là “Khi lượng phát thải CO2 do con người gây ra được cân bằng trên toàn cầu bằng cách loại bỏ CO2 trong một khoảng thời gian nhất định”.


Hiểu một cách đơn giản, chúng ta cần cân bằng lượng khí nhà kính (KNK) thải vào khí quyển với lượng KNK thải ra khỏi bầu khí quyển ở cấp độ toàn cầu. Nghĩa là, không đưa thêm KNK vào khí quyển. Dù vậy, ngay cả khi đã đạt được phát thải ròng bằng không, con người vẫn cần ứng phó với những tổn hại trong quá khứ, và những tác động của lượng KNK mà chúng ta đã phát thải trước đó vào bầu khí quyển.


Việc hiện thực hóa net zero đang trở thành xu hướng của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Báo cáo từ Liên Hợp Quốc cho thấy có hơn 130 quốc gia trên thế giới cam kết đạt net zero vào năm 2050 và 2070. Trong đó, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng cam kết thực hiện giảm phát thải ròng bằng không đến năm 2050.


Cũng theo báo cáo, số lượng doanh nghiệp và chính phủ cam kết hiện thực hóa mục tiêu net zero đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng chưa đầy một năm. Tuy nhiên, dù đây là dấu hiệu tốt cho thấy các nhà lãnh đạo có sự quan tâm về tình hình biến đổi khí hậu và đang tìm lời giải cho vấn đề này. Song trên thực tế, việc chạy theo xu hướng zet zero dẫn đến sự nghèo nàn trong việc lên kế hoạch và xây dựng chiến lược truyền thông. Kết quả đã làm phát sinh khái niệm ‘greenwashing’, hay còn gọi là ‘lấy mác thân thiện với môi trường’ để làm tăng giá trị và danh tiếng của doanh nghiệp.


Ngành PR và truyền thông cần làm gì để tiếp cận xu hướng net zero?


Truyền thông ngày nay đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải giá trị và kế hoạch kinh doanh của nhiều đơn vị doanh nghiệp, tổ chức chính phủ đến với công chúng. Theo đó, câu hỏi làm thế nào để truyền thông về các hoạt động net zero một cách hiệu quả đang dần trở nên phổ biến trong giới truyền thông. Trong bài viết này, EloQ Communications sẽ gợi ý một số ý tưởng và cách tiếp cận khái niệm này để giúp đội ngũ truyền thông của doanh nghiệp dễ dàng định hình và vạch ra chiến lược phát triển bền vững.


Net zero không chỉ là một xu hướng nhất thời


Các trào lưu hay xu hướng hiện nay đều chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó không còn được mọi người quan tâm nữa. Trong khi đó, bản chất net zero mang tính bền vững, lâu dài. Do vậy, các doanh nghiệp, chính phủ cần đánh giá đây là một mục tiêu dài hạn và có chiến lược đúng đắn, phù hợp với tình hình thị trường. Theo đó, kế hoạch PR cho các hoạt động net zero cũng cần có kế hoạch bài bản, dài hạn theo như những thành tựu thực tế mà doanh nghiệp đạt được trong hành trình theo đuổi mục tiêu net zero.


Bên cạnh đó, lời hứa cắt giảm thải khí CO2 để đạt mức phát thải ròng bằng “0” của nhiều quốc gia nên chuyển tiếp đến bước hành động. Kinh doanh là phải thể hiện, không chỉ “nói bằng lời”. Hãy công khai kế hoạch truyền thông và các bước thực hiện của doanh nghiệp. Sẽ rất khó lấy lại niềm tin của báo chí truyền thông nếu doanh nghiệp chỉ nói về những tham vọng của mình và không làm gì cả.


Tiếp cận thực tế, tránh xa ‘greenwashing’


Các tổ chức phi chính phủ và các nhà đầu tư đều không chấp nhận các doanh nghiệp chỉ vì muốn tăng giá trị của công ty mà đánh bóng tên tuổi bằng ‘cái mác thân thiện với môi trường’ một cách sáo rỗng. Hãng mỹ phẩm Innisfree của Hàn Quốc đã trở thành một trường hợp điển hình về greenwashing.



Cụ thể, vào năm 2022, nhiều người dùng lên tiếng ‘tố’ một sản phẩm làm đẹp từ trà xanh của Innisfree có đề nhãn gây hiểu lầm. Trên chai mỹ phẩm có ghi “Hello, I’m paper bottle” (Tạm dịch: Xin chào, tôi là chai giấy), tuy nhiên thực tế vỏ chai vẫn làm từ nhựa mỏng, kèm thêm một lớp vỏ giấy bao quanh để giúp bao bì cứng cáp hơn. Ý định ban đầu của nhãn hàng là giảm thải lượng nhựa sử dụng trong bao bì, nhưng thông điệp mập mờ đã khiến Innisfree vấp phải nhiều chỉ trích.



Có thể nói, giá trị bền vững của một doanh nghiệp không xuất phát từ những lời quảng cáo hoa mỹ trên truyền hình hay mạng xã hội, mà nó nằm ở mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp dó với môi trường. Greenwashing đã bị gọi là trò ‘mánh khóe’ trong quảng cáo tiếp thị nhằm đánh lừa người tiêu dùng thích mua hàng hóa và dịch vụ từ các thương hiệu có ý thức về bảo vệ môi trường.


Như vậy, những gì các doanh nghiệp cần làm không chỉ dừng lại ở việc đầu tư vào kế hoạch truyền thông mà còn tối ưu hóa hệ thống trong doanh nghiệp sản xuất, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, chế biến/sản xuất, vận chuyển đến người dùng cuối… Cùng với đó, doanh nghiệp nên cung cấp số liệu, hình ảnh thực tế cho khách hàng nhằm tạo niềm tin trong tệp khách hàng của mình. Từ đó, danh tiếng bên ngoài lẫn nội bộ bên trong đều đồng nhất, từng bước tiến đến mức thải ròng bằng “0” trong tương lai.


Biến lối sống ‘ít carbon’ trở thành xu hướng chủ đạo


Bất kỳ một sự thay đổi nào cũng cần bắt đầu từ những bước nhỏ nhất. Net zero là mục tiêu cần nhiều thời gian để đạt được, không chỉ làm trong ngày một ngày hai. Do đó, việc tác động đến cộng đồng trong địa phương sẽ giúp tạo ra những giá trị tích cực và sẽ là bàn đạp vững chắc để mở rộng phạm vi thực hiện net zero.


Là một nhân viên văn phòng, người viết cũng gợi ý doanh nghiệp có thể khuyến khích từng nhân viên trong công ty thực hiện cắt giảm phát thải C02 để hướng đến mục tiêu chung net zero. Qua đó, từ một phong trào bảo vệ môi trường, doanh nghiệp có thể biến hành động này thành văn hóa cốt lõi của công ty, phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững.


Để đạt được mục tiêu cắt giảm phát thải CO2, các công ty và chính phủ cần tiếp cận mọi ngóc ngách trong xã hội, truyền tải những thông điệp có ý nghĩa để chạm đến các đối tượng khác nhau bằng những cách mới và sáng tạo. Ngoài ra, họ cũng cần đồng thời chú ý đến nhu cầu thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu của người dân, xây dựng và lan tỏa rộng rãi với công chúng về những rủi ro biến đổi khí hậu khi thế giới đang ngày càng thay đổi nhanh chóng.