Một nghệ sĩ người Đức đã tạo ra vụ kẹt xe "ảo" trên màn hình Google Maps chỉ với một chiếc xe kéo bốn bánh và 99 chiếc điện thoại thông minh.


Google Maps được xem là một trong những công cụ tốt nhất mà Google đã từng ra mắt. Hàng triệu người sử dụng nó mỗi ngày bởi khả năng điều hướng xe cộ, tránh ùn tắc giao thông và tìm tuyến đường nhanh nhất từ điểm A đến điểm B. Tuy nhiên, điểm mạnh lớn nhất của Google Maps cũng có thể là điểm yếu lớn nhất của nó, điều đó có thể nhận thấy trong video dưới đây.



“Google Maps Hack” là một dự án nghệ thuật của Simon Weckert. Anh chàng nghệ sĩ người Đức đã chất 99 chiếc smartphone đang bật ứng dụng Maps lên xe và kéo chúng vòng quanh những con đường vắng ở Berlin.


Điều bất ngờ là bất cứ nơi nào anh ta đi qua, các tuyến đường màu xanh trên màn hình Google Maps sẽ chuyển thành màu đỏ, cho thấy kẹt xe. Ứng dụng sẽ lập tức điều hướng các tài xế chuyển sang một tuyến đường khác để tránh tắc đường. Như vậy, Google Maps dự đoán mật độ xe lưu thông trong một khu vực bằng cách định vị số lượng điện thoại đang sử dụng ứng dụng.



Weckert cho biết anh đã thực hiện thử nghiệm vào mùa hè năm ngoái nhưng quyết định công bố kết quả trong tuần này để vinh danh sinh nhật lần thứ 15 của Google Maps. "Không có thứ gọi là dữ liệu trung lập. Dữ liệu luôn được thu thập cho một mục đích cụ thể bởi sự kết hợp giữa con người, công nghệ, tiền bạc, thương mại và chính phủ" - Weckert nói thêm.


Tuy chỉ là một thử nghiệm thú vị nhưng có thể nhận thấy một lỗ hổng trong hệ thống Google Maps. Điểm yếu này có thể dễ dàng bị lợi dụng để phá vỡ lưu lượng giao thông bởi các mục đích bất chính. Mặc dù đây có thể là một trường hợp bên lề không quá nguy hiểm nhưng tác giả hy vọng rằng Google nên xem xét nó.



Đáp lại “cú hack” của Weckert, đại diện Google cho biết: "Chúng tôi đã đưa ra khả năng phân biệt giữa ô tô và xe máy ở một số quốc gia bao gồm Ấn Độ, Indonesia và Ai Cập, tuy nhiên đối với xe kéo bốn bánh như thí nghiệm của Weckert thì lại chưa tính đến. Dù sao chúng tôi vẫn đánh giá cao việc vận dụng sáng tạo cơ chế của Google Maps như vậy, nó giúp cho bản đồ hoạt động tốt hơn theo thời gian."


Ngọc Anh / Advertising Vietnam Tổng hợp